Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

CÓ NÊN ĐI BIỂU TÌNH VÌ MÔI TRƯỜNG KHÔNG?

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016 | 12:33

Sau giờ giáo lý, có một số bạn hỏi tôi:

"Hiện tại, khắp Việt Nam, chỗ nào cũng cá chết. Ô nhiễm môi trường nặng quá mà dường như nhà nước chẳng lưu tâm. Vậy, chúng ta, nếu là người Công Giáo, có nên tham gia biểu tình bảo vệ môi trường không? Tại sao?

Tôi trả lời:

Là người Công Giáo, bạn vẫn nên tham gia biểu tình, nếu có thể, vì những lý do sau đây:

Ảnh  trên báo Tiền Phong
1. Là người Công giáo, chúng ta xác nhận mình được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trao cho ta quyền cai quản và làm chủ vũ trụ này (Xc.St 2, 4b-17). Làm chủ nhưng theo tư cách là người quản lý được thông chia phúc phần làm chủ với Thiên Chúa, Đấng vốn là khởi nguyên và cùng đích của mọi sự ,đã trao cho con người. Con người "cày cấy và canh giữ đất đai" (St2,15) chứ không phải muốn làm gì thì làm. Như vậy, ngay từ ban đầu, Thiên Chúa muốn con người gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên và giao cho con người nhiệm vụ đưa nó tới sự hoàn thiện chứ không phải hủy diệt. Một khi hủy diệt, thiên nhiên quay trở lại chống đối con người. Con người trở thành kẻ thù của thiên nhiên. Vậy, nếu bạn xuống đường biểu tình ôn hòa nhằm kêu gọi giới lãnh đạo và người dân có hành động thiết thực và minh bạch để bảo vệ môi trường là bạn đang làm theo ý Chúa - gìn giữ công trình tạo dựng. Đó là điều tốt đẹp.

2. Thiên Chúa dựng nên con người để cho nó được hạnh phúc chứ không phải để cho nó đau khổ. Vì thế, khi bảo vệ môi trường, các bạn đang làm một việc là đảm bảo hạnh phúc cho mình, cho con cháu mình và cho đồng loại. Không có hạnh phúc nào có thể xây dựng trên sự bất an. Xã hội Việt Nam trong những ngày qua, cá chết hàng loạt ở khắp nơi từ Bắc chí Nam, ngư dân mất ngư trường, trẻ em khó thoát khỏi cảnh thất học, người dân bất an khi đổ xô đi mua muối dự trữ cùng với nước mắm. Dân quay lưng lại với hải sản vì không biết nguồn nào đảm bảo. Bất an sao con người có thể hạnh phúc. Bạn nên nhớ, khi Thiên Chúa đã trao tạo thành cho con người, nó vẫn cô đơn, Thiên Chúa tạo nên cho nó một trợ tá tương xứng và con người liền mỉm cười hạnh phúc (Xc. St 2,18-25). Vì vậy, tuần hành ôn hòa bảo vệ môi trường là một hành động thiết thực nhằm cải hóa xã hội, giúp cho chúng ta có được sự bình an tại thế, một bước khởi đầu cho hạnh phúc tại thế và tình huynh đệ trong Đức Mến.

3. Khi nguyện kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn thưa cùng Thiên Chúa: "Lạy Cha chúng con ở Trên Trời." Lạy Cha chúng con chứ không phải lạy Cha của con. Bản thân chúng ta, là Kitô hữu, khi nguyện lời kinh này cũng như đời sống của Kitô hữu luôn đặt mình vào trong mối tương quan lệ thuộc. Không phải là một thứ tương quan nào đó theo ánh mắt trần thế nhưng là tương quan của anh em trong toàn cõi tạo thành, trong Đức Ái. Dù bạn là ai, tin hay không tin vào Chúa, bạn vẫn là anh chị em của tôi trong đức tin vì tôi xác tín rằng: bạn và tôi đều do Chúa dựng ên và giống với hình ảnh của Người. Vì thế, tôi không thể nào làm ngơ trước nỗi đau của người đồng loại, huống hồ đây là anh chị em của tôi. Chính tôi, bạn, chúng ta có trách nhiệm trong phải lên tiếng nhằm cứu lấy anh chị em tôi.

Anh chị em ở đây không dừng lại ở con người với nhau, nhưng, thiên nhiên là đứa em bé bỏng đòi buộc tôi phải bảo vệ như Kinh Thánh đã nói tới trong St 2,16. Thảm họa thiên nhiên vừa qua là tiếng kêu xé lòng của đứa em thiên nhiên đang gào thét kêu cứu. liệu chúng ta có thể nhắm mắt làm ngơ? Thiên Chúa sẽ hỏi câu hỏi tương tự như đã hỏi Cain "Em ngươi đâu?" Em ngươi khong chỉ là con người với nhau nhưng còn là toàn cõi tạo thành.

4. Sẽ có người nói rằng: tập trung nhu yếu phẩm để trao cho họ hơn là lên tiếng vì chả thấy thay đổi chi, uổng công. 

Xin thưa, trao nhu yếu phẩm trong lúc quẫn bách là cần thiết, nhưng trả lại môi trường trong sạch và công việc để họ có kế sinh nhai mới là quan trọng. Chẳng phải Thiên Chúa trao cho con người thiên nhiên để nó làm việc sao. Đức Giêsu cũng đã khẳng định "Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc" (Ga 5,17). Vì vậy, bảo vệ và giữ gìn môi trường cũng chính là cách chúng ta cho thấy vai trò của lao động có giá trị quan trong của lao động trong việc tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một công việc để mưu sinh, để sống và để yêu thương. Chúng ta phải trả lại cho anh chị em mình.

5. Quả vậy, một công việc để mưu sinh, để hạnh phúc là điều cần có đối với mỗi con người. Thánh Irênê nói rằng: "Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống". Sống ở đây không phải chỉ là sự sống thế lý nhưng là sự sống trọn vẹn.

Trong những ngày qua, chúng ta thấy cá chết và một thợ lặn cũng đã chết. Nhưng, cái chết đó không đáng sợ bằng cái chết của con người Việt Nam nói chung. Dân không tin lãnh đạo, lãnh đạo không tin dân. Báo chí cũng không làm dân tin. Dân bóc mẽ báo chí giả tạo. Một cái chết về niềm tin, về tinh thần. Tất cả các mối tương quan bị phá vỡ. Dường như quang cảnh sa ngã trong vườn địa đàng đang được dựng lại với biến cố sa ngã. Thiên Chúa không muốn con người sống trong sợ hãi, e dè và coi nhau như kẻ thù. Vì thế, khi con người sa ngã, Thiên Chúa đã hứa và đã thực hiện lời hứa ấy khi sai Con duy nhất của Người là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đến trần gian hầu nối lại những gì đã mất và nâng con người lên. Chính Đức Giêsu cũng quả quyết:  "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Chính chúng ta, khi tham dự vào chức vị vương đế của Đức Giêsu, chúng ta cũng có bổn phận làm cho anh chị em mình được sống, không những tròn đày về thể lý nhưng sung mãn về tinh thần và tâm linh.

Bạn lại hỏi tôi: ngày 1/5/2016, nhiều người bị bắt bớ và bị quy chụp về quan điểm chính trị, vi phạm pháp luật. Đi như thế thì dễ bị bắt mà mình lại không quen?

Xin thưa, các bạn đi biểu tình vì lý do môi trường chứ đâu phải làm chính trị. Về quan điểm làm chính trị, xin mạn phép không trình bày ở đây. Chúng ta chưa có luật biểu tình thì không có cớ nào nói rằng ta vi phạm luật. Không luât nào cao hơn Hiến Pháp. Hiến pháo 2013 khẳng định tại điều 25 và 43 rằng:
Điều 25

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.


Điều 43
Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ quyền sống của chính bạn chứ đâu phải chuyện chính trị. Chẳng cần đến chính trị bạn cũng cần đảm bảo quyền này. Đành rằng, bất kẻ hành động nào đó đều có liên hệ tới chính trị vì chính trị chi phối hầu hết mọi mặt của đời sống. Song, không thể vì thể mà quy chụp những người đấu tranh ôn hòa bảo vệ môi trường là làm chính trị. Nói như thế là đánh giá thấp người dân theo nghĩa họ không đủ sáng suốt để phân định đâu là chính trị và đâu là các vấn đề thuộc về đời sống và quyền con người. Vậy nên, nếu chờ đợi có luật chúng ta sẽ không có sự thay đổi. Sự thay đổi đầu tiên phải đến từ mỗi người chúng ta.

Trên đây là một số lý do trong muốn vàn lý do khiến chúng ta, những người Công Giáo ần góp tiếng nói của mình - tiếng nói của Tin mừng - tiếng nói yêu thương - nhằm cải biến xã hội vì chúng ta vừa là công dân nước trời nhưng lại vừa là công dân trần thế! Tuy nhiên, mọi hành động của người Công Giáo đều xuất phát từ việc cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, chúng ta đấu tranh để cứu lấy chứ không phải để loại trừ. Trong Thiên Chúa, ta không có kẻ thù mà chỉ có người anh em lỡ bước đang cần đến chúng ta. Chúng ta sẽ luôn sẵng sàng nâng dậy những ai thành tâm sám hối vì không có thánh nhân nào là không có quá khứ và không ai mang tội mà không có tương lai.

Đăng nhận xét