Trong quá trình chia sẻ, một bạn thắc mắc thế này:
Hỏi:
"Em có thắc mắc nếu được mong Thầy giải đáp giúp em: nhà em không theo một tôn giáo nào, chỉ thờ tổ tiên, nhưng có thờ "bàn thờ Thiên". Theo như xơ đã chia sẻ (và em nhớ không lầm Thầy cũng có nói) Thiên Chúa là Ông Trời vậy nên từ xa xưa tuy chưa biết đến Thiên Chúa nhưng người ta vẫn cầu "Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm". Vậy nhà em và nhiều nhà không theo tôn giáo (or những gia đình theo Phật Giáo) đều có bàn thờ "Thiên" phải chăng đây là thờ "Thiên Chúa" ạh?
Trả lời:
Trời theo quan niệm dân gian Việt Nam không nhắm đến một đối tượng thần linh cụ thể nào. Song khi nói tới Ông Trời, hay trời có mắt, người Việt thường coi đó là Đấng Tạo Hóa cai quản mọi loài. Trời là Đấng Siêu Việt vượt trên mọi loài. Tuy chưa được rõ ràng nhưng có thể nói đó chính là Đấng Kitô giáo tôn thờ - hay nói cách khác là chính Thiên Chúa- nếu hiểu theo nghĩa này. Đặc biệt hơn, quan niệm dân gian xưa còn coi Trời trên cả Phật.
Dầu vậy, quan niệm Ông trời ngày hôm nay, dưới sự ảnh hưởng của Phật Giáo, đặc biệt từ Trung Quốc truyền qua, không còn là Đấng Siêu Việt vượt trên mọi loài nữa. Ông trời chỉ vị thế của vị vua của một trong sáu coi luân hồi. Đây cũng là điều mà nhiều anh em Phật Giáo dựa vào đó để chê Đức Giêsu chưa đạt Niết Bàn khi mới chỉ lên Trời. Nếu như vậy, chúng ta bị chấp vào ngôn ngữ và cứ mãi tranh luận không thôi.
Cuộc tranh luận dựa trên câu chữ chả đi tới đâu khi ta không mở lòng mình ra. Song, với các tín hữu Kitô, chúng ta vững tin rằng Thánh Thần đã khơi lên trong lòng con người một niềm tin vào Đấng Tuyệt Đối và dân gian Việt gọi là Ông Trời. Tuy nhiên, từ ông trời có nhiều cách gọi và nghĩa khác nhau như câu:
Con cóc là cậu ông trời, ai đánh cóc thì trời phạt cho.
Câu này không muốn nói tới Ông Trời trong bàn thờ Thiên mà chỉ muốn diễn tả một hiện tượng tự nhiên khi con cóc nghiến răng kèn kẹt thì chắc chắn trời mưa. Đó đơn thuần chỉ là dấu báo trước. Vấn đề quan trọng là chúng ta đừng nệ vào câu chữ nhưng hãy đi vào cốt lõi của vấn đề.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng: khi một số anh chị em ngoài Kitô giáo theo Công Giáo mà gia đình có bàn thờ Thiên, họ đã thích ứng bằng việc đặt tượng Chúa hay Đức Mẹ lên bàn thờ đó với ý niệm : Thiên Chúa mới là Ông Trời thực sự. Một Ông Trời gần gũi và thân thương với con người. Còn tượng Đức Mẹ thì cho thấy: chúng ta cũng cần qua trung gian các thánh để gặp Ông Trời. Tượng chỉ là trung gian và chúng ta cần vượt qua những giới hạn giác quan để đi vào tương quan với Trời Cao.
Để hiểu thêm, xin đọc thêm các bài viết dưới đây:
Trời theo quan niệm dân gian Việt Nam không nhắm đến một đối tượng thần linh cụ thể nào. Song khi nói tới Ông Trời, hay trời có mắt, người Việt thường coi đó là Đấng Tạo Hóa cai quản mọi loài. Trời là Đấng Siêu Việt vượt trên mọi loài. Tuy chưa được rõ ràng nhưng có thể nói đó chính là Đấng Kitô giáo tôn thờ - hay nói cách khác là chính Thiên Chúa- nếu hiểu theo nghĩa này. Đặc biệt hơn, quan niệm dân gian xưa còn coi Trời trên cả Phật.
Dầu vậy, quan niệm Ông trời ngày hôm nay, dưới sự ảnh hưởng của Phật Giáo, đặc biệt từ Trung Quốc truyền qua, không còn là Đấng Siêu Việt vượt trên mọi loài nữa. Ông trời chỉ vị thế của vị vua của một trong sáu coi luân hồi. Đây cũng là điều mà nhiều anh em Phật Giáo dựa vào đó để chê Đức Giêsu chưa đạt Niết Bàn khi mới chỉ lên Trời. Nếu như vậy, chúng ta bị chấp vào ngôn ngữ và cứ mãi tranh luận không thôi.
Cuộc tranh luận dựa trên câu chữ chả đi tới đâu khi ta không mở lòng mình ra. Song, với các tín hữu Kitô, chúng ta vững tin rằng Thánh Thần đã khơi lên trong lòng con người một niềm tin vào Đấng Tuyệt Đối và dân gian Việt gọi là Ông Trời. Tuy nhiên, từ ông trời có nhiều cách gọi và nghĩa khác nhau như câu:
Con cóc là cậu ông trời, ai đánh cóc thì trời phạt cho.
Câu này không muốn nói tới Ông Trời trong bàn thờ Thiên mà chỉ muốn diễn tả một hiện tượng tự nhiên khi con cóc nghiến răng kèn kẹt thì chắc chắn trời mưa. Đó đơn thuần chỉ là dấu báo trước. Vấn đề quan trọng là chúng ta đừng nệ vào câu chữ nhưng hãy đi vào cốt lõi của vấn đề.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng: khi một số anh chị em ngoài Kitô giáo theo Công Giáo mà gia đình có bàn thờ Thiên, họ đã thích ứng bằng việc đặt tượng Chúa hay Đức Mẹ lên bàn thờ đó với ý niệm : Thiên Chúa mới là Ông Trời thực sự. Một Ông Trời gần gũi và thân thương với con người. Còn tượng Đức Mẹ thì cho thấy: chúng ta cũng cần qua trung gian các thánh để gặp Ông Trời. Tượng chỉ là trung gian và chúng ta cần vượt qua những giới hạn giác quan để đi vào tương quan với Trời Cao.
Để hiểu thêm, xin đọc thêm các bài viết dưới đây:
( Lm. Anphong Trần Đức Phương)
Những người chủ trương “Vô thần” trong những thế kỷ trước đây, đặc biệt Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), Jean-Paul Sartre ( 1905-1980), đã tuyên bố “Thiên Chúa đã chết!” (Dieu est mort! God is dead!).
Sartre đã chết vào năm 1980. Hồi đó có người đã đăng lên báo lời Cáo phó: “Jean-Paul Sartre đã chết” và dưới ký tên “Thiên Chúa.”
Nietzche đã chết! Sartre đã chết! Những đồ đệ của các ông hồi đó, bây giờ cũng đã chết. Các danh nhân hào kiệt một thời lừng lẫy tên tuổi như Thành Cát Tư Hãn, A-Lịch-Sơn Đại Đế, các Hoàng Đế Rôma uy phong lẫm liệt, Tần Thủy Hoàng, các lãnh tụ độc tài ‘coi trời bằng vung’ như Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông…đều đã chết. Nhưng Ông Trời (Thiên Chúa) ‘vẫn sống’ và suốt ngày người ta vẫn kêu Ông Trời ‘Trời ơi!’ (Oh my God! Mon Dieu!...) . Người ta ‘kêu Trời’ cả khi vui, cả khi buồn, cả khi bất mãn, cả khi thỏa lòng.
Người ta kêu Ông Trời để cầu xin:
“Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…”
Người ta cũng kêu Ông Trời để than vãn:
“Trời hành cơn lụt mỗi năm…”
“Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi…”
“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”
Người ta cũng nại đến Ông Trời để thề, để chứng minh lòng thành của mình:
“Hoàng Thiên hữu nhãn!”
“Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân!”
Con người từ thuở xa xưa cũng đã nhận ra ‘có Ông Trời’ và bằng nhiều cách khác nhau tìm cách để ‘cúng vái Ông Trời’. Tại Việt Nam thời các vua chúa, cũng có ‘Điện Thờ Trời’ và ngày đầu năm mới, vua phải thân hành đến điện để cúng Trời và cầu cho ‘quốc thái dân an’.
Quan niệm về ‘Ông Trời’ thật khác nhau tùy theo các chủng tộc, các địa phương và biến chuyển qua thời gian và thường rất mơ hồ. Mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc đều có tiếng để chỉ “Ông Trời”. Việt Nam chúng ta có nhiều tiếng để chỉ “Ông Trời”: Trời, Thượng Đế, Hoàng Thiên, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa...
Con người thường rất sợ Ông Trời và lo lắng để tránh bị Trời phạt tội. Các tai ương, bịnh tật…đều được coi như do Ông Trời gây ra để phạt tội con người. Từ mối sợ hãi mơ hồ này, người ta đã ‘sáng tạo’ ra biết bao “Ông Thần” để thờ cúng: Thần Sông, Thần Núi, Thần thủy, Thần Hỏa… Các tinh tú cũng được gán cho danh hiệu ‘thần’: Thần Mặt Trời, Thần Vénus, Thần Jupiter…
Việc thờ cúng nhiều khi trở thành ‘mê tín dị đoan’, có khi giết người để thờ cúng Thần. Có nơi thờ bò, thờ khỉ, thờ cá ông voi,vv…
Cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã nhận ra TRỜI như là Thượng Đế (Vua trên hết các vua). Các vua ở trần gian là con của Trời, vì thế gọi là “Thiên Tử” (Con Trời), ‘thay Trời để trị dân’. Cha ông chúng ta cũng nhận ra chỉ có một Ông Trời. Trong chữ Nho, chữ Trời (Thiên) gồm có bộ ‘nhất’ và ‘đại’ nói lên ‘Trời là vị lớn duy nhất’. Tôi nhớ hồi trước Linh mục Nguyễn Văn Thích (1891-1978), giáo sư Đại Học về Triết Đông, đã say mê giảng về chữ ‘Thiên’ (theo quan niệm triết học Á Đông như trên). Hỏi ra tôi mới biết Cha Thích ( cũng như Cha Bửu Dưỡng , 1907 – 1987) đã nhận ra ‘Ông Trời’ khi còn tuổi thanh niên và đã quyết tâm tìm cách gia nhập vào “Đạo Trời” (Thiên Chúa Giáo) dù gặp bao trở ngại, kể cả việc phản đối mạnh mẽ của gia đình. Chỉ mãi tới tuổi 28, mới được chịu phép “Thánh Tẩy” để gia nhập Giáo Hội công Giáo. Sau đó lại muốn dấn thân đem cả cuộc đời để phục vụ ‘Trời’ và ‘Tha Nhân’, nên đã bỏ mọi sự để ‘đi tu’ làm Linh Mục, và suốt cuộc đời sống khổ hạnh để rao giảng về “Đạo Trời” cho mọi tầng lớp dân chúng, ở các giáo xứ, hay trong các trường Đại Học: “Đạo” không còn phải chỉ là con đường sống cho xứng con người tự nhiên; hoặc không phải chỉ là một nền luân lý, một nền tảng đạo đức để noi theo mà sống ‘đạo làm người’; nhưng ”Đạo” còn là con đường để đi đến với Ông Trời chính danh, Đấng đã dựng nên con người, và vũ trụ, cũng như mọi vật trong vũ trụ, đúng theo nghĩa của ‘Religion’ với nguyên ngữ tiếng La-Tinh ‘Religere’ là “nối kết”; “Đạo” vì thế có nghĩa là con đường đưa ta đến với Trời và đi đến với nhau; nối kết Trời với con người và nối kết con người với nhau. Trời chẳng nhũng là Tạo hóa mà còn là Cha và mọi người đều là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại.
Kinh Thánh (The Bible) cho chúng ta biết Trời đã dựng nên con người ‘theo hình ảnh’ của Trời ( Sách Khởi Nguyên 1,27); vì thế khác hẳn mọi loài vật khác, con người có trí thông minh, biết suy tưởng, có lý luận, biết tìm hiểu và tiến bộ không ngừng. Con người lại được Trời ban cho có ý thức tự do, và vì thế cũng có trách nhiệm: mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính cuộc đời của mình, và liên đới trách nhiệm với tha nhân trong liên hệ gia đình nhân loại. Vì có ‘Tự do’ và ý thức trách nhiệm nên mới ‘có tội’ và ‘có phúc’.
Ông Trời cũng dựng nên con người có ‘Xác’ và có ‘Hồn thiêng’ , và vì thế con người có thể liên kết với Trời là ‘Đấng thiêng liêng’ và con người cũng tồn tại mãi mãi (trường sinh bất tử). Chết chỉ là chết ‘thể xác’ nhưng hồn thiêng vẫn còn sống mãi (Chết là thể phách, còn là tinh anh). Chính khi ‘chết’ lại là lúc con người được bước vào cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh hằng. Vì thế, tiếng Việt Nam rất đúng khi cùng chữ ‘Qua đời’ để chỉ về sự chết: Qua cuộc đời ngắn ngủi này để về cuộc sống vĩnh hằng. Chính vì thế mới có câu nói ‘sống gửi, thác về’, về đâu? Về quê thật là Nước Trời, về với Chúa là Cha, Đấng đã dựng nên mình.
Cũng theo Kinh Thánh, Trời không bao giờ xa con người. Trời đã dựng nên con người theo ‘hình ảnh của Trời’, và không bỏ rơi con người muốn sống thế nào tùy ý (như quan niệm của nhóm Deism). Nhưng Trời vẫn quan phòng mọi sự trên thế giới này để phục vụ con người theo chương trình ‘cứu rỗi’ của Ngài dọc theo dòng lịch sử của nhân loại.
Hơn nữa, để con người hiểu rõ hơn về Trời, chính Trời đã đến với con người, đã ‘nhập thể’ và sống cuộc đời như con người, hòa mình với mọi người, nhất là những người nghèo khó, khổ đau.” Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta” (Gioan 1,14) để tỏ hiện cho con người biết về Thiên Chúa thật và cách thờ phượng Ngài cho đúng cách. Con người đã biết Ngài như Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa v.v… Nhưng Thiên Chúa nhập thể đã dạy cho chúng ta biết “Thiên Chúa là Tình Yêu!” (1 Gioan 4,8). Là Tình Yêu, Ngài cũng là Cha của mọi người chúng ta. Ngài là ‘Cha nhân từ hay tha thứ’ (Xin đoc Luca , chương 15) , chứ không phải là Đấng chỉ nhằm ‘phạt tội’ hay ‘bắt tội’ con người!
Chúng ta là con cái của Chúa , và là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại (Tứ hải giai huynh đệ!). Dù da đen, da trắng, da vàng… Dù nói bao nhiêu thứ tiếng khác nhau, chủng tộc khác nhau… nhưng ‘dị biệt trong Duy Nhất’, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện với Ngài bằng các thứ tiếng khác nhau: “Lạy Cha chúng con…( Mátthêu 6,9…). Có thể sánh ví nhân loại chúng ta như một vườn hoa: Vườn hoa nhân loại có đủ mọi thứ hoa, màu sắc khác nhau, hương thơm khác nhau, thật dị biệt, nhưng lại hòa hợp với nhau thành một sự hài hòa tuyệt vời!
Nếu nhân loại nhận biết và sống theo Tin Mừng tình thương của Chúa, thì nhận loại sẽ có thể sống trong hòa bình, yêu thương như anh em một nhà. Rất tiếc, qua dòng lịch sử, con người đã dùng tự do Chúa ban để chống lại chính Thiên Chúa, sống thác loạn theo tự do vô lối, theo thú tính ích kỷ ham danh lợi thú, chối bỏ Thiên Chúa là Cha, chiều theo các ‘thần giả dối’, thờ ‘ngãu tượng’. Khi con người đã chối bỏ Thiên Chúa, chủ trương ‘vô thần’ thì cũng dễ sống ‘vô luân’ (vô luân thường đạo lý). Khi “ Thiên Chúa đã chết ”, thì nhân loại không còn là một gia đình nữa, con người không còn anh em với nhau mà “Người này là hỏa ngục của người khác!’”(L’Enfer, c’est les Autres, Jean-Paul Sartre). Con người nhìn nhau như thù địch, rình mò hãm hại lẫn nhau, dèm pha, nói xấu, tìm cách để tiêu diệt lẫn nhau. Vì thế, những kẻ vô thần tìm cách lật đổ Thiên Chúa, phá bỏ ‘Thiên đàng’ để quyết tâm xây dựng thiên đàng ngay trên trần thế này , nhưng hóa ra lại xây dựng ‘hỏa ngục’, và con người trở nên ‘qủy dữ’ giết nhau không thương tiếc. Hitler đã giết bao nhiêu triệu người, ngoài sáu triệu người có dòng máu Do Thái. Các lãnh tụ Công sản như Lenine, Stalin, Mao Trạch Đông… đã tàn sát bao nhiêu triệu người để xây dựng thiên đàng hạ giới!
Trong đêm Thiên Chúa giáng sinh làm người để ở giữa chúng ta’ (Emmanuel), các mục đồng cùng với các Thiên Thần đã đến thờ lạy Đấng Hài Nhi mới sinh, và các thiên thần đã hát lời “Vinh danh thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Thiên Chúa đã xuống thế làm người đem bình an đến cho thế giới; nhưng chỉ những người thành tâm thiện chí mới cảm nghiệm được bình an thật của Chúa, mới biết sống yêu thương và chung tay xây dựng hoà bình trong gia đình, trong thế giới.
Mùa Vọng 2007
Tìm hiểu về bàn thờ Ông Thiên
Tục thờ Thông Thiên
Tục thờ Thông Thiên là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự "Trời - Phật - Thánh - Thần", nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.
Trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà).
Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được "thông" đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.
Bàn thờ Thông Thiên
Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối - là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương - nơi ở giữa Trời và Đất.
Hình thức thờ Trời cũng được thực hiện trong nhiều tôn giáo xuất hiện ở miền Nam. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn, có nghĩa là "mắt của Trời", với biểu tượng hình một con mắt, tượng trưng cho Thượng Đế toàn năng, thấu rõ tất cả những hành vi của con người. Đạo Hòa Hảo ngoài việc thờ Cửu Huyền Thất Tổ và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, mỗi gia đình tín đồ còn có một bàn thờ Thông Thiên trước sân nhà để tưởng nhớ Trời Đất.
Đối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì "cầu Trời, khẩn Phật" để cho "tai qua, nạn khỏi". Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là "Ông", ông Trời có mắt: "Trời ơi ngó xuống mà coi. Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu" (ca dao), và cũng có tai "Ai ơi chớ có ăn lời. Bụt kia có mắt, ông Trời có tai" (ca dao). Và ông Trời là người có trách nhiệm nên người ta tin rằng "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ", "Trời sinh, Trời dưỡng", "Trời không phụ lòng người".
Như vậy, ông Trời từ một "đấng siêu nhiên" đã đi vào nhà người nông dân Nam Bộ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, thấy được những khó khăn, vất vả của người nông dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, hết sức tự nhiên.
Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng "ông Trời".
Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.
Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm - dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông - tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.
Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông - có tròn, có âm - có dương.
Theo Huỳnh Thăng (Cà Mau Online
Bàn Thông Thiên
Huỳnh Ái Tông
Trong tín ngưỡng dân gian miền Tây, người ta thấy có hình thức thờ phượng ở ngoài sân, thường gọi là Bàn Thông Thiên.
Bàn Thông Thiên là danh từ để chỉ cho chỗ thờ phượng ở ngoài trời, thông thường nó gồm có một cây trụ cao hơn mặt đất chừng 2 thước, đặt ở trong sân nhìn thẳng vào chính giữa nhà, trên cây trụ người ta đặt một miếng ván vuông, hoặc một tấm xi măng cốt sắt cũng vuông, cạnh chừng 3 tấc, đơn giản nhất là người ta dùng miếng gạch tàu đặt lên đó.
Trên chỗ thờ này, nhất thiết có một lọ cắm hương hình trụ bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Dĩ nhiên nhà giàu người ta dùng toàn đồ sứ, nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hủ tương để cắm hoa.
Phía sau Bàn Thông Thiên có thể là cái hàng rào, hoặc trồng một cây hay chậu kiểng để làm bình phong, phía trước Bàn Thông Thiên người ta đắp đất cao hơn xung quanh, hoặc lót gạch, để sau cơn mưa nền khô ráo cúng lạy dễ dàng, xung quanh người ta trồng hoa hay đặt những chậu kiểng, làm tăng thêm chỗ trang nghiêm thờ phượng.
Mỗi tối người ta thắp hương cúng trên bàn thờ ông bà ở trong nhà, sau đó ra thắp hương cho Bàn Thông Thiên. Lạy bàn thờ ông bà bốn lạy, người ta cũng lạy Bàn Thông Thiên bốn lạy.
Vì sao có Bàn Thông Thiên, đây là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng, có người cho rằng xưa người ta lập hương án trước nhà để nghinh đón vua, sắc thần … vì lập rồi dẹp, dẹp rồi lập cho nên người ta làm như vậy cũng như hương án để lưu niên, khỏi tốn công lập và dẹp. Thoạt tiên nghe thuyết này cũng có lý nhưng không thực tế, vì đất miền Nam mới có sau này, vua chẳng hề ngự tới, còn sắc thần rất ít làng có, làng nào có mỗi năm cúng một hai lệ, đâu có phải hàng ngày, hàng tháng mà phải làm rồi để luôn biến hương án thành Bàn Thông Thiên.
Có người cho rằng Bàn Thông Thiên là tín ngưõng dân gian thờ Trời Đất, Trời tròn là cái lọ cắm hương hình trụ, thân có miệng tròn, còn Đất vuông là cái bàn bằng gỗ hay xi măng hoặc miếng gạch tàu. Dựng lên thuyết này xét ra hợp lý, như Vua hàng năm tế ở Đàn Nam Giao, gồm có một nền tròn xây trên một nền vuông, biểu hiện cho Trời, Đất đạo lý Âm, Dương ngũ hành sinh hóa. Bàn Thông Thiên nôm na thờ Trời Đất là hợp lý, nhưng thêm ý nghĩa Trời tròn, đất vuông chỉ là lối giải thích, bởi vì nó quá sâu sắc đối với người bình dân, họ không dụng tới nghĩa lý sâu xa ấy.
Làm sao để giải thích vì sao người Nam có Bàn Thờ Thông Thiên này tức là thờ Trời Đất, nó không phải là một thứ Đạo như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo, nhưng nó là tín ngưỡng. Cho rằng nó không phải là một Đạo vì nó không có giáo chủ, không có quy luật hành trì. Vậy thì do đâu mà có Bàn Thông Thiên ?
Theo chúng tôi nghĩ, người Việt chúng ta vốn có sẵn tín ngưỡng, trong mỗi gia tộc đều có Từ đường, mỗi năm con cháu tụ tập lại để cúng quảy ông bà, thôn làng thì có đình chùa, đình thờ Thần hoàng, Thổ địa, chùa thờ Phật, Bồ Tát. Khi những người đầu tiên vào Nam lập nghiệp, những nơi có quy hoạch lập thành xóm, thành làng thì người ta cũng dựng ngôi Đình để thờ Thần, nhưng Thần không có Sắc của vua phong, không có tên tuổi là người ta thờ Thần linh để cầu được phước gọi nôm na là Phúc Thần.
Có những người sống lẻ loi ở vùng đất mới, không thể dựng nên cái Đình, nhưng do có lòng tin ông Trời là đấng tạo hóa muôn loài, nên người ta lập bàn thờ lộ thiên ở trước sân nhà, chỗ trang trọng nhất để thờ đấng Tạo hóa, rồi nhà nọ bắt chước nhà kia, lâu ngày thành một thứ tín ngưỡng.
Đã thờ Trời, thì phải gọi là Bàn Thờ Ông Trời cũng như Bàn Thờ Ông Địa ở trong nhà, sao lại gọi là Bàn Thông Thiên, có người cho rằng thoạt tiên gọi là Bàn Ông Thiên nhưng dần dần biến âm thành Thông Thiên, theo thiển nghĩ của chúng tôi, dân gian tin rằng ông bà thì ở trên bàn thờ, nhưng ông Trời không ở trên cái bàn thờ giữa sân đó, ông Trời vẫn ở trên Trời cao, cho nên thông qua chỗ thờ tự đó người ta kính ngưỡng, cầu nguyện “đấng Hoàng Thiên, hậu Thổ”, chính vì vậy mà người ta gọi là Bàn Thông Thiên, không ai gọi đó là Bàn Thờ Thông Thiên mà cũng không gọi là Bàn Ông Thiên.
Đến năm Kỷ Mão 1939. ông Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Phật Giáo tại làng Hòa Hảo tỉnh Châu Đốc, được gọi là đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tín đồ tôn xưng ông là giáo chủ. Người đặt ra những bài cúng lạy Cữu huyền ở trong nhà, lạy bốn phương tám hướng ở Bàn Thông Thiên, cũng như ngày xưa đức Phật đã dạy Kinh Lục Phương cho chàng thanh niên Thiện Sinh vậy.
Việc cúng lạy thì hàng ngày người ta thay nước cúng, thay hoa, buổi chiều tối thắp hương cúng lạy, nguyện: “Hoàng Thiên, Hậu Thổ phù hộ cho quốc thái, dân an mùa màng được thịnh vượng”. Những ngày rằm, mồng một, nhất là những ngày lễ Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn, đêm Giao thừa người ta cúng trái cây hay bánh.
Bàn Thông Thiên là tín ngưỡng của hầu hết người miền Nam, không riêng gì người ở Miền Tây hay Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngày 13-01-2012
Bàn thờ thông thiên vùng Lục Tỉnh
Bàn thờ thông thiên vùng Lục Tỉnh
March 29, 2013
March 29, 2013
Nam Sơn Trần Văn Chi
Ở vùng quê Lục Tỉnh, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà. Gọi là bàn Thông Thiên, bàn Ông Thiên, bàn Phật Thiên, hay bàn Thiện, cách nào cũng đúng.
Dù với bất cứ danh gọi nào, thì mục đích và ý tưởng của cư dân vùng đất này qua bàn thiên đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất phong phú, thanh cao, an lạc!
Bàn thờ thông thiên trước một căn nhà ở miền quê Nam bộ. (Hình: Internet) |
Trên bàn thiên có một lọ cắm hương bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái dĩa đựng 4 chén chung nước. Nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hũ tương để cắm hoa.
Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt ba nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời.
“Bàn thiên” có từ thời khai hoang
Người khai hoang có câu nói “Tiền hiền khai khẩn. Hậu hiền khai cơ”, như nhắc lại cái ngày bỏ vùng Thuận Quảng xa xôi đến xứ sở lạ lùng đàng Trong sông nước mênh mông. Thuở đó con người lưu dân cảm thấy mình cô đơn nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chỉ còn biết đặt niềm tin vào đấng thiêng liêng tối cao đó là “Ông Trời”.
Con người ta lúc đó lấy bản thân mình làm chủ thể để suy ra nguyên tắc định hướng Trời đất: Ðông vi tả, Tây vi Hữu, Nam vi tiền, Bắc vi hậu. Nghĩa là hướng Ðông bên trái, Tây bên phải, Nam phía trước, Bắc phía sau mà định hướng cho ngôi nhà. Theo nguyên tắc này, những ngôi nhà đầu tiên dựng lên trên vùng đất mới, luôn quay mặt về hướng Nam.
Ðể mỗi khi bái tế người ta phải quay mặt vô bàn thờ tức là quay mặt về phía Bắc mà hoài niệm tri ân tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ về tổ tiên Ngũ Quảng.
Ðặt bàn thiên tính từ ngạch cửa nhà cách khoảng 1 trượng (khoảng 4m) cắm cột “bàn thiên” giữa sân nhà nơi trống trải để ngó thẳng lên trời, hướng về phương Nam.
Vật cúng cũng đạm bạc đơn sơ như cơ ngơi của nó: Gạo và muối, ông cha ta rất quý trọng. Ðến đêm ba mươi Tết. Trừ Tịch giao thừa mừng năm mới bàn thiên cũng là nơi thiết lễ “Tống cựu nghinh tân” các ông Hành binh, Hành khiển, vật cúng có khá hơn nhưng không ngoài sản phẩm nông nghiệp.
Theo các kỳ lão thì lời khấn vái trước “bàn thiên” cũng giản dị nhầm cầu nguyện gia đình bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi làm ruộng trúng mùa mà đối tượng cầu nguyện là “trời đất” và người “khuất mặt khuất mày”.
Sau khi cầu nguyện bàn thờ trong nhà xong, thì ra ngoài Trời chỗ bàn Thông Thiên, lạy 4 hướng mỗi hướng 3 lạy, lạy đứng hay lạy quỳ tùy theo lúc mạnh yếu, nếu không lạy được thì xá 4 hướng mỗi hướng 3 xá.
Ý nghĩa việc thờ Thông Thiên
Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín, cắt nghĩa “Bàn Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên: Bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn”.
Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1.5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0.4m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một bình hương và 4 ly nước mưa và bình bông nhỏ.
Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.
Ðối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có toàn năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì “cầu Trời, khẩn Phật” để cho “tai qua, nạn khỏi”. Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là “Ông”, ông Trời có mắt.
Bàn Thiên hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: Có vuông-có tròn, có âm-có dương.
Trong văn chương truyền khẩu của người Việt còn lưu lại tín ngưỡng thờ Trời
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”
Ðến những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 ở miệt Tiền Giang và Hậu Giang người ta nghĩ ra cách đúc bàn thờ Ông Thiên bằng xi măng cốt sắt và để bán tại chỗ hoặc có ghe chở bán khắp các làng quê trong vùng. Do vậy sau này, ít thấy bàn thờ ông Thiên làm bằng cây vông, cây gòn, gốc tre…
Tại tiểu bang Cali Hoa Kỳ gần đây thấy xuất hiện một ít bàn Thiên trong khu người Việt sinh sống, dầu hình thức, vị trí bàn thờ không như còn ở quê nhà!
***
Bàn thờ Thiên, tín ngưỡng thờ Trời, đã góp vào sự đa dạng và phong phú của đời sống tinh thần, vào văn hóa phi vật thể của người Việt Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Có sự tương đồng, thống nhất với người Việt ở các vùng miền đất nước, vừa có nét riêng của vùng miền Tây Nam.
Bàn thờ thiên, và tín ngưỡng thờ Trời, cho thấy thêm nét riêng văn hóa người Việt ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long chính là sự tồn tại trong một không gian xã hội khác với miền Ðông và khu vực khác. Ðó cũng còn là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa người Việt và các tộc Chàm, Tàu, Miên cộng cư trên vùng đất Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
Bàn thờ Thiên mang đậm đà tính mộc mạc, giản dị, chân thành của đất phương Nam, gần gũi với đất với Trời. Thờ kính Trời như một đấng tối cao, giãi bày tâm hồn và tin nơi Trời, phó thác cuộc sống riêng tư và gia đình nơi Ông Trời siêu việt hằng quan tâm đến cuộc sống của người dân nhu ca dao:
-Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau
-Lạy Trời cho cả gió Nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn căng buồm tiến ra.
Đăng nhận xét