Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

"EM NGƯƠI ĐÂU"

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015 | 08:09

 Bài liên quan: LÃNH ĐẠO VÔ CẢM 

Mấy hôm nay, dân mạng ì xèo với chuyện đưa cá thịt ươn thối vào trường học cho học sinh ăn nhưng phó phòng giáo dục nói đó là chuyện bình thường. Có lẽ với ông, chuyện nhẹ tựa lông hồng vì những đứa trẻ phải ăn những thức ăn đó chẳng liên quan gì đến mình. Chúng đâu phải con cháu mình.

Sau chuyện này tới chuyện tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quang Nam xây dựng với vốn đầu tư 411 tỷ đồng. Chuyện tưởng chừng đã im vắng nhưng nay lại nổi cộm trên facebook. Đó là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Song, nhiều người tự hỏi: Xây mà chi khi những tượng đài còn sống sờ sờ ra đó đang còm cõi từng ngày. Dựng làm gì khi biết bao trẻ em không được cắp sách tới trường hoặc đội mưa gió giá rét vượt sông suối để đến trường. Tượng đài hoành tráng và nhất mà chi khi những cái xấu ở Việt Nam đang đứng hàng top.

Cái nhất ấy trở nên hay ho hơn khi chỉ trong mấy ngày tết có tới hơn 6200 người nhập viện vì đánh nhau mà Bộ Y Tế cho là bình thường, khi chia đều cho 63 tỉnh thành, bình quân mỗi tỉnh thành chỉ khoảng 11 người. Không biết tự khi nao cái đau khổ được chia bình quân. Không biết vị Bộ trưởng và các vị đứng đầu nhà nước thế nào, nhưng  điều nhìn thấy là thái độ dửng dưng của người lãnh đạo. Không biết vì sao mà Việt Nam lại có những nhà lãnh đạo như thế!?

Những nhà lãnh đạo tài ba ấy còn chủ chương bắn pháo hoa thật nhiều cho dân quên đi cái khổ. Ôi, lãnh đạo thương dân quá. Thương dân và bảo vệ dân đến mức lễ hội đền Gióng cướp hoa tre bằng vũ lực lại được gọi là cướp có văn hóa. Công nhận, dân cũng hớn hở ùa ra xem bắn pháo hoa trong chốc lát vui vẻ nhưng sau đó trở về với khuôn mặt như gỗ đá trước sự cơ cực của công nhân dọn rác. Cướp có văn hóa đến mức các chàng thanh niên hạ cẳng tay thượng cẳng chân. Tất cả chỉ vì cái lộc mà quên đi người quanh mình. Hóa ra, từ trên xuống dưới quá nhiều người dửng dưng và hớn hở vui cười trước khuôn mặt nhăn nhó của người khác. Họ đang lấy đó làm hạnh phúc.

...

Và còn  nhiều lắm những chuyện như thế kể chẳng hết trong xã hội Việt Nam. Tất cả chỉ có thể nói một câu: Một xã hội mục ruộng và suy trầm về tương quan. 

Sở dĩ có thể nói như thế vì người lãnh đạo đâu coi dân là người liên quan tới mình nên sẵn sàng tận thu từ túi của người dân mà tiêu xài phung phí trong những dự án công với cái được gọi là hoành tráng nhất. Và cũng chẳng liên quan gì đến mình khi những người được coi là nhà khoa học Việt Nam bất chấp quy trình khẳng định mình thành công trong việc ghép tế bào gốc chữa ung thư vú.* Sự hấp tấp từ nhà lãnh đạo đến nhà khoa học sẽ kéo đất nước này đi xuống vì chưa ý thức sâu ra những phá ngôn và kế hoạch của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến dân chúng, thậm chí tính mạng con người. Cũng bởi thế mà người ta chỉ nhăm nhăm lo tăng giá xăng và phí môi trường trên xăng cũng như thuế này thuế nọ để tăng ngân sách mà quên đi sự điêu đứng của bao người, nhất là các doanh nghiệp và công nhân. Luật và thuế cứ đặt ra mà không đưa vào trong tương quan tổng hòa. Đây là một trong những nguyên nhân của biết bao vấn đề bạo loạn và suy trầm của xã hội hôm nay.

Nhưng thôi, không nói tới mấy chuyện ấy nữa kẻo lại bị coi là làm chuyện chính trị. Thật chả muốn dính dáng gì tới chính trị chính em. Tôi thắc mắc: câu hỏi sưa Thiên Chúa hỏi Ca-in về em mình:


9 ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: "A-ben em ngươi đâu rồi? " Ca-in thưa: "Con không biết. Con là người giữ em con hay sao? "10 ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!
St 4, 9-10
Tưởng rằng câu hỏi không cần phải nêu lên trong xã hội hôm nay nhưng lại vẫn cứ được vang vọng mãi. Và câu trả lời vẫn là như thế. Con người vẫn thích xắm vai Ca-in khi coi người khác chẳng dính dáng gì đến mình. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về người anh em tôi! Mấy kẻ đó đâu phải là đưa tôi phải canh giữ. Con người với nhau còn như thế huống hồ thiên nhiên vạn vật. Mối tương quan cứ dần bị cắt đứt, đặc biệt là mối tương quan của tình thương.

Tới đây, cũng cần tự chất vấn chính mình. Chúng ta đã làm gì để kiến tạo và xây dựng tương quan giữa người với người. 

Xã hội này đã chọn chủ thuyết duy vật làm kim chỉ nam. Và vật chất được đưa lên hàng đầu thì cá giá trị đạo đức, nhân bản và tinh thần bị đặt xuống hàng thứ yếu. Hỏi tại sao tương quan không bị phá vỡ.

Mỗi gia đình hoặc con cái lo lao đầu vào học hành mà quên đi những nhu cầu tâm linh tôn giáo. Nhà trường thì hăng say tăng áp lực khiến con trẻ bỏ những giờ nghe hoặc học giáo lý nơi nhà thờ hoặc nhà Chùa. Nơi dậy cho người ta sống chan hòa trong tình yêu thương và liên đới với nhau. Lạ thay, cha mẹ cũng đồng thanh ủng hộ khi cho rằng: con cái quá bận nên không thể đi học giáo lý, đi lễ được.

Thành ra, kết cục đau thương này của xã hội là do ta chọn. Ta chọn cho mình và con cái cùng thế hệ tương lai của mình một sự cô độc không tương quan hoặc những mối tương quan hời hợt thoáng qua. Ta chọn cho mình một lối sống dửng dưng trước khổ đau của người khác. Ta chỉ dám gào lên khi chuyện đó động chạm tới mình. Tất cả là quả mà ta đã gieo. Ta gieo nhân dửng dưng không tương quan nên nhận quả đắng của sự cô đơn.

Quả đắng của sự cô đơn ấy là cả một trào lưu từ xã hội, nhà nước tới con người đang muốn đặt tôn giáo ra ngoài, đặc biệt Kitô giáo. tôn giáo dạy ta tương quan của tình yêu. Tôn giáo dạy ta rằng: những việc ta làm cho người khác chính là làm cho Chúa vì họ chính là con của Thiên Chúa và là người anh em ruột thịt trong Đức Tin bất chấp họ đã được rửa tội hay chưa. Lạ thay, ngay cả với nhiều người Kitô giáo đương đại cũng ít hiểu biết về tôn giáo của mình. Nhiều người trở nên xa lạ với Kinh Thánh đến nỗi hỏi Tân Ước là gì cũng không hay. Người Kitô giáo còn như thế hỏi sao xã hội không mục ruỗng.

Kitô giáo là tôn giáo của các mối tương quan chằng chịt. Sau khi hoàn thành cõi đời này ta sẽ được hỏi về mối tương quan ấy. Thiên Chúa sẽ hỏi: người anh em của ngươi đâu. Thiên Chúa hỏi gì thì cũng là nhắm vào điều này. Nếu ta thực sự sống tương quan tình yêu mà Thiên Chúa dạy, ta sẽ được hưởng phúc Thiên Đàng, nơi có Thiên Chúa, nơi chỉ có tương quan của tình yêu và hạnh phúc.
 
Cuối cùng, chính ta, ta phải tự hỏi: Tôi đã sống mối tương quan ấy như thế nào? Đâu là người anh em của tôi? Tôi đã hoàn thành trách nhiệm của một người anh em!? 
SG 12/3/2015 -----------------------------------------------
* Xem bài phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn tại đây: FB drtuanvnguyen
 

Đăng nhận xét