Hoàng Đế trong lúc nhàn rỗi, đuổi
kẻ tả hữu để hỏi Kỳ Bá: "Ta đã được nghe một cách chính thức về cửu
châm, nghe luận về sự nghịch thuận của Âm Dương, nghe tất cả về lục
kinh, nay ta mong được biết về vấn đề khẩu vấn"[1].
Kỳ Bá từ chỗ ngồi né sang một bên,
lạy hai lạy đáp : "Thật là một câu hỏi rất hay ! Đây là một vấn đề do
các bậc tiên sư đã truyền miệng lại"[2].
Hoàng Đế nói: "Ta mong được nghe về vấn đề khẩu truyền"[3].
Kỳ Bá đáp : "Ôi ! Trăm bệnh bắt đầu
sinh ra do sự lạnh nóng của gió mưa, do sự vui mừng, giận dữ của Âm
Dương, do ăn uống, cư xử với nhau, do những nỗi kinh sợ lớn lao và bất
ngờ, vì tất cả những nguyên nhân trên làm cho khí huyết phân ly, Âm
Dương hư bại, kinh lạc bị quyết tuyệt, mạch đạo bị bất thông, Âm Dương
nghịch nhau, vệ khí bị ngưng đọng, kinh mạch bị hư không, huyết khí vận
hành không còn thứ tự nữa, đó là ta đã mất đi lẽ thường, trường hợp này
sự luận về bệnh không còn ở kinh, thần xin nói về những bệnh xảy ra ở
nơi nào đó"[4].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị chứng ngáp, khí nào đã gây nên như vậy ?"[5].
Kỳ Bá đáp : "Vệ khí ban ngày vận
hành ở vùng Dương, nửa đêm vận hành ở Âm, Âm chủ về đêm, đêm thì người
nằm ngủ, Dương khí chủ đi lên, Âm chủ đi xuống, cho nên khi Âm khí còn
tích bên dưới, Dương khí lại chưa tận (hết), Dương khí sẽ dẫn Âm đi lên,
Âm lại dẫn đi xuống, thế là Âm Dương cùng dẫn nhau, cho nên người ta bị
ngáp nhiều lần[6]. Dương khí tận, Âm khí thịnh thì mắt nhắm lại ngủ, Âm
khí tận mà Dương khí thịnh thì thức dậy, nên châm tả kinh túc Thiếu âm
bổ túc Thái dương"[7].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị chứng Uyết (nấc) do khí gì gây nên ?"[8].
Kỳ Bá đáp : "Cốc nhập vào Vị, Vị khí
rót lên trên đến Phế, nay có Hàn khí và tán cốc khí, tất cả đều quay về
nhập vào Vị; Khí cũ và mới cùng làm loạn nhau, chân khí và tà khí cùng
đánh nhau, khí chung vào nhau mà làm nghịch nhau, thế rồi quay trở ra
khỏi Vị, gây thành chứng Uyết, Nên châm bổ kinh thủ Thái âm, châm tả túc
Thiếu âm”[9].
Hoàng Đế hỏi: "Con người khi khóc hay bị nghẹn ngào, khí gì đã gây nên như thế ?" [10].
Kỳ Bá đáp : "Đây là Âm khí thịnh mà
Dương khí hư, Âm khí nhanh mà Dương khí chậm, Âm khí thịnh mà Dương khí
tuyệt, cho nên thành chứng khóc nghẹn, Châm bổ kinh túc Thái dương, châm
tả túc Thiếu âm"[11].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị bệnh Chấn hàn (lạnh run), khí gì đã gây nên như thế ?" [12].
Kỳ Bá đáp : "Hàn khí ở khách nơi bì phu, Âm khí thịnh, Dương khí hư, vì thế gây nên chứng lạnh run, Châm bổ các kinh Dương"[13].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị chứng ái (ợ), khí gì đã gây nên thế ?"[14].
Kỳ Bá đáp : "Hàn khí ở khách tại Vị,
khí quyết nghịch từ dưới lên trên tán vào trong Vị rồi lại xuất ra từ
Vị, vì thế gây thành chứng ợ, Châm bổ kinh túc Thái âm, Dương minh, có
người nói châm bổ huyệt Mi Bản (Toàn Trúc)"[15].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị chứng cả thân mình buông xuôi, khí gì đã gây nên như thế ?"[16].
Kỳ Bá đáp : "Vị không thực làm cho
các mạch bị hư, các mạch bị hư ắt cân mạch bị nhũn, cân mạch bị nhũn mà
ta lại cố sức giao hợp, thế là khí không thể phục hồi trở lại, gây thành
chứng buông nhũn, Nên theo đúng lúc xẩy ra bệnh để bổ vùng phận
nhục"[17].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị hắt hơi, khí gì gây nên thế ?"[18].
Kỳ Bá đáp : "Dương khí hòa lợi, đầy
lên đến Tâm, xuất ra ở mũi, gây thành hắt hơi, Bổ huyệt Vinh của túc
Thái dương ở huyệt Mi Bản, cũng có thuyết cho là mi thượng"[19].
Hoàng Đế hỏi: "Con người mỗi khi buồn sầu là nước mắt, nước mũi chảy ra, khí gì đã gây nên thế ?"[20].
Kỳ Bá đáp : "Tâm là chủ (chứa) của
ngũ tạng lục phủ, mắt là nơi tụ của tông mạch, là con đường vận hành của
thượng dịch, miệng mũi là môn hộ của khí, vì thế, khi ta buồn sầu, đau
đớn, ưu tư thì sẽ làm động đến Tâm, khi Tâm bị động thì ngũ tạng lục phủ
sẽ bị dao động, dao động sẽ làm cho tông mạch bị cảm, tông mạch bị cảm
thì con đường của chất dịch sẽ mở ra, con đường của chất dịch mở ra thì
nước mắt, nước mũi sẽ chảy ra[21]. Chất dịch nhằm để tưới thấm cho tinh
khí, làm nhuận trơn cho các không khiếu, vì thế, nếu con đường của
thượng dịch mở ra thì sẽ khóc, khóc không ngừng thì chất dịch bị cạn
(kiệt), dịch bị kiệt thì tinh khí sẽ không còn được tưới thắm, tinh khí
không còn được tưới thắm thì mắt sẽ không thể thấy được gì cả, cho nên
gọi là đoạt tinh, Châm bổ huyệt Thiên Trụ, kinh của nó nằm ở dưới
cổ"[22].
Hoàng Đế hỏi: "Con người hay thở dài (lớn), khí gì đã gây nên như thế ?"[23].
Kỳ Bá đáp : "Khi ưu tư thì Tâm hệ bị
cấp, Tâm hệ bị cấp thì khí đạo bị buộc ràng, khí bị buộc ràng thì sẽ
không thông lợi, vì thế người bệnh phải thở dài (lớn) để đuổi khí ra,
Châm bổ kinh thủ Thiếu âm, Tâm chủ, túc Thiếu dương, lưu kim"[24].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị chảy nước dãi, khí gì đã gây thế ?"[25].
Kỳ Bá đáp : "Con người ăn uống đều
nhập vào Vị, nếu trong Vị bị nhiệt thì trùng bị động, trùng động thì Vị
bị hoãn, Vị bị hoãn thì huyệt Liêm Tuyền khai, vì thế nước dãi bị chảy
ra, Châm bổ kinh túc Thiếu âm"[26].
Hoàng Đế hỏi: "Con người bị ù bên trong tai, khí gì đã gây nên như thế ?"[27].
Kỳ Bá đáp : "Tai là nơi tụ khí của
tông mạch, vì thế nếu trong Vị bị rỗng ắt là tông mạch bị hư, tông mạch
bị hư thì Dương khí bị đi xuống, mạch sẽ bị kiệt, cho nên tai bị ù, Châm
bổ huyệt Khách Chủ Nhân và huyệt nơi gần móng tay cái, chỗ giao nhau
giữa móng và thịt"[28].
Hoàng Đế hỏi:"Con người tự cắn vào lưỡi mình, khí gì đã gây nên như thế ?"[29].
Kỳ Bá đáp : "Đây là do khí quyết
nghịch lên trên, mạch cũng cùng đi theo, Khí Thiếu âm đến thì làm cho
cắn lưỡi, khí Thiếu dương đến sẽ làm cho cắn vào má, khí Dương minh đến
sẽ làm cho cắn vào môi, nên tìm xem bệnh xảy ra ở nơi nào để châm bổ cho
nơi đó”[30].
Phàm tất cả 12 tà này đều do kỳ tà
chạy đến các không khiếu mà ra cả, vì thế tà khí ở nơi nào, ta biết nơi
đó là bất túc[31]. Cho nên, thượng khí bất túc thì làm cho não không
đầy, tai bị ù nặng, đầu nhức đến không chịu nổi, mắt bị hoa lên[32]. Nếu
trung khí bất túc, việc tiểu tiện, đại tiện bị biến, ruột sôi(kêu)[33].
Nếu hạ khí bất túc thì làm cho bị nuy, quyết, Tâm phiền muộn, Bổ bên
mắt cá ngoài, lưu kim"[34].
Hoàng Đế hỏi: "Phép trị phải thế nào ?"[35].
Kỳ Bá đáp : "Thận làm chủ các chứng
ngáp, thủ huyệt ở kinh túc Thiếu âm[36]. Phế làm chủ gây thành chứng
nấc, thủ huyệt ở kinh thủ Thái âm, túc Thiếu âm[37]. Chứng khóc nghẹn là
do ở Âm Dương bị tuyệt, nên châm bổ túc Thái dương và tả túc Thiếu
âm[38]. Chứng lạnh run, châm bổ các kinh Dương[39]. Chứng ợ, châm bổ
túc Thái âm và Dương minh[40]. Chứng hắt hơi, châm bổ huyệt Mi Bản của
túc Thái dương[41]. Chứng cả thân mình buông xuôi nên theo đúng lúc xảy
ra bệnh để bổ vùng phận nhục[42]. Chứng nước mắt mũi chảy ra, châm bổ
huyệt Thiên Trụ, kinh của nó nằm dưới cổ, vùng dưới cổ tức là vùng gần
đầu[43]. Chứng thở dài, bổ kinh thủ Thiếu âm, Tâm chủ, túc Thiếu dương,
lưu kim[44]. Chứng chảy nước dãi, bổ túc Thiếu âm[45]. Chứng tai ù, bổ
huyệt Khách Chủ Nhân, huyệt nằm ở đầu ngón tay cái giáp thịt gần móng
tay[46]. Chứng tự cắn lưỡi, nên xem bệnh nằm ở đâu để châm bổ[47]. Mắt
hoa, đầu nhức không chịu nổi, châm bổ dưới mắt cá chân ngoài, lưu
kim[48]. Chứng nuy quyết, Tâm bứt rứt, châm huyệt nằm trên đầu ngón chân
cái 2 thốn, lưu kim, một nữa là nơi dưới mắt cá ngoài, lưu kim"[49].
Đăng nhận xét