Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Chuyện thời sự: Phụ nữ Việt “rẻ” như bèo

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014 | 22:05

  Nguyễn Văn Tuấn
Đó là một cái tít của báo chí và tôi chỉ viết lại. Toàn là những tin buồn. Ở xứ Kim Chi, phụ nữ Việt Nam được phim ảnh xem rẻ rúng (1). Ở Mã Lai, gái Việt Nam đứng đầu bảng bán dâm (2). Là người Việt, đọc những tin như thế này chỉ làm chúng ta phẫn nộ, có khi cảm thấy nhục nhã. Nhưng không biết các vị đang cầm tay lái con thuyền đất nước (được gọi một cách mĩ miều là "lãnh đạo") cảm tưởng ra sao.


Báo Tuổi Trẻ cho biết trong một cuốn phim Hàn Quốc, bà mẹ cảnh cáo người con trai tối ngày say xỉn rằng người như anh ta "dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu”. Dĩ nhiên, câu nói đó có thể hiểu rằng phụ nữ VN thấp kém, rẻ rúng nhất thế giới. Nếu quan điểm đó chỉ ở một vài người thất học thì có lẽ chúng ta chẳng mấy quan tâm, nhưng đằng này nó được nói hẳn trên phim ảnh. Điều đó cho thấy người Hàn Quốc rất khinh thường người Việt và phụ nữ Việt.

Mà, có lẽ họ cũng có lí do để khinh thường. Đã có khoảng 40 ngàn phụ nữ Việt Nam được/bị làm dâu xứ Hàn. Nghe nói có vị lãnh đạo tự hào rằng ông là "thông gia" của Hàn Quốc! Nhưng đâu chỉ xứ Hàn, hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam còn làm dâu ở Đài Loan. Ở Đài Loan, họ có hẳn một chương trình quảng cáo cô dâu Việt Nam như là rao bán hàng hóa! Ở Singapore, phụ nữ Việt Nam còn được "nhốt" trong tủ kiếng để khách hàng qua lại bình phẩm! Có lẽ chưa bao giờ nhân phẩm của phụ nữ VN bị hạ thấp như thế trên thế giới.

Việt Nam còn nổi tiếng là một nước xuất khẩu gái bán dâm. Theo báo chí Mã Lai, năm ngoái trong một đợt bố ráp, cảnh sát Mã Lai bắt được 12434 gái bán dâm nước ngoài, nhưng trong số này có đến 3456 (tức 28%) là gái Việt Nam (2). Con số này có nghĩa là Việt Nam đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu gái bán dâm. Mới đây, trên mạng lưu truyền một video clip cảnh sát bố ráp các nhà thổ và chúng ta nghe được tiếng la hét thất thanh của các cô gái Việt bán dâm cùng những tiếng cười khả ố của cảnh sát Mã Lai. Nhưng tôi nghĩ không chỉ ở Mã Lai, mà các nước lân cận như Kampuchea và Singapore, rất nhiều gái bán dâm xuất phát từ Việt Nam. Trước năm 1975, người Việt thường xem Mã Lai là "mọi", còn bây giờ thì chữ đó chắc họ đã trả lại cho chúng ta.

Nhìn xa hơn, có thể nói rằng người Việt không được đánh giá cao, nếu không muốn nói là rất kém. Người Việt nổi tiếng ăn bẩn, hám ăn ở Thái Lan, Nhật Bản, đến nổi người ta phải để biển cảnh cáo bằng tiếng Việt. Người Việt ăn cắp trong siêu thị, mà có người ăn cắp là dân thuộc giai cấp trung lưu đỏ, không phải người nghèo khó. Người Việt nổi tiếng "trồng cỏ" ở các nước như Canada, Úc, Anh. Trong nhà tù Úc, 2/3 tù nhân gốc Việt Nam là tội phạm liên quan đến ma tuý (3). Các quan chức Việt Nam, cấp thấp cũng như cấp cao, ra nước ngoài làm nhiều người khó chịu và khinh bỉ. Mà, nói gì giới quan chức vốn chẳng còn hi vọng gì từ họ, ngay cả giới có học và trung lưu như bác sĩ mà cũng tranh giành miếng ăn và chen chúc trong hội nghị trông rất nhếch nhác và bát nháo. Không thể biện minh rằng đó chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, đặc thù, ngẫu nhiên. Trong thực tế, những hiện tượng vừa đề cập xảy ra rất thường xuyên và gần như có hệ thống. Nói tóm lại, đạo đức xã hội và văn hoá của người Việt Nam ngày nay có vấn đề.

Do đó, tôi nghĩ chúng ta không ngạc nhiên khi thế giới chung quanh đánh giá thấp người Việt và phụ nữ Việt. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đang tự vấn tại sao người Việt bị khinh thường. Tôi nghĩ đến 4 nguyên nhân: (i) những di sản và giá trị đạo đức bị xoá bỏ bởi thể chế; (ii) cộng đồng trong quá khứ hình thành một cách thiếu kỉ luật; (iii) thiếu chuẩn bị cho xã hội hiện đại; và (iv) hệ thống chính quyền không làm gương tốt. Nhưng nguyên nhân gần nhất và hiển nhiên nhất, tôi nghĩ là nghèo: một đất nước vừa nghèo vừa hèn, thì người ngoài nhìn chúng ta một cách rẻ rúng là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Người Hàn cũng từng nghèo và hèn trong quá khứ gần đây, nhưng ngày nay đất nước họ đã trở nên giàu có, và người Hàn được thế giới kính nể. Thế nhưng ở nước ta, điều đáng buồn là những người cầm tay lái đất nước chỉ quan tâm đến việc giữ cho được đặc quyền lãnh đạo (4), mà không xem việc làm cho đất nước giàu và mạnh lên [để thoát nỗi nhục] là một ưu tiên số 1.

=====

Đăng nhận xét