Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

“Thế hệ gấu bông” và những “chàng cao bồi nhỏ tuổi”

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014 | 20:40

Ngựa Hoang Pleiku, 00h10’ ngày 19/12/2014

ảnh internet
Việc đi lại nhiều nơi giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức và trải nghiệm về các vùng đất cũng như văn hóa, con người ở các vùng miền khác nhau. Rất nhiều khi tôi tự hỏi bản thân rằng cuộc sống của trẻ em thành thị và nông thôn có gì khác nhau, các điều kiện sống của thành thị và nông thôn ảnh hưởng đến việc phát triển bản thân các em như thế nào? Do đó, tôi viết bài này để thỏa mãn sự tự vấn trên của tôi.

Tôi đã trải nghiệm cuộc sống tại hai thành phố lớn nhất cả nước – Sài Gòn và Hà Nội cũng như sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, thuần nông nghiệp Hà Tĩnh, là con nhà nông chính gốc. Hiện tại, tôi ở thành phố Pleiku, nhưng làm việc tại một xã nông nghiệp xa nhất thuộc thành phố, sáng đi chiều về. Đó là điều kiện thuận lợi để tôi thực hiện bài viết này. Tuy nhiên, để thực tế nhất, tôi đi sâu và phân tích cũng như lấy ví dụ về cuộc sống của trẻ em thành thị ở Pleiku và trẻ em ở xã tôi đang làm việc với những nét điển hình nhất. Bài viết này không nhằm mục đích phân biệt, ủng hộ phía nào, chỉ là nói ra quan điểm và trải nghiệm của tôi về vấn đề này để độc giả tiện so sánh, đánh giá.

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin nêu ra sự khác nhau về việc học tập và các kĩ năng cuộc sống của trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn, theo quan điểm của riêng tôi, giới hạn trong điều kiện hiện tại của đời sống và giáo dục Việt Nam.

Về học tập

Học sinh ở thành thị thường phải học hai tới ba ca một ngày, bao gồm cả học thêm, có khi là 7 ngày trên một tuần. Điều kiện học tập tốt. Không phải lao động, chỉ cần tập trung vào việc học là ok. Các thầy cô giáo nặng trách nhiệm với học sinh, vì thành tích của các em liên quan đến nhiều thứ của họ.

Tuy nhiên, điều kiện tối ưu đó dễ dẫn đến việc thụ động của các em, làm cho các em nghĩ rằng không biết học cho mình hay học cho cha mẹ, học cho thầy cô. Trạng thái tâm lý này sẽ khiến các em có thái độ đối phó, thiếu trách nhiệm với việc học của mình.

Một vấn đề phải nhắc đến, đó là nạn học thêm ở thành phố. Tôi hỏi mấy đứa em họ của tôi đang học ở Pleiku, rằng chương trình học thêm có khác chương trình chính khóa không, chúng trả lời rằng khác nhiều chứ anh, có nhiều nội dung không dạy chính khóa mà các thầy cô “để dành” dạy thêm. Cũng theo các em, học thêm có cái lợi là nhiều khi đi học thêm thầy cô sẽ cho biết nội dung bài kiểm tra ngày mai, có khi chỉ là thay số thôi. Do đó, em nào không đi học thêm sẽ gặp bất lợi trong thi cử và thành tích. Chính vì học thêm nhiều nên về nhà các em gần như không phải học bài, chỉ học bài mấy môn kiểm tra miệng.Thằng em họ tôi học kì vừa rồi được học sinh giỏi, nó kể rằng lớp tổng số 40 đứa thì có trên 30 đứa được học sinh giỏi, còn lại gần như được tiên tiến hết!!! Chính vì vậy, có nhiều vấn cần phải bàn liên quan đến thực chất năng lực của học sinh thành thị.

Còn ở dưới xã tôi làm việc, có hai trường phổ thông, do ít học sinh nên tổ chức ghép cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở vào một trường. Các em thường học một buổi, còn một buổi phụ giúp gia đình làm vườn cà phê, chăn bò. Các trường chỉ tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi, các thầy cô giáo không tổ chức dạy thêm như trên thành phố. Sự đầu tư vào học tập hạn chế. Dĩ nhiên chất lượng học tập các em không thể so với bạn đồng lứa ở thành phố, cơ hội cho các em vào các trường cấp 3 ngon lành ở thành phố sẽ hạn chế hơn nhiều.

Một thực tế là các vùng quê nghèo như các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung lại có số lượng sinh viên theo học các trường đại học chính quy ở Việt Nam khá cao nếu xét về tỉ lệ. Như trường Học viện Hành chính cơ sở Tp. Hồ Chí Minh mà tôi từng học, riêng sinh viên quê ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh đã chiếm trên 30% sĩ số cả lớp. Các bạn không có điều kiện tốt nhưng ý chí, sự nỗ lực cũng như ý thức tự học rất tốt. Như vậy, chưa hẳn điều kiện tốt thì sẽ học giỏi, chưa hẳn thành tích học phổ thông tốt thì sẽ thi vào đại học với số điểm cao (với giáo dục Việt Nam hiện nay, thước đo chất lượng giáo dục phổ thông vẫn đang là số điểm thi đại học của học sinh).

Về bề nổi, điều kiện và chất lượng học tập của trẻ em thành thị rõ ràng nổi trội hơn nhiều so với trẻ em nông thôn. Nhưng đối với các em ở nông thôn có ý thức tự học và chịu khó, cộng với sự tâm huyết của giáo viên, sẽ không có sự thua kém nhiều lắm đối với các bạn thành phố. Với lại, bệnh thành tích của giáo dục chúng ta vẫn là một căn bệnh nan y. Cũng không thể khẳng định học giỏi, bằng cấp đẹp có thể đảm bảo hoàn toàn một tương lai tốt sau này của các em. Một con người thành công cần rất nhiều thứ: kiến thức, kỹ năng, đạo đức…. Việc bắt các em đầu tư quá nhiều vào học tập sẽ hạn chế đến việc đầu tư cho những thứ khác để hoàn thiện bản thân. Nhất là với việc chương trình học một đằng, đi làm một nẻo như hiện nay.

Về kỹ năng cuộc sống

Một em học sinh nông thôn, con của anh bạn tại xã tôi làm việc, học lớp 4, có thời gian biểu một ngày như sau: Sáng dậy sớm, nấu cơm, nấu nước cho cả nhà, cho gà ăn, sau đó đạp xe đi tới trường qua quãng đường gần 3 km, đường có gần 2km là đường đất, mùa mưa đất trơn chạy xe ngã miết, có con dốc không leo được phải đẩy bộ. Nếu học cả ngày, đưa mì tôm theo, trưa qua nhà nội trú giáo viên xin nước pha mì ăn, chiều học tiếp. Còn nếu học một buổi, chiều về phải đi chăn bò, chăn bò về còn phải chuẩn bị cơm nước cho cha mẹ đi làm rẫy về muộn. Nhìn thằng bé toát lên vẻ khỏe mạnh, lanh lợi, vui vẻ cười nói cả ngày.

Tôi lấy ví dụ về trẻ em thành thị, để thực tế nhất, tôi sẽ mô tả sơ qua về cuộc sống của thằng em họ tôi, học lớp 8 ở Pleiku, và hiện tại tôi đang ở nhờ nhà nó. 6h sáng, công việc đầu tiên của mọi người trong gia đình là kêu nó dậy chuẩn bị đi học, thường mất khoảng 10 phút, cộng với 3 lượt người kêu, khuyến mãi thêm việc lấy giùm nó cái áo lạnh để nó “tung mình” ra khỏi chăn ấm, lò dò bước xuống đánh răng rửa mặt. Sau đó, bố mẹ sẽ làm đồ ăn sáng cho nó, giục nó ăn nhanh để đi học. Đi học đều có người đưa đón, dù nó có xe đạp và nhà cách trường khoảng 200-300 mét. Trong nhà hầu như nó không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, nhiệm vụ của nó chỉ là học, do đó dù đã 14-15 tuổi, nó chỉ biết mỗi việc học.
Nhiều lúc tôi muốn dẫn thằng em họ xuống nhà thằng lớp 4 ở dưới xã để biết nó sướng như thế nào và nó lơ ngơ như thế nào, nhưng sợ thằng lớp 4 biết chuyện bực lên nó đuổi đánh thằng nhỏ lớp 8 te tua.

Ở trên là hai ví dụ điển hình về cuộc sống của trẻ em nông thôn và trẻ em thành thị, các trường hợp khác có sự khác nhau về mức độ nhưng cơ bản vẫn mang những nét chính như thế. Trẻ em thành thị có điều kiện học các kĩ năng hiện đại để phát triển bản thân như học các môn năng khiếu (học võ, học đàn…), học thêm tiếng Anh, học các kỹ năng sống khác… Thế nhưng, nhìn học sinh thành thị tôi có cảm giác chúng ngơ ngơ làm sao, khoảng trên 50% các em nhìn đời qua hai mắt kính dày cộp, cùng với túi sách nặng khoảng chục ký trên vai, lờ đờ bước đi. Tôi thường hay gọi học sinh thành thị là “thế hệ gấu bông” vì chúng nhìn như những đứa trẻ, dù đã học lớp 11, 12. Chúng là sản phẩm của sự bao bọc của người lớn. Trẻ em nông thôn thì hạn chế các khoản học hỏi kĩ năng như trên, thế nhưng chúng biết lao động từ nhỏ, biết tự chăm sóc bản thân, biết thông cảm cho những vất vả của cha mẹ, trải đời và nhìn khôn, lanh lợi hơn trẻ em thành thị. Trò chơi phổ biến của trẻ em thành thị là chơi game trực tuyến, còn của trẻ em nông thôn là các trò chơi bám đầy bụi đất như bắn bi, nuôi dế, nuôi gà chọi… Do đó, trẻ em nông thôn giữ được sự hồn nhiên vốn có của tuổi thơ hơn trẻ em thành thị, chúng cũng sẽ tự hào và có nhiều kỉ niệm hơn về thời thơ ấu của mình.

Tôi không hiểu nhiều bậc phụ huynh thành thị nghĩ gì khi bao bọc con em quá kĩ như vậy, liệu họ có bón được từng thìa cơm cho con họ cả đời? Con cái sau 18 tuổi sẽ xa gia đình, đi học hoặc đi làm. Chúng sẽ lấy gì để tự lập khi chỉ biết mỗi việc đánh răng? Tôi thấy trẻ em nông thôn tự lập và thích nghi tốt hơn khi xa cha mẹ, có lẽ phần lớn do chúng trải qua cuộc sống thuở nhỏ như tôi mô tả ở trên.

Kết

Nội dung bài viết này thuộc về góc nhìn và suy nghĩ của tôi, do đó, sẽ không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Và chắc chắn sẽ vấp phải sự không đồng tình của rất nhiều độc giả sống ở thành thị. Có thể trường hợp của họ là riêng khác, cũng có thể do họ quá bảo thủ khi tôi nói đúng sự thật của họ và con em họ. Và như đã nói ở đầu bài viết, tôi không phân biệt cũng như không “tô hồng” hay “bôi đen” các nội dung để phục vụ cho quan điểm của mình, cũng như không cho rằng trẻ em thành thị hay nông thôn hoàn hảo hơn. Nội dung bài viết mang tới các bạn các thông tin khách quan, qua đó, cộng với suy nghĩ và trải nghiệm của mình, các bạn có thể tự đánh giá, kết luận vấn đề.

“Không ai chọn cửa để sinh ra”, vậy với những đứa trẻ sinh ra đã là dân thành thị hoặc dân nông thôn, phụ huynh làm thế nào để các em có một tương lai tốt hơn với hoàn cảnh hiện tại của mình?

Theo tôi nghĩ, ngoài việc trang bị các điều kiện cần thiết cho việc học tập và cuộc sống các em. Chúng ta nên để con cái tự học những bài học cần thiết, cho chúng tiếp xúc dần với cuộc sống bên ngoài để chúng trưởng thành và có ý thức tự lo lắng cho bản thân, để chúng sống cuộc đời của chúng. Cuộc sống và tương lai là của các em, chứ không phải của chúng ta, vậy nên đừng can thiệp quá sâu vào. Nên xây dựng các nền tảng, định hướng, đầu tư cho các em phát triển các tố chất bản thân và để các em tự bước đi, chứ đừng bước đi thay các em. Đó là biểu hiện yêu thương và trách nhiệm nhất của các bậc làm cha làm mẹ.
Kết thúc bài viết, tôi xin trích lại ý kiến của Thiền sư Osho trong cuốn sách Hạnh Phúc Tại Tâm của ông thay cho lời kết:
“Theo tôi, việc giáo dục thế hệ trẻ cần được chú trọng ở hai phương diện: một là tinh thần, hai là thể chất. Ngay từ rất nhỏ, việc giáo dục các bạn trẻ không chỉ là giảng dạy chữ nghĩa mà còn giúp họ học cách làm ra sản phẩm nào đó-họ cần học một số nghề thủ công hay rèn luyện một kỹ năng nào đó trong lao động sản xuất. Để tạo sự cân bằng, một nửa thời gian của họ nên dành cho các hoạt động tinh thần và một nửa còn lại dành cho những nhu cầu cuộc sống thiết thực. Nhờ đó, trước khi rời khỏi ghế đại học, họ sẽ không còn là những kẻ mộng mơ, sẽ không phải dựa dẫm người khác để thỏa mãn nhu cầu công ăn việc làm. Họ có thể tự làm ra những thứ họ cần.”

Đăng nhận xét