Đỗ Việt Cường
Chắc không cần bàn luận nhiều, ở xã hội thời buổi bây giờ, đa phần
mọi người sẽ đều có chung quan điểm mất điện, mất nước, mất net là những
cái vô cùng khó chịu.
Mất điện thì hiển nhiên rồi, bây giờ mất điện thì cuộc sống về đêm sẽ
thế nào? Rồi thậm chí có cả những nơi 100% là phải dùng điện, không có
điện là mọi công việc được dừng lại ngay lập tức. Mất điện thì sao sinh
hoạt, giải trí, vui chơi được. Ôi, thật đáng sợ.
Mất nước thì sao? Không có cái sự khó chịu nào bằng việc mất nước.
Cách đây không lâu, có một thời gian mình nghe nói đường ống dẫn nước
sông Đà mới bị vỡ có lần thứ chín, 70,000 hộ dân bị cắt nước, thế thì
sinh hoạt tính sao? Khi mà thế giới càng hiện đại, mấy ai không sợ bẩn.
Mất nước, ôi cũng thật ghê gớm.
Mất net thì thế nào? Chao ôi, cái cảnh xã hội “goai phai” “sờ mát
phôn” mà không có internet hay 3G thì chắc đời sống tinh thần của giới
trẻ bị chao đảo mất. Nào là vào mạng xã hội, nào là cập nhật thông tin,
nào là thế nọ, nào là thế kia. Một ngày mà không được lướt facebook cập
nhật trạng thái thì khó chịu còn hơn cả người bị ốm. Bảo sao có người
nói mười ngày mất nước còn không khó chịu bằng một ngày mất net.
Thế nhưng, mất 3 cái đấy có phải đáng sợ nhất không?
Mất điện. Cuối thế kỷ 19 mới diễn ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành
kỹ thuật điện. Ngay cả Edison cũng phải vật lộn với gần 10,000 thất bại
để tìm ra được vật có thể thay thế đèn dầu. Ngày xưa, học là đèn dầu,
học là nến, thậm chí là chỉ học, làm việc ban ngày. Vậy sao nhiều công
trình, nhiều tác phẩm kinh điển vẫn ra đời?
Mất nước. Bây giờ cuộc sống dựa chủ yếu vào nước máy và có đập thuỷ
điện. Nhưng đi về các vùng quê, có nhà nào là không có một cái giếng,
một bể nước mưa đâu, thậm chí ngày trước cái thời mà vệ sinh môi trường
được đảm bảo, trẻ con còn lấy việc tắm sông làm thói quen sinh hoạt. Vì
sao họ vẫn vui, vẫn khỏe, vẫn tồn tại?
Còn net thì hiển nhiên là chuyện xưa nay hiếm, thế giới mới bị làm
phẳng thôi chứ trước đây gửi thư là gửi qua chim bồ cầu, người đưa tin,
chứ lấy đâu ra chuyện gửi mail. Báo có giặc đến là dựa vào những cột
khói, truyền tin đều phải qua sứ giả. Không có net, sao các triều đại
vẫn luôn luôn được vận hành?
Vậy câu hỏi, có và không có 3 thứ ấy, ai hạnh phúc hơn ai?
Câu trả lời là còn tuỳ. Chỉ xin nói một điều, đó là những thứ đang có
hiện tại, nó tạo ra một cuộc sống chất lượng nhưng không có nghĩa là nó
không thể thay thế và cũng không có nghĩa là nó thay thế được tất cả
mọi thứ. Người ta có thể giàu có để tạo ra những thành phố lung linh về
đêm, nhưng không thể không thay thế được việc con người vẫn phải có
những khoảng thời gian nằm ngủ mỗi ngày.
Người ta có thể xây bể nước hàng chục mét khối nhưng không ai cả ngày
nằm mãi trong nhà tắm được. Người ta có thể vào net 24/24, ở mọi lúc và
mọi nơi, nhưng có những chuyện thế giới ảo thì không bao giờ thay thế
được trải nghiệm của cuộc sống thật.
Vậy mất cái gì là đáng sợ nhất?
Mất niềm tin, mất tiền, mất sức khoẻ, mất đi các mối quan hệ, mất
chính bản thân mình (chết),… Liệu đó có phải những thứ đáng sợ nhất hay
không? Triết lý cuộc đời là vô thường, vòng đời con người sinh lão bệnh
tử. Ai cũng thế, cũng cất tiếng khóc chào đời, trưởng thành, già yếu rồi
lại quay trở về với cát bụi. Thế hoá ra chẳng có gì là đáng sợ cả. Vậy
có chăng việc đánh mất đi cuộc sống ý nghĩa mỗi ngày mới là đáng sợ
nhất.
Đánh mất đi nụ cười lúc cuộc sống khó khăn khi mình hoàn toàn có thể
luôn mỉm cười. Đánh mất đi nét đáng yêu và sự khoan dung lúc chia tay
một mối quan hệ khi mình hoàn toàn có thể cư xử lịch thiệp và trao đi
yêu thương với những người xung quanh. Đánh mất đi sự nỗ lực và chiến
đấu đến cùng lúc gặp thất bại khi mình hoàn toàn có thể vui vẻ và tự hào
với những gì đã nỗ lực. Những thứ đó, liệu có nhất thiết phải đánh mất
đi?
Hoá ra đánh mất những thứ mình có trong người và chẳng ai có thể lấy đi được của mình, ấy mới là điều đáng sợ nhất.
Đăng nhận xét