Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Giáng sinh bất an: Từ thế giới về Việt Nam

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014 | 10:34

  Thanh Cao
Bài đăng trên VNTB
Thiên Chúa đã xuống thế hơn 2000 năm. Năm nào cũng thế, toàn thế giới lại hát lên câu hát của thiên thần, dù dưới bất cứ ngôn ngữ nào: "Vinh danh Thiên Chúa trên cõi trời cao, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc 2,14). 

Theo bản dịch mới nhất của nhóm CGKPV: bình an dưới thế cho loài người Chúa thương cũng còn được hiểu là bình an dưới thế cho người thiện tâm[1]. Câu hát xướng của thiên thần chia làm hai vế đối: vinh danh /  bình an, Thiên Chúa/ loài người, trên trời/ dưới thế. Tất cả phải đi thành một cặp song đối. Việc Thiên Chúa sinh ra đã là niềm vui và bình an cho toàn thể con người nhưng sao con người và thế giới vẫn không ngừng bất an!?

Chỉ đêm mai, đêm mai, chúng ta sẽ cử hành thánh lễ Vọng giáng sinh 2014. Đây cũng là những ngày cuối năm dương lịch nên cũng là lúc chúng ta nhìn lại thế giới trong một năm đã qua. Nhìn lại thế giới đầy đau thương và chết chóc.



Chết chóc

Có thể nói, trong năm 2014 vừa qua, thảm họa đau lòng nhất của con người chính là nhóm nhà nước hồi giáo tự xưng IS tại Iraq. Đây là thảm họa lớn đối với toàn thể nhân loại vì con người đã dùng chính tôn giáo để sát hại nhau. Tôn giáo đã bị lợi dụng biến thành trò tiêu khiển để thỏa mãn lòng tham vô đáy dưới nhiều hình thức khác nhau. Tôn giáo không còn mang giá trị tôn giáo nhưng đã mang sắc thái chính trị khi nó được gọi với cái tên thánh chiến. Tôn giáo đã bị trần tục hóa thay vì cho thấy cứu cánh nay trở nên thảm họa với con người. Tôn giáo một khi bị điều khiển và đi sai đường sẽ trở thành sự bất an cho con người và thế giới.

Nếu sự bất an do  nhóm tự xưng Nhà nước hồi giáo gây nên dưới cái tên mỹ miều là thánh chiến thì cũng phải kể tới sự bất ổn mà cả thế giới đang chú tâm vào: đó chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nghe thật hay với cái tên trỗi dậy hòa bình nhưng, chính Trung Quốc đang gieo mầm họa chiến tranh khi sử dụng đường lưỡi bò hòng lấn chiếm biển đông, biến biển Đông trở thành ao làng của mình. Chính Trung Quốc đã làm cho Biển Đông dậy sóng và có nguy cơ chiến tranh. Chính hành động này đã đẩy các nước vào cuộc chạy đua võ trang thầm lặng. Con người thay vì dùng những khoản tiền đó để nâng nhau lên lại đi tìm sự bình an giả tạo với những thứ vũ khí phòng vệ và hủy diệt tối tân.

Nói đến sự hủy diệt hay sự chết, chúng ta không thể không kể tới những tai nạn thương tâm của hãng hàng không Malaysia và các nơi khác trên thế giới. Năm 2014 là năm an toàn hàng không nhưng cũng là năm hàng không gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử thời bình. Về điểm này, Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng khi có những sự cố hy hữu chưa từng xảy ra trên thế giới: sân bay mất điện tới hơn 1,5h; đài kiểm soát không lưu thông báo sai và nhân viên yếu kém, và ngay cả việc tình nghi có khủng bố trong chuyến máy bay đáp tại Đà Nẵng nhưng phải chuyển hướng ra Hà Nội... Đây là những tai nạn thương tâm mà lý do đầu tiên có lẽ chính là sự cao ngạo của con người khi nghĩ rằng mình đủ sức làm chủ tất cả. Nhưng không, con người đang trở nên bất lực.

Sự bất lực ấy thể hiện rõ nét trong chuyến phà chìm tại Seul. Biết bao sinh mạng đã phải ra đi nhưng con người chỉ có thể đứng nhìn trong bất lực. Nhưng dù sao, đây cũng là nỗi đau mà con người biết nhận lỗi về mình. Nỗi đau trở nên cao quý khi con người biết thừa nhận giới hạn của mình. 

Nếu người Hàn Quốc biết thừa nhận giới hạn của mình thì chính Putin, đại diện cho giới lãnh đạo Nga đã gây bất ổn cho Ukraina và toàn thế giới khi sáp nhập bán đảo Crưm. Một sự thôn tính đã gây tang thương cho dân nước Ukraina. Cuộc thôn tính này kéo theo lệnh trừng phạt của Phương Tây và Mỹ khiến cho dân Nga chìm ngập trong khó khăn và nguy cơ xảy ra bấn loạn xã hội. Một hình thức chiến tranh lạnh kiểu mới đang được xây dựng.

Hình thức chiến tranh lạnh đang được xây dựng trong mối liên kết Trung Nga để đối đầu với Mỹ và Phương Tây. Thế giới sẽ còn chứng kiến biết bao thảm họa nữa từ những hình thức cấm vận, mà thực ra đều bắt nguồn từ sự cao ngạo; từ việc coi người khác và dân tộc khác không bằng cái đinh gỉ. Nguyên cớ cũng tại chữ "Ngông" cách này hay cách khác, từ một cá nhân hay đảng phái, thậm chí của một quốc gia mà đẩy cả thế giới vào bất an. Cuộc chiến này chưa biết khi nào mới tới hồi kết. Song, phần thiệt luôn thuộc về những nước nhỏ vốn là con cờ chính trị trong tay những nước lớn.

Chỉ vì không muốn trở thành con cờ mà người dân Hồngkông, phần lớn là sinh viên học sinh cùng với công nhân đã xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ. Song, tiếng của người dân đã không được lắng nghe và thay vào đó là sự chà đạp. Cuộc biểu tình có thể thất bại về mặt hình thức nhưng nó lại xây lên một bức tường ngăn cách và một cuộc chiến âm ỉ trong xã hội Hồngkông. Đây chẳng phải là mầm mống của những bất an trong tương lai?



Chuyện “nhà”

Kể chuyện ngoài ngõ mà không quay về chuyện nhà quả cũng là thiếu xót.

Chuyện đầu tiên phải nói tới là sự phản ứng yếu ớt trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Tôi không rành về chính trị và cũng chẳng rõ giới lãnh đạo có chủ trương thế nào. Song chuyện khôi hài là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Hơn nữa, những người thể hiện lòng yêu nước bằng việc biểu tình hay viết bài, hoặc thông tin về việc Tàu xâm hại lãnh hải đều bị sách nhiễu hoặc bị đánh đập hoặc được nhà nước nuôi học hẳn khiến chúng ta đau buồn và bất an hơn ai hết. Đất đai tổ tiên để lại chính là tiền đồn để bảo vệ quyền sống của mình. Nay, nếu bị lấy đi, coi như quyền sống trong an bình và tự do của chúng ta đang bị tước đoạt.

Chuyện kế đến phải nói là vụ nông dân bị mất đất và biến thành dân oan khiếu kiện khắp đất nước. Điển hình như vụ Văn Giang, Dương Nội. Đây chẳng phải là nỗi đau sao. Có thể báo chí không lên tiếng mạnh mẽ mà chỉ có các trang mạng, song, chúng ta cũng thấy được sự bất an khi càng ngày, niềm tin của người dân vào chính phủ càng bị giảm sút.

Niềm tin ấy không chỉ bị giảm sút mà còn dẫn đến sự nghi ngờ với việc hàng loạt vụ án oan nặng nề trong năm vừa qua. Người thân của những tử tù này đã đội đơn biết bao năm nhưng đến tận hôm nay, chỉ một vài vụ được minh oan. Còn lại nhiều vụ nữa, điển hình như vụ án Hồ Duy Hải ở bưu điện Cầu Voi, hay vụ án của Nguyễn Văn Chưởng sắp thi hành án tử. Luật pháp là để giữ bình yên cho xã hội cũng như đảm bảo công lý nhưng lại bị biến tướng và bảo vệ cho một số cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó. Đây quả là sự bất an lớn lao.

Sự bất an còn trở nên lớn lao hơn khi giáo dục chính là nền tảng của quốc gia đang bị xem như trò đùa. Giáo dục là để khai dân trí nhưng lại không được chú trọng. Các nhà làm giáo dục ở trên đang tìm cách để kiếm tiền thay vì cải cách thật sự. Mà cải cách thế nào khi vẫn trung ương tập quyền. Cải cách thế nào khi chính những nhà giáo dục lại là những người gian dối. Gian dối trong việc chi kinh phí cho cải cách. Gian dối trong việc dự giờ hay công nhận giáo viên giỏi. Gian dối trong việc in ấn sách chưa trả tiền tác quyền mà dám công bố đã trả tiền tác quyền. Xin hãy xem tất cả trên những trang thông tin internet thời gian qua. Đây không phải là những thông tin bên ngoài nhưng là những thông tin của chính thống. Còn sự bất an nào cho bằng sự bất an của giáo dục. Giáo dục luôn cần đạo đức mà người làm giáo dục mất đạo đức thì lấy gì mà cái cách. Giáo dục ngoài việc nâng cao tri thức còn phải lấy đạo đức làm trọng. Không lấy đạo đức làm trọng thì, cho dù có đào tạo được những con người thông minh, vẫn mãi là cải lùi vì chỉ gây bất an thêm cho xã hội.

Sự bấn loạn của xã hội cũng được đẩy lên khi giá cả leo thang kèm theo đồng tiền mất giá mà đời sống người dân không tăng lên đáng mấy. Người có quyền thì thi nhau vơ vét trong khi các doanh nghiệp thì thoi thóp kêu không chịu nổi và trên đà giải thể. Chính sách nhà nước phải làm sao để người dân có việc và doanh nghiệp có thể tồn tại. Đây chính là quyền của người dân mà những nhà lãnh đạo phải làm khi được nuôi sống bằng tiền thuế của dân. Nhưng trớ trêu thay, chưa thấy lãnh đạo Việt Nam nào nhận lỗi. Nói như chủ tịch quốc hội thì: quốc hội là của dân. Quốc hội sai thì dân chịu chứ quốc hội không hay các đại biểu không cần chịu trách nhiệm. Chưa thấy cá nhân nào phải chụi trách nhiệm về những việc chung, việc của đất nước và chit hấy đổ tội cho cơ chế, cho đảng…

Nói thêm thì thêm dài dòng nhưng tựu chung, quyền con người chưa được thực thi cách đầy đủ. Chính vì thế, hình ảnh Việt Nam ngay một thêm xấu đi mà dân Việt Nam, không phải tất cả, nhưng hầu hết đều trở nên vô cảm và thờ ơ trước hiện hình đất nước. Chúng ta chẳng thể trách chính phủ nhưng trách chính chúng ta không dám lên tiếng và đấu tranh cho quyền làm chủ của mình. Nhà tù hay bản án có thể giam hãm một vài, thậm chí một vài nghìn nhưng không thể gian hãm cả hàng triệu người hoặc cả dân tộc này. Chúng ta không dám đấu tranh thì chính chúng ta lãnh nhận sự bất an ấy khi phải dùng những thứ độc hại từ Trung Quốc cùng với họa mất nước. Còn sự bất an nào bằng sự bất an này.



Trách chính chúng ta

Tất cả những sự bất an dù trong nước hay thế giới đều xuất phát từ lòng người. Thiên Chúa đã đến hơn 2000 năm nhưng loài người vẫn chưa được bình an. Chưa được bình an vì loài người chúng ta chưa có thiện tâm. Chưa có thiện tâm thì lời cầu khẩn của chúng ta mãi mãi chỉ là tiếng vang hư không. Vì vậy, chúng ta không nên trách trời nhưng là trách chính chúng ta.

Trách chúng ta trong hiện tình thế giới cũng như đất nước và của những con người xung quanh đang đau khổ mà chúng ta không cảm thấy động lòng hay xót thương. Lòng từ của chúng ta để ở đâu trước tiếng kêu thống khổ của anh em, đồng bào, đồng loại. Thật không có sự tàn ác nào cho bằng sự im lặng của chúng ta trước cái ác. Chính sự im lặng đó đã làm tăng thêm cái ác. Và rồi, một ngày nào đó, cái ác sẽ mò tới chúng ta trong sự bàng quan của những người xung quanh. Đó chính là nguồn gốc của sự bất an do chính chúng ta gây ra.

Vậy, hãy gieo tâm từ. Hãy trở nên những con người thiện tâm để có thể chính bản thân được bình an và có thể đem bình an đến cho người khác. Sống thiện tâm chính là sống một mối tương quan tròn đầy.  Sống thiện tâm chính  là sống cùng - sống với- sống cho nhau - và sống vì nhau. Chỉ khi nào sống như thế, thế giới và con người mới có bình an.


Nguyện chúc bình an của Chúa Giáng Sinh sẽ tràn ngập tâm hồn mỗi người và toàn thế giới. Kính chúc bình an tới tất cả!




[1] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch của nhóm CGKPV, Nxb Đà Nẵng 2008, trang 277-278, note d

Đăng nhận xét