Dương Đình Giao
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau,
Trông bắc trông nam, trông cả địa cầu?
Và chương trình thế nào là mang hồn thời đại nhỉ?
Hóa ra “chém gió” bây giờ đã không phải là độc quyền của mấy cậu “choai choai”!
Mình thì chỉ thấy, các vị đừng
nghĩ tới chuyện cải cách chương trình, sách giáo khoa, … gì vội. Cái
quan trọng nhất hiện nay cần cải cách trong giáo dục là chuyện con
người. Nếu con người vẫn như hiện nay thì có cải cách kiểu gì cũng lại
“mèo lại hoàn mèo” thôi. Đã có bao nhiêu cuộc cải cách chương trình và
sách giáo khoa từ năm 1981 đến nay rồi, tốn kém biết bao tiền của, công
sức, … mà thất bại vẫn hoàn thất bại.
Sau 1945, chương trình giáo dục
còn khá thô sơ (chủ yếu theo chương trình Hoàng Xuân Hãn ra đời một cách
vội vàng sau khi Nhật đảo chính Pháp), sách giáo khoa hầu như chưa có,
điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục cực kỳ thiếu thốn, nhưng con người
lúc đó, dù học hàm, học vị chưa cao, nhưng do có phẩm chất đạo đức, có
học vấn đầy đủ, cộng với tấm lòng yêu nước thiết tha đã mang lại thành
tựu nhất định cho nền giáo dục. Trong khoảng 15 năm (1945 – 1960), chất
lượng của giáo dục Việt Nam có sút kém so với giáo dục trước 1945 nhưng
còn chấp nhận được. Vì những người tham gia vận hành nền giáo dục lúc
này còn là sản phẩm của nền giáo dục cũ, mặc dù không ai kêu gọi, nhưng
phải công nhận, họ đều là những người vừa có đức, vừa có tài.
Nhưng từ sau 1960, chúng ta luôn
luôn nói tới “vừa hồng vừa chuyên” nhưng sản phẩm của nền giáo dục Việt
Nam lại hoàn toàn không được như thế. Và những con người do chính nền
giáo dục đào tạo ra quay lại gây tai họa cho chính nó. Cái vòng lẩn quẩn
này cứ quay hết chu kỳ này tới chu kỳ khác, và kết quả của nó là nền
giáo dục hiện nay. Nếu không có những cải cách cấp bách về con người,
giáo dục Việt Nam chỉ có thể càng giảm sút hơn hiện nay. Chúng ta sẽ chỉ
luôn luôn cố gắng để “năm sau bằng được năm nay” đã là sự may mắn.
Con người tác động đến giáo dục hiện nay có thể chia làm nhóm. Mỗi nhóm này ảnh hưởng khác nhau đến giáo dục.
- Trước hết là nhóm các vị ở tầng vĩ mô. Tức là những con người quyết định tầm chiến lược, hay cái mà các vị nói là những người xác định triết lý của giáo dục, đường lối giáo dục.
Cứ mỗi khi đến dịp 70, 80 hay
100 năm ngày sinh, ngày mất hay ngày gì đó của các vị, lại thấy không ít
các bài tung hô, coi các vị như thánh sống, cứu tinh cho giáo dục Việt
Nam. Mình chẳng dám phủ nhận, nhưng xin phép được nghi ngờ. Vì các vị
ấy, suốt trong bao nhiêu năm chèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam, hết
người này tới người khác, nhưng chưa bao giờ mình thấy giáo dục Việt Nam
có chiều hướng đi lên. Từ sau 1945, tức là khi mình bắt đầu biết hưởng
thụ nền giáo dục cho đến khi mang cả đời góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp
trồng người, chỉ toàn thấy nó đi xuống, và đến nay thì nó “đang tan
hoang” như từ dùng của một nhà giáo đáng kính.
Suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm
được lời giải đáp. Sau nghĩ rằng, có lẽ các vị không phải không có tài
năng, chỉ có điều cái tài năng ấy chưa được sử dụng. Hay nói đúng hơn,
những đường lối giáo dục người ta vẫn cho rằng các vị là tác giả thật ra
các vị không tán thành. Nhưng các vị ở cái thế “chẳng đặng đừng”. Lẽ
ra, khi đã ở trong cái tình thế như vậy, các vị nên có thái độ phản
đối. Những người cầm quyền sẽ phải có thái độ thận trọng. Hay ít ra,
những người được hưởng thụ cũng thấy thận trọng niềm tin khi không thấy
các vị đứng tên tác giả. Đằng này, các vị cứ im lặng, coi “im lặng là
vàng. Thế là dân chúng “ăn quả lỡm”. Cuối cùng chỉ có dân là thiệt. Tốn
kém bao nhiêu tiền của công sức cho con ăn học mà chẳng đâu vào đâu.
Thậm chí có người cả tin vào cái nền giáo dục của các vị chủ trương mà
đứa con dứt ruột đẻ ra, lại nuôi nấng với bao hy vọng trở thành một con
người “bán thân bất toại” về trí tuệ
Tóm lại, nhóm người cần cải cách
đầu tiên là những người có quyền quyết định đến những vấn đề vĩ mô
của cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục phải vì tự thân yêu cầu của
giáo dục, vì sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho
sự nghiệp xây đựng đất nước chứ không phải vì phục vụ cho mục đích
chính trị của một nhóm lợi ích nào đấy.
Không thay đổi nhóm người này,
chỉ rồi lại lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân, lãng
phí biết bao thế hệ con người Việt Nam sinh ra, lớn lên mà chẳng giúp
ích gì, thậm chí còn làm hại tới tương lai của đất nước.
- Nhóm người thứ hai cần cải cách là nhóm những người làm công việc chỉ đạo, nghiên cứu, theo dõi, đôn đốc hiện đang làm việc ở Bộ, ở các Sở, Phòng Giáo dục.
Trước hết, vì các lợi ích riêng
mà chính các nhóm người này đã đi ngược lại những gì các nhà cải cách ở
tầm vĩ mô đã đề ra. Còn nhớ trong cải cách giáo dục năm 1981, các nhà
cải cách đã chủ trương thêm một lớp ở cấp trung học cơ sở để học sinh
sau khi tốt nghiệp cấp học này được thêm một tuổi, được trang bị thêm
một số kiến thức để có thể ra trường, theo học các lớp dạy nghề, chỉ
khoảng 30% học sinh tốt nghiệp tiếp tục theo học lên cấp trung học phổ
thông rồi được chọn lọc tiếp để vào đại học. Lẽ ra với chủ trương này,
sự phát triển các trường phổ thông trung học cần được hạn chế về số
lượng. Thay vào đó, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục phải được đầu
tư vào việc nâng cao chất lượng các trường phổ thông trung học sẵn có
và mở thêm nhiều trường dạy nghề. Nhưng những người làm công việc quản
lý ngành giáo dục từ cấp trung ương đến các tỉnh, thành phố đã làm điều
ngược lại. Ở các địa phương, các trường phổ thông trung học cả công lập
lẫn dân lập tiếp tục được phát triển hết mức. Số lượng trường phổ thông
trung học nay đã thỏa mãn gần 100% nhu cầu học tập của học sinh tốt
nghiệp phổ thông cơ sở, thậm chí, nhiều trường phổ thông trung học còn
không có học sinh vì chẳng ai có nhu cầu học mà không có trường. Một mặt
họ vẫn kêu gào chương trình quá nặng, học sinh bị quá tải, cần phải
giảm tải…(dĩ nhiên cần phải có tiền), nhưng một mặt, họ vẫn để cho học
sinh tha hồ ngồi nhầm lớp, đó chính là nguyên nhân gây nên chuyện học
thêm dạy thêm tràn lan trong các nhà trường hiện nay. Cấp đại học cũng
đua nhau phát triển mặc dù từ cách nay khoảng gần hai chục năm, người ta
đã cảnh báo nạn “thừa thầy thiếu thợ”. Nhiều nơi, dù không có trường
sở, không có giảng viên, thậm chí không có cả sinh viên, người ta vẫn
đua nhau mở trường đại học để tới nay, trường không có người học (mặc dù
nhiều trường đã phải lấy tới những thí sinh chỉ được 7 điểm thi 3 môn).
Luôn kêu chất lượng đại học xuống cấp, nhưng ngân sách không được sử
dụng để nâng cao chất lượng các trường đã có mà được sử dụng để mở
trường tràn lan dù cho tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm
ngày càng cao.
Lối “trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược” này đã khiến cho tình trạng giáo dục nước ta ngày càng lộn xộn.
Việc mở trường (cả trung học và đại học) chỉ nhằm phục vụ lợi ích của
những người có quyền ra quyết định thành lập trường, các “ông chủ”
trường, và người dạy (mặc dù chất lượng rất thấp, nhiều khi chỉ trong
tình trạng “cơm chấm cơm”, cử nhân đào tạo cử nhân) và một số ít người
cần cái bằng đại học làm đồ trang sức, để hợp thức hóa việc chui vào các
cơ quan nhà nước của những “con ông cháu cha” chứ hoàn toàn không phục
vụ nhu cầu chính đáng của người học và của toàn xã hội. Ngân sách dành
cho giáo dục vốn đã chưa dồi dào, lại được sử dụng không đúng chỗ khiến
sự lãng phí không thể nào chấp nhận được. Làm sao nền giáo dục có thể
phát triển lành mạnh khi những người có trách nhiệm quản lý chỉ chăm
chăm vào nhóm lợi ích của mình?
Một tình trạng cần cải cách ở
nhóm những người này là thói quan liêu. Cán bộ ở các Viện nghiên cứu có
nhiệm vụ giúp các cấp quản lý tiếp cận với các nghiên cứu khoa học tiên
tiến để vận dụng vào thực tế nhưng họ ngoài sự hạn chế về trình độ (do
được đào tạo hời hợt, chỉ chạy theo bằng cấp nhằm thực hiện vượt mức chỉ
tiêu) lại ít hiểu biết về nghiệp vụ quản lý còn rất hạn chế trong việc
hiểu biết một cách đầy đủ hiện trạng của các trường, những biểu hiện
tích cực và tiêu cực của những người đang “đứng mũi chịu sào” trên mặt
trận giáo dục. Những lần về cơ sở của họ phần lớn đều trong tình trạng
“cưỡi ngựa xem hoa”. Vì thế, những chủ trương, biện pháp do các cơ quan
này ban hành thường thiếu sức thuyết phục. Những cái được gọi là công
trình nghiên cứu của các Viện này chỉ làm được việc gần như duy nhất là
tiêu hết tiền của các dự án, còn khi đem vận dụng luôn gặp tình trạng xa
rời thực tế vì chỉ giải quyết những chuyện hết sức hình thức, kiểu như
giáo án điện tử, sử dụng những công cụ hỗ trợ của công nghệ thông tin
cho một số môn học, …Phần lớn những kết quả này đềug khó để tổng kết,
đánh giá vì phần lớn đều tyrong tình trạng “đứt gánh giữa đường”. Những
giải pháp mang tính chất hình thức này chỉ khiến cho cái ao tù giáo dục
gợn lên vài làn sóng ở bề mặt, không những chẳng hề làm cho làn nước
trong sạch thêm mà còn tạo nên sự ngộ nhận và gây không ít tốn kém tiền
bạc cho nhà nước và cha mẹ học sinh.
Loại thứ ba trong nhóm người này
là những người chịu trách nhiệm giúp cấp trên theo dõi và chỉ đạo trực
tiếp các trường. Đây chính là những người thuộc thành phần trung gian
mà người ta đã quen
gọi “vừa chung chung vừa gian gian” do cách làm việc và tính cách của
họ. Thay vì làm cầu nối, họ chỉ làm việc “dối trên lừa dưới”. Họ sẵn
sàng che giấu những sai lầm của các trường miễn là được hiệu trưởng các
trường thỏa mãn một số điều kiện vật chất, thậm chí còn “tham mưu” cho
các trường tìm cách để “lách luật”, sau đó tiếp tục lừa dối cấp trên
rằng “mọi việc vẫn tốt đẹp” thậm chí còn không tiếc lời để tán dương cho
những người mắc sai phạm. Thế là giữa cấp trên và các trường phía dưới
mất mối liên hệ tự nhiên. Sự chỉ đạo của cấp trên vốn ít ỏi, qua những
cán bộ kiểu này hầu như chẳng còn gì. Thế là trường nào cũng trong tình
cảnh “mạnh ai nấy làm”. Nhiều trường, nhất là các trường dân lập, có rất
nhiều vi phạm nhưng vẫn được làm ngơ.
Không thay đổi, không cải cách những con người này, sự chỉ đạo, quản lý của các cấp hoàn toàn không có tác dụng.
- Nhóm người có vai trò rất lớn trong cải cách giáo dục là giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường mà người đứng đầu là Hiệu trưởng. Những người này chiếm tỷ lệ áp đảo trong ngành giáo dục ở bất cứ đâu.
Không thể phủ nhận vai trò của
người Hiệu trưởng. Ông ta là người nhận mọi đường lối, chủ trương, chính
sách, … từ cấp trên và trực tiếp thực hiện trong ngôi trường mà mình
đứng đầu. Mọi thứ từ cấp trên có hay đến mấy, nhưng ông ta không thực
hiện, hoặc thực hiện một cách tắc trách thì kết quả ra sao ai cũng biết.
Ngược lại, có những chủ trương chưa hoàn chỉnh, những khiếm khuyết ấy
sẽ được người Hiệu trưởng điều chỉnh, khắc phục, hạn chế tác hại nếu
ông ta là người hiểu biết và có tấm lòng với sự nghiệp vun trồng con
người. Hiệu trưởng cũng là người trực tiếp quản lý giáo viên, người có
thể hiểu giáo viên đầy đủ nhất về mọi mặt từ phẩm chất đạo đức đến năng
lực chuyên môn, từ sở trường đến sở đoản,.. Biết “dụng nhân như dụng
mộc”, người Hiệu trưởng sẽ phát huy tốt nhất khả năng và hạn chế thấp
nhất những khiếm khuyết của giáo viên.
Nhưng đáng tiếc là hiện nay, số
những người là Hiệu trưởng có tâm có đức và có tài không nhiều. Do đã
phải bỏ ra một số “vốn” không nhỏ để ngồi vào cái ghế ấy, rồi lại phải
không ngừng bảo trì bảo dưỡng, “gia cố” cho cái ghế ấy thêm chắc chắn,
rồi còn vì tham vọng giàu sang không có điểm dừng, rồi phải lo cho tương
lai khi chỗ đứng không còn, … nên phần lớn các ngài Hiệu trưởng
(thường chỉ ngồi cái ghế đó được chừng vài chục năm) bây giờ chỉ còn coi
nhà trường là cỗ máy in tiền mặc dù cổng trường nào cũng treo một cái
khẩu hiệu to tướng “Tất cả vì học sinh thân yêu!” Những chủ trương từ
trên đưa xuống, cái gì đẻ ra tiền thì được ra sức thực hiện. Còn cái gì
“không sinh lợi” hay đúng hơn là chỉ sinh lợi cho việc giáo dục thì
thường được xếp xó. Thậm chí, nhiều chủ trương đúng đắn cũng bị bóp méo
nhằm thu lợi riêng.
Một việc nhỏ là có quy định Hiệu
trưởng phải trực tiếp giảng dạy 2 tiết một tuần để thường xuyên theo
sát hoạt động giảng dạy và học tập của học sinh nhưng cũng chẳng ai thực
hiện. Cấp trên “biết thừa”, nhưng vì những lý do vô cùng tế nhị nên
cũng làm ngơ. Việc nhỏ như thế còn không làm, hy vọng gì làm việc lớn
hơn?
Ngay cái việc quan trọng vào
loại bậc nhất, nhà nước và nhân dân hàng năm tốn kém nhiều nghìn tỉ đồng
và biết bao công sức để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học,
nhưng không ít Hiệu trưởng, nhờ có “bác” dẫn đường, có khả năng xâm
nhập vào tới nơi thâm nghiêm nhất để lũng đoạn. Cái cơ quan “Khảo thí và
kiểm định chất lượng” nghe rất “oai” nhưng nhiều khi đều chịu sự điều
hành của mấy ông này trong việc sắp xếp bố trí người coi thi, chấm thi
và những công việc vốn cần sự nghiêm cẩn. Đến những việc như thế họ còn
dám làm, và còn làm được thì hy vọng gì ở việc họ lãnh đạo nhà trường
và giáo viên trong trường thực hiện cải cách giáo dục?
Giáo viên là những người trực
tiếp giảng dạy và đánh giá học sinh. Nếu giáo viên có trình độ chuyên
môn vững vàng, chương trình, sách giáo khoa có thể còn những khiếm
khuyết (và chắc chắn không ai có thể viết được một cuốn sách giáo khoa
hoàn toàn không có thiếu sót), họ vẫn khắc phục được. Thậm chí có thời
kỳ, các nhà trường của chúng ta còn chưa có sách giáo khoa mà học sinh
vẫn học tốt (dĩ nhiên có khó khăn hơn là có sách). Có những giáo viên
biết “đính chính” những điều còn thiếu sót và biết cần thêm thời gian
cho những phần mà chương trình, sách giáo khoa còn sơ lược.
Nhưng giáo viên hiện nay hầu như
không có động lực để làm việc, để tự nâng cao trình độ. Lẽ ra, qua thi
cử nghiêm túc, năng lực chuyên môn của giáo viên sẽ được khẳng định,
phẩm chất của người thầy được tôn vinh. Nhưng nay thi cử gian dối, hóa
ra mọi người thầy thành “bình đẳng” cả. Những danh hiệu như giáo viên
dạy giỏi, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân dù chỉ là “hão” hình như
cũng không phải dành cho những người thầy toàn tâm vì sự nghiệp. Còn
đồng lương thì ai cũng rõ. Các ngành, các nghề, … cơ quan nào cũng còn
có khoản nọ khoản kia, chứ thầy cô giáo, ngoài một số người có thể no đủ
nhờ dạy thêm, phần lớn đều phải kiếm sống bằng những nghề nhiều khi
chẳng liên quan gì đến việc dạỵ học. Một số người còn có cuộc sống dưới
mức trung bình. Từ đó sinh ra đủ những chuyện đau lòng. Không quan tâm
đầy đủ đến đời sống của những người vẫn được coi là đang làm một nghề
cao quý, làm sao họ tha thiết với cải cách giáo dục?
Cho nên, một lần nữa, tôi xin đề
nghị, đừng vội nghĩ đến việc thay đổi chương trình, viết lại sách giáo
khoa. Trước hết phải nghĩ tới việc cải cách con người. Chỉ khi con người
thuộc cả ba nhóm ấy có chuyển biến, những con người toàn tâm toàn ý cho
giáo dục, những con người không vì lợi ích của những phe nhóm được
trân trọng, mọi việc mới có thể cải cách. Việc làm lại chương trình và
viết lại sách giáo khoa mới không đi vào vết xe đổ của những lần trước,
làm lãng phí tiền bạc công sức của nhân dân.
Với khoản tiền không nhỏ đã chuẩn bị dành cho việc cải cách này, tôi đề nghị chọn một trong hai cách:
Một là, sử dụng số tiền này cho
tất cả các thí sinh đỗ thủ khoa kỳ thi đại học vừa qua đi học ở nước
ngoài. Đó là một cách đầu tư cho tương lai có hiệu quả, mà không phải
lựa chọn phiền phức, tránh được bao tiêu cực.
Hai là, nhường cho các khoản chi
khác cần thiết hơn, thí dụ như xây dựng mới nhiều bệnh viện góp phần
giảm tải cho các bệnh viện hiện nay.
Còn nếu có ai đó nói rằng “Không
thể chậm trễ việc cải cách vì chúng tôi sắp hết nhiệm kỳ rồi!” thì tôi
xin chịu! Xin cứ cải cách, chắc chắn chỉ hoàn thành (mà còn hoàn thành
vượt mức) việc tiêu tiền, còn mọi thứ lại phải có một cuộc cải cách
tiếp theo!
Đăng nhận xét