Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Sinh viên toàn cầu — Cá mè một lứa

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014 | 16:55


TYVHV: Cũng là một cách nhìn!
---------------

Lê Trường An

Trong diễn đàn kinh tế thế giới 2012, một thuật ngữ từng được dùng trong thời kì thế chiến thứ nhất được dùng lại cho một thế hệ đã mất trong thời kì gần đây,  The Lost Generation. Theo số liệu thống kê thì ở Anh hiện có khoảng 1 triệu người thất nghiệp. Ở Tây Ban Nha có 20% người thất nghiệp và 40% trong số đó là thanh niên. Và tại Việt Nam, con số cử nhân thất nghiệp lao vào khoảng 162.000 người. Vậy tại sao số người thất nghiệp lại cao đến thế?

Khủng hoảng kinh tế

Featured image: TnB

Một số người cho rằng, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu việc làm trầm trọng hiện nay trên toàn thế giới. Song, đó thật sự không phải là một câu trả lời toàn diện. Theo ông Paul Hưng Nguyễn, tổng giám đốc mạng việc làm CareerBuilder thì hiện tại các công ty đang thật sự “khát nhân viên”, đặc biệt là các nhân viên có năng lực làm việc và đảm nhiệm các vị trí cấp trung trong công ty. Vậy đâu là vấn đề chính?


Thiếu kỹ năng làm việc

Trong diễn đàn kinh tế thế giới, các lãnh đạo hàng đầu đã phải thừa nhận là thanh niên châu âu đang thiếu kỹ năng làm việc. Như những phần mềm, các công cụ đơn giản thanh niên châu Âu hiện tại không biết làm. Do một thời gian quá dài họ đã đẩy các công việc gia công này cho Ấn độ, Trung quốc và Việt Nam…

Sinh viên Việt Nam có cái mà thanh niên Châu Âu đang thiếu

Nói thanh niên châu Âu thiếu kĩ năng làm việc đúng nhưng vẫn chưa đủ. Thanh niên châu Âu có đầy đủ các kỹ năng mềm, kỹ năng cứng để làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn. Song, cái mà họ đang thiếu đó chính là Tinh Thần Khởi Nghiệp và họ đang thừa sự Tự Tôn.

Đối với thanh niên châu Âu, các công việc như code, may mặc, mài giũa,… chỉ là các công việc hạng bét và không xứng đáng để họ làm. Trong khi đó, các công việc này đang tạo ra nguồn thu nhập để cứu một lượng người khổng lồ trên thế giới vượt qua đợt khủng hoảng toàn cầu này. Các chính phủ châu Âu nói rằng “phải mang các công việc nhỏ ấy về vì hiện tại tình trạng thiếu việc làm quá khủng khiếp rồi”. Song, rất khó để có thể mang các công việc đó về vì “tư duy hưởng lạc” bên trong họ quá cao và thật sự họ đang thiếu các kỹ năng để làm chúng.

Người châu Âu đang thiếu tinh thần khởi nghiệp

Theo thống kê trong diễn đàn kinh tế thế giới, 40% thanh niên châu âu thiếu việc làm và 60% thanh niên Pháp ra trường là ra đi với thất nghiệp. Ở Việt Nam cũng thế, hàng loạt sinh viên thiếu việc làm. Song, cái đáng nói là ở Việt Nam, những sinh viên thất nghiệp thì họ đã tự khởi nghiệp từ những công việc nhỏ từ thời sinh viên như Handmade, mở công ty riêng, freelance……. Như Nguyễn Hà Đông người làm dạy bão toàn cầu với game Flappy Bird, hay Bùi Thị Phương chủ một nhà hàng và các trung tâm Anh ngữ.

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu việc làm trầm trọng trên toàn cầu?

Câu trả lời trong diễn đàn kinh tế thế giới đó chính là “Giáo dục truyền thụ”. Mấy trăm năm qua, nền giáo dục truyền thụ đã ăn sâu vào tinh thần của người dân trên toàn thế giới. Mối quan hệ học tập chỉ diễn ra giữa thầy và trò. Vô hình chung, chúng ta đang tự giới hạn kiến thức của mình qua một “ông thầy” như lượng kiến thức của thế giới truyền vào chúng ta qua một cái phễu với tấm lọc là một ông thầy. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, kiến thức là vô tận với công cụ Google đang làm phai nhạt đi vai trò của một người thầy thực sự. Lượng kiến thức khổng lồ ấy phải được tự thân chúng ta lĩnh hội và phát triển. Trong bộ phim Kungfu Panda vào những phút cuối phim sư phụ nói với Panda rằng “Con đã đủ khả năng để xuống núi, nhưng ta muốn nói với con rằng con làm gì thì đừng nói tên sư phụ ra.”

Có một sự thật ra, nền giáo dục truyền thụ đang bóp chết sức sáng tạo của người học. Chính lối giáo dục truyền thụ đã dần dần làm hạn chế tiềm năng con người. Vì chỉ có 10% người học bằng với thầy của mình và 90% người học còn lại có sức thấp hơn thầy của mình. Và sẽ có rất nhiều người trong 90% ấy tiếp tục đi làm thầy. Vậy đâu là lời giải cho “The Next Generation”?

Giáo dục kiến tạo là câu trả lời

Một học thuyết giáo dục mới dựa trên một kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Jean Piaget về mô hình phát triển trí thông minh của trẻ em từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành. Từ mô hình này, việc hình thành và tích luỹ tri thức của trẻ con là nguyên lý cơ bản để xây dựng các học thuyết về phương pháp học tập của con người. Theo mô hình này, Jean Piaget đã thay đổi căn bản quan niệm về sự học của đứa trẻ. Ông được coi là nhà tâm lý học nhận thức đã sáng lập lý thuyết “kiến tạo” (constructivism) trong giáo dục. Thuyết này gắn bó sự phát triển trí khôn của chủ thể với sự trưởng thành tự nhiên về mặt sinh học của chính chủ thể đó.

Ngay từ sơ sinh, chủ thể đã tự học, mà cách thức tự học chính là những phản xạ. Cách “học tập” tự nhiên ban đầu đó được Piaget đặt tên là trình độ trí khôn cảm giác-vận động trước khi trở thành trí khôn tiền-thao tác, trí khôn thao tác cụ thể và trí khôn trừu tượng. Các “kiến thức” được phát triển ở con người khi thông tin mới đi vào tiếp xúc với kiến thức đã có trong con người nhờ những kinh nghiệm trước đó và đã được “xây dựng” trong những cấu trúc tư duy. Vậy kiến thức là cái được sáng tạo trong quá trình chủ thể khám phá thế giới. Đứa trẻ tự tạo nên kiến thức có nghĩa là làm nên thế giới của chính mình từ kinh nghiệm, thay đổi nó từ chỗ hỗn loạn đến chỗ có tổ chức. Và theo cách đó, Piaget tin rằng một người thầy chủ yếu là người tạo điều kiện thuận lợi, quan sát và hướng dẫn học sinh xây dựng nên kiến thức của chính chúng, hơn là người truyền thụ kiến thức.

Theo đó, thuyết Constructivism bao gồm các thành tố Aspiration (sự yêu thích, mong muốn), Individual – Seeking knowledge (tư duy độc lập với việc tự nghiên cứu và tìm ra những kiến thức mới), Team (có tranh luận).

Một số kinh nghiệm áp dụng mô hình Giáo dục kiến tạo ở các nước như Israel, Nhật Bản cho thấy, mô hình này có khả năng khai phá tiềm năng của con người và thúc đẩy sức sáng tạo. Áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, các em học sinh được thực hành giải toán trên máy tính bảng. Trong 20 giờ đầu tiên, có một em giải được toàn bộ các bài toán. Và 3 tháng sau chỉ 1 em không giải được. Ở Việt Nam cũng thế, song chúng ta đang làm một việc đó là ép những người giỏi phải chờ một người kém phát triển kia.

Giáo dục kiến tạo là một nền giáo dục cá thể dựa trên tập thể. Các hình thức đước áp dụng trong giáo dục kiến tạo như phương pháp giáo dục tích hợp (Blended Learning), học theo mô hình đội nhóm, Project base Learning, Discovery Learning…….sẽ giúp người học chủ động thu nhận kiến thức và áp dụng một cách triệt để vào công việc và cuộc sống. Chúng ta sẽ loại bỏ hoàn toàn việc đánh giá việc học của người học qua những con điểm vô hồn và việc giảng dạy của giáo viên qua các tiết dự giờ. Giáo dục kiến tạo sẽ đánh giá người học và người dạy qua chặng đường mà họ thu lượm kiến thức và vai trò của người thầy sẽ được chuyển từ người “thầy” sang “người truyền lửa”.

Giáo dục kiến tạo được tóm gọn trong một mô hình của TS. Phan Phương Đạt – Phó Hiệu trưởng ĐH FPT đó là “Làm-Nghiệm-Ngộ-Dụng”. Giáo dục kiến tạo là trách nhiệm thực học và tự học của mỗi người. Đừng quá trong chờ vào nhà trường “dọn sẵn” tiệc cho bạn, hãy tự “nấu” và thưởng thức nó. Việc có trở thành một “thế hệ tiếp nối” hay không là ở chính lớp người trẻ chúng ta.

---------------------------------------
*Bài viết có sử dụng tư liệu của fpt.edu.vn và diễn đàn kinh tế thế giới 2012

Đăng nhận xét