Dương Đình Giao
Sử dụng cái khẩu trang đầu tiên
có lẽ là những nhân viên y tế trong các bệnh viện, để giữ vệ sinh, để
hạn chế lây nhiễm vi trùng, vi khuẩn. Sau, một số gia đình có hiểu
biết, khi dọn dẹp những nơi không được sạch sẽ, người ta cũng dùng cái
khẩu trang để ngăn mùi xú uế, bụi bặm.
Mùa đông năm 1956, có dịch cúm
(trước đó, từ “cúm” người ta dùng để gọi bệnh của con chó, nói chó cúm
nghĩa là chó ốm). Học sinh trường phổ thông cấp 3 Hà Nội tập trung ở
sân phía trước ngôi trường ở 47 Lý Thường Kiệt, nghe thầy Hiệu trưởng
Phạm Quang Hiểu nói về việc phòng căn bệnh vô cùng nguy hiểm lần đầu
xuất hiện. Cả thầy và trò khi ấy mới từ ngoài kháng chiến về, còn nghèo
lắm (trừ một số ít người có gia đình còn ở lại Hà Nội không đi kháng
chiến). Mình còn nhớ thầy dạy để chống rét, hạn chế bệnh cúm lây nhiễm,
có thể dùng cái quần đùi (quần lót) gấp lại làm khăn quàng cổ và đeo
khẩu trang để hạn chế khí lạnh. Rất nhiều học trò đã làm theo lời thầy
dạy. Từ đó về sau, mỗi khi có gió mùa đông bắc, đi xe đạp, nhất là khi
đạp ngược chiều gió, đeo cái khẩu trang, có cảm giác ấm hẳn. Khẩu trang
có thêm chức năng ngăn lạnh cho cơ quan hô hấp.
Từ vài chục năm nay, xã hội phát
triển, người xe đi lại đông đúc, toàn ô tô, xe máy, đường xá bụi bặm,
dù trời nóng như thiêu như đốt, người ta vẫn phải dùng cái khẩu trang để
ngăn bụi. Quả thực cái khẩu trang mang vào mùa nóng rất khó chịu nhưng
còn hơn phải thở hít trong cái không gian nhiều khi đặc quánh những
bụi, nhiều lúc có cảm tưởng như bụi đất hắt vào mặt.
Cái khẩu trang ban đầu chỉ che
phần miệng và hai lỗ mũi, nhưng diện tích của nó lớn dần. Đến khi được
thêm chức năng chống nắng nóng để giữ cho vẻ đẹp làn da (nhất là đối với
phụ nữ) thì nó lớn tới mức che hết cả khuôn mặt, chỉ còn chừa có khoảng
hai con mắt. Nhưng hai con mắt cũng không được hoàn toàn tự do. Để
tránh nắng chói chang và bụi, ai đi ngoài đường cũng đeo cái kính râm to
xù. Nhiều khi, thấy có người đi ngược chiều gật đầu như chào mình mà
khó nhận ra ai để đáp lễ vì khuôn mặt người ấy đã bị cái khăn và cặp
kính đen che kín. Mùa hè, trên mọi nẻo đường xuôi ngược, nhiều khi có
cảm giác như đang đi trên một xứ sở xa lạ vì phần lớn những người trên
xe, dưới cái mũ bảo hiểm kia đều giống như “nin-ja” vậy.
Qủa thật, khó có cái gì mang
nhiều chức năng như cái khẩu trang. Từ ngăn vi trùng, hạn chế mùi khó
ngửi, giữ ấm mũi họng, chống bụi, chống nắng nóng. Và rồi không biết nó
sẽ còn được mang những chức năng gì nữa.
Nhưng sự tình không chỉ dừng lại ở đó. Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen
rất biết giữ thể diện của mình trước mặt người quen biết. Mọi lời nói,
hành vi cử chỉ đều vô cùng cẩn trọng nếu họ biết đang được những người
biết rõ về mình theo dõi. (Có khi sự cẩn trọng tới quá mức cần thiết).
Vì sợ mang tiếng, người ta có thể kiềm chế, không dám bộc lộ một ước
muốn hoặc hành vi dù rất chính đáng. Nhưng ở nơi xa lạ, khi biết chắc
chắn mình đang bị khỏa lấp trong muôn người, không ai biết mình là ai,
họ sẵn sàng làm mọi việc bất chấp đạo lý để thỏa mãn ý thích bản năng
của cá nhân. Với những con người này, cái khẩu trang ngoài chức năng
chống nắng, ngăn bụi còn có thêm công dụng che kín cái bộ mặt của họ,
khiến không ai có thể xác định chủ nhân của những hành động, cử chỉ, lời
nói bất lương. Nó trở thành cái bình phong hữu hiệu để phía sau, chủ
nhân của nó hành động như ở chốn không người.
Đi lại trên đường, người ta sẵn
sàng vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều…,
người ta sẵn sàng buông ra những lời thô tục khi gặp điều gì trái ý dù
nhỏ. Biết bao những hành vi bất lương đã được cái khẩu trang che giấu.
Nhưng xét cho cùng, những con
người đó dù sao vẫn còn có ý thức về thể diện. Họ chỉ dám làm những điều
sai trái khi khuôn mặt được giấu kín.
Đáng ngạc nhiên có những con
người không phải vô danh, toàn loại “vua biết mặt, chúa biết tên”, đứng
vào hàng vài trăm người đứng đầu cả nước, thế mà họ dám làm những điều
khuất tất ghê gớm, rất “đậm”, rất “dầy”, chắc để tương xứng với chức vụ
đã mang.
Lòng tham của họ thật vô đáy.
Suốt một đời đã chấm mút, la liếm, bòn rút vẫn chưa thấy đủ. Dù đã quyền
cao chức trọng nhưng vẫn tham một cái danh hão; dù đã “tòa ngang dãy
dọc” một cách khó hiểu nhưng trước khi “hạ cánh” vẫn ra tay bổ nhiệm tới
mấy chục quan chức mà lý do vì sao chắc ai cũng biết; dù đã về hưu 8
năm vẫn chưa chịu trả ngôi nhà công vụ trị giá có lẽ tới nhiều trăm tỷ
đồng. Chắc các vị đều thấm nhuần câu hát khi giơ nắm tay tuyên thệ: “đấu
tranh nay là trận cuối cùng”?
Cái liêm sỉ của họ chắc đã rơi
rụng dần theo những nấc thang danh vọng qua năm tháng, nên mặc cho tên
tuổi và lòng tham bàn dân thiên hạ đều biết, nhưng họ vẫn bất cần. Báo
chí đưa tin, dân gian truyền miệng, lời đàm tiếu khắp các hang cùng ngõ
hẻm nhưng chẳng làm họ chạnh lòng. Mới thấm thía một câu trong bài thơ
được truyền miệng gần đây:
Đã vào vòng xoáy bon chen,
Phẩm hàm cao ắt thấp hèn càng cao.
Mà sao những sai phạm, gian dối
tày đình như thế những người đồng chí, đồng đảng của họ vẫn im lặng, vẫn
làm như không biết trước khi được quần chúng phát hiện? Hay là vì trong
mỗi ngôi nhà, các ô cửa đều giống nhau?
Đăng nhận xét