Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Suốt trong nhiều năm, tôi cứ bị đánh thức dậy bởi tiếng chuông nhà
thờ cách nhà một dãy phố. Buổi sáng, khi chung quanh vẫn còn tối đen,
tiếng chuông nhà thờ văng vẳng luôn trở thành một người bạn bí mật nhắc
tôi về nhiều thứ, thức tỉnh tôi. Đặc biệt, những ngày cuối năm, trời
miền Nam tạm gọi là mùa đông, không khí lạnh đặc. Tiếng chuông cũng âm
vang lạ hơn, xa xôi hơn.
4 giờ sáng, thời khắc như bắt đầu mọi thứ ở Việt Nam. Tiếng xe máy
lác đác vụt qua trên đường phố. Tiếng chổi sớm, tiếng ho của người già.
Tiếng lanh canh của người bán cà phê vỉa hè đun nước. Trong ánh sáng mờ
ảo đó, cuộc sống nhen nhúm dần chờ bình minh. Những bóng đèn đường lịm
dần nhường chỗ cho ban mai. Và trong ánh sáng chập choạng ấy, những ngày
gần đây, tôi hay nghĩ về một đôi vợ chồng già mệt mỏi thức dậy ở Hà
Nội, mọi thứ qua loa để kịp ra đường lúc đông người qua lại nhất. Họ giơ
cao các tấm bảng viết chữ đỏ như bằng máu với nội dung “con tôi sắp bị
chết oan”.
Cuối tháng 12 này, anh thanh niên Nguyễn Văn Chưởng sẽ phải chấm dứt
cuộc sống của mình theo án tử hình do Toà án nhân dân thành phố Hải
Phòng ký duyệt. Hệ thống điều tra ở thành phố này khẳng định Chưởng là
kẻ giết người, trong khi đó, nhiều nhân chứng xác nhận rằng Chưởng ở
cách nơi vụ án xảy ra hàng chục cây số đã không được phía điều tra màng
tới. Chưởng viết thư bằng máu nói rằng mình đánh đập, bị ép cung, nhục
hình… để buộc nhận một tội mà anh chưa bao giờ phạm phải. Những lá thư
mà Chưởng đã phải thức trong những đêm tối tăm của nhà ngục, thầm viết
và gửi ra cầu cứu với niềm hy vọng lịm dần, do bị bao vây bởi cái ác đeo
cà vạt và quân phục. Cái ác cầm gậy và roi, cái ác ngồi xổm lên sự thật
và công lý.
Ông bà Nguyễn Trường Chinh và Nguyễn Thị Bích đã bỏ hết mọi việc làm
ăn, cầm cố tài sản từ tám năm nay để kêu oan cho con mình. Nhiều tháng
nay, hai ông bà bạc đầu, đứng trên nhiều ngã đường ở Hà Nội và giơ cao
tấm bảng kêu cứu, hoảng hốt khi ngày chết của con mình gần kề. Có lúc
ông bà đứng trong buổi sáng rực nắng, có lúc ông bà ngồi giữa buổi chiều
đầy người qua lại, nhưng lòng người xứ Việt như lúc 4 giờ sáng, không
còn một tiếng chuông nào lay động. Oan khiên và sợ hãi phải chăng đang
tràn ngập đất nước này khiến ai ai cũng kinh hãi lo giữ lấy đời mình?
Chỉ đến khi lời đồn về đôi vợ chồng khốn khổ này lan đi ào ạt trên mạng
xã hội ảo, người ta mới bắt đầu biết đến họ, những ngày thật, gần đây.
Chưởng nói anh không bao giờ nhận mình là kẻ giết người. Dù anh bị
đánh, bị nhục hình, thậm chí điều tra viên doạ giết cả người thân để ép
anh ký vào lời khai theo ý họ. Nhưng bất luận Chưởng kháng cự ra sao,
một thế lực bí ẩn nào đó vẫn muốn Chưởng phải chết đúng vào ngày giờ đã
định, để lại cha mẹ già, vợ và con nhỏ bơ vơ.
Có cái gì đó thật mỉa mai, khi nơi trại giam giữ Chưởng có tên là
Trần Phú, người tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời
năm 1931 do bị người Pháp dùng nhục hình và giết chết. Giờ thì người
Việt đã thừa kế tất cả những gì mà họ đã từng lên án và dùng nó để làm
bằng chứng lật đổ một chế độ. Trong tương lai của một Việt Nam văn minh,
biết đâu di ảnh của cố tổng bí thư Trần Phú có thể sẽ nằm không xa với
tấm vải thêu bằng tăm tre lời kêu cứu của Nguyễn Văn Chưởng, về một ký
ức tội ác và oan khiên của con người đã từng trãi qua trong thời đại của
mình.
4 giờ sáng, những ngày mùa đông này ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn
Chưởng đang làm gì? Những ngày ghê sợ nhất là những ngày cái chết gần kề
mà người ta vẫn còn thoi thóp một suy nghĩ về công lý. Ba mẹ già của
anh ở Hà Nội cũng đang thoi thóp hy vọng trên các ngã đường mỗi ngày.
Chúng ta, những công dân cũng đang thoi thóp và bất lực chứng kiến bi
kịch của một gia đình, như một bi kịch của đất nước mình mà không thể
hét lên, gọi ngừng lại, đòi phế bỏ vở diễn đầy đau thương đó.
Trại giam thường đánh thức tử tù vào 4 giờ sáng, vào ngày phải chết.
Có thể 4 giờ sáng những ngày mùa đông sắp tới lại là một vết khắc nữa,
đòi phải được vay-trả trong hành trình sống khắc khoải của đất nước này.
Nhưng có thể 4 giờ sáng nào đó, là ngày oan khiên khép lại, và cái ác
như ánh đèn nhân tạo phải tắt dần, nhường chỗ cho bình minh thật sự soi
sáng.
Như bao con người khác đang bất lực theo dõi sự kiện của tử tù Nguyễn
Văn Chưởng, tôi cũng không đủ sức để làm nên điều kỳ diệu nào với một
lời kêu oan. Nhưng tôi và bạn không thể không nói, không thể không hy
vọng. Phần nhân tính ít nhất mà bạn có, dù bất lực, là phải ghi nhớ. Ít
ra, mai sau chúng ta vẫn có thể đứng dậy và trở thành nhân chứng đáng
giá của thời cuộc. Nhân chứng của sự thật dù trãi qua rêu phong. Dù chỉ
làm một tiếng chuông cô độc, vẫn hơn là hoà tan mình, thoả hiệp trong
đêm tối vô tận không thức tỉnh.
Đăng nhận xét