Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

HỘ KHẨU THÀNH PHỐ 2 (phần 2)

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015 | 15:53



Bài liên quan: Hộ khẩu thành phố,  
                        Hộ khẩu thành phố 2 (phần 1)
Trường của mẹ
Cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Mẹ hắn càng ngày càng gày gò. Ai cũng khen mẹ hắn đẹp vì có cái eo lý tưởng. Họ đâu biết rằng, cái eo đó là thành phẩm của những ngày nhịn ăn dài dài vì không có tiền. Cái eo ấy thon nhỏ tới nỗi da bụng gần như dính dét vào cột sống. Tất cả cũng vì tương lai của hai con mà mẹ chấp nhận chắt chiu. Chắt chiu từng đồng để hai đứa được tới trường bất kể trường công hay tư. Bất kể tốn kém thế nào.
 
Ảnh minh họa - nguồn internet
Thấy mẹ tần tảo sớm hôm. Hai anh em bàn nhau xin mẹ cho được nghỉ học. Bàn vậy nhưng hắn không biết thế nào và khi nào. Hôm ấy, nhân lúc đi học về thấy mẹ vui cười. Đoán chắc là hôm nay bán hàng được, hắn bạo gan thưa với mẹ.

Mẹ ơi, con thấy mẹ vất vả quả. Xin cho con được nghỉ học để giúp mẹ lo cho em. Khi nào có điều kiện con…

Chưa dứt lời, mẹ hắn gạt phắt đi. Gương mặt trở nên nghiêm nghị.
Các anh các chị tưởng như thế là thương tôi ấy à! Làm ơn học đi cho tôi nhờ! Học cho tốt vào thế là tôi vui rồi! Tiền! Tiền! Để làm gì! Sao cái gì cũng dính tới tiền?! Anh học cho tốt là anh thương tôi đó! Hiểu không? 

Rồi tự nhiên giọng mẹ lạc đi cùng với những tiếng nấc liên hồi. Nước mắt mẹ ứa ra chảy dài trên má khiến hắn sợ đến ù cả tai, hoa cả mắt. Chẳng biết mẹ nói gì nữa! Mặc dù chưa đủ lớn nhưng hắn cảm nhận được sự chua xót, đắng cay của cuộc đời hằn trên gương mặt hốc hác của mẹ, trong từng tiếng thở dai đêm thâu, và trong cả những lời mà mẹ chửi hắn khi nãy.

Hắn buồn và hắn sợ. Sợ cái cảm giác đau buồn của mẹ. Sợ những tiếng khóc và tiếng thở dài từng đêm của mẹ. Hắn sợ cả tương lai phía trước của hai anh em. Một tương lai mù mịt không biết đi đâu về đâu. Nói chung, hắn sợ đủ thứ kể cả những thứ vu vơ mà đáng lý tuổi hắn chưa cần, nói đúng hơn là chưa cần phải nghĩ tới. 

Càng nghĩ hắn càng sợ. Sợ run bắn lên. Không hiểu tại sao hắn lại run đến thế. Rõ ràng không phải sợ mẹ chửi. Cái gì làm hắn sợ đến thế!

Thấy hắn run, mẹ cũng sợ mà chân tay cuống cuồng. Khác hẳn khi nay, giờ mẹ trở nên hiền dịu biết mấy. Mẹ ôm hắn vào lòng thủ thỉ:

Xin lỗi! Xin lỗi vì mẹ làm con sợ! Đời mẹ đã khổ vì học hành ít nhưng đến các con phải khác đi. Mẹ không thể chịu đựng được nếu các con thất học. Phải học con ạ. Phải học để sau này con làm người. Con phải là người có học, là người tử tế. Mẹ chỉ mong có thế!

Mẹ vừa nói vừa khóc. Những giọt nước mắt vẫn lã chã rơi. Mẹ xoa đầu hắn và bảo:

Cha bố anh! Anh làm cho mẹ sợ! Cái gì mà run bắn lên thế!?

Hắn mừng lắm, thích lắm vì được mẹ ôm vào lòng. Hắn ước ao ngày nào cũng được nghe mẹ mắng yêu và ôm vào lòng  như thế. Nhưng sao có thể, vì mẹ còn phải bươn trải kiếm tiềm lo cho hai đứa. Hắn tự an ủi mình. 

Mặc dù mẹ ngay đây nhưng trong đầu hắn cứ hiện lên hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm. Mẹ lao đầu vào làm thêm. Mẹ làm từ sớm tới tận đêm khuya. Có việc gì là mẹ làm, bất kể.

Sáng mẹ dạy từ ba giờ để chuẩn bị bán hủ tíu. Bán đến sáu rưỡi là nghỉ. Sau khi thu dọn, mẹ tranh thủ đến nhà người ta để dọn nhà. Tại đây, đồ ăn còn dư nhà chủ cho mẹ mang về chia cho hai đứa. Những đồ dư thừa của nhà giàu đối với hai anh em lúc đó như bắt được vàng. Không chỉ có đồ ăn dư thừa, mà, ngay đến quần áo gia chủ loại ra, mẹ cũng lựa đem về. Mẹ nói dối là quần áo mới nhưng thực ra, toàn đồ si thôi. Không phải đồ si ngoài tiệm. Vì vậy, hắn và em rất mong ngóng mẹ đi làm về. Người ta bảo: ngóng như ngóng mẹ về chợ, còn với anh em hắn thì phải đổi thành: mong như mong mẹ đi dọn nhà cho chủ về. 

Tối đến, mẹ đi lượm ve chai về chất đầy phòng. Chỉ khi nào đã phân loại hết ve chai mẹ mới đi ngủ. Căn phòng chật hẹp 10m2 lại càng trở nên bí bách cùng với những thứ vitamin thơm thơm từ đống ve chai. Nhưng thôi, đành sống chung với lũ. Mỗi ngày đối với mẹ đều như thế. Thương mẹ mà hai chị em chả biết làm sao!

Công việc như thế cũng tạm ổn để có thể lo cho hai anh em ăn học. Nhưng hôm nay, trên đường tới trường, ngửi thấy mùi hủ tíu thơm phức, hắn lại nghĩ về xe hủ tíu ngày đầu khi ba mẹ con chân ươt chân ráo vào Nam.

Mới đầu ra bán hủ tíu lỗ chỏng gọng! Khẩu vị Nam Bắc có khác. Vì vậy, chẳng mấy người mua. Tuy nhiên, không nản chí, mẹ đầu tư chút vốn liếng còn lại mua sách về đọc, mẹ hoàn toàn tự học qua sách vở. Cuối cùng, mẹ cũng làm được. Song, cái thứ này, đâu phải ngày nào cũng bán được hết đâu. Ngày nắng đã vậy, ngày mưa thì thôi rồi! 

Nghĩ tới chuyện ếm ẩm hàng họ, hắn thấy mẹ tài thật. Chả học hành kinh tế ngày nào mà cứ tỉnh bơ giải quyết đống hàng tồn kho, lại còn có chiến lược kinh doanh nữa chứ. Hắn không thể nào quên cảnh những ngày đầu tiên bán ế. Hắn đứng nhìn mặt mẹ tiu nghỉu, xệ hẳn xuống. 

Hôm đầu ế, mẹ cố nài bán cho hết với giả rẻ như bèo. Mẹ cố bán hòng thu về chút vốn. Nhưng khổ nỗi, hôm nay cố bán, ngày mai chả ma nào tới nữa. Vậy là ê sắc vẫn hoàn sắc ế. Vậy nên, mẹ quyết định, hôm nào ế cũng dứt khoát thu dọn đồ đạc về, không bán. Dù có về đổ cả đống mẹ cũng không bán. Thậm chí, thông báo bán đến 6g30 mà mới 6g15 đã thu dọn. Một chiêu lấy khách đấy. Nhờ thế, ai cũng bảo mẹ mình nấu ngón nên bán hết sớm. Cũng nhờ thế mà không khi nào bị ế. Nói chung, mọi chuyện tạm ổn. Nhờ vậy, Chung mới có thể tiếp tục bước vào giảng đường đại học và được như ngày hôm nay. Đúng là không trường nào bằng trường đời.

Công chứng

Đang mải suy nghĩ, bỗng phịch một cái làm hắn giật mình. Thằng Chung! Thằng Chung vỗ vào lưng hắn bảo:

Làm gì mà như thằng mất hồn thế ông!

Ờ…! Thì đang mất hồn.

Chuyện gì mà làm ông thơ thẩn thế?

Thì lại chuyện nhà nghèo với lại cái hộ khẩu!

Hai chuyện đó liên quan gì đến nhau hả mi! Thằng chung vỗ đùi cái đét.

Ờ thì ở trọ, nghèo là thế mà học phí thì chả giảm chút nào. Mỗi lần cần làm thứ giấy tờ gì công chứng thì phải có người bảo lãnh. Đặc biệt là cái sơ yếu lý lịch: muốn công chứng phải về nơi phường xã có hộ khẩu thường trú. Ôi, cái luật oái oăm! Người ta đi bao nhiêu năm trời, nhiều khi về quê nhiều người còn chẳng nhận ra huống chi cán bộ xã. Ấy vậy mà vẫn đòi phải về quê chứng thực. Luật dở hơi!

Này, cậu thử nghĩ coi. Vậy thì làm hồ sơ tạm trú tạm vắng làm gì. Ở đây đã có khai lý lịch cả rồi. Vậy thì bản gốc sao không lưu mà cứ đòi về quê nhỉ. Thắc mắc thì bảo: đấy là thủ tục hành chính. Theo tớ phải gọi là hủ tục và hành là chính. Chả có ở đâu có cái dở như Việt Nam mình. Hộ khẩu đâu chả thấy, chỉ thấy hộ khổ!

Chỉ vì cái hộ khẩu không thành phố ấy mà nhà mình phải trả tiền điện tiền nước cao hơn. Úi giời! Cái gì cũng cao. Nói chung là tuốt luốt. Tất cả chỉ vì cái hộ khổ đấy. Chắc cậu chưa thể hiểu được cái hộ khổ như tớ. 

Kể cũng tội. Mà cái tội của cậu chính là kẻ nhà quê lên tỉnh. Đũa mốc mà đòi chòi mâm son. Tớ vẫn nhớ cái vụ cậu gì ở ngoài lề đường mà học giỏi, đậu trường gì hệ công lập có danh tiếng ngoài Hà Nội đó. Xém chút bị đuổi học do không có hộ khẩu thành phố. May mà có thủ tướng can thiệp. Số cậu ta còn đỏ chứ chưa đến nỗi như cậu. Chung nói.

 À, Thành biết mà. Em Đỗ Hồng Sơn gửi thư cho chủ tịch nước chứ gì!? Chuyện ấy đầy ra! Nếu không có chuyện của Sơn, chắc chẳng có ai lên tiếng. Hắn nói với vẻ đăm chiêu.

Chuyện đứa bạn

 Kể cũng tội. Nhiều đứa không có hộ khẩu thành phố như mình thất học lắm. Nghĩ lại, mình vẫn còn may mắn vì được mẹ lo cho tới trường. Chung biết không, con bạn phòng trọ kế bên nhà mình đó, nó xinh thế mà thất học.

 Con Liên phải không? Thấy nó diện đồ bảnh chọe thế mà thất học à!? Tao không tin! Chung thắc mắc.

 Bảnh cái khỉ khô. Toàn hàng si không đấy. Giờ chỉ khéo chút thì đẹp như tiên. Mà dân giàu có thực sự nó mặc thường lắm. Chỉ dân nhà quê lên tỉnh như tụi mình, giàu chẳng ra giàu nghèo chẳng ra nghèo mới ăn mặc thế thôi. Hắn phân bua.

 Cái Liên nó thích đi học lắm nhưng không được tới lớp. Bố mẹ nó cũng muốn nó đi học nhưng vì cái hộ khẩu không thành phố nên phải cho đi học trường tư. Học được nửa năm phải nghỉ vì không đủ tiền. Nhà nó nghèo. Bố mẹ lại không có công việc ổn định. Cũng cái phận đi trọ giống mẹ con mình nhưng, mình may hơn, vì mẹ tháo vát và còn kiếm được đồng tiền. Nhưng, dù tháo vát, thì cái đà này chẳng biết khi nào mới có nhà. Đất đai ngoài quê bán cá rồi. Mẹ buộc phải bán mới lo được cho tụi tớ ăn học. Chắc cậu hiểu?

 Ừ, hiểu chứ. Tớ cũng muốn mà có được đâu. Giờ làm sao mới nhập được hộ khẩu thành phố đây? Việc làm không ổn định. Nhà không có. Một thân một mình trong cái thời buổi suy thoái kinh tế thế này. Hộ khẩu thành phố chỉ là giấc mơ. Chung than thở.

Hộ khổ

Nghe đâu, giá nhà của mình cao những gấp hai lần bên Mỹ cơ đấy. Giá cao gấp đôi trong khi thu nhập của dân mình đâu chỉ khoảng bằng 1/27 hay 1/35 gì của họ ấy.  Thế thì có đời tám hoắng mới mua được nhà. Nhà ở là điều kiện đầu tiên để nhập khẩu đấy. Thành phân tích.

Thế à! Lương tớ có ba triệu. Ăn uống sinh hoạt chả đủ lấy đâu ra mua nhà - giọng Thành chùng xuống. Cậu nói cũng phải, việc làm của tớ chả biết khi nào mất. Bây giờ mỗi tháng thành phố này cũng như Hà Nội có cả hàng ngàn người đăng ký thất nghiệp thì sao mà ổn định được. Không có công việc ổn định sao nhập khẩu được. Ngoài ra còn thêm yêu cầu có việc làm và thu nhập ổn định nữa. Có trời mới biết là khi nào nhập khẩu được. Chung than vãn

Thành hiểu chứ. Khó lắm. Nghe đâu có cái luật là thuê nhà và tạm trú trên ba năm thì được nhập khẩu nhưng phải được gia chủ bảo lãnh kèm với công việc ổn định. Nhưng thôi, nhập khẩu làm cái quái gì. Mai mất việc lại đi chỗ khác, người ta lại đòi hộ khẩu thành phố hay nhà quê cũng thế. Theo tớ, bỏ mẹ nó cái hộ khẩu đi. Rõ ràng luật nói là cho tự do cư trú. Tự do cư trú mà dùng hộ khẩu để làm khổ dân. Dân đóng thuế cho mấy ông làm gì để mấy ông giữ cái thứ kìm hãm con người. Hộ khẩu chỉ phù hợp với dân làm nông. An cư lạc nghiệp  là kiểu quản lý của bần cố nông.

Nghĩ cũng phải. Chung thấy bây giờ ngành nghề dịch chuyển liên tục. Con người cũng dịch chuyển theo. Nơi đâu có việc làm thì con người tới. Nơi đâu có việc làm thì con người sống ở đó. Cha mẹ chúng sống ở đó thì con cái cũng học tập ở đó. An cư lạc nghiệp không còn thích hợp với lối sống công nghiệp nữa. Mà kể cũng hay. Phấn đấu trở thành nước công nghiệp mà cứ quản lý hộ khẩu theo cái tư duy nông nghiệp thế này, biết bao giờ mới phát triển được. Chắc chỉ có cách thay dàn lãnh đạo.

Đăng nhận xét