Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHẶT ĐỨT TƯƠNG LAI

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015 | 20:44

 Mọi lý thuyết thì xám xịt,  
còn cây đời mãi mãi xanh tươi (Goethe)

Mùa xuân, mùa của sự sinh trưởng mà xứ An Nam toàn chuyện buồn. Buồn từ Bắc chí Nam.

Nỗi buồn đầu tiên là nỗi buồn chặt cây. Hà Nội, Hải Dương, Huế và hôm nay tới Hải Phòng. Lại còn có một dự án lớn lao nào đó phía nam muốn triệt hạ cả một khu rừng.

Nỗi buồn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và nhiều nơi khác ngập lụt trong khi chưa phải là mùa của lũ. Thậm chí có nơi kia, lãnh đạo còn đắp đập để dâng nước cướp đi tương lai của dân khi lúa đương đòng bị chết úng.

Cái úng ấy rồi cũng sẽ xảy ra trong tương lai nếu sông Đồng Nai chỉ dừng mà không hủy bỏ việc san lấp và trả lại mặt bằng cho sông. Sẽ có đó biết bao người trắng tay và trở thành kẻ vô gia cư.

Không sự vô gia cư nào bằng hệ thống sách giáo khoa và truyện tranh kích động bạo lực như mấy ngày qua ở xứ An Nam. Nào là chuyện bố bị chặt đầu thì con sẽ rơi vào hoàn cảnh nào. Nào là chuyện học sinh đánh chết cô giáo được đưa vào sách giáo khoa. Nào là các sự tích bị sửa một cách vô tội vạ cũng được đưa vào giảng dạy. Dường như có một quy trình nào đó bắt buộc phải làm thế.

Những chuyện ấy kể ra thật buồn. Là người có lương tri ai không buồn. Chỉ kẻ nào không có lương tri hoặc lý trí mới có thể cười cợt trên nỗi đau của xứ An Nam này. Ngay cả đến người ngoại quốc còn phải rơi lệ và khóc cho An Nam chả lẽ chúng ta là người An Nam lại dửng dưng.

Dửng dưng sao được khi những hành động đó thực sự là đang chặt đứt tương lai. Đó là những hành động bạo lực tinh thần ngấm ngần trong các trang sách dành cho trẻ thơ. Một tuổi thơ mất đi sự đồng điệu với thiên nhiên sẽ là một tuổi thở bị đánh cắp. Một tuổi thơ không sống được hoặc không được sống với thiên nhiên sẽ kéo theo một xã hội đầy dẫy trẻ tự kỷ. 

Tự kỷ vì chúng chỉ sống có một mình trong thế giới mà đi đâu cũng thấy mất an toàn. Người lớn và lãnh đạo không còn nghĩ tới chúng nữa. Chúng sẽ thu mình lại trong vở bọc của sợ sệt hoặc biến tướng qua các hành vi bạo lực. Thứ bạo lực chúng học được qua các vụ chặt cây, lấp sông;  chuyện chém, giết, cướp trong sách giáo khoa chúng học hoặc đời thường qua thông tin đại chúng và cả sự đang tâm của bố mẹ khi muốn hoặc dám loại bỏ anh/chị/em chúng khi chưa nhìn thấy ánh dương.

Hai người phụ nữ với nước và bánh mì cố thủ trên cây để phản đối việc chặt cây 2013 - ảnh nguoiduatin

Thế đấy, xứ An Nam đang mục ruỗng là thế! Đau là thế! Nhưng dẫu sao vẫn còn đó biết bao người dám bày tỏ để cứu lấy thế hệ trẻ! Vẫn còn đó biết bao tôn giáo vẫn âm thầm uốn nắn để trẻ thơ được bình yên với những giá trị của tình yêu và lòng khoan dung. Yêu thương và khoan dung để có thế sống hòa với nhau và với thiên nhiên vạn vật. Điều ấy thấy rõ nét trong Phật Giáo trong cách thức ăn chay hay giới luật cấm sát sinh. Đặc biệt hơn trong Kitô giáo, coi vạn vật trong vũ trụ này là những đứa em bé nhỏ và mình có trách nhiệm bảo vệ nó huống chi, con người với nhau vốn cùng là anh em và con của một Cha trên trời. Đó là liều thuốc để cứu lấy thế hệ trẻ, tương lai của An Nam và cũng là của thế giới.

Ước mong một ngày nào đó tôn giáo thực sự được tự do đóng góp để xây dựng xã hội An Nam chứ không phải trong sự dòm ngó và e dè từ phía lãnh đạo nhà nước. Ước mong triết lý chữ HÒA của dân nước Nam được phục dựng và chúng ta được chứng kiến một tương lai tươi sáng hơn. Ước mong tuổi trẻ, những mầm xanh được lớn lên cách sung mãn như nó đáng được hưởng!

Sài Gòn 30/3/2015

Đăng nhận xét