TC: Bài này đã được viết vào ngày 29/1/2015. Hôm nay tình cờ đọc được Cướp lộc hội đền Gióng là 'cướp có văn hóa' trên Vietnamnet nên đăng lại đây để cùng suy gẫm. Chắc Việt Nam không chỉ cướp có văn hóa đâu mà còn cả: tham nhũng có văn hóa, văn hóa người bị tạm giam chết trong trại giam, hối lộ có văn hóa, xin tiền có văn hóa, và nhiều cái nữa chả tiện liệt kê! Lãnh đạo mà cứ phát biểu thế này, không biết đến khi nào Việt Nam mới tiến!
--------------------------------------------------------------------------------
Ngày còn nhỏ, mà không, cho tới tận những năm đầu của tuổi 20, tôi vẫn say xưa trông ngóng đến đêm giao thừa để được xem bắn pháo hoa trên vô tuyến vào đêm giao thừa. Nhìn chùm pháo hoa nở ra trong đêm lòng tôi rộn ràng cùng với khúc hát mừng xuân. Niềm vui của con trẻ và tuổi mới lớn thật dung dị.
--------------------------------------------------------------------------------
LÃNH ĐẠO VÔ CẢM
Niềm vui dung dị ấy không còn nữa khi bước qua tuổi 25. Những đêm bắn pháo hoa đây đó, dù là ở bất kể nơi đâu, tôi đều không muốn xem. Tôi muốn vùi mình vào trong chăn để ngủ bên cạnh tiếng cười xé lòng diễn ra ngoài kia.
Tiếng cười xé lòng ấy một lần nữa lại được khơi lên trong tôi, khi vào dịp tết này, Hà Thành chủ chương bắn pháo hoa tại 30 điểm của thành phố. Nhưng, điều đó không quan trọng cho bằng lời phát biểu của Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - ông Phan Đăng Long:
“Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, không chỉ để phục vụ người giàu. Tôi thấy người nghèo còn khao khát được xem bắn pháo hoa nhiều hơn người giàu. Bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó", ông Long nói. Theo đó, Phó Ban tuyên giáo cho rằng không nên coi việc bắn pháo hoa là sự lãng phí. (Nguồn vietbao)
Mới nghe tôi cũng thấy cảm động vì người này thật thương dân vì biết nghĩ đến người nghèo.Mừng lắm nhưng rồi lại tủi lắm.
Tủi cho dân mình không còn gì để mà quan tâm lại phải khao khát cái chóng tàn đến vậy. Cái chóng tàn ấy lại chính là mồ hôi nước mắt, thậm chí là máu của mình đóng góp. Cái chóng tàn ấy cũng chính là cái đắng lòng vì dân cho rằng đó là của chùa không liên can gì đến mình nhưng ai ngờ đâu, đó chính là tiền thuế chắt chiu từ giọt mồ hôi sa.
Cái đắng lòng ấy làm tôi nhớ lại vù giẫm đạp chết người bên Trung Quốc vì tranh giành tiền giả. Cái chết thật ngây ngô, chết vì sự giả dối. Phải chăng, cái chết ấy chính là sự băng hoại của đạo đức và sự đi xuống của văn hóa. Người ta không thể tử tế với nhau được hay sao?
Ông phó ban tuyên giáo muốn rằng dân xem mà quên đi cái nghèo, cái khó của mình. Phải chăng ông muốn nói: dân cứ nghèo cứ đói cứ khổ đi, chỉ cần xem bắn pháo hoa là quên hết. Nếu thực như thế chẳng khác nào nhà nghèo không có của để ăn nhưng khi gặp cọng rau muống lại xuýt xoa rằng đây là cái đùi gà béo ngậy. Không biết ông có muốn dân thoát nghèo hay chỉ quên thôi. Một lãnh đạo thực sự không thể nào chỉ làm cho dân quên đi nhưng là cho dân được sống hạnh phúc trọn vẹn hơn mỗi ngày.
Từ lời phát biểu của ông, tôi nhớ tới những thông tư nghị định gì đó về việc phụ nữ ngực lép không được lái xe mô tô, đi giày cao gót lái xe thì bị phạt,... Những cái đó bị dân phản ứng và không được đưa vào đời thường thì nay dân lại vẫn đang im lìm hãnh tiến vì được xem bắn pháo bông.
Những hoa pháo bông vụt sáng rồi tắm lịm trong sương đêm như hạnh phúc vụt tắt người dân An Nam được hưởng sau niềm vui chóng tàn. Hạnh phúc chóng tàn ấy lại kéo người dân về với thảm cảnh chị Dậu @. Đất nước này sẽ còn đau khổ nếu như thiếu người lãnh đạo sống tử tế với dân. Đất nước này sẽ mãi còn đau khổ nếu dân không biết rằng những người phán ra câu đó là các trí thức salon phòng máy lạnh. Chắc có lẽ vì chưa từng nếm trải nỗi cơ cực của người dân hoặc bịt mắt bịt tai không muốn nhìn mà họ như thế chăng?
Tôi ước muốn có được câu trả lời thực sự? Tôi muốn dân nước tôi có những lãnh đạo tử tế thay cho những kẻ vô cảm. Vì, lãnh đạo vô cảm thì xã hội và văn hóa xuống cấp. Xã hội, văn hóa đạo đức xuống cấp thì có cả trăm nghìn nghị định thông tư cũng chẳng thể cứu vãn. Văn hóa và đạo đức phải bao trùm mọi mặt đời sống chứ không thể nào chính trị bao phủ văn hóa và đạo đức. Chính trị mà bao phủ tất cả thì dân nước đó là một dân nước nô lệ và tử thương dù có tự do và giàu sang đi chăng nữa!
Vậy nên, tôi muốn dân tôi là người tử tế! Tôi muốn lãnh đạo dân tôi là người tử tế! Tôi muốn mọi người sống tử tế! Sống một cách tử tế để người thực là nguời.
SG 29/1/2015
SG 29/1/2015
Đăng nhận xét