Bài liên quan: UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN 1 - GIỖ TỔ!
Ảnh Inernet |
Liên quan tới ngày giỗ tổ của dòng họ Phạm chúng tôi. Rằm tháng giêng âm lịch, tại làng Bồ Đề, xã Nam Hùng vẫn tổ chức ngày kỵ thánh, tương tự như ngày lễ bổn mạng hay ngày lễ quan thầy trong Giáo hội Công Giáo.
Sự việc đó chẳng có gì mới lạ vì vẫn được tổ chức ở nhiều nơi để tưởng nhớ đến vị thành hoàng làng. Điều khác biệt ở đây là họ tế bằng cách xướng lên những cái tên nhưng chẳng hiểu gì vì đó là những tên Tây.
Số là làng đó vẫn là dòng họ Phạm. Số những người chấp nhận từ bỏ đức tin Kitô giáo để được an thân và khỏi bị đi đày. Họ ở lại đó và giữ tín ngưỡng thờ thành hoàng làng pha phối chút niềm tin Phật giáo. Có thể đời đầu còn nhớ chứ những đời sau thì dần quên mất gốc gác của mình.
Trong số những người còn ở lại, vẫn có người liên lạc với những người bị đi đày và xác định được nguồn gốc của mình. Nhưng hỡi ôi, gia phả thì chẳng còn; ngôi nhà thờ cũng mất dạng. Duyên lành khi họ vẫn liên lạc được với gia đình tôi và lấy được gia phả về chép lại. Nhưng không rành chữ Nho nên họ làm mất gia phả mà tổ tiên để lại. Nhà tôi cũng mất luôn cuốn gia phả đó. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn có thể lập lại gia phải nhưng không thể nhớ được chính xác năm như trước.
Trở lại vấn đề kỵ thánh. Vì có liên hệ trực tiếp với chúng tôi nên đương nhiên họ cũng có nguồn gốc Kitô giáo. Song, với thời gian, sau cuộc bách đạo thời Phân Sáp, họ đã dần quên đi gốc gác Kitô của mình. Vào những ngày kỵ thánh, họ chỉ thắc mắc: tại sao tế toàn tên tây.
Thắc mắc ấy được đem sang hỏi nhánh bị đi đày thì được biết rằng: đó là tên các thánh như Thomas Aquino, Vincent, Dominicus, .v.v. Bấy giờ họ mới vỡ lẽ rằng tổ tiên mình là người Kitô giáo. Tuy nhiên, họ đã quen với nếp tín ngưỡng bao đời nay, từ khi bị bách đạo, nên họ vẫn giữ tín ngưỡng đó. Đó cũng là căn nguyên họ tế mà không hiểu được những cái tên có ý nghĩa gì.
Kể chuyện ra đây không phải để tự hào là những người bị đi đày đức tin vững mạnh hay biết rõ gốc gác của mình nhưng là một lần nữa cùng nhớ về tổ tiên và lịch sử đức tin của cha ông. Cha ông đã sống đức tin như thế nào và mình phải làm gì để duy trì đứ tin đã được trao truyền ấy. Đức tin mà tiền nhân đã dám đánh đổi cả hạnh phúc và tương lai để tiến bước. Đức tin ấy có được tiếp tục trao truyền hay ngày một mai một như lời thầy Giêsu dạy:
Liệu khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? (Lc 18,8)
Đức tin Kitô ấy đã chẳng còn trên mảnh đất Bồ Đề, nơi móng nhà thờ vẫn còn đó. Nơi mà theo những người ở đó kể lại: cứ vào ngày lễ Kỳ hồn, 2/11 hàng năm đều nghe thấy tiếng khóc than của bao người. Nơi đó là ngôi nhà thờ xưa kia vua chúa quan quyền đã nhốt phụ nữ, người già và trẻ em vào trong đó mà đốt. Nơi đó, biết bao con người đã bị ngọn lửa thiêu rụi vì dám không quá khóa; dám tin vào Chúa Kitô. Nơi đó, vốn là quê cha đất tổ của những con người vì đức tin đã phải dứt ruột ra đi.
Hy vọng một ngày nào đó, trên mảnh đất Bồ Đề này, đức tin lại được gieo vãi và lớn lên.
Lạy Chúa Thánh Thần! Đó là công việc mà chỉ Người mới làm được. Xin hãy thực hiện điều Chúa muốn!
SG7/3/2015
SG7/3/2015
Đăng nhận xét