Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

HIẾN CHƯƠNG GIÁO DỤC - II. NHỮNG NÉT ĐẶC BIỆT CỦA NỀN VĂN HÓA GIÁO DỤC TÂY ÂU

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015 | 17:54

II. NHỮNG NÉT ĐẶC BIỆT CỦA NỀN VĂN HÓA GIÁO DỤC TÂY ÂU


Văn hóa Tây Âu bắt nguồn từ Hy Lạp, muốn tìm ra những nét đặc trưng căn bổn cần phải trở lại với xã hội cổ thời của Hy Lạp và La Mã.

Nét nổi đầu tiên của xã hội này là thể chế nô lệ: cứ trung bình một người thong dong lại có  đến 8 hay 9 nô lệ (lên xuống tùy thời và tuỳ nơi, có khi một tự do có tới vài chục nô lệ) người nô lệ làm tất cả những công việc chân tay nặng nhọc gọi là "hèn hạ" (serviles). Vì gọi là hèn hạ nên người tự do không bao giờ mó tới, và do đó triết học chủ trương chế độ nô lệ là cần thiết cho xã hội, muốn được là văn minh thì phải là chủ nô lệ. Hậu quả tự nhiên của sự kiện này là người thong dong, người trí thức thiếu mất sự tiếp xúc với cụ thể, nên suy tư của tri thức trở thành trừu tượng nghĩa là toàn xoay quanh biểu tượng, những con số. Tính chất trừu tượng này càng trở nên sâu đậm thêm do óc "trọng thương ức nông". Nói trúng hơn thì cũng không phải chủ trương ức nông cho bằng là một chuyện bó buộc do đất chật, mà địa thế lại thuận lợi cho việc buôn bán. Nhà buôn không tiếp cận với lúa gạo, cày bừa, con nước lên xuống, mà chỉ suy tính chung quanh những con số bao gạo, bao mì, đồ vật; mua về 80 đồng, hư hỏng 10 đồng, bán ra 120 đồng, hỏi được lãi bao nhiêu? Khỏi cần biết đến thực tại mà chỉ cần vo tròn mấy con số là tìm ra lời đáp. Sự suy tư toán tính như thế kéo con người suy tư xa lìa khỏi thực tại cụ thể. Tâm trạng ưa cụ thể của người thôn dân khác với tâm trạng ưa trừu tượng của thị dân hiện nay đã được khoa tâm lý minh định. 

Người cộng sản coi đó như yếu tố tha hóa con người nên tìm cách chữa trị bằng đặt quyền cai trị suy tư vào tay những người có tiếp cận với cụ thể bằng việc làm, nghĩa là thợ thuyền. Họ cho rằng có làm được như thế mới hy vọng lấp đầy lỗ trống giữa suy tư và cụ thể, và mới cứu gỡ con người khỏi vong thân. Chúng ta không bình luận chủ trương của người cộng sản ở đây, chỉ có nhận định rằng mối lo âu của người cộng sản bắt nguồn sâu xa từ sự kiện phân chia giai cấp trong xã hội La-Hi cổ xưa.

Nét đặc trưng thứ hai là thị xã quốc: état cité. Mỗi nước chỉ gồm một ít ngàn người. Nước lý tưởng của Platon trong République gồm lối hơn 4 ngàn. Khác hẳn với những cánh đồng bát ngát của Viễn Đông, hay những rừng thâm âm u của Ấn Độ, còn đây chỉ là một thành phố bé nhỏ có tường bao quanh chia cắt ra từng khu vực nhỏ: khu vực bé nhỏ chia cắt đó gây nên óc cá nhân, thiếu tinh thần công thể. Vì thế ta có thể nói óc cá nhân gắn liền với văn minh thị dân, công thương, còn tinh thần công thể đi đôi với văn minh nông nghiệp.

Sự thiếu tinh thần công thể này cũng là nét đặc trưng của văn minh La mã với những nhà quý phái (patriciens) sống trên lưng nô lệ y như người quý phái Hy lạp và cả hai nơi nô lệ đều không tham dự chi đến việc xây đắp văn hóa. Văn hóa là của riêng những người quyền quý và do đó mang những nét đặc trưng của đẳng cấp ấy như sau: 

Trước hết là trừu tượng, lấy trừu tượng làm cao quý hơn cụ thể y như trong thực tế xã hộicoi trọng những lời nói, những suy tư là sản phẩm của trí óc làm tôn quý hơn cụ thể bị đồng hóa với việc chân tay.

Rậm lời: do trừu tượng nảy sinh ra tính rậm lời. Một câu nói có nội dung cụ thể đủ làm thỏa mãn tâm trí người nghe hơn là mười câu nói trừu tượng: một miếng nước lã giúp giải khát hơn 10 li nước cam tươi chỉ được xem trên màn bạc. Đấy là lý do sâu xa tại sao người Hy Lạp ưa nói, "đầu trước hết có lời". Tuồng kịch cần phải nhiều lời: diễn viên cần nói lưu loát, không cần tình cảm, đúng hơn không được biểu lộ xúc động, để tránh cho khán giả (đúng hơn là thính giả) khỏi chia trí đặng dồn hết tâm trí vào lời, không bị chia sớt vào cảm xúc. Để cho chắc ăn diễn viên thường đeo mặt nạ (persona) để che đậy hết mọi cảm xúc giúp cho thính giả dồn trọn vẹn chú ý vào lời nói. Mỗi dịp lễ là mỗi dịp được nghe 15 vở kịch nói suốt trong 3 ngày liên tục, mỗi ngày 5 vở diễn từ sáng tới tối.

Sự rậm lời còn được khuyến khích do thể chế chính trị gọi là chính thể quả đầu (oligarchie) tức là một thứ dân chủ nhưng chỉ dành riêng cho thiểu số trong nước được tham dự. Tuy chỉ có thiểu số nhưng vẫn là dân chủ nên cần phải biết ăn nói tranh luận nơi công trường. Đằng khác nghề nghiệp chuyên về thương mại, lại bắt phải tài ăn nói rao hàng nữa. Nhận xét đó cho ta hiểu tại sao chương trình giáo dục của Hy Lạp hầu hết hướng vào việc luyện nên người khéo nói: ngữ luận và khoa hùng biện rồi lý luận, tất cả chiếm hầu hết chương trình. Đường lối đó còn nặng trên nền giáo dục Tây Âu hiện đại tuy đã có phản ứng (xem Histoire de l'éducation de Gal.Verbalisme, 71-81).

Nét đặc trưng thứ ba là Du hí tính đặt trọng tâm giáo dục vào văn nghệ, tuồng kịch, tiểu thuyết. Những môn lẽ ra chỉ để coi chơi, ngoài chương trình, hay cùng lắm chỉ là môn tuỳ; đây trái lại được đem lên làm chính, hơn nữa giữ vị trí độc hữu. Điểm này xuất hiện do tổ chức xã hội đặt trên chế độ nô lệ hết, do đó người tự do có rất nhiều thời giờ nhàn rỗi. Để giết những thời giờ đó họ đặt ra những cuộc chơi và vì thế lấy cuộc chơi (olympic) làm trung tâm sinh hoạt xã hội, niên kỷ cũng tính theo các cuộc du hí nên niên kỷ gọi là olympiade. Mỗi olympiade mang tên người thắng cuộc như bên ta mang tên nhà vua. Đó là lý do tại sao tuồng kịch được xem là môn học chính, choán hết chỗ lẽ ra phải dành cho kinh điển. Nhân đấy trường sở cũng gọi là nơi giải trí (schole) sau này Roma dịch là lutus litterarum: sự chơi văn chương, là nói lên được tính chất du hí của nó.

Nét đặc trưng thứ tư là trưởng giả hay quý phái tính, nó hệ tại không chú ý đến hành động cụ thể, nhưng được đặt trọn vẹn vào suy tư, và vì thế suy tư được công kênh lên bậc định tính con người nghĩa là muốn làm người phải có học và phải biết suy tư. Các đức tính khác ít được giáo dục chú ý. Nhà trường chỉ đánh giá học sinh theo tiêu chuẩn duy nhất của học vấn mà thôi. Sự đề cao suy tư như vậy gián tiếp hạ thôn dân hay nô lệ xuống, và những "người" này phải lao tác không có giờ để suy tư. Sự gắn liền nô lệ với lao tác như vậy càng khinh rẻ lao công, nên suy tư trở thành trống rỗng, mọi kinh nghiệm đều do lao tác. Tình trạng đó kéo dài cho mãi tới từ một thế kỷ nay người ta mới nghĩ đến đề cao giá trị của việc làm. Chính vì sự hạ giá lao công nên trí thức không còn liên hệ với lao công đã đồng hóa với nô lệ, do đó cũng mất luôn mô cầu truyền thống tư tưởng xuống đến bình dân. Và vì vậy văn hóa Hy Lạp chỉ có phần bác học mà thiếu phần đại chúng, với hậu quả là không bao giờ có sức thâm nhập vào đại chúng như văn hóa Viễn Đông (Types 71-72) nên không gây nổi được một nền thống nhất văn hóa trong toàn dân, và đặc tính này của Hy Lạp đã truyền sang văn hóa Tây Âu làm cho những đại tư tưởng gia thấy buồn chán. Nietzsche khổ cực vì "chúng ta không có một nền thống nhất văn hóa dân gian nào cả. Làm sao mà một trí khôn lớn có óc tạo dựng còn thể sống nổi giữa một dân dã đánh mất nền thống nhất tâm tình".
trở việc thừa nhận giá trị của lao công, và vì thế văn hóa Tây Âu tràn đầy những ý nghĩ

Đó là mấy nét đặc trưng của nền giáo dục văn hóa Tây Âu. Tuy nhiên trên đây mới là những đặc tính phụ thuộc chưa quan trọng bằng vấn đề kinh điển sẽ bàn tới ở chương sau.

  

Đăng nhận xét