Thư Của Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum Gởi Tín Hữu Trong Địa Bàn Huyện Đăk-tô
TOÀ GIÁM MỤC KONTUM
Office of the Bishop - Diocese of Kontum
146 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việt Nam
Số 46/VT/’15/tgmkt
146 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việt Nam
Số 46/VT/’15/tgmkt
Kontum ngày 22.03.2015
Kính gửi
Anh chị em giáo dân
Trên địa bàn huyện ĐăkTô, tỉnh Kontum.
Anh Chị Em giáo dân thân mến,
Được biết Chính Quyền Đăk Tô mới ra quyết định vận động anh chị em các xứ họ tháo dỡ 22 ngôi nhà nguyện tạm tại các họ đạo trong huyện! Để tránh hoang mang và gây phiền toái to chuyện, với tư cách chủ chăn và là cha xứ chính thức của anh chị em chiếu Giáo Luật số 515, chúng tôi xin gửi tới anh chị em thư này hy vọng góp phần giúp giải quyết vấn đề cách nhẹ nhàng êm đẹp theo đúng tinh thần tự do tôn giáo đã được Hiến Pháp công nhận. Chúng ta cần vận động quý cán bộ hiểu vấn đề!
1- Tại sao lại có những “túp-lều-thờ-tạm” này?
Ở Việt nam, mỗi làng đều có đình, có miếu mạo’’; ở vùng cao, buôn làng nào cũng có nhà rông; còn làng có đạo thì có nơi thờ phượng. Tại Đăktô trước 1975, các buôn làng có đạo đều có nhà thờ, nhà nguyện. Những nơi thờ tự này, chiến tranh đã tàn phá hết trừ ở Thị xã Kontum! Sau 1975, các buôn làng có đạo không có sinh hoạt tôn giáo bình thường suốt 30 năm (1975-2005), vì các linh mục không được phép đến phục vụ. Giáo dân phải đi bộ cả 100 cây số về Nhà Thờ Chính Tòa dự lễ và nhận các bí tích.
Mỗi dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, cả 15, 20 ngàn tín đồ nằm la liệt suốt cả tuần ở sân Tòa Giám Mục và Nhà Thờ Gỗ. Từ 2005, chính quyền bắt đầu cởi mở chấp nhận cho gửi linh mục đến một vài vùng tiêu biểu. Cụ thể tới nay cả 4 huyện Đăktô, Tumơrông, Ngọc Hồi và ĐăkGlei (diện tích 3.682,84 km2, giáo dân 52.132 trong số 142.426 dân) (*) mà cũng mới chỉ có phép xây 2 nhà thờ “chính danh” Đăk Mót và Kon Hring!!! Vì thế, trước nhu cầu tôn giáo quá lớn, xin phép nhiều lần không được đáp ứng, thì giáo dân chẳng còn cách nào hơn là “làm chui”! Thực tế cũng có “phép ngầm” của quý cán bộ địa phương đấy!
2- Giải quyết sao cho hài hòa, có tình có lý?
Anh chị em thân mến,
Để vận động và thuyết phục cán bộ ngõ hầu có được một giải quyết hài hòa tốt đẹp vụ việc này, cần nắm vững mấy nguyên tắc sau.
1. Luật pháp : Trước hết Luật pháp là phải công bằng. Quyền con người trong đó có quyền tự do tôn giáo phải được tôn trọng! Mọi người phải chấp hành, nhất là các cán bộ chính quyền phải làm gương!
2. Nguyên do tình trạng chui như hiện nay : Chế độ xin cho và tham nhũng. Vì nhu cầu tâm linh của người có đạo là bất khả nhượng, nên một khi đã trình bày và xin phép, chính quyền không đáp ứng theo đúng pháp luật, thì người có đạo chỉ có con đường “làm chui”! Nếu cần họ cũng chấp nhận chết vì đạo như cha ông họ! Tạm ví dụ như một ai bị nhận chìm dưới nước lâu, họ phải tìm mọi cách, kể cả bạo lực, để ngoi lên thở, để sống! Như người phụ nữ đến giờ chuyển dạ thì không còn giờ “xin phép” nữa! Đơn giản thế thôi! Đừng ai gán ghép cho tội nào khác, ngoài cái tội “muốn được tự do sống đạo”!
3. Ai là cha sở chính thức tại mỗi xứ họ? Chính Giám Mục, linh mục được bổ nhiệm là đại diện Ngài để phục vụ anh chị em (x. GL số 515). Vì thế chuyện tháo gỡ những “túp-lều-thờ-tạm” hiện nay tại huyện Đăk Tô là trách nhiệm của giám mục qua các linh mục đại diện tại các xứ họ. Dù là những “túp-lều-thờ-tạm”, một khi đã được dâng cho Thiên Chúa, chúng trở thành thánh thiêng, chỉ có thể tháo dỡ một khi có “cái gì quý giá” hơn! Cần giúp quý cán bộ hiểu điều hệ trọng này!
4. Hơn nữa, “Phép Vua thua lệ làng”! Người dân tộc chúng ta cũng có những luật tục! Không khéo sẽ nảy sinh cảnh phân biệt kỳ thị đấy! Cảnh cả triệu người Việt bỏ xứ sở ra đi tìm tự do sống đạo, những năm 1954 và 1975, vẫn là bài học lịch sử quý giá cho mọi thời!
3- Cụ thể, chúng ta có thể làm gì trong hoàn cảnh hiện nay?
Anh chị em thân mến,
Cụ thể anh chị em chúng ta cần biết vận động và thuyết phục các cán bộ đến vận động chúng ta tháo gỡ các “túp-lều-thờ-tạm” này hiểu cùng nghiêm chỉnh thi hành luật pháp.
3.1- Bằng luật pháp : Hãy nói cho quý cán bộ biết : (1) Chúng ta có quyền tự do tôn giáo, xin chấm dứt chuyện xin-cho! (2) Chúng ta đã tuân thủ pháp luật qua nhiều lần xin phép! (3) Vì cán bộ không tuân thủ luật pháp, nên mới nảy sinh tình trạng 22 “túp-lều-thờ-tạm”! Chính những “túp-lều-thờ-tạm” này là bằng chứng hùng hồn cho biết chính quý cán bộ không nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật!
3.2- Bằng chứng tá đời sống tốt đẹp. Những “túp-lều-thờ-tạm” này phải được tháo dỡ! Đây là trách nhiệm của giám mục và các cha xứ, phần anh chị em hãy đẩy mạnh chương trinh ‘Tân-phúc-âm-hóa buôn làng xứ đạo” qua cuộc sống đẹp. Đẹp người, đẹp nhà, đẹp buôn làng, đẹp xứ đạo.
• Đẹp người : Bằng đời sống yêu thương phục vụ. Tránh mọi tệ nạn xã hội. Bỏ ngay nạn say xỉn! Biết chăm chỉ làm việc với kiến thức khoa học! Từ nay, mỗi khi tới nơi thờ tự, hãy mặc đẹp nhất : Mặc y phục dân tộc của mình.
• Đẹp nhà, đẹp buôn làng xứ đạo! Hãy lo gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình. Đừng để một tấc đất hoang phí! Hãy uốn nắn các đường trong làng cho thẳng, hãy giữ cho sạch! Hãy chăm lo cho con cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Học để biết làm người, làm người phục vụ yêu thương!
Anh chị em rất thân mến,
Mỗi khi có chuyện vui buồn xảy ra trong giáo phận, bản thân chúng tôi nghĩ ngay tới sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa! “Chúa là chủ lịch sử”! Mọi kitô hữu đều có “Sứ mạng được sai đi loan báo Tin Mừng sự thật và yêu thương”! Dưới ánh sáng niềm tin này, chúng ta phải sống trọn vẹn sứ mạng của “người môn đệ thừa sai” của Chúa Giêsu. Cần biết thông cảm với các cán bộ địa phương và kiên trì giải thích để tất cả được sống hài hòa chan chứa tình dân tộc. Xin Chúa ban cho sự việc được giải quyết thoả đáng!
Hiệp thông trong tâm tình cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa.
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum.
Nguồn: web giaophankontum
Đăng nhận xét