Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

HIẾN CHƯƠNG GIÁO DỤC - III. TỪ CỔ ĐIỂN TỚI TRỤC VẬT

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015 | 21:55

III. TỪ CỔ ĐIỂN TỚI TRỤC VẬT

Kinh điển là những sách dạy về cứu cánh con người, về các mối nhân luân căn bản không những người với người mà còn giữa giữa người với quỷ thần với trời đất. Chính vì sự bao la như thế nên nó có tính cách trường cửu, vượt không gian và thời gian và ám hợp cho nguyện vọng sâu xa nhất của con người nghĩa là không kể đến Đông hay Tây, kim hay cổ. Bất cứ mỗi nền văn hóa nào muốn xứng danh cũng phải có kinh điển. Vậy mà văn hóa Châu Âu thiếu loại sách này, nên các nhà thức giả đang biểu lộ một mối lo âu trầm trọng, vì cho tới nay chưa tìm ra được sách nào khả dĩ bù đắp lỗ hồng trên. Ông Herman Diels đã cố thu thập các mảnh vụn tản mát đó đây của các nhà hiền triết cổ Hi Lạp như Parménide, Héraclite vào một quyển gọi là "những mảnh vụn tiền Socrate" (Fragmente der Vorsokratiker) nhưng v́ không đủ và c̣n bị chê là tiêu chuẩn thâu lượm không trúng sử, nên Fragmente chưa thể coi là kinh điển được. Và nền văn hóa Tây Âu vẫn thiếu kinh điển. Thế mà nền văn hóa đó lại đang nắm ưu thế, đang có đủ thế lực tiền tài để lan tỏa ra khắp vũ hoàn. Một đàng họ đang cảm thấy rõ rệt có cái chi bất ổn trong văn hóa của họ, mặt khác lại cứ cố truyền bá nó ra để đem đè nặng lên đầu óc chúng ta và nhất là con cháu chúng ta. Vì thế hệ chúng ta còn sót được đôi chút vốn liếng tiền nhân trối lại, nhưng con cháu chúng ta thì chưa biết y cứ vào đâu. Chúng tôi nghĩ rằng sự truyền bá có nhiều lý do thúc đẩy thuộc chính trị, uy tín, thế lực v.v. Cái đó dễ hiểu. Nhưng còn có một lý do khác đang bàn tới hơn đó là họ chưa nhận thức ra được sự thiếu sót Kinh điển của họ. Và nếu chúng ta nói cho họ biết họ sẽ ngạc nhiên và rất có thể gán cho ta óc bài ngoại hay mặc cảm tự tôn. Sự thực thì không phải như vậy và sau đây là lý do: văn minh Tây Âu có hai nguồn là Kitô giáo và văn minh La Hy (La Mã, Hy Lạp). Kitô giáo vì là tôn giáo nên có kinh thánh. Kinh thánh cùng với kinh điển có chỗ giống nhau mà cũng có khác. Giống ở chỗ nói về linh thiêng siêu nhiên. Kinh điển thì nói về tâm linh u áo. Vì thế cả hai đều gọi là kinh vì chỉ được gọi là kinh khi nói đến cái gì siêu việt u linh. Cả kinh thánh lẫn kinh điển đều giống nhau ở chỗ đó, và có thể dùng kinh thánh thay cho sự thiếu sót kinh điển. Tuy nhiên chỉ thay được phần nào vì giữa kinh thánh và kinh điển có một sự dị biệt căn bản đó là kinh thánh là nền tảng tối hậu không phải quy chiếu vào cấp nào trên nữa. Đang khi đó kinh điển phải quy chiếu vào tâm mỗi người, do đấy kinh điển không là tiêu chuẩn tối hậu mà chỉ là những bảng chỉ đường đưa đến tâm linh. Vì thế dựa trên kinh điển để suy luận thì ta có triết lý căn cứ vào kinh nghiệm và lý chứng với sự kiên, còn khi dựa trên kinh thánh để suy luận thì có thần học dựa trên quyền uy (autorité).

Hy Lạp chỉ có thần thoại và thần thoại đóng vai trò của kinh thánh và kinh điển. Nhưng vì là thần thoại nên giống kinh điển ở chỗ không buộc phải tin và được dùng lý trí, mà đã dùng tới lý trí thì thần thoại làm sao đứng nổi trước bùa riều của suy luận. Vì thế thần thoại bị đổ và bó buộc phải nhưỡng bước cho cổ điển, tức là những tác phẩm bất hủ về nghệ thuật văn chương chứ không là triết lý hay minh triết như kinh điển. Ở Hy Lạp cổ xưa mỗi năm có tổ chức cuộc thi sáng tác tuồng kịch đặng chấm một số vở kịch hay nhất để diễn vào những ngày lễ thần Dionysos. Vì thế đầu đề phải lấy ở thần thoại hay những chuyện truyền kỳ của nước. Lễ Dionysos kéo dài 3 ngày, mỗi ngày diễn 5 vở kịch suốt từ sáng tới tối. Nên ghi chú: đó là dịp giải nghĩa tại sao Hy Lạp lắm thiên tài về bi kịch.

Và đây là lý do khủng hoảng: các thần thoại có những hành động mà ta phải gọi là tội như giết cha mẹ, loạn luân, trộm đạo v.v thế mà lại phải diễn các tích đó, năm nào cũng thế, chỉ có nhạc, thơ và cách xếp đặt là đổi mới mà thôi. Hãy nhìn qua nội dung vở bi kịch nổi tiếng nhất của Eschyle là Orestes: Orestes giết chồng, rồi sau giết cả mạ v.v bị các thần Furies trả thù Oedipe của Sophocle cũng giết cha rồi kết bạn với mẹ vì định mệnh Đại loại có những điều rất trái ngược trong thần thoại, nghịch với lý trí, suy tư. Vì thế cuối cùng xảy ra chuyện trái với ý muốn của cuộc thi: là tuồng kịch có ý gia tăng lòng tin thì tác giả lại chống thần thoại. Cuối cùng họ đưa "thần máy móc" (Deus ex machina) ra để che đậy những búa rìu của dư luận. Vì tuồng lấy tích ở thần thoại, nên phải có bộ máy để thả thần từ trên trần nhà xuống mỗi khi cần để can thiệp vào việc dân gian. Nhưng các nhà nhân bản chỉ còn dùng thần máy để che đậy những đả phá của họ, y như một người đọc diễn thuyết báng đạo nhưng tận cùng bao giờ cũng tôn nghiêm làm dấu thêm tiếng Amen, hoặc chắp tay cúi đầu niệm "Nam Mô A-Di-Đà-Phật". Nhờ thế họ thoát được bàn tay kiểm duyệt. Nhưng cũng nhiều tác giả phải trốn chết, như trường hợp Euripide mà có người gọi ông là Voltaire của Hi Lạp, cùng với Socrate là hai người cổ động mạnh nhất cho tinh thần, thế mà mục phiêu của hai ông lại là chứng minh những tội ác tày trời do thần thoại. Thế là các văn nhân cũng như triết gia gây nên cuộc khủng hoảng và làm cho thần thoại mất địa vị "kinh điển". Và vì thế, còn lại có tuồng kịch và triết học mà thôi. Thế là nhân văn đứt liên lạc với truyền thống kể từ đó. Homère, Sophocle hết được coi là kinh điển vì chẳng ai tin thần thoại trong ấy nữa, người ta chỉ còn coi đó như những áng văn đạt trình độ diễn tả tuyệt vời, có một nghệ thuật cao siêu không tài nào vượt qua, nhưng cũng không nên tìm cách vượt qua hay dẫu chỉ ngang hàng. Bởi vì đã nói tới nghệ thuật thì mỗi giai đoạn có một nghệ thuật riêng biệt hợp cho cảm quan của giai đoạn nhất định nọ. Khi giai đoạn đã qua người ta lại phải tìm ra những chân trời mới, những thành tựu khác trước, đáp ứng cho những lối cảm nghĩ mới. Cốt tuỷ nghệ thuật phải là thế. Nó phải là sáng tạo, thiếu sáng tạo không phải là nghệ thuật. Không thể thấy Nguyễn Du thành công mà thế hệ này được viết y như Nguyễn Du. Bởi thế bó buộc người Hy Lạp lớp sau phải coi Homère, Sophocle là cổ điển (chứ không là kinh điển) để ra trước mắt mà khâm phục, nhưng không để mà bắt chước, lặp lại, càng không phải để mà tin đặng sống theo đó, vì nền tảng nó là thần thoại nên cản bước tiến về nhân tính, đang khi họ nhận ra sứ mạng con người là phải vươn lên mãi trong sự hiện thực nhân tính của con người. Vì thế không tin thần thoại không phải là lùi nhưng chính là tiến, nên việc đả phá thần thoại được những người thông minh khuyến khích.

Và cần nói ngay rằng trí thức La Hy đã thành công đả phá niềm tin cũ nhưng lại chưa tìm ra niềm tin mới. Và đó là tai họa. Vì thiếu niềm tin thì lấy chi làm thống kỷ cho đời sống tư riêng, xã hội lấy chi để làm cơ sở ràng buộc cố kết. Chính vì thế nền văn hóa La Hy đã phải nhường bước trước tôn giáo. Với tôn giáo người ta có kinh thánh nên cũng có một niềm tin là những thứ tạo nên một quê hương tinh thần làm cho quên đi sự vắng mặt kinh điển hay là nền minh triết uyên nguyên (sagesse principielle) và bao lâu người ta còn tin vào tôn giáo thì bấy lâu còn yên, đời sống còn một hướng để tới.

 Vậy tại sao Âu Châu đã giũ bỏ tôn giáo để trở nên bơ vơ lạc lõng như nay?

Nếu ta xét về bản chất thì dễ nhận ra rằng: tôn giáo chỉ là tôn giáo nghĩa là lo việc rỗi linh hồn mà thôi. Đức Kitô đã nói rõ "Nước ta không thuộc về trần gian này". Câu nói ấy có nghĩa là việc xác, việc trần gian con người phải tự liệu lấy. Người Âu Châu chắc đã hiểu thế nên luôn cố gắng thiết lập một nền luân lý độc lập tự trị đặt trên nền móng nhân bản như được biểu lộ rõ nhất trong thời Phục Hưng. Phục Hưng là cả một trào lưu nổi lên để
khôi phục nền tự quyết cho con người. Thế nhưng Phục Hưng đã thất bại và thất bại là phải, vì Phục Hưng bao hàm một thành tựu trung thực đã được chứng tỏ bằng hậu quả. Điều đó chưa có trong văn hóa La Hy thì phục hưng cái chi, cho nên từ trong bản chất cuộc Phục Hưng đã là một thất bại.

Thế nhưng có một điểm đáng ghi chú là sự thất bại này đã không được ai chú ý tới nữa vì nó bị lấn át do sự xuất hiện của khoa học thực nghiệm. Đây là một thành công rực rỡ vượt qua tất cả mọi mong ước dù lớn lao đến đâu. Nghĩa là trước đây vài ba thế kỷ không một ai dám nghĩ rằng khoa học lại tiến bộ cách kinh khủng đến nỗi biến đổi toàn triệt đời sống con người, khắp hết mọi người cả những dân sống xa trên núi rừng không muốn theo cũng bị lôi đi và đó là điều làm cho quên hết sự thất bại trước. Tất cả mọi người đều vui sướng tưng bừng đón chào khoa học, coi như bà chúa vạn năng sẽ giải quyết mọi vấn đề kể cả vấn đề thiếu kinh điển. Tóm lại từ người dân ít học cho tới những bậc đại trí thức không ai là không phấn khởi, hăng say tin tưởng. Thế nhưng rồi những say sưa ban đầu hạ xuống dần dần người ta nhận ra giới hạn của khoa học. Khoa học không lấp nổi lỗ hổng văn hóa. 

Còn tệ hơn nữa khoa học đã đẩy cho đà vong thân trục vật đi xa hơn bao giờ hết. Tất nhiên lỗi không tại khoa học, nhưng tại con người đã ước lượng sai khả năng của khoa học khi gán cho khoa học thẩm quyền trên những địa hạt không thuộc khoa học, nên đã biến văn  hóa giáo dục trở thành cuộc lao mình đuổi theo sự vật để quên trọn vẹn chính bản thân.

Sự việc xảy đến như sau: chúng ta đã nhận ra tính chất trừu tượng của văn hóa Hy Lạp. Đó là một chứng bệnh trầm trọng mà không một nhà thức giả nào không nhận ra và cố công sửa chữa. Nhưng sửa chữa bằng cách nào? Tất cả đều nghĩ rằng có khó chi đâu? Chỉ việc thay cái học trừu tượng bằng cái học cụ thể là xong. Và nói là làm, không một ai phản đối. Phản đối sao được khi những phát minh tân kỳ cứ dồn dập xuất hiện ghi những bước tiến vĩ đại. Tại sao được thế, thưa là nhờ đã dám vứt bỏ xiềng xích triết học toàn bàn luận về những ý niệm mây mù đâu đâu để mạnh dạn đi vào thực tế đi vào cụ thể. Chính vì đã đi vào thực nghiệm, kiểm chứng so đo tất cả căn cứ trên những dữ kiện khách quan mà được như thế. Thật là minh hiển chỉ cần xem triết học vì còn nấn ná lại đám mây mù trừu tượng nên chỉ sản xuất ra được có những chuỗi ý niệm, những mớ thuyết lý để mà tán dóc suông thì được chứ không làm nên trò trống chi hết. Chính triết học cũng công nhận điều đó nên đã hè nhau đi vào thực nghiệm. Cao trào đó được ghi lại trong triết học duy nghiệm của Auguste Comte. Triết học đã hạ cờ thì huống chi các khoa học khác, tất cả đều lấy vinh dự lớn lao được trở nên toàn vẹn cụ thể bất kể cái cụ thể đó liên hệ chi tới con người bao nhiêu. Do đó gây nên một cuộc trục vật vĩ đại, và dẫn đầu là các bộ môn văn hóa giáo dục. Trẻ mới lớn lên chưa ai dạy cho chúng biết ra đường phải tránh xe thế nào, thế nào là lịch sử khi giao tiếp, đối xử, khi vào gõ cửa,khi ra giã từ , lời ăn tiếng nói ra sao. Những điều đó không được chương trình giáo dục nào săn sóc đến cả, nhưng nếu muốn biết con ruồi đẻ như thế nào, lông mọc làm sao, con cóc đẻ bao nhiêu trứng, con nòng nọc có mấy chân, chân có bao nhiêu lông, mỗi cái lông dài bàng nào, sống trong những điều kiện nào thì các em lớp nhất trở xuống đã học thuộc lòng rồi. Cụ thể mà lại. Đừng bảo rằng trục vật vong thân nhé, đâu có vong thân, chương trình cũng lo về con người lắm chứ, nghe đây nè, da con người có bao nhiêu tầng, mỗi tầng có bao nhiêu lỗ chân lông, các tế bào triển nở ra sao, tổ hợp thành mô, mô thành cơ thể; này là cơ thể hấp thục, này là bộ phận bài tiết, bắp thịt, thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn. Học về con người kỹ như thế mà đứa nào dám bảo vong thân! Tuy nhiên nếu đứng về con người toàn diện mà xét thì đó chỉ là một khoa học trục vật trá hình, vì nhân danh con người mà bàn về các cơ quan, các yếu tố làm nên con người, nhưng đó không là con người có xương có thịt có cảm xúc, có tâm tư. Bộ óc, bộ ruột, các khớp xương chỉ là những sự vật chết chứ không phải những con người sống. Có chất thêm bao nhiêu cũng không khiến con người thích thú được. Vì không có chi đạt tới con người thâm sâu hết trọi. Nhưng đó là chỗ các nhà thiết lập chương trình chưa hề nhận thức ra được, vì thế tuy đã cho "học về người" mà họ vẫn ngạc nhiên tại sao không làm cho người học lưu luyến? Tại sao cho người mỗi ngày mỗi trở nên bì phu nông cạn? Tôixin trích ra đây để làm nhân chứng mấylời của một nhà sư phạm có uy tín, ông Jean Onimus:

"Âu Châu đang trải qua cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng, do đó ta mới thấy giá trị của những sách nhân văn cổ điển. Phế bỏ những áng văn cổ đó, bán đảo Âu Châu bị đe dọa ngay từ trong tâm hồn, trong những tập truyền sâu thẳm nhất của đời sống, trong những giá trị đã làm cho nó có một uy tín và một bản sắc đặc thù. Nhờ chức vụ sư phạm tôi được tiếp xúc với những thanh niên đã được huấn luyện trong nền văn hóa hoàn toàn mới. Thật là một sự gặp gỡ nặng lòng những ơn ích, nó thôi thúc tôi viết bài này Đó là những sinh viên đang theo khóa sư phạm và toán học. Điều ta phải chú trọng đầu tiên là họ có một đời sống nội tâm rất nghèo nàn, họ thiếu hẳn một ý thức hồi niệm (réfléchie). Tất cả vốn liếng về triếtlý của họ thu gọn vào phần luận lý và ít câu phán quyết về luân lý có tính chất xã hội. Họ sở trường về ngành chuyên môn lắm. Nhưng họ hầu chưa được văn minh hóa (à peine civilisés). Không thể tưởng tượng được sự kiêu hãnh và nhẹ dạ của những con người đó, sáng trí và hời hợt. Vì ngay từ lúc nhỏ tâm trí họ đã được huấn luyện để biết phải phân tích cách trừu tượng, biết diễn dịch cách máy móc. Nhưng còn đời sống cụ thể thì triển diễn ngầm dưới đất, một cách bán ý thức, phó thác mặc cho tình cờ, cho gió bốn phương, cho sự thúc đẩy của bản năng, dựa trên ít nhiều lề lối xã hội. Tóm lại họ được huấn luyện và uốn nắn theo hình ảnh của đại chúng.

"Tại đâu bản ngã của họ bị lu mờ hầu như bị xóa hẳn đi như thế, là vì họ không thể đặt chân vào đời sống nội tâm nữa. Đưa cho họ một bài toán trừu tượng thì họ giải đáp mau lắm. Nhưng đặt cho họ một câu hỏi về nhân sinh, về đời họ thì họ liền bị lạc hướng trong chốn cụ thể, họ lạc hướng và bập bẹ. Tự nhỏ mắt họ đã quay ra ngoài, quên hẳn cái nhìn hướng nội.

"Văn hóa đâu phải là một cái vốn mà mỗi người gây lấy cho mình từ con số không. Một nền văn hóa sâu sắc phải có tính chất di truyền, mỗi đời thêm một ít sở đắc, nhưng không được động chạm tới nền móng, không thì mất cả. Đó là một cuộc tiến triển có cơ thể, có liên tục."
(Etudes 1957 (?))

Sở dĩ tôi trưng một đoạn dài như thế là vì nó phản chiếu tâm trạng văn hóa của hầu hết sinh viên đời nay: tất cả đều vật vờ trước gió vì thiếu kinh điển làm trục.

Đăng nhận xét