Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

NƯỚC MẮT PHỤ NỮ

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015 | 22:36

Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 vẫn còn gây tranh cãi ở Việt Nam. Tranh cãi vì có người cho rằng ngày này chỉ còn tồn tại trong hệ thống các nước Cộng Sản. Tranh cãi vì có người cho rằng nó chỉ tồn tại khi nhân quyền và nhân phẩm của phụ nữ chưa thực sự được tôn trọng. Cho dù tranh cãi thế nào và nó thuộc hệ phái nào, thì đây cũng là dịp để ta tỏ bày tình cảm của mình đến một nửa thế giới. Tuy nhiên, hôm nay, tôi xin được chia sẻ về nước mắt phụ nữ.

ảnh skds

Tôi đọc ở đâu đó nói rằng: sức mạnh của phụ nữ chính là những giọt nước mắt. Giọt nước mắt phụ nữ có thể làm cho những chàng trai cứng trở nên nhũn như dưa trước các chị. Và tôi, tối qua, 7/3, tôi cũng đã chứng kiến giọt nước mắt của một người phụ nữ.

Chị vốn là người bình dị. Ngày ngày, chị làm công ăn lương như bao người. Song, mỗi tối, chị lại rong ruổi khắp các phòng mạch sản khoa tại Biên Hòa để đón lấy những thai nhi đã bị trục xuất khỏi lòng mẹ.

Công việc này đã diễn ra nhiều năm. Mỗi tối như vậy, thường thì có từ 3 đến 5 thai nhi. Thậm chí có tối lên đến 10 thai nhi. Ngày tư cũng như ngày tết, chị vẫn âm thầm đi đến các phòng khám sản khoa tư nhân để làm việc này. Điều lạ kỳ là không ngày nào là không có, kể cả ngày tết. Càng gần các dịp lễ hội thì con số càng cao.

Mỗi tối, sau khi nhận xác các em về, chị đến nhà thờ cho cha xem xác các em. Các em đã bị cắt nhỏ, thậm chí nát vụn. Mỗi lần như thế, chị òa khóc thưa rằng: 

Cha ơi, con không cầm được nước mắt nữa. Các em có tội gì mà cha mẹ các em lại loại bỏ các em thế này. Không biết các y bác sĩ sản khoa có cảm tấy ghê tay không? Không biết họ có nước mắt không?
Chị vừa chia sẻ vừa nấc nghẹn với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi khi chị và cha xứ cùng nguyện kinh cầu nguyện cho các em và xin ơn tha thứ cũng như ơn hoán cải cho những người gây ra cái chết này. Sau đó, chị đưa các em về nhà bảo quản cẩn thận chờ khi đủ một lượng nào đó rồi đem đi an táng. Đó là công việc chị làm mỗi tối. Gương mặt chị đã quá quen với cha xứ đến nỗi, chỉ thấy bóng chị ở nhà thờ, cha xứ liền đứng lên ra tiếp đón và cùng cầu nguyện với chị. 

Sau khi chị ra về, tôi còn ở lại giáo xứ cả tiếng đồng hồ nữa mới khởi hành về Sài Gòn. Suốt chặng đường về, tôi cứ bị ám ảnh bởi câu hỏi: Không biết họ có nước mắt không? 

Ừ nhỉ! Không biết người phụ nữ và con người ngày nay có nước mắt không nhỉ!? Có chứ, có chứ. Chắc chắn có chứ vì người phụ nữ Việt hay khóc lắm!

Chắc chắn khi thực hành việc đưa đứa bé ra khỏi tử cung, người phụ nữ nằm đó phải quặn lên vì dao kéo cứa vào da thịt mình kia mà. Kể cả sau đó, có dùng thuốc đi nữa, cơn đau sẽ vẫn đến và nước mắt chắc chắn đã tuôn ra. Nhưng, nước mắt tuôn ra không phải vì thương tiếc cho đứa bé, huyết nhục của mình mà chỉ vì nỗi đau nơi thể xác và là niềm hạnh phúc khi đẩy được của nợ ra khỏi đời mình.

Chắc chắn họ cũng đã khóc khi phải  đóng vai kẻ đẻ thuê. Họ khóc vì cái đạo luật kia có thể giúp mang lại tiền bạc nhưng lại biến họ thành cỗ máy, thành cái máy đẻ không hơn không kém. Nhưng dần dà rồi cũng quen, họ chẳng thắc mắc và đau đớn nữa vì nó mang lại cho họ sự sung túc.

Chắc chắn còn nhiều giọt nước mắt của chị em vẫn chảy đây đó do bạo hành thể xác hay tinh thần. Chảy vì không biết đẻ con trai. Chảy vì mình là cau độc...

Nhiều, nhiều lắm những giọt nước mắt mà người phụ nữ đã, đang và sẽ chảy. Nhưng, sao trước đứa con của mình giọt nước mắt của người mẹ không chảy?! Sao những người phụ nữ cầm dụng cụ hút thai không run tay?! Sao những nhà làm luật không cảm thấy áy này khi chấp nhận cho người khác quyền phá hủy sự sống!?.v.v.

Ước mong sao người phụ nữ còn nước mắt để chảy và biết chảy nước mắt vào những chuyện thiết thực như người phụ nữ trên đây. Giọt nước nhạy cảm. Giọt nước mắt của tình thương. Giọt nước mắt thống hối. Giọt nước mắt của tình người. Giọt nước mắt cảm thông! Giọt nước mắt tha thứ! Giọt nước mắt của tin tưởng và hy vọng! Giọt nước mắt của sự sống!

Ước mong sao không chỉ phụ nữ biết khóc mà các bậc tu mi cũng biết rơi lệ. Không chỉ từng cá nhân mà cả xã hội và nhân loại này biết khóc về lầm lỗi của mình. 

Khóc không phải là đặc quyền của phụ nữ nhưng là của tất cả chúng ta. 

Cuộc đời này ngoài học vui cười và hy vọng còn cần học khóc. Khóc cùng và khóc với nhau như Giêsu đã hạ cố khóc và đau cùng con người. Chính Giêsu đã làm cho tất cả những gì là đau, là khổ, là nước mắt của trần gian này có ý nghĩa. Chỉ khi biết khóc với những phận người chúng ta mới có hy vọng thấu hiểu và yêu thương họ như Chúa đã yêu ta dù ta tội lỗi hay thánh thiện.

Xin hãy dạy con khóc như chính Giêsu đã thương cảm và khóc cho phận người. Giêsu khóc vì phận người đã chạm vào Người và Người sẽ làm cho nó trở nên có ý nghĩa.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con biết khóc!

SG 8/3/2015


 



Đăng nhận xét