Ngọc Kỳ Lân
Tản mạn
Hà Nội đang trở lạnh. Phố bên sông bên làng hoa làng lúa vẫn nhộn nhịp hối hả. Cái hơi lạnh cuối năm làm tôi nhớ đến hơi bếp lửa ấm năm xưa bên nồi bánh chưng to ông nội và bố gói cho cả gia đình, chúng tôi trải ổ rơm ngồi quây quần trông bếp củi luộc bánh chưng để hơi ấm không bao giờ tắt, những tiếng lách tách của củi cháy kèm theo tia lửa như pháo bông làm hồng đôi má lũ trẻ chúng tôi.
Tết trong ký ức tôi là khi mẹ ngồi cắt dưa, hành để muối thì mấy đứa chúng tôi nhận phần trông bếp, tranh thủ nướng mấy củ khoai vừa mót ruộng ban chiều. Mấy chị em ngồi chụm đầu vào nhau thổi lửa, tro bay đầy lên tóc, mặt thì lấm lem má ai nấy hồng lên vì hơi ấm sao hạnh phúc đến lạ. Hạnh phúc của tuổi thơ đơn giản nhưng tròn đầy bởi chưa nặng gánh âu lo. Chỉ cần có gia đình yêu thương, được vui đùa, được ăn ngon là đủ hạnh phúc, và đôi khi hạnh phúc trong kí ức tôi chỉ đơn giản là hình ảnh mấy anh em chia nhau củ khoai nướng. Hơi ấm và vị ngọt lúc đó vẫn theo tôi mãi đến tận bây giờ.
Tết trong kí ức tôi chính là những ngày hạnh phúc nhất trong năm. Tụi trẻ con háo hức được ba mẹ dắt đi mua quần áo đẹp, mong chờ lì xì đỏ để có tiền mua kẹo bông, bóng bay, pháo và để khoe xem ai được...nhiều lì xì hơn. Là đại gia đình chúng tôi luôn sum họp bên mâm cơm ấm áp để quên đi những khó khăn nhọc nhằn mưu sinh vất vả. Nào Giò xào mộc nhĩ bố gói thêm vân trứng vàng nào bánh chưng xanh dùng lạt cắt tám lại thêm đĩa hành muối trắng phau thoang thoảng vị chua và hăng xộc vào mũi đánh thức giác quan làm người ta bất giác phải...nhón thử một miếng! Tất cả đều được mẹ chuẩn bị từ trước, duy nhất món canh măng mẹ nói "Các con phải tự vào bếp làm cùng nhau thì mới có vị Tết." Lúc đó tôi còn nhỏ nên chẳng hiểu vị Tết mẹ nói là gì, chỉ lờ mờ hiểu rằng trong đó có niềm vui vì thấy ai cũng cười.
Rồi rất nhiều năm sau đó, khi đã đủ lớn khôn, khi đã phải bươn chải mưu sinh, khi đã được nếm qua "sơn hào hải vị" mọi nơi, tôi lại càng thấm thía hơn vị Tết mà mẹ nói. Đó không chỉ là vị ngon đơn thuần, mà là bao yêu thương gửi gắm, mẹ đã cho cả tình yêu vào món ăn mẹ nấu cho chúng tôi. Tôi đã hiểu vì sao mâm cơm của mẹ đơn sơ, không bày vẽ trang trí đẹp đẽ như món Tây, món Tàu mà tại sao lại ngon và khiến tôi nhớ lâu đến vậy. Chính vì thế mà tôi thấy yêu Tết hơn.
Năm nay gia đình tôi sẽ lại quây quần bên nhau, anh em tôi đã có gia đình, chúng tôi lại thay bố lại gói bánh và cùng các con trông bếp. Sẽ kể cho các con tôi sự tích lang liêu, sẽ cho cac con lấm lem và cười vui như lúc xưa , cái cảm giác mà chúng tôi từng có.
Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, vẫn cứ đảm đang, lo toan, chu toàn mọi thứ. Dù xã hội đổi thay, giữa những giao thoa văn hóa Đông – Tây, thì ở đất nước đậm văn hóa Á Đông phụ nữ vẫn là người giữ lửa cho gia đình. Và mâm cơm mẹ vẫn là mâm cơm hạnh phúc nhất đời con mẹ nhỉ??
Tạm gác đi những bộn bề của cuộc sống, tạm rời xa nơi phồn hoa đô thị, trở về với miền quê và cảm nhận, khói bếp củi ấm lòng những ngày mùa đông, tấm chân tình của xóm làng, khoan khoái trong lòng trào dâng bao cảm xúc
Hà Nội chiều đông 2016
Đăng nhận xét