Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Nhà nghèo thành phố

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016 | 11:09

Sài Thành hoa lệ vốn là ngưỡng vọng của bao người. Ngưỡng vọng có hộ khẩu, học hành hay công việc nơi đây. Nói chung, Sài Thành thuận lợi về mọi mặt và vẽ ra một viễn tượng phú quý dư dật cho người dân khắp nơi. Sài Thành đẹp lắm, đẹp lắm.

Đêm đêm bước ra đường thấy không khí thật khác lạ. Dường như dân nơi đây sống về đêm. Phố xá nhộn nhịp, la liệt những quán ăn. Quán ăn quán nhậu mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đã quá canh ba mà vẫn còn đó chén chú chén anh trong những mối giao thiệp cần đến bàn nhậu. Nhìn vào đó, Sài Thành quá đẹp!

Bề mặt là như thế. Đi dọc các con đường thấy Sài Gòn đẹp lắm, giàu lắm, hấp dẫn lắm. Nhưng thử một lần bước vào những con hẻm quận 1 hoặc sang những con sông bên quận 8 hay khu dân cư mới Vĩnh Lộc, bạn sẽ thấy được sự trù phú?

Sự trù phú minh định mặt tiền nhưng sâu trong những con hẻm quận 1 vẫn có chàng thanh niên 50 tuổi chưa thể và không thể lấy vợ. 

Nhà chàng ở ngay đối diện chợ Tân Định, sâu trong con hẻm. Gia tài của chàng là chiếc giường gấp với căn nhà 3m2. Nơilà nơi tá túc của hai mẹ con chàng chính là đây, là căn nhà vệ sinh tập thể mà giờ người dân chấp nhận nhượng lại để cho hai mẹ con có chỗ che nắng che mưa. Số chàng là thế, vợ cũng chả có, nghề nghiệp cũng không. Chàng sống lay lắt qua ngày để chăm nom mẹ già trong góc tối đầy muỗi cho qua ngày đoạn tháng.

Nếu chàng qua ngày đoạn tháng nơi con hẻm cụt với cái nhà vệ sinh thì một cô nàng khác đau đầu không kém. 

Cô vốn có công ăn việc làm nhưng hiện tại thất nghiệp. Cô có chồng, có con, có nhà cửa đầy đủ nhưng giờ tiền không có. Báo đài cứ ra rả tăng trưởng kinh tế mấy phần trăm. Thành phố vẫn cứ ồn ào pháo hoa sáng nhoáng mỗi dịp lễ hội trong khi đầu cô cứ như búa bổ. Có nhà nhưng không tiền cho con đi học. Có nhà nhưng không có tiền chữa bệnh. Có nhà nhưng lai không có gạo ăn. Có nhà nhưng nhận tháng 10kg gạo mà chả thấm thoát vào đâu. Cái cô lo không phải là của ăn nhưng là cuộc sống chồng con và tương lai của chúng. Chúng không được học hành và rồi đây, mọi sự trở nên mù mịt. Càng nghĩ cô càng quẩn, càng đau đầu. Càng đau đầu càng quẩn. Không quẩn sao được trong thời buổi giá cả leo thang với hàng trăm ngàn thứ thuế. Nhìn vào ai bảo cô nghèo. Nhưng, cô nghèo, nghèo lắm. Nghèo chẳng thể nói vì nói chẳng ai tin.

Cái nghèo thành phố là thế. Nghèo ở quê có thể ra đồng vày vợt con cua, con ốc với mấy thứ rau bụi bờ sống qua ngày vì gạo sẵn có ở đó. Nghèo ở thành phố thì chỉ có chết. Không tiền sao mua được đồ ăn thức uống. Nước, điện, và đủ thứ. Động gì cũng tiền. Nhà có đấy bán được chăng giữa thời đóng băng bất động sản và các doanh nghiệp thua lỗ phá sản cứ tăng lên chóng mặt.

Chuyện của cô nàng và chàng trai 50 đó chẳng phải hiếm tại đất Sài Thành. Những khu ổ chuột lúp xúp. Những đứa bé nhặt ve trai sống qua ngày. Những người già, già lắm vẫn run run tờ vé số trên tay. Những người sống lâu năm mà không hộ khẩu hay mảnh giấy tờ tùy thân. Nhiều, nhiều lắm những cảnh đời như thế. Cái nghèo vẫn đó bên cạnh cảnh phồn hoa đô thị càng khiến người ta xé lòng.

Tiếng kêu ấy vẫn vang lên đều đều bên những cao ốc chọc trời và những khu quy hoạch bỏ hoang. Tiếng kêu ấy vẫn cứ tăng, tăng lên mãi bên cạnh những tượng đài ngàn tỷ bỏ hoang. Tiếng kêu ấy cứ thông thiết, thống thiết mãi bên những con kệnh đổ tiền ra để lấp rồi lại ném tiền ra để moi lên... 

Tiếng kêu vẫn cứ vang lên nhưng ai sẽ đáp lời! Thần linh chăng? Dạ thưa, thần linh luôn đáp lời nhưng thần linh muốn mượn tay người phàm để xoa dịu nỗi đau nhân gian. Nhiều khi, đôi tay phàm nhân của chúng ta có thể khiến điều đó mau chóng trở thành sự thật hơn khi biết xử dụng đúng mức những gì cần thiết thay vì những gì mình muốn. Nhà cầm quyền cũng khiến điều đó trở nên lanh lẹ hơn khi những dự án vô bổ được đầu tư vào những gì sinh công ăn việc làm cho người dân. 

Than ôi, nghĩ tới đây mà thấy nao lòng. Anh chị và biết bao người, của ăn chẳng có, nơi trú ngụ thì không mà còn phải gánh khoản nợ quốc gia trên ngàn đô. Biết khi nào anh chị và dân Việt thoát nghèo? Nghèo đô thị và nghèo nhà quê, nghèo nào sướng hơn!

Đăng nhận xét