Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Quyền chê

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016 | 08:24

Vt: Một bài viết hay của Mạc Việt Hồng về thái độ khen chê và thái độ của ta đối với lời khen tiếng chê. Làm người cần nghe cả hai và biết quân bình thì mới trưởng thành được!

--------------------------------------------------------------------

MẠC VIỆT HỒNG

Mới đây, dưới một status của tôi bàn về thủ tướng, một bạn đã vào bình luận, “chị cứ thử về làm thủ tướng đi, xem chị có làm được không”. Tôi ở vào 'tình cảnh' không về được, chứ đừng nói tới chuyện 'làm thủ tướng'.

Kiểu 'khích tướng' này không phải là hiếm gặp trong các bình luận trên các trang mạng xã hội, hay trong đời sống hàng ngày. Một lần khác, khi viết bài về vấn nạn cần sa trong cộng đồng, một vị trong cộng đồng cũng độp vào mặt tôi là, cho chị giải quyết chuyện trồng cần sa, chị có giải quyết được không? Tất nhiên là không. Văn minh như thế nước Anh, 'đành hanh' như thể Ba Lan cũng chẳng làm được, chứ nói chi tới cái ngữ 'lều báo' nửa mùa như tôi.

Khi chỉ trích, chê bai hay thể hiện thái độ không đồng tình với một vấn đề, một nhân vật nào đó, ta thường gặp phải phản ứng kiểu, có làm được không mà chê, không làm thì đừng có chê hay thử làm đi xem có ra gì không...

Từ cuộc sống

Những chuyện hàng ngày trong cuộc sống cho thấy, dù không làm được hay không được làm người ta vẫn có quyền chê bai như thường.

Một người có thể chê ca sĩ hát dở, dù anh ta không hề biết hát. Khán giả có quyền chê đạo diễn, chê diễn viên dù bản thân họ chưa từng tham gia diễn xuất. Người không biết viết văn cũng chẳng biết viết báo vẫn có quyền chê một tác phẩm văn học là dở, một nhà văn nhạt như nước ốc, hay một nhà báo viết lách lởm khởm.

Cách đây chưa lâu, cô hoa hậu tên K.D gì đó bị cộng đồng xúm lại chê 'xấu'. Tôi dám quả quyết rằng, có đến 99,99% những người chê cô 'xấu' có nhan sắc kém cô. Nhưng họ vẫn chê, bởi họ đâu có nhận vương miện hoa hậu, cô là người nhận và họ thấy cô chưa thật xứng đáng, nên chê.

Hãy thử tượng tưởng, ở một quán bia nào đó, một anh chàng ngồi chồm hỗm xem bóng đá, bỗng vỗ đùi đánh đét một cái, rồi hét lên: "Đ. M thằng kia, mày đá như con c...". Cái 'thằng' bị chửi đó, có thể là một cầu thủ lừng danh thế giới, lương cỡ chục triệu đô-la/ năm. Còn anh chàng thô lỗ (cỡ gần bằng tôi) có khi lại là một thằng cha đang thất nghiệp và chưa từng đụng chân vào trái bóng tròn!

Tới chuyên môn

Những chuyện chê bai có vẻ 'trái khoáy' kể trên không chỉ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày mà nó cũng thường thấy trong lĩnh vực chuyên môn. Ở Tây có một nghề khá phổ biến đó là critic/ krytyk. Nói một cách nôm na dễ hiểu, đó là nghề 'cá trê'.

'Cá trê' hành nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Với văn học người ta có các nhà phê bình văn học; với sân khấu, có các nhà phê bình sân khấu; với hội họa, có phê bình hội họa... Và đặc biệt, nghề phê bình chính trị rất đắt giá và luôn được công chúng sát sao theo dõi. Mỗi khi có sự thay đổi trên chính trường, những nhà phê bình chính trị lại được dịp 'khua môi, múa mép'. Họ được báo giới phỏng vấn, mời lên truyền hình, mổ xẻ vấn đề, phân tích đúng/ sai, phải/ trái, đưa ra ý kiến, nhận xét... Trong nhiều trường hợp, các nhà hoạch định chính sách phải tham khảo ý kiến của họ. Ba Lan có hẳn chuyên trang về phê bình chính trị.

Những nhà 'cá trê' học thường có học hàm, học vị và nhận được sự kính trọng trong xã hội, nhưng hoàn cảnh của họ nhiều khi lại giống y chang anh chàng ngồi xổm ở quán bia kia. Nhà phê bình văn học cả đời chẳng viết được cuốn tiểu thuyết nào. Nhà phê bình hội họa hóa ra không biết vẽ. Nhà phê bình chính trị suốt đời chỉ là chuyên viên với mớ lý thuyết bùng nhùng, chẳng được nắm giữ chức vụ gì; và người ta không chắc, nếu cho làm thủ tướng, ông ấy có làm nổi hay không.

Bình đẳng trong khen chê

Khen/ chê là 2 mặt của một vấn đề, là 2 mặt của cuộc sống, chúng tồn tại song hành với nhau. Xét trên góc độ học thuật, hay cao sang hơn là theo 'quan điểm dân chủ' thì chúng phải được bình đẳng với nhau. Có khen thì đương nhiên có chê.

Nhưng thực tế thường không diễn ra như vậy. Có thể kể ra rất nhiều những trường hợp về việc những người chỉ trích chính quyền ở Việt Nam đã phải nhận những hình phạt như thế nào. Và không cứ gì chính quyền, bạn cũng có thể rơi vào tình thế khó xử, nếu lỡ buông lời chê bai hay không đồng tình với một ai đó.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của mạng xã hội mà rất nhiều các vấn đề từ quốc gia đại sự cho tới đời sống thường nhật, được đem ra mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Nhờ đó, người ta có cơ hội tiếp cận với những luồng ý kiến khác biệt. Ngoài việc, có thể thu được 'gạch đá' để xây nhà, sự cọ sát này là cần thiết để mỗi cá nhân và qua đó xã hội thêm trưởng thành.

Đừng lăn tăn khi bạn không làm được (gì) mà lại chê, bởi với tư cách là công chúng, bạn có quyền đó. Và cũng nên bình tĩnh trước những ý kiến trái chiều, nên mỉm cười với người chê bạn.

Đăng nhận xét