Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

40 ngày mùa Chay được tính thế nào?

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016 | 12:52

Lm. Pr. Nguyễn Đức Thắng, GP.Long Xuyên

40 ngày mùa Chay được tính thế nào? Mùa Chay bắt đầu khi nào?
Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?



H. 40 ngày mùa Chay được tính thế nào?

Thời gian mùa chay trước lễ Phục Sinh thường được gọi là 40 ngày chay tịnh, nhưng thực ra có 46 ngày tính từ thứ 4 lễ Tro cho tới Chúa Nhật Phục Sinh. Vậy tại sao chỉ nói có 40 ngày?

T. Chúng ta cần trở ngược lại thời sơ khai của Giáo Hội, các môn đệ đầu tiên là những người Do Thái vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm về tầm quan trọng của ngày Sabat, vẫn được xem là ngày thứ 7. Bởi vì ngày Sabat được ghi trong sách Khởi Nguyên là thời gian để nghỉ ngơi và thờ phượng. Tuy nhiên Chúa Ki-tô lại phục sinh vào Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Chính các tông đồ và các ki-tô hữu đầu tiên đã thấy được rằng sự Phục Sinh là một cuộc sáng tạo mới nên họ chuyển ngày Sabat sang Chúa Nhật chứ không là còn là thứ 7 như quan niệm của Do Thái nữa.

Đối với Ki-tô giáo, mọi Chúa Nhật đều là những ngày cử hành sự phục sinh của Chúa Ki-tô, các tín hữu không được ăn chay, và làm những hình thức đền tội trong các ngày này. Các Chúa Nhật không được tính vào thời gian chay tịnh mùa Chay.

Vậy để có được 40 ngày chay tịnh như Chúa Giê-su, mùa Chay bao gồm 6 tuần lễ với 6 ngày ăn chay trong tuần, cộng với 4 ngày từ thứ tư lễ Tro cho tới thứ 7 trước Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. 36 + 4 = 40.

H. Mùa Chay bắt đầu khi nào?

Mùa Chay được bắt đầu với thứ tư lễ Tro trước lễ Phục Sinh 46 ngày. Tuy nhiên, vì lễ Phục Sinh không được ấn định vào một ngày cố định cho mỗi năm, do vậy, phải biết cách tính lễ Phục Sinh theo Tây lịch.

H. Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?

T. Lễ Phục Sinh không có một ngày cử hành nhất định hàng năm như lễ Giáng Sinh với ngày 25-12. Công đồng Nicea (325) ấn định ngày lễ Phục Sinh hàng năm là Chúa Nhật thứ nhất kể từ ngày rằm đầu tiên của tiết xuân phân. Tưởng cũng nên biết rằng lễ vượt qua của Do thái là ngày 14 tháng Nissan, tức là trước ngày trăng tròn của tiết xuân phân. Và các giáo hội Đông phương cũng lấy ngày này để mừng lễ Phục Sinh.

Để có thể tính được ngày lễ Phục Sinh hàng năm của Công Giáo, cần đi theo trình tự sau:

- ngày xuân phân hàng năm là 21-3 (theo tây lịch)

- ngày trăng tròn (ngày 15 theo âm lịch) đầu tiên sau ngày 21-3 này

- Chúa Nhật thứ nhất tính từ ngày trăng tròn này, đó là Chúa Nhật Phục Sinh.

Đăng nhận xét