Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Học thêm

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016 | 16:27

Dạy thêm và học thêm, chả biết có tự bao giờ vì khi lớn lên, tôi đã thấy. Trải qua bao năm, báo chí cũng tốn bao giấy mực mà đâu vẫn vào đấy. Mấy hôm nay, tình hình còn căng thẳng hơn khi có những người có trách nhiệm trong trường thẳng thắn trả lời rằng: chúng tôi không thể đi canh để bắt đồng nghiệp của mình. Chuyện đau lòng của xã hội Việt Nam. Đau lắm vì nhà giáo bây giờ dường như đang hứng những mũi giáo! Tại sao vậy? Chả lý giải gì đâu mà chỉ kể lại nhưng gì thầy trò tôi đã trải qua suốt quãng đời học sinh.

Ngày ấy, khi còn học cấp I, chúng tôi học chỉ ngày một ca rồi thỏa thích vui chơi chả có thêm nếm gì cả. Thực ra, ngày ấy, chả có đủ lớp học phải học ca sáng ca chiều lấy đâu mà thêm với nếm. Nếu có muốn dạy thêm cũng chả có tiền mà theo. Cũng chính vì thế mà chúng tôi có nguyên ba tháng hè với trọn vẹn tuổi thơ hồn nhiên của làng quê.

Lên cấp II, vẫn vậy, chả có thêm có nếm và tôi cũng chả biết gì đến chuyện học thêm. Thời đó, chỉ những ai học giỏi được chọn riêng ra để học bồi dưỡng một vài tuần trước khi dự các kỳ thi học sinh giỏi. Nơi khác không biết, song quê tôi, giỏi gì thì giỏi nhưng cứ người Công Giáo  là không được. Vì vậy, nhà trường đã bỏ sót nhiều người học giỏi thực thụ.

Cấp III tới, tôi biết học thêm là gì. Tôi biết đên học thêm khi chuẩn bị thi vào cấp III. Bạn bè đi học thêm còn tôi mải mê ở nhà vui chơi và làm nông phụ cha mẹ. Một ngày đẹp trời, bạn tôi tới gọi: 

"Mày không đi học thêm hả? không học là trượt cho mà xem! Phải đi học. Tụi tao học cả tháng rồi."

Vậy là tôi sợ, sợ quá đi học thêm với chúng bạn. Học có một tuần mà phải đóng tiền bằng các bạn đóng cả tháng. Thật may cho tôi, tôi đậu mà các bạn tôi trượt. Tôi may mắn nhưng cũng buồn vì chả có bạn đi học cùng. Mọi sự rồi cũng quen.

Những năm cấp ba, tôi không biết tới học thêm là gì vì, một mặt không có tiền; một mặt chả biết học thêm ở đâu. Song, cũng vì chuyện học thêm này mà tôi bị trả thù.

Số là cô giáo chủ nhiệm của tôi dạy học môn vật lý. Cô dạy rất giỏi. Cô mở lớp học thêm cho các bạn trong lớp và nhiều lớp khác. Hầu hết mọi người đều đi, duy có mình tôi mắc bệnh lì. Hôm đó, có bài khó, cô chữa bài chiều hôm trước rồi hôm sau gọi tôi lên bảng. Tôi không làm được. Cô gọi bạn kém nhất lớp lên làm và bạn làm tốt. Khổ nỗi, bạn ấy lại quý tôi nên về bàn nói ngay cho tôi biết lý do. Mọi chuyện chẳng có gì to tát nếu cô để yên. Song, cô so sánh và chê bai tôi rằng: bạn họ kém thế mà còn làm được huống hồ tôi. Vậy là cuộc chiến diễn ra, cô mất mặt còn tôi thì lãnh hai quả trứng hệ số hai với cả năm lẹt đẹt cố để có tổng kết 5.0.

Nghĩ lại, thấy tôi cũng thuộc dạng ương bướng dám tay đôi với cô dù các bạn cản ngăn. Nhưng, tới bây giờ, tôi vẫn thương cô vì cô cũng đâu có vui vẻ gì khi phải làm như thế.

Cô ra trường với tấm bằng giỏi nhưng xin việc không được. Đi đâu cũng phải mất rất nhiều tiền. Cô chấp nhận đi về vùng quê, nơi tôi học, để dạy. Là con gái thành phố, ăn mặc, phấn xon đã thành thói quen. Ngày ngày, cô phải đi xe honđa 15km tới trường bất kể trời nắng mưa mà lương lúc đó chỉ có 300.000. Đó là những năm 2000-2002, niên khóa cấp ba của tôi. Thú thực, tiền xăng xe và phấn son còn chả đủ huống gì trang trải cuộc sống. Bởi vậy, muôn vàn chuyện tiêu cực diễn ra. Thời ấy đã có cấm dạy thêm, song, giáo viên và nhà trường yêu cầu phải viết đơn xin được học thêm nhằm hợp thức hóa. Vậy là, ở trên về kiểm tra cũng đành bó tay vì bởi học sinh xin chứ giáo viên có tự tổ chức đâu.

Rời ghế cấp III để thi vào đại học tôi mới thầy mình dở hơi. Những khóa trước tôi, ai mà không đi học thêm chắc chắn cánh cửa đại học luôn đóng vì chương trình thi tuyển đại học, không có một chút xíu nào của chương trình cấp III. Anh tôi không đi học mà mua bộ đề về giải cũng chả đậu vì không có người hướng dẫn. Thời đó, ai giải bộ đề càng nhiều thì cơ hội trúng tuyển càng cao. Vậy đó, còn nhà nghèo thì dường như cánh cửa đại học luôn luôn đóng lại.

Nói chung, cuộc đời tôi chả biết học thêm học nếm. Học thì ít và sự học chỉ diễn ra ở trường, còn lại, về nhà thì lo mà đi làm. Thậm chí, sáng sớm, tôi còn phải đi cất vó tép để bán hầu có tiền đóng học. Ấy vậy, mọi sự rồi cũng qua. Tôi phải tự bươn trải để học. Tôi thèm đọc sách nhưng không có sách để đọc. Có tiền cũng không mâ được sách. Mãi khi học trường y, muốn mua cuốn sách đâu có vì tôi học y ở một tỉnh thành nghèo. Thậm chí tới bây giờ, có những sách xuất bản ngay Hà Nội mà quê tôi gần đó về tìm mỏi con mắt cũng chả thấy. Vậy hỏi sao giáo dục được.

Năm vừa rồi, về quê, thấy mấy đứa cháu đi học thêm nhiều lắm. Quả chúng có điều kiện hơn mình. Nhưng, tôi giật thót khi chúng học tiếng Anh thế này: Ai Lớp Iu (I Love You). Học như thế, chẳng biết khi nào các em mới giao tiếp được vì sai căn bản ngay từ nhỏ thì khó sửa về sau. Thậm chí, có em đạt học sinh giỏi Anh cấp huyện cũng phát âm như thế. Trời đất! Tôi nhớ lại, mình cũng từng được học tiếng Anh, nhưng bốn năm cấp II không hết 3 bài của cuốn tiếng anh 30 bài lớp 6. Vậy hỏi sao nền giáo dục phát triển.

Vào Sài Gòn, tôi có cơ hội đọc sách nhiều hơn. Có được đồng nào toàn mua sách. Dường như tôi đọc để bù lại những năm tháng xưa thiếu sách. Song, thói quen đọc sách, tôi không dám nói đến văn hóa đọc sách, ở thành phố này còn thấp lắm, nhất là nơi giới trẻ. Các em vùi đầu vào các lớp học thêm. Kiến thức đầy mình nhưng hầu như các em là những con robot kiến thức được lập trình, chẳng thấy kiến thức đó liên quan tới cuộc sống. Các em thông mình và giỏi hơn chúng tôi bội phần nhưng khả năng suy luận thì rất yếu, nhất là khả năng nhìn nhận cuộc sống và tương quan tình người cũng nhãn quan đánh giá các thanh giá trị. Các em học mà chưa có phương pháp. Các em học chỉ biết để sau này kiếm được nhiều tiền chứ ít em học vì đam mê. Rất ít em biết học để làm gì? Có vẻ, mong là tôi sai, thế hệ các em là những con thù bông nhồi kiến thức chỉ để cho ai đó ôm ngủ và làm kiểng mà thôi.

Ôi, sự học mênh mông lắm. Không phải ai muốn học là học được. Học phải có phương pháp. Học phải có học tổng quan và học chuyên sâu những gì mình đam mê. Học không phải là học ở trường mà là làm sao để tự học. Học không phải là để thi nhưng để mở mình ra. Học không phải để mình cao ngạo với đời và hơn người nhưng học để mình trở nên tự do. Học không phải để kiếm tiền nhưng để sống hạnh phúc. Muốn có được điều đó, với xã hội hiện tại và tương lai, một mặt cần dạy cho con trẻ phương pháp và đầu óc phản biện khi học. Một mặt sao cho con trẻ hình thành được thói quen đọc sách. Một mặt, người giáo dục cần khám phá ra năng khiếu của các em để thúc đẩy. Đó chỉ là phương diện người học và người dạy thôi, chưa nói tới giáo trình hay triết lý giáo dục gì cả. Đó là cả một hành trình gian nan. 

Hy vọng, người làm giáo được sống đúng với giáo chức của mình. Người học biết mình học để làm gì và học như thế nào. Trên tất cả, tôi muốn thấy một nền giáo dục khai sáng, nhân bản và tiên tiến hầu xây dưng một nước Việt phồn thịnh, an bình và người dân hạnh phúc.

Đăng nhận xét