Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Lộc Thánh đầu Xuân

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016 | 13:24

Không biết tự khi nao tục hái lộc đầu xuân xuất hiện tại Việt Nam. Với tôi, từ khi có nhận thức, thấy người người lên chùa vào đêm giao thừa để hái lộc xuân. Ai cũng tranh nhau bẻ cho được một nhánh lộc nào đó từ một cây trong chùa mang về nhà trưng. Hệ quả là, sau đêm giao thừa, chồi xuân vừa nảy nay thành cây trơ trụi tiêu điều.

Hái tài lộc

Sự tiêu điều ám ảnh lòng người khi sau này, người ta loan truyền cho nhau: cẩn thận kẻo hái lộc xuân rước vong về nhà. Vong hồn, đặc biệt là các linh hồn thai nhi vất vưởng, theo thuyết của nhà Phật, đậu ở trên những chồi non ấy. Quả là nỗi sợ của nhiều người. Tuy nhiên, dù sao cũng bẻ cho được lộc để đem về nhà mặc kệ vong có hay không. Vong dường như không đủ làm cho người ta sợ so với quan niệm rước tài lộc về nhà, đặc biệt là nơi chùa chiền, chốn linh thiêng. Chốn linh thiêng ấy, qua hành vi hái lộc, thần linh sẽ ban tài lộc cho bản thân và gia đình. Cũng bởi lẽ đó, để có lộc bằng mọi giá, nên người ta nhiều khi lời qua tiếng lại và dẫm đạp lên nhau như việc hành hương thánh địa Mecca chúng ta đã thấy trên truyền hình, tuy nhiên, không có án mạng.

Công Giáo không hái lộc xuân

Tục hái lộc đầu xuân không tồn tại với người Công giáo. Anh em lương dân lên chùa hái lộc hay ra sông xách nước về nhà, xách nước kín đáo không được cho ai biết kẻo giông cả năm; anh em Công giáo quần tụ nơi nhà thờ. Nếu có linh mục sẽ hiệp dâng thánh lễ giao thừa. Nếu không có linh mục sẽ tập trung nguyện kinh hoặc chầu Thánh Thể tạ ơn về một năm đã qua cùng cầu bình an cho năm mới. Giờ khắc nay luôn luôn kéo dài sao cho được nối dài giữa năm cũ và năm mới, nghĩa là luôn kéo dài từ trước 12g khuya cho đến sau 12 giờ khuya. Dài hay ngắn tùy ý. Trong ba ngày tết, có đặt tượng quan thầy, hay bổn mạng của giáo xứ, giáo họ ở đó. Cha mẹ sẽ cho tiền con cái để chúng cùng với cha mẹ tới nhà thờ mừng tuổi quan thầy.

Còn nhớ, năm nào cũng được đi nguyện kinh và lễ đêm giao thừa. Vậy mà năm đó, lạnh quá, tôi ngủ quên. Cả nhà đi hết chỉ còn mình tôi ở lại. Về nhà mẹ chọc quê: "Chết, không đi đến nhà thờ mà tạ ơn Chúa. Ai cũng được Chúa mừng tuổi. Tuổi nó chui vào lỗ đít ấy. Đàng này ngủ chả được." Tôi tiếc hùi hụi! Tiếc vì không được nhận niềm vui chung của cả giáo họ và giáo xứ. Tiếc vì không chổng mông lên cho tuổi chui vào. Buồn lắm vì quan thầy không thương.

Cảm giác buồn ấy chỉ có khi tuổi thơ hồn nhiên. Khi lớn lên hiểu được, chả có tuổi nào chui vào chỗ ấy cả. Cái chính là mẹ trách không biết lo mà tạ ơn Chúa. Mọi sự phải có Chúa. Gian nan hạnh phúc đều có Chúa. Đó là lý do mà mọi người Công giáo tới nhà thờ mà không có hái lộc xuân.

Nhà thờ luôn là ưu tiên của người Công giáo trong những ngày tết. Ngày tết, sáng sớm mọi người dậy đi lễ trước rồi mới về nhà hoặc tới nhà nhau để chúc tuổi. Với họ, điều quan trọng là có Chúa ở cùng trong mọi hoàn cảnh. Chúa phải là tâm điểm của mọi cuộc gặp gỡ. Có Chúa, con người sẽ trở nên hiếu hòa và yêu thương nhau hơn, đó là điều răn của Chúa. Đó là lý do tôn giáo này được người ta gọi bằng cái tên: Đạo Yêu Thương.

Tới đây, hẳn nhiều bạn sẽ hỏi: Công giáo có hái lộc đầu xuân. Các bạn chẳng có hái lộc thánh đầu xuân là gì?

Hái lộc thánh - thánh hóa truyền thống dân gian

Dần dần, tục hái lộc xuân được du nhập vào Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nhưng thay vì hái lộc xuân, giờ đây, những câu lời Chúa được chọn và in ra để mỗi người lên hái lấy đem về nhà. Mỗi người nhận lấy một câu hoặc cả gia đình nhận lấy một câu để treo lên trong nhà mình. Theo cách hiểu phần lớn của nhiều người, đây là câu châm ngôn hướng dẫn mình sống trong một năm tới. 

Lộc thánh hay "bói kiều"

Trên thực tế, cách hiểu trên khá phổ biến. Thậm chí có cách hiểu sai lệch, coi việc nhận lời Chúa như là một cách xin xăm xin quẻ nơi chùa chiền. Đó là cách hiểu hoàn toàn phi lý. Tuy nó không phải là cách hiểu theo ý vận hạn năm nay thế nào nhưng là công cụ để xét đoán nhau.

Nhiều người nhận được câu Lời Chúa động chạm phải tim đen của mình với những việc làm sai trái hoặc phải chỉnh đốn lỗi sống của mình trở nên áy náy lương tâm. Chết rồi, Chúa đoán trúng tim đen của mình rồi. Chết rồi, anh sống làm sao mà nhận được câu này. Cứ như thế, Lời Chúa trở thành lời xét đoán thay vì lời yêu thương và xây dựng. Hiểu như thế, chẳng khác gì bói kiều để hạ bệ nhau, trong khi Lời Chúa không bao giờ được xử dụng vào mục đích ấy.

Người Công giáo hái gì?

Như chúng ta đã biết ở trên, anh em lương dân hái lộc để đón tài lộc vì xuân là mùa đâm chồi nảy lộc, mùa của sinh sôi nảy nở. Vì vậy, họ hái lộc cây với ước mong năm mới mọi chuyện hanh thông, tài lộc đầy nhà. Vậy, người Công giáo hái lộc thánh là hái gì?

Hái Lời Chúa

Hái lộc thánh chính là hái Lời Chúa. Lời Chúa chính là những gì được ghi chép trong Thánh Kinh chứ không phải chỉ một câu ta nhận được. Vì vậy, hái lộc thánh thực sự là lời mời gọi ta hãy trở về với việc nguyện gẫm Thánh Kinh hằng ngày trong cuộc đời mình và gia đình. Lời Chúa phải là kim chỉ nam hướng dẫn lối sống và cách hành xử của ta đố với chính mình, với nhau và với vạn vật.  Bạn chẳng nhớ thánh vịnh 119, câu 105 sao: 

"Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, Là ánh sáng chỉ đường con đi"

Lời Chúa là lời yêu thương, xây dựng và làm cho ta cũng như mỗi người trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình, trở nên thánh chứ không phải lời trì chiết hủy hoại nhau.

Mời SỰ SỐNG về nhà

Tiếp xúc với kinh thánh, sẽ khiến ta biến đổi và trở nên khoan dung hơn bởi họ gặp được chính dung mạo của lòng Thương Xót. Dung mạo hay hiện thân của lòng nhân Thiên Chúa Cha gửi xuống cho nhân loại chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời, Lời của Thiên chúa, Lời Chúa. Đức Giêsu chính là Lời Chúa đích thực. Lời Chúa là một con người cụ thể cho ta gặp gỡ chứ không đơn thuần là bản văn kia. Nếu chỉ là bản văn, bạn đọc nhưng chưa đọc Kinh Thánh. Đọc Kinh Thánh thực sự, bạn sẽ gặp được một con người. Đó là mục đích và cùng đích của người Công giáo: Gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

Gặp gỡ Đức Kitô chính là gặp gỡ nguồn sống vì Người cho ta biết: 


"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Ga 4,6).

Chỗ khác, Người nói thêm: 


"Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết." (Ga 11, 25)
Người đến để  để cho ta được sống và sống dồi dào. (Xc. Ga 10,10). Vì vậy, hái lộc thánh đưa về nhà chính là hái lấy sự sống và mời SỰ SỐNG về nhà mình.

Hái sự sống về nhà đòi buộc người Kitô hữu phải thay đổi lối sống. Thay vì lối sống thỏa mãn chính mình thì nay, tín hữu Kitô qua suy nghĩ, lối sống và hành động của mình phải là những con người sống chân thật nhất và làm cho nhau được sống, sống dồi dào, viên mãn nhất trong khả năng của mình. Người Kitô hữu tôn trọng và bằng mọi giá đảm bảo sự sống ấy cho mình và cho người khác, dù đó là một kẻ hành khất bên vệ đường hay một sinh linh vừa mới thành thai. Tất cả sự sống ấy được khởi nguồn từ việc đón nhận LỜI, Lời Sự Sống, Lời Yêu Thương, Lời Bình An

Hái hạnh phúc

Như vậy, người Công giáo không hái tài lộc mà hái hạnh phúc như thánh vịnh dạy rằng: "Hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời". (Tv 73, 28). Hạnh phúc của tín hữu Kitô là được lời Chúa giáo huấn và sống theo luật Người, luật yêu thương: "Hạnh phúc thay kẻ được ngài giáo huấn, được Ngài lấy luật mà dạy dỗ bảo ban." (Tv94, 12). Đó chính là niềm mong mỏi và khắc khoải của Kitô hữu như chính thánh Augustinô đã thốt lên: “Tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa.” (Thánh Agustinnô).

Đối với người Công giáo, Chúa chính là hạnh phúc của họ. Thiên Chúa dựng nên họ để họ được hạnh phúc chứ không phải được tài lộc. Đó chính là điều Thiên Chúa nhắm tới. Chẳng thế mà khi dựng nên con người, Thiên Chúa trao tất cả cho nó nhưng nó vẫn buồn thiu. Cuối dùng, Thiên Chúa dựng nên và đem đến cho con người người đàn bà để cho nó được hạnh phúc. Hạnh phúc mới là cùng đích Thiên Chúa dành cho con người.


Hạnh phúc là cùng đích nhưng con người cứ loay hoay kiếm tìm tài lộc. Tài lộc để làm gì nếu không phải là để phục vụ và giúp con người đến hạnh phúc. Nhưng hỡi ôi, ngày nay người ta nhắm tới tài lộc và đánh đổi mọi thứ, kể cả hạnh phúc để lấy tài lộc. Chuyện học để kiếm tiền như nhiều cha mẹ Việt Nam vẫn dạy con cái mình là thế. Chuyện xuất khẩu lao động qua xứ người để chồng con hoặc vợ con bơ vơ nơi quê nhà là thế. Hầu như, sau khi trở về, gia đình cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Vật chất mà chi, tài lộc mà chi nếu nó không giúp con người đạt hạnh phúc.

Hạnh phúc, hạnh phúc chính là cùng đích mà con người cần nhắm tới. Vì thế, nhận lộc thánh đầu xuân, người Công giáo nhắc nhở đích đến của mình. Mọi thứ chỉ là phương tiện. Phương tiện để con người đạt được hạnh phúc không phải chỉ đời sống mai hậu nhưng là ngay trong hiện tại nữa. Hạnh phúc của họ là được có Chúa ở cùng. Buồn vui sướng khổ luôn có Chúa. Hạnh phúc của người Công giáo là thế. Giàu cũng tốt. Tài lộc cũng tốt. Nghèo cũng tốt. Bất cứ điều gì cũng tốt miễn là có Chúa. Chúa là trung tâm và là cùng đích và là hạnh phúc. Có Chúa, mỗi sự sẽ đạt được HÒA. Hòa rồi thì không gì là không thể.

Đó là mục đích và ý nghĩa của việc hái lộc thánh đầu xuân của người Công giáo.

Sài Gòn 28 tết Bính Thân, tức 6/2/2015

1 nhận xét:

Nặc danh
lúc 09:46 17 tháng 6, 2016 Reply

Cám ơn tác giả của bài viết rất nhiều. Thích nhất mục "thánh hóa truyền thống dân gian". Đức tin Công giáo được thực hành ngay trong chính cái nôi văn hóa của mình với một ý nghĩa mới cao quý hơn.

Đăng nhận xét