Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ!

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016 | 10:04

Mẹ ơi! Xuân này con không về!

Con biết mẹ mong tin con lắm nhưng chẳng thể về.


Mẹ biết không! Làm việc quần quật cả năm tới ngày cận tết chờ mong tiền thưởng. Hỡi ôi, được nải chuối với vài ba đồ linh tinh. Nhủ thầm, thôi cũng được, ra ATM rút tiền mua vé về quê. Mẹ biết không: ATM hết tiền! Làm công nhân sướng không mẹ.

Hôm trước, gọi điện về kể mẹ nghe việc ATM hết tiền. Mẹ bảo: sao không để tiền tươi mà xài lại đưa vào cái máy làm gì. Mẹ biết không, giờ trả lương là phải có tài khoản ngân hàng. Họ đưa vào ATM cả rồi mẹ ạ. Dù không muốn, con vẫn phải xài ATM. ATM ở mình nó khác xứ người mẹ ạ.

Con biết, con không về được mẹ buồn lắm. Mẹ không cần tiền chỉ cần thấy con. Thấy con, mẹ vui lắm. Vui hơn mọi thứ trên đời. Vui hơn quà cáp và mọi lời hỏi thăm. Nhưng mẹ ơi...!

Năm nay, doanh nghiệp phá sản nhiều lắm. Con là thành phần trong số đó. Mẹ biết không, con đang rảnh rỗi hết sức như lúc nông nhàn quê mình. Con được rảnh rỗi khi ngân hàng sáp nhập. Hàng ngàn người như con mẹ ạ, nghỉ mà không có chế độ nào cả. Con muốn về lắm nhưng không dám vì con biết mẹ thêm lo. Con không về mẹ khóc ròng. Con về, hẳn mẹ sẽ nuốt nước mắt vào trong và khóc những ngày tiếp theo. Mẹ lo sao cho con tự lo cho cuộc sống riêng mình. Con hạnh phúc là mẹ hạnh phúc. Vì vậy, con chả dám thư cho mẹ.

Mẹ biết không! Hôm nọ đọc báo thấy bà Chi Lan chuyên gia kinh tế gì đó bảo rằng: doanh nghiệp đóng thuế tới 48 hay gần 50% lợi tức gì đó. Thuế thôi chưa đủ mà còn đi cửa hậu nữa mẹ à. Mẹ có biết cửa hậu không? Doanh nghiệp làm sao sống nổi. Bạn con, vì thế mà rớt vào số tinh giảm biên chế. Bạn con làm lãnh đạo hẳn hoi đấy. Đầu năm nay doanh nghiệp phá sản nhiều quá. Phá sản nhiều nên muốn chống thì phải giảm đi những ai lãnh lương nhiều mới giảm gánh nặng công ty. Giờ sao mẹ. Anh ấy chưa thể tìm được việc làm và cũng đang loay hoay trong vòng xoáy của việc làm và tương lai. Tương lai mù mịt. Anh không dám về. Về quê ai cũng xì xầm về công việc của anh. Ai cũng muốn anh đóng góp này nọ cho quê hương dòng họ. Càng nghĩ càng ê chề càng chả dám về mẹ ạ. 

Mẹ thấy không! Phận kẻ xa xứ! Bao giờ công ăn việc làm mới được chia đều cho các vùng? Bao giờ khoảng cách tiền lương không quá lớn như nay để những người như chúng con có thể không lo lắng ngày tết phải về quê? Bao giờ những  bến xe không còn quá tải và những tai nạn thương tâm qua đi trong ngày tết. Bao giờ mẹ nhỉ! Chả biết khi nào? 

Vậy là, chắc chắn, sẽ vẫn còn những người như mẹ, nhiều lắm mong chờ những đứa con xa xứ. Sẽ vẫn còn những giọt nước mắt lã chã rơi khi biết con mình cơ cực nơi viễn xứ. Những đứa con giờ đây đêm đêm lăn qua lộn lại muốn có được sự êm ấm trong vòng tay mẹ hiền như những năm xưa. Ai cũng thế, cũng muốn mãi là trẻ thơ yên bình bên cha mẹ và gia đình.

Mẹ à, những người cha thường nuốt nước mắt vào trong phải không? Đúng vậy, con cũng đã thấy những người con nuốt nước mắt vào trong khi tết này không về thăm cha mẹ mình.

Năm nay tết nhất đìu hiu lắm. Nó là sản phẩm của một năm kinh tế khó khăn. Dạo quanh Sài Gòn, những người buôn bán đang cất lên những tiếng thở dài. Doanh nghiệp chết, công nhân viên mất việc hoặc lương thấp so với mức lạm phát dẫn đến chi tiêu hạn chế. Vì thế, buôn bán trở nên ế ẩm. Cảnh đìu hiu đeo bán dân Việt trong những ngày này ghê quá. Quá nhậu vẫn đầy và đông nghẹt đấy. Đông vì bằng mọi giá phải dẫn nhau ra bàn nhậu để kiếm cơ hội và kiếm hợp đồng. Có nước nào như nước Việt không mẹ? 

Anh bạn bên cạnh nha con bán phở. Cũng dân Bắc vào mẹ ạ. Một nách hai đứa con chật vật lắm. Tiền nhà tăng, tiền ăn ở sinh hoạt tăng, tiền điện tăng mà quán thì ế ẩm. Anh lo ngay ngáy đến gầy rộc thân mình. Anh bế đứa con mới được hai tháng lên thưa với chủ hy vọng sẽ giãn tăng tiền nhà. Tìm mặt bằng thì chỗ nào cũng giá trên trời. Chỗ nào cũng khó. Vợ anh cuống cuồng vì sợ anh bệnh ra đó. Hai vợ chồng cố gắng thức bán đến 12 giờ đêm hy vọng vớt vát được tô  nào hay tô đó. Sao khổ quá mẹ nhỉ. Nhìn hai anh chị mới thương làm sao. Còn thương hơn khi thấy ánh mắt thơ ngây của hai đứa trẻ.

Mẹ ạ, cuộc sống Sài Thành phồn hoa mà mọi người tấm tắc là thế đấy. Mọi người mải lo kiếm kế sinh nhai mà quên đi đọc sách. Đọc sách là cách dạy con hay nhất. Tuy nhiên, cuộc sống cuốn đi và người ta còn ít thời gian dành cho nhau. Những đứa trẻ trông vào đó và hiếm có lắm mới có em ham mê đọc sách. Cứ đà nay, dân trí mãi thấp và chỉ chạy vạy kiếm tiền chưa xong lấy đâu sự an hưởng tinh thần. Ai cũng lo, lo xót vó lên. Ai cũng muốn về nhưng chẳng đừng mới phải ở lại mẹ à. Mẹ ngóng con thì những đứa con trong này cùng ngóng dữ dội lắm. Nó cũng mong được ngửi chút hơi ấm tình mẹ cha và gia đình.

Nó càng thèm hơn khi ngày tết ở đây trở nên hiu hắt. Đường Sài Gòn vắng lặng mẹ à. Đường vắng hay lòng nó vắng. Nó nhớ mẹ, nhớ nhà. Nó thèm mùi bánh trưng với dưa hành. Nó thèm được ngồi trông nồi bánh chưng và tắm nước luộc bánh để sáng sớm hôm sau trên người thơm mùi bánh. Nó thèm được gấp lá và gói bánh. Nó thèm... Nó thèm đủ thứ mẹ à. Mọi sự trở lại như quay ngược thời gian. Nó thèm có cái đồng hồ chạy ngược để được quay về với tuổi thơ bên cha mẹ. Giá như có cái đồng hồ ấy! Giá như có con tàu nào trở về tuổi thơ, chắc chắn nó sẽ mua một vé. Nó muốn có tấm vé tuổi thơ cho nó, cho những người đàn ông đàn bà lam lũ. Nó muốn có tấm vé trẻ thơ cho những ánh mắt hồn nhiên kia được sống với tuổi thơ!...

Thôi mẹ ạ! Con không viết nữa! Con viết mà có gửi cho mẹ đâu. Con biết mẹ sẽ thấu được điều con nghĩ, con tưởng. Người ta bảo. mẹ con có sợi dây vô hình kết nối mà. Mà mẹ ơi, ngoài ấy lạnh lắm, mẹ nhớ vận ấm và giữ gìn nhé. Mẹ đã lớn tuổi. Những cơn gió rít không buông tha mẹ đâu. Con ở trong này nóng lắm nhưng sao lại cứ lạnh. Chắc có lẽ, con nhớ cảnh về quê được mẹ già giặt quần áo cho dù chỉ một lần. Không cho mẹ giặt là mẹ giận. Mẹ không giận con nhưng giận mẹ vì thấy mình ra vô dụng. Ước gì, con được làm nũng mẹ như những ngày còn thơ, dù chỉ một giây thôi.

Mẹ ơi, mẹ bình an bên gia đình nha mẹ! Dù có đi khắp bốn bể thì con biết, mẹ vẫn luôn bên con.

Con của mẹ

--------



Đăng nhận xét