Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

CÁI GIÁ CỦA SỰ... BIẾT RỒI, KHỔ LẮM...!

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016 | 15:54


Trong cuộc sống, có khối điều chúng ta tưởng chừng đã biết “đủ”, không thèm nghĩ thêm gì nữa, nhưng thực ra, là chẳng biết gì cả. Và đã hứng chịu đủ thứ hậu quả với hệ lụy từ sự bất cập đó...


Gần nhất, đơn giản nhất, hãy nhìn lại cuốn vở học sinh. Vở học sinh đang có, như đã thấy, ai cũng bình thản mua về cho con em dùng; các thầy cô giáo ở trường cũng không băn khoăn gì; thậm chí, các chuyên gia ở Bộ Giáo dục hình như cũng vậy...

Nhưng phải chăng, quanh cuốn vở học sinh của chúng ta là không có vấn đề gì để suy xét?

Thật ra có. Có rất nhiều vấn đề.

Hãy thử lần theo cách phân tích từ định nghĩa cơ bản “Vở học sinh là gì?” này, hẳn sẽ thấy, cuốn vở học sinh mà các em đang dùng hàng ngày, cũng chứa nhiều “ẩn họa” như thế nào:

Một, vở “là để viết”. Viết, là đụng đến tương quan giữa ngòi viết và mặt giấy. Mặt giấy quá láng: không ăn mực. Mặt giấy quá ráp: mau mài mòn ngòi viết. Mặt giấy quá xốp: lem... Định nghĩa này dẫn đến yêu cầu thứ nhất: vở học sinh phải thuận lợi cho việc viết.

Hai, vở “là để đọc lại cái đã được viết”. Mà đọc, là đụng đến tương quan giữa mắt với mặt giấy. Mắt đọc được chữ trên mặt giấy là nhờ vào ánh sáng. Nhưng, ánh sáng đập vào mặt giấy thì sẽ có phản xạ. Các tia phản xạ dội thẳng vào mắt có thể gây tổn hại thần kinh thị giác dẫn đến cận thị, loạn thị v.v... Thực tế này đưa ra yêu cầu: mặt giấy phải giảm thiểu được các tia phản xạ. Như vậy, về nguyên tắc, mặt giấy vở học sinh (sách vở nói chung) phải không được quá trắng, quá láng...Vở học sinh bây giờ đang vi phạm nguyên tắc này! (Sách bây giờ người ta cũng ưa in trên giấy trắng toát-thật bệnh hoạn!)

Ba, vở “tồn tại trong môi trường tập vở”-một người đi học, thường, có rất nhiều vở. Nhiều, nên có nhu cầu phân loại. Để việc phân loại dễ dàng, rất cần đến “màu báo hiệu”-màu đỏ là tập toán, màu xanh là tập lý v.v... Như vậy, một ram vở dành cho học sinh, phải đóng với nhiều màu bìa khác nhau... Quên điều này, chúng ta đã tước bỏ ở các em cơ hội tập làm việc có tổ chức...

Bốn, vở “gần gũi với người đi học và hiện diện trong môi trường học đường”. Trong môi trường tập thể đó, vở của người này, có thể ảnh hưởng đến người khác. Việc in hình ảnh trang trí lấy từ phim ảnh, truyện tranh như Đô-rê-mon, như Hoàng Châu Cách Cách, như Siêu Nhân này nọ... có thể là nguyên cớ cho sự phân tán tâm lý nơi các em. Quan trọng hơn, việc in ảnh lên bìa, trước yêu cầu chất lượng hình ảnh khác nhau (cho bắt mắt), dẫn đến giá thành cuốn vở khác nhau, một cách vô tình, đã kích hoạt cho những mặc cảm phân biệt giàu nghèo... là điều tối kỵ trong môi trường học đường v.v...


Đấy! Vấn đề tưởng như không có gì phải nghĩ lại nữa, nhưng nếu nhìn kỹ lại như trên, hẳn thấy, chỉ qua một cuốn vở học sinh thôi, chúng ta đã mắc không ít sai lầm. Hậu quả như thế nào, có lẽ không cần nói nữa...

Đã đến lúc phải chấm dứt cái kiểu.. " biết rồi, khổ lắm...!"


NGUYÊN HƯNG.
2008

Đăng nhận xét