Nói đến quê, ta nghĩ ngay đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình hay nghĩ tới nơi mình sinh sống. Nhưng, nói đến quê, ta cũng nghĩ ngay đến một vùng nào đó chưa phát triển với dân trí thấp hoặc nghèo đói hoặc chưa tương xứng với sự phát triển của thời đại.
Những ngày đầu năm 2015, đoàn chúng tôi có chuyến từ thiện tại Quảng Ngãi. Chuyến từ thiện cũng như bao chuyến từ thiện khác. Chúng tôi cũng trở về với vùng quê, nơi có bà con nghèo sinh sống và khó tiếp cận với các dịch vụ tối thiểu của xã hội. Song, đây lại là vùng quê còn quê hơn cả quê tôi.
Quê tôi vốn toàn dân hai lúa. Dân quê tôi quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vụ đông năm nay, nhà tôi trồng nhiều khoai tây nhưng cũng lo ngay ngáy vì giá khoai tây rớt thê thảm. Nhưng sự thê thảm giảm đi phần nào khi tôi đến với vùng quê Tịnh Hiệp và Tịnh Thiện huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi.
Nơi đây, vùng quê hơn quê tôi này vẫn còn đầy dẫy những con đường đất xình lầy sau những ngày mưa. Con đường ấy khiến tôi nhớ lại những năm tháng học cấp hai. Những năm tháng đó, có được xe đạp đi quả là hạnh phúc còn lại toàn đi bộ. Những con đường lầy lội sau con mưa khiến chúng tôi cực nhọc khi di chuyển bằng xe đạp. Thực ra, trời mưa, cho dù rét co cật vẫn phải chân trần lội ruộng mà tới trường. Dù sao cũng đỡ hơn là đi xe đạp. Chí ít, chúng tôi đi nhanh hơn và không phải vác xe lên vai nếu không muốn đất dính đầy bánh xe. Thay vì đi xe, chúng tôi trở thành kẻ kéo xe. Thật cực nhọc với con chữ khi vượt qua chặng đường lầy lội.
Việc kéo chiếc xe đạp đó có lẽ không đáng để suy gẫm cho bằng bà con nơi đây đang kéo lê cuộc đời mình trong sự nghèo. Nghèo vật chất, nghèo con chữ và nghèo tinh thần.
Bà con ở đây gầy guộc và bệnh nhiều lắm. Nhìn cứ ngỡ rặng tre mọc ở vùng đất cát trườn đê quê tôi. Trên trườn đê nghèo dinh dưỡng ấy những cây tre gầy rộc chỉ bằng 1/3-1/2 so với trồng ở vùng đất thịt. Vẫn biết rằng, cuộc sống vô thường, chết đi ai cũng như ai, song nhìn thấy những tấm thân gầy bên chiếc áo đông rách tả tơi mới hiểu cái đói cái rét của người dân nơi đây. Trời giữa trưa đã hửng nắng nhưng không mấy người dám cởi áo vì sợ lạnh. Trời đâu có quá lạnh! Nhưng đó là những cái lạnh từ trong ruột lạnh ra. Lạnh run giữa ánh mặt trời chói chang buổi trưa.
Cái lạnh càng thêm lạnh khi đi qua những cánh đồng trong những cơn gió rít và mưa phùn mà vẫn có đó những người mang áo tơi đi dặm lúa. Cái lạnh Sài Thành này mới xuống dưới 20 độ chút đỉnh đã khiến bao người đột quỵ và ra đi. Ấy vậy, trong cái rét buốt, người dân nơi đây vẫn chân trần lội ruộng dặm lúa trên đồng. Tôi đã từng chứng kiến và sống trong cảnh rét như thế. Cầm cây mạ trong tay mà người run cầm cập không thể cắm xuống ruộng. Cấy mà cứ như để cây mạ trên mặt đất. Cây mạ lay động và trôi đi ngay theo chiều gió thổi. Ôi cái rét ghê gớm thấm vào da thịt người nông dân chân chất. Tự hỏi, không biết đến bao giờ người nông dân Việt Nam mới cảm thấy được sự bình yên thật sự bên sự tĩnh lặng tưởng như bình yên của nông thôn Việt Nam. Nơi ấy vẫn đau đáu nỗi lòng người ở lại và nỗi lòng người xa xứ khi ngậm đắng nuốt cay để bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi.
Bỏ quê hương ra đi là một nỗi đau tinh thần rất lớn đối với người dân Việt vốn quen quan niệm: an cư lạc nghiệp. Ấy vậy, người ở lại cũng chẳng bình yên hơn.
Đoàn về khám chữa bệnh nhưng người dân chen chúc như chưa bao giờ được khám. Mà có lẽ như thế thật vì đi khám lấy tiền đâu mà mua thuốc. Thôi thì chịu trận qua ngày mặc cho bệnh tật giày vò thân xác. Nhưng có lẽ, điều làm tôi cảm thấy bị giày vò hơn nỗi đau thể lý mà người dân nơi đây đang mang chính là thái độ cá nhân chủ nghĩa.
Không biết tự khi nào thái độ này ngấm vào trong máu người Kinh. Ở bàn tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đo huyết áp nhưng cũng chẳng yên. Tiếng nói lao xao ồn ã cả một ủy ban xã. Người người chen lấn để được đo huyết áp và vào khám bệnh. Điều đặc biệt nhất khiến tôi xuýt rơi lệ chính là ông bà cụ 85 tuổi đi từ 5 giờ sáng đến 10 giờ trưa mới tới nơi khám bệnh. Vậy mà, khi hai cụ vừa ngồi vào bàn đo huyết áp, những người khỏe mạnh khác vì muốn giành phần cho mình đã che lấn chồm lên cả người cụ. Đầu của cụ đã bị nhấn xuống xém ngã. Nhiều người khác cũng bị như thế. Những tiếng kèn cựa chanh chua vì khám trước khám sau khiến cho công việc đình trệ và chậm hơn dự kiến. Đến bao giờ người Việt mình mới có văn hóa xếp hàng và nhường cho người già, bệnh nặng và trẻ nhỏ. Nghĩ mà buồn cho người Kinh chúng ta. Chúng ta vẫn tự hào văn minh hơn các anh em dân tộc thiểu số khác ở Việt nam nhưng về ứng xử có lẽ cần coi lại
Đất nước đã hòa bình 40 năm nhưng sao cái nghèo vẫn cứ đeo bám người Việt. Người Việt ngày nay nghèo về nhiều mặt. Cái nghèo lớn nhất của người Việt chính là nghèo nhận thức. Nghèo nhận thức không phải họ không có học vấn nhưng là cái nghèo an phận. An phận không dám đấu tranh cho những gì mình đáng lẽ phải có. An phận cũng vì giới lãnh đạo muốn dân an phận để dễ bề cai trị và bóc lột hơn. Tôi vẫn nhớ tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Thực ra, với tình hình Việt Nam ngày nay, chị Dậu vẫn đầy ra đấy. Và những gia đình nơi đây cũng như khắp Việt Nam cũng đang trở thành những gia đình của chị Dậu thời hiện đại. Bạn nghĩ sao về những gia đình chị Dậu này?
SG029/1/2015
SG029/1/2015
Đăng nhận xét