Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Tín hiệu của một nền giáo dục suy thoái

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015 | 08:13

Nguyễn Văn Tuấn

Thật khó mà liệt kê hết những tín hiệu về sự suy thoái của nền giáo dục. Nhưng đây đó và một cách thường xuyên, chúng ta chứng kiến những sự việc có liên quan đến -- hay xuất phát từ -- giáo dục. Những sự việc này tuy nhỏ nếu nhìn bề mặt, nhưng phía dưới bề mặt đó, nó lại là một căn bệnh trầm kha của nền giáo dục đã và đang gặp trở ngại, một nền giáo dục được xây dựng trên nền tảng của một chủ trương có thể nói là sai lầm.


Những tín hiệu

Chẳng hạn như câu chuyện về chương trình "Ai là triệu phú" trên đài truyền hình VTV3 làm giới báo chí xôn xao gần đây (1). Trong chương trình, người ta đưa ra câu hỏi "Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ai" và người ta cho 4 câu trả lời: (a) ông hàng xóm; (b) chú cạnh nhà; (c) ba; (d) bác đầu ngõ. Thoạt đầu nếu chỉ thấy lướt qua thì ai cũng cười nghiêng ngả vì cái trò hề, nhưng sau trận cười, có lẽ nhiều người sẽ giật mình. Giật mình vì câu hỏi hết sức vô duyên, và những câu trả lời cực kì vô giáo dục. Tính vô duyên và vô giáo dục đó, cùng với những sự việc khác trong thời gian qua, là những tín hiệu của một nền giáo dục đang xuống dốc không kìm lại được.

Câu hỏi "mẹ thương con vì con giống ai" có vẻ là một chuyện tiếu lâm trên bàn nhậu, hơn là một câu hỏi nghiêm túc mang tính giáo dục. Đọc câu hỏi này chúng ta nhớ đến quyển Từ điển Tiếng Việt của một tác giả bí ẩn tên là Vũ Chất. Quyển từ điển đó gây xôn xao và làm tốn nhiều giấy mực của báo chí một thời, vì những kiểu giải thích tếu táo như "Quản giáo" là "Người coi một giáo đường hay tu viện", "Tù trưởng" là "người đứng đầu trông coi tội nhân", "Tao đàn là "Chỗ nằm của tao nhân thi sĩ", v.v. Ấy thế mà quyển từ điển được Nhà xuất bản Trẻ phát hành! Mà, còn ghi rõ là "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh" (2). Quyển từ điển đã bị thu hồi, nhưng không ai đoán được tác động của nó. Câu hỏi "mẹ thương con vì con giống ai" thuộc cái típ của Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất.

Điều đáng nói là người ta lẫn lộn giữa sự tếu táo và học thuật. Những câu nói vô duyên như thế và những câu trả lời "mất dạy" như thế mà được đưa lên đài truyền hình quốc gia cho hàng triệu người xem. Nó chứng tỏ những người "gác cổng" đền giáo dục đã thất bại một cách thê thảm. Không thể biện minh bằng bất cứ lí lẽ nào cho sự thất bại đó.

Những người "gác đền"

Nói đến những người gác đền, chúng ta nghĩ ngay đến người đứng đầu ngành giáo dục. Có lẽ nhiều người còn nhớ đến lá thư mà ngài Bộ trưởng gửi cho giáo viên nhân Ngày nhà giáo 20/11 (3). Lá thư chẳng có một thông điệp nào đến giáo viên, mà toàn là những câu chữ sáo ngữ chúng ta hay thấy trên báo chí của những người làm tuyên truyền. Còn văn phong thì phải nói là quá lạ lùng, với những câu văn dài thượt trên 140 chữ! Ấy thế mà tác giả của lá thư kí một cách tự hào là “GS TS” và “tổng tư lệnh” của một ngành chuyên về giáo dục (tức kể cả dạy văn)! Cư dân mạng trở nên sôi nổi với lá thư, và ai cũng ngạc nhiên hỏi chẳng lẽ một vị GSTS, đừng đầu ngành giáo dục mà viết một lá thư ngắn còn chưa đạt? Người ta ngao ngán so sánh: Đấy, ngài bộ trưởng mà còn như thế thì đừng trông chờ gì từ những người trong hệ thống.

Những người trong hệ thống quả thật cũng chẳng khá gì. Nếu chỉ đọc qua những chức danh cao quí, chúng ta tưởng họ rất uyên bác và hoàn chỉnh, nhưng trong thực tế mỗi khi họ có dịp "trổ tài" thì công chúng mới "hỡi ơi." Một ví dụ tiêu biểu là thủ bút của ngài Bộ trưởng Bộ Y tế gần đây, với những sai sót cơ bản về chính tả, câu cú, mệnh đề và lí giải, v.v. (4). Điều đáng nói ở đây là bà bộ trưởng từng phê bình gay gắt về tiếng Việt của giới bác sĩ, và bà kêu gọi đưa môn văn vào chương trình đào tạo bác sĩ! Nhưng nếu chỉ chăm chú vào bà bộ trưởng thì e rằng không công bằng, phải xem tất cả những người đang lèo lái con thuyền quốc gia nữa. Chúng ta chưa biết hết về họ, nhưng mỗi lần họ phát biểu là mỗi lần làm cho chúng ta kinh ngạc về kiến văn, kiến thức, và phong cách.

Ngoại ngữ: Tiếng Anh

Chẳng những tiếng Việt, mà tiếng Anh cũng sai, sai cấp … quốc gia. Mới đây, báo chí và cư dân mạng lại xôn xao chuyện đài truyền hình VTV4 (5) viết chữ "Merry Christmas" thành "Mery Christmas"! Chuyện thật nhỏ, nhưng nó là tín hiệu của một vấn đề lớn hơn. Hôm đầu năm 2014, Tổ chức Giáo dục Education First công bố kết quả khảo sát cho biết chỉ số thông thạo tiếng Anh của VN chỉ 52%, tức ở hạng thấp. Trong môi trường như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sai sót tiếng Anh tràn lan khắp nơi, từ học đường đến báo chí, thậm chí cả bia biên giới (6)!

Ngay trên những văn bản nghiêm chỉnh như bằng cấp tốt nghiệp mà người ta cũng viết sai tiếng Anh! Báo chí đã nhiều lần chỉ ra những "sai sót ngớ ngẩn" về tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp đại học, bằng cao đẳng. Có những sai sót chỉ biết lắc đầu, như "July" thành "Yuly" (7). Nhưng không phải sai sót 1 lần mà sai sót rất nhiều lần ở nhiều nơi. Có thể nói rằng đó là những sai sót mang tính hệ thống chứ không phải ngẫu nhiên. Nhưng họ còn chưa biết rằng ngay cả tên bằng cấp người ta cũng dùng tiếng Anh chưa chuẩn, đọc lên nó ngô nghê thế nào!

Ngay cả tên nước mà người ta (dân ngoại giao đàng hoàng) viết cũng thiếu nhất quán và trang trọng. Lúc thì "Vietnam", lúc lại "Viet Nam", có khi thì "Viet-nam"! Đó là chưa kể đến những sai sót về cách viết, văn phạm, dùng từ, v.v. rất ư phổ biến trong văn bản ngoại giao (8). Người thường như chúng ta viết sai tiếng Anh thì chẳng ai nói gì (vì không phải là tiếng mẹ đẻ), nhưng một bộ đại diện cho một quốc gia mà viết sai nhiều quá là một điều rất đáng tiếc.

Nói dối

Một nền giáo dục như thế nào mà tình trạng nói dối phổ biến đến mức … bình thường. Một khảo sát mới đây (do Gs Trần Ngọc Thêm và đồng nghiệp thực hiện) cho ra những kết quả … giật mình. (9) Kết quả cho thấy tỉ lệ học trò nói dối tăng theo cấp học: ở cấp I, tỉ nói dối là 22%; đến cấp II tỉ lệ này là 50%; đến cấp III tỉ lệ nói dối lên 64%; và đến cấp đại học thì 8 trong 10 em nói dối! Xin nhắc lại: học càng cao, càng có nhiều người nói dối. Nhưng đó là nói dối cha mẹ, còn nói dối với nhau và nói dối với người ngoài cộng đồng có lẽ còn cao hơn nữa. Phải có gì hư hỏng ghê gớm lắm mới có tình trạng nói dối nhiều như thế.

Chẳng phải học sinh, sinh viên mới nói dối, mà ngay cả quan chức cũng nói dối nhưng họ nói dối có văn bản, có hệ thống. Từ những báo cáo láo, bệnh thành tích, vặn vẹo sự thật, gian dối trong sách giáo khoa, v.v. đều trở thành một "bệnh nan y" của nền giáo dục Việt Nam. Đó là chưa nói đến những dối trá trong khoa học, lĩnh vực mà không ít người sửa dữ liệu cho phù hợp với một quan điểm nào đó. Ở nước ngoài cũng có tình trạng gian dối trong khoa học, nhưng tần số xuất hiện ở VN phải nói là ở mức báo động. Ngay cả nộp một bài báo khoa học từ VN lúc nào cũng trở thành nỗi nghi ngờ của ban biên tập, bởi vì câu hỏi trong đầu họ là "người Việt Nam làm có đáng tin không?" Những "con cừu đen" trong khoa học làm cho đa số giới khoa học VN phải mang hình ảnh xấu trong con mắt đồng nghiệp nước ngoài.

(Còn tiếp)

====









Đăng nhận xét