Phương Nguyên’s Blog
Tui nhớ hồi tui còn nhỏ, nghe mẹ hay dùng cụm từ “người có học” dạy
bảo con cái, như: “người có học nên làm như vậy”, “người có học đừng làm
như vậy, sẽ bị chê cười”, v.v…Nghe riết nhập tâm, tới bây giờ tui cũng
hay nói “người có học” với con mình. Đối với mẹ tui, “người có học”
không phải là có bằng cấp học vị gì cao siêu, vì con mới học lớp một lớp
hai bà đã luôn nhắc nhở “con là người có học”. Với bà, “có học” đơn
giản là được cắp sách đến trường, được thầy cô dạy điều hay lẽ phải thì
hiển nhiên phải cư xử theo những điều hay lẽ phải ấy, cư xử theo kiểu
“có học”. Với bà, “có học” không phải là có nhiều chữ, có bằng cấp nọ
kia, mà là có tư cách xứng đáng, “có học” là nói về phẩm chất con người
chứ không phải nói về tri thức.
Học sinh được học về đạo đức Cách Mạng nhưng không được học về đạo đức làm người
Hồi tui học tiểu học, trước năm 75, có môn học “Đức Dục” dạy những
điều đơn giản mà thiết thực. Tui nhớ là sách Đức Dục in hình màu rất
đẹp, lớp nhỏ thì được dạy : trong gia đình kính trên nhường dưới, đi
thưa về trình, ngoài xã hội thì yêu trẻ kính già , nơi công cộng thì
không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi… , lớn hơn chút thì được dạy phải
ngay thẳng, không nói dối, khiêm tốn, sống có qui củ v.v… Học sinh còn
được dạy kính trọng quốc kỳ và quốc ca, ngả mũ khi gặp lễ chào cờ ; kính
trọng người quá cố: ngả mũ nhường đường khi gặp xe tang, v.v… Mỗi bài
là một câu chuyện có hình minh họa rất ấn tượng, chứ không phải kiểu hô
khẩu hiệu phải thế này phải thế kia khô cứng.
Tui còn nhớ một bài như thế này : Cách cư xử nơi công cộng (đại loại
vậy, không nhớ chính xác cái tựa). Hai chị em Hồng và Lạc đi xem phim
(Hồng cỡ 10 tuổi, Lạc cỡ 7 tuồi), khi ngồi vào ghế xong thì có một cậu
lớn hơn Lạc, ỷ lớn tới xô Lạc ra để giành chỗ ngồi tốt, Hồng ngăn lại và
nói: anh không nên bắt nạt người nhỏ hơn mình, nếu anh muốn ngồi, tôi
nhường chỗ cho anh, và anh chàng ấy xấu hổ bỏ đi không tranh giành nữa.
Hồng nhìn em cười sung sướng. Cái hình chiếm hết một trang, vẽ cảnh Hồng
đang đối đáp với anh chàng kia với dáng điệu thật chững chạc, chàng kia
điệu bộ lúng túng còn Lạc nhìn chị ngưỡng mộ. Mỗi lần tui dẫn em đi
chơi đều mong có tình huống như vậy xảy ra để tui áp dụng bài học này
(He he thời bây giờ mà nói vậy hả, thằng giành chỗ ấy nó sẽ cười hô hố
ngồi phịch xuống liền, không hề biết xấu hổ!).
Hồi tui học trung học thì là sau 75, lúc đó có môn Đạo Đức (chứ không
phải môn Giáo dục công dân như bây giờ). Đừng nghe môn “đạo đức” mà
tưởng bở, hi hi đây là môn dạy về con người mới xã hội chủ nghĩa, về ba
dòng thác cách mạng, về tư liệu sản xuất, quan hệ sản xuất, về giai cấp
bóc lột và giai cấp bị bóc lột v.v… nói chung là môn này dạy đạo đức của
người cách mạng, đạo đức của giai cấp vô sản lãnh đạo chứ không phải
đạo đức của con người bình thường.
Trong biết bao nhiêu năm, miền Bắc từ 1954, miền Nam từ 1975
học sinh toàn được dạy đạo đức của người cách mạng, đạo đức của giai cấp
vô sản chứ không phải đạo đức làm người.
Suốt bảy năm trung học tui học ở một trường lớn nhất nhì ở Sài Gòn,
trường có một cái sân rộng mênh mông, nhiều bãi cỏ, cây kiểng và cây cổ
thụ. Đây đó trong sân trường là những cái ghế đá dưới bóng cây. Thời tui
học ở đó trường không có lao công dọn dẹp nhưng học sinh không xả rác
ra sân trường nên lúc nào sân cũng rất sạch. Cứ tưởng tượng cái sân rộng
như vậy, đẹp như vậy mà rác bay tứ tung là oải! Tui nhớ hồi đó sáng đi
học hay mua gói xôi đem vô trường ăn, xôi gói bằng lá chuối mà đứa nào
ăn xong cũng đi kiếm giỏ rác bỏ vô hoặc đem vô bỏ giỏ rác trong lớp. Nếu
có em nào liệng rác bừa bãi là bị bạn nhắc (nếu bạn quen) hoặc nhìn
nhìn khó chịu (nếu bạn lớp khác, không quen) làm quê liền. Tuy bọn tui
lúc ấy chỉ được học đạo đức cách mạng nhưng những bài học Đức Dục thời
tiểu học cũng đủ làm cho lứa học sinh ấy biết cư xử kiểu “có học”.
Bây giờ học sinh được môn giáo dục công dân rất cao siêu, không kém môn Đạo Đức nói trên, có thầy cô nói giống như Triết, không biết dạy để làm gì,
vì không dạy những điều bình thường mà dường như “hô khẩu hiệu” hơi
nhiều. Lớp 8 có bài “Tôn trọng sự thật”, sao không dạy “đừng nói dối”
cho nó thiết thực.
Nghĩ xem, trong biết bao nhiêu năm, miền Bắc từ 1954, miền Nam từ
1975 học sinh toàn được dạy đạo đức của người cách mạng, đạo đức của
giai cấp vô sản chứ không phải đạo đức làm người. Đi học không chắc là
“có học” mà là hên xui, nếu hên gặp thầy cô ngoài dạy kiến thức còn
tranh thủ “dạy người” hoặc gia đình có chăm lo giáo dục thì còn tốt, nếu
xui để phát triển tự nhiên thì chắc học sinh đó ra đời sẽ chỉ biết “đấu
tranh giai cấp” mà thôi.
Hậu quả của việc đi học mà không “có học” giờ này ai cũng thấy: đạo
đức xuống cấp trầm trọng, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội kể hoài
cũng không hết chuyện tiêu cực. Trong trường thì có những thấy cô nói
dối không biết ngượng với học trò, mua bằng bán điểm, trò choảng thầy,
phụ huynh rượt thầy, học trò lụi nhau vì những cớ nhỏ nhặt….đủ hết.
Ngoài xã hội thì khỏi nói, xả rác, khạc nhổ, vượt đèn đỏ, phá hoại
của công, giẫm đạp lên nhau mà đi, không tôn trọng luật lệ…, rồi tham
nhũng, hối lộ, mua quan bán chức… thứ gì cũng có.
Trong một xã hội mà nhiều người đi học nhưng không chắc “có học” thì
chuyện xảy ra ở đường hoa Hà Nội không phải là chuyện lạ, sự kiện đó chỉ
làm phơi bày rõ ràng hơn một sự thật mà thôi. Những vụ công dân VN ra
nước ngoài làm chuyện nhục quốc thể còn ràng ràng ra đó. Mong rằng những
người có trách nhiệm với dân với nước nhân vụ này mà giật mình suy nghĩ
để sớm có biện pháp chấn chỉnh từ gốc, kẻo là quá muộn!
Đăng nhận xét