Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Người bán khoai lang

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015 | 16:56

 Bài viết liên quan:  Người nhà quê

Giữa cái rét cắt da cắt thịt của trời đông, tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ ngồi co ro bán bó khoai lang. Không phải ngọn khoai lang về luộc hay nấu canh nhưng là bó rau lợn. Chuyện cũng chẳng có gì nếu xảy ra cách đây 5 hoặc 10 năm về trước. Nhưng, đây là năm 2015, hình ảnh này vẫn con trên dải đất Việt Nam, đặc biệt xảy ra với người Kinh ở vùng Quảng Ngãi.

Về với vùng quê Quảng Ngãi trong chuyến từ thiện, chiếc xe vụt nhanh vượt qua người phụ nữ ngồi bên vệ đường. Không biết phải gọi là bà hay chị!? Gọi là gì cũng khó vì con người nơi đây cơ cực và già hơn so với tuổi. Vả lại, xe đi quá nhanh khiến tôi chỉ có thể ngó lại nhìn mà không kịp ghi lại tấm hình về người phụ nữ.

Người phụ nữ co ro bên vệ đường với chiếc nón lá tơi tả. Chiếc nón chẳng thể giúp chị ấm được trong con mưa phùn gió bấc nên chị phải mang trên mình chiếc áo mưa. Chiếc áo mưa màu trắng nhưng thực ra là một mảnh hình vuông không thể che chắn được cơn gió lùa ùa vào đùa giỡn với da thịt chị. Chị ngồi đó run run, mặt cúi gằm bên rổ rau lang chừng mươi bó. Chắc chị đã đi từ rất sớm nên giờ đây chỉ còn từng đó. Những cọng rau lang già khú đế lợn cũng chả thèm ăn. Nếu muốn chúng ăn, về phải băm nhỏ trộn với cám thì may ra mới vừa lòng heo. Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ đôi bàn tay trai sần của mẹ mình vì việc thái khoai lang.

Thực ra, giờ quê tôi không còn trồng khoai lang nhiều mà chỉ còn trồng khoai tây và rau vụ đông. Nhưng cách đây 13 năm về trước, khoai tây thì hiếm mà khoai lang thì nhiều. Những cánh đồng khoai lang bạt ngàn vào vụ đông được người nông dân vun trồng để kiếm thêm thu nhập. Củ to dành cho bữa ăn sáng, củ nhỏ để nuôi lợn. Nhà nào có lợn con thì mua củ nhỏ về nhử lợn - nghĩa là tập cho chúng ăn trong những ngày đầu tiên đến khi xuất chuồng cho thương lái. Cả dây lang cũng vậy, nhiều quá chẳng ai ăn mà đem bán để nuôi lợn nuôi gà.

Ngày đó, để có được những bó khoai lang đi chợ, từ chiều hôm trước mẹ và chị tôi đã phải tất bật ra đồng cắt dây rồi đem về nhà tối bó - hay còn gọi là làm hàng. Làm hàng không khéo thì không thể bán được. Cứ thế, mẹ và chị bó rau lang thành từng bó đến 12, thậm chí 1 giờ đêm. Bó xong xếp lại và tưới nước để rau tươi chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai.

Ngày từ tơm tởm sáng, mẹ và chị đã dạy để xếp những bó rau lên xe thồ để lên thành phố bán. Phải lên phố chứ ở quê ai mua vì nhà ai cũng có. Cứ thế, hai mẹ con đi trong mưa phùn giá rét miễn sao tới nơi kịp khi trời sáng. Ngủ trưa chật thì coi như mang rau về. Chị lái xe thồ còn mẹ thì đẩy. Việc đi bộ trên quãng đường dài với xe rau nặng đã làm cả hai toát mồ hôi trong cái rét căm căm của trời đông. Song, khi dừng lại, cả hai run lên bần bật bởi cái rét của khí trời thêm cái rét do những giọt mồ hồ dẫn độ trong thân. Bán hết, cả hai cuốc bộ về nhà chuẩn bị cho buổi chợ tiếp theo.

ảnh minh họa: xitrum blog
Công việc chuẩn bị là như thế. Những xe thồ chất ngất rau lang này đã làm cho đôi bàn tay của mẹ và chị đem xì. Đen xì vì nhựa bám che khuất làn da thâm tái vì lạnh.

Đó là chuyện của 13 năm trước, còn bây giờ, quê tôi chẳng còn ai nuôi lợn thủ công thế nữa. Hình ảnh vụ khoai đông xanh mướt với những luống khoai lang trải dài cũng đã mất. Những người phụ nữ bán khoai lang giờ cũng xa vắng. Ấy vậy, tới tận bây giờ, đầu năm 2015, tôi lại bắt gặp hình ảnh này tại vùng quê Quảng Ngãi.

Người phụ nữ co ro bên những bó khoai lang già nua mong kiếm chút tiền về lo cho gia đình. Đi xa xa một chút, tôi lại thấy ruộng khoai ngứa xanh ngắt được trồng để nuôi lợn. Hình ảnh này quê tôi cũng không còn. Ấy vậy, nơi đây vẫn còn nhiều lắm. Người dân vẫn còn phải bán khoai ngứa, khoai lang để kiếm từng bạc lẻ. Ôi phụ nữ Việt Nam! Năm 2015 rồi mà vẫn còn những hình ảnh thế này!

Tò mò, tôi hỏi sao có hình ảnh như vậy tại vùng quê cách mạng này. Một người bạn cho biết:

" Chính quyền nơi đây vô tâm lắm. Họ chỉ chăm lo cho mình, còn người dân thì sống chết mặc bay. Họ sống trong những ngôi nhà khang trang bên cạnh những hộ dân kiếm ăn từng bữa. Quả là người ăn không hết kẻ lần không ra. Cách mạng mà làm chi khi thế kỷ 21 đã qua năm thứ 15."

Quả thật, vùng quê nghèo này chỉ còn 8-3-1-6 và 1-10. Tại sao vậy? Những ai có sức vóc thì kéo nhau vào thành phố, ra Hà Nội hay vào Nam kiếm sống cả rồi chỉ còn lại phụ nữ, trẻ em và người già. Họ ra đi đến xứ người kiếm manh áo hạt cơm và tương lai cho con em mình. Họ ra đi để chắt chiu từng bạc lẻ gửi về để dựng nhà dựng cửa cũng như lo cho con cái ăn học. Vùng quê im vắng thiếu sức sống vì sức sống đã bay đi tận trời xa. Đôi mắt của những con người nơi đây trở nên xa xăm. Xa xăm như chính tương lai mịt mờ của người dân nơi đây. Và trên hết, người phụ nữ vẫn lầm lũi với đôi bàn tay đen đủi do nhựa khoai chẳng có cơ hội làm đẹp cho chính mình. Dầu vậy, họ vẫn đẹp hơn nhiều minh tinh màn bạc nào đó vì họ sống bằng chính sức lực và đôi tay của mình. Đôi tay đen nhưng lòng vẫn trắng trong như hoa huệ sớm mai lung linh dưới nắng!

SG 24/1/2015


4 nhận xét

Trương Minh Tịnh
lúc 19:50 28 tháng 1, 2015 Reply

Bài phóng sự tuyệt vời.

lúc 22:14 28 tháng 1, 2015 Reply

Cám ơn đã đọc! Chỉ là chút suy tư cá nhân từ chuyến đi.
Ước mong dân Việt mình sẽ ổn hơn vào "ngày mai".

Nặc danh
lúc 12:25 30 tháng 1, 2015 Reply

Bài viết rất hay và sâu sắc.
Tôi nhớ lại bài thơ "
Hai đứa trẻ" của nhà thơ CÁCH MẠNG Tố Hữu, viết năm 1937.
Cảnh tương phản "ĐEN TRẮNG" như vậy đã, đang và sẽ tồn tại KHẮP MỌI NƠI,
từ đô thị phồn vinh như Hà nội, TP. HCM, tới làng xã nông thôn đồng bằng,
hay bản làng miền núi. Các bạn đọc bài thơ sau nghe:

Hai đứa trẻ

Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tố Hữu » Từ ấy

Tôi không dám mời anh đi xa lạ
Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn
Kể làm sao cho hết cảnh lầm than
Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả!

Này đây anh một bức tranh gần gũi:
Nó thô sơ? Có lẽ. Nhưng trung thành.
Nó tầm thường? Nhưng chính bởi hồn anh
Chê chán kẻ bị đời vui hắt hủi.

Hai đứa bé cùng chung nhà một tuổi
Cùng ngây thơ, khờ dại, như chim con
Bụi đời dơ chưa vẩn đục hồn non
Cùng trinh tiết như hai tờ giấy mới.

Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mũm mĩm
Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me.
Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê
Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím!

Đứa chồm chập vồ ôm li sữa trắng
Rồi cau mày: "Nhạt lắm! Em không ăn!".
Đứa ôm đầu, trước cổng đứng treo chân
Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn!

Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi
Đây ngựa nga, đây lính thổi kèn Tây.
Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây
Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi!

Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ
Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!
Hai đứa kia như sống dưới hai trời
Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ:

Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê.

(Huế, tháng 10-1937)
http://www.thivien.net/T%E1%BB%91-H%E1%BB%AFu/Hai-%C4%91%E1%BB%A9a-tr%E1%BA%BB/poem-Onk53GrYSBQGT7xscWqNaw

lúc 22:28 30 tháng 1, 2015 Reply

Cám ơn vì đã đọc và chia sẻ.
Cám ơn cả bài thơ mà Anonymous dành tặng
Tôi ước mong cảnh đối lập đen trắng thế này sẽ không còn và người Việt mình biết thương nhau hơn!
Tất cả chỉ có thế

Đăng nhận xét