Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Trao đổi về bài “Vài lời về Khổng Tử và học viện Khổng Tử” của Trần Quang Đức

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015 | 21:29

  Phùng Hoài Ngọc
 
(VNTB) - Chúng tôi đọc được bài viết của tác giả Trần Quang Đức đăng trên các trang web BBC, BVN, VNTB, cảm thấy rất tâm đắc và cũng thấy có những vấn đề cần trao đổi lại.

Chúng tôi đồng tình những quan điểm sau mà tác giả Trần Quang Đức đã nêu bật:
… khi văn hóa Hán đã hòa vào văn hóa Việt, trở thành một phần của văn hóa Việt thì đừng vì ghét Trung Cộng mà quay lại cầm dao tự xẻo thịt mình!”
“… Việc thoát Trung là thoát ở sự lệ thuộc chính trị, kinh tế, ở những thứ văn hóa thô bỉ, quê mùa tập nhiễm từ Trung Quốc đương đại, chứ không phải tẩy chay bất kỳ nét văn hóa hay đẹp nào chỉ cần biết nó có nguồn gốc Tàu !”.

Tuy nhiên có những quan điểm sau cần được trao đổi lại.

1. Ông Trần Quang Đức viết :“Nhưng tư tưởng nguyên sơ của Khổng đã bị uốn bẻ theo những cách thức khác nhau, trải qua các triều đại khác nhau. Hán Nho khác Đường Nho, Tống Nho, Minh Nho... Tương tự, tư tưởng Nho giáo trải qua các triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn tại Việt Nam cũng không đồng nhất”.

Văn bản của Khổng tử và cổ nhân truyền lại đời sau có hai vấn đề phức tạp như sau:

Một là: văn bản cổ chép với trình độ ngữ pháp thô sơ, quá cô đọng, có thể nảy sinh hai ba nghĩa khác nhau, người biên soạn, chú giải sẽ chọn nghĩa theo ý mình. Chỉ có ngữ pháp hiện đại mới hoàn chỉnh tới mức một câu văn chỉ cho một nghĩa xác định.

Hai là: Khổng học bắt đầu áp dụng từ nhà Hán khi hình thành chế độ giao dục Nho học, qua Đường, Tống, Minh, Thanh lại do các học giả thời đó diễn giải theo ý riêng, do đa nghĩa như trên đã nói, hoặc do cố ý phục vụ lợi ích chế độ đương thời.

2. Ông Trần Quang Đức nhận xét: “Và trong mắt tôi, văn hóa Trung Quốc đương đại là một sản phẩm què quặt” (?!).

Ông Trần Quang Đức chưa hề có một lời chỉ ra cái “què quặt” của văn hóa TQ như thế nào khiến bạn đọc băn khăn khó hiểu. Thực ra, nền văn hóa Trung Hoa trước Mao và ngay cả khi có Mao vẫn là một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục từ truyền thống đến hiện đại. Ý thức hệ tư tưởng Mác- Lê bị cấy ghép vào TQ sinh ra tư tưởng Mao cho đến nay vẫn chưa đủ khả năng thay đổi căn bản nền văn hóa lâu đời này, có chăng chỉ là bề ngoài, tung hoành trên khẩu hiệu chính trị. (Trong toàn bộ sách Ngữ văn phổ thông TQ, chỉ học một bài thơ khá hay của Mao tựa đề “Tẩm viên xuân” viết thời tuổi trẻ nói về ước vọng kết bạn đi làm đại nghiệp). Cũng vì sức mạnh truyền thống văn hóa Trung Hoa cố kết bền chắc mà văn hóa phương Tây tràn vào TQ cũng rất khó hòa nhập, để lộ ra những cách ứng xử văn hóa kệch cỡm lố bịch khiến người nước khác cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc. Phải chăng vì thế mà ông Đức bảo như thế là “què quặt”? (Đôi khi người Việt cũng từng nói “Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu” để nói về văn hóa Việt Nam).

3. Ông Trần Quang Đức viết:“Vào khoảng thời Lý Trần, người Việt mượn cách đọc của chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, tạo ra một hệ thống chữ mới gọi là chữ Nôm”.

Tác giả nhầm lẫn rất cơ bản về cách cấu tạo chữ Nôm.

Người Việt mượn văn tự Hán, chứ không “mượn cách đọc chữ Hán” để chế tác chữ Nôm như tác giả đã viết.

Thời trước khi có chữ quốc ngữ, ví dụ khi viết khai sinh cho hai người:  Nguyễn Thị Bé Hai, Lê Văn Út, nhưng chữ Hán chỉ có Nguyễn Thị (阮氏) và Lê Văn (黎文), vậy ta phải tạo ra chữ Bé Hai và Út dựa trên các chữ Hán được chế lại:
Bé Hai:  và Út : .

Nguyễn Du muốn viết câu mở đầu Truyện Kiều“Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” mà chỉ có sẵn hai chữ Hán là tài, mệnh, còn 12 chữ kia phải dùng chữ Nôm có sẵn, nếu thiếu thì tự chế thêm. Chữ Nôm chỉ mượn nét chữ (văn tự), không mượn cách đọc và không mượn nghĩa (ước có hai chục công thức tạo chữ Nôm), chữ Nôm chỉ ghi lại ngữ âm tiếng Việt rặt.

4. Ông Trần Quang Đức viết: “Học tiếng Trung hiện đại chắc chắn không thể đọc hiểu hoành phi, câu đối, sách vở do người Việt trước thời Nguyễn viết”. (chúng tôi gạch chân)

Trong câu trên, ông Đức không nói rõ “học tiếng Trung hiện đại” theo trình độ nào (?). Và ông cũng lẫn lộn giữa môn Tiếng Trung như một ngoại ngữ và môn Ngữ Văn Hán Nôm với tư cách một môn văn hóa Việt Nam. Môn Tiếng Trung sinh ngữ đào tạo ở trường đại học ngoại ngữ, trong khóa trình cũng có vài ba học phần để nghiên cứu Hán cổ văn. Nhờ vậy, cử nhân tiếng Trung (cũng gọi Trung văn, Hoa văn, Hoa ngữ, Hán ngữ) hệ chính quy ở Việt Nam dư sức đọc “hoành phi, câu đối, sách vở do người Việt trước thời Nguyễn viết” nếu là chữ Hán. Còn nếu là chữ Nôm thì sinh viên ngành ngữ văn Hán Nôm sẽ đọc được. Phát ngôn của ông có thể khiến những người ấy phàn nàn khiếu nại ông. Ý kiến của ông chỉ đúng với những người học tiếng Trung theo các chứng chỉ ABC phục vụ nhu cầu thực dụng như giao dịch kinh doanh, du lịch .v.v…

Môn Ngữ văn Hán Nôm được học ở các khoa Ngữ văn sư phạm, khoa Ngữ văn trường đại học xã hội-nhân văn, Viện Hán Nôm, Viện ngôn ngữ. Sinh viên tốt nghiệp trở thành những cán bộ nghiên cứu và/hoặc giảng dạy chuyên nghiệp. Ngành học này tập trung nghiên cứu văn bản Hán cổ (Trung Quốc và Việt Nam) và văn bản Nôm của Việt Nam. Các khoa này có thể học thêm tiếng Trung hoặc không cần học cũng được. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu đọc hiểu tất cả các văn bản nói trên, lại còn sưu tầm, phiên âm và khai thác các văn bản Hán và Nôm dùng chung trên giấy in, gia phả, văn bia, bia mộ, đình, chùa, miễu, cổng làng đây đó tồn tại khắp đất nước nữa.

5. Ông Trần Quang Đức lại viếtBởi vậy, khi phản đối HVKT (học viện Khổng tử) thì đừng bài xích văn tự Hán Nôm, đừng coi nó là thứ chữ lạ”.

Tôi chắc là chẳng có ai bài xích văn tự Hán- Nôm của dân tộc mình. Bởi vì đó là loại văn hóa phi vật thể, cũng như một loại đồ cổ đặc biệt mang tính văn hóa và lịch sử, là di sản của dân tộc. Nhiệm vụ của các thế hệ sau phải tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và khai thác.

Cuối cùng, xin nhắc lại, chúng tôi trân trọng những quan điểm cơ bản của tác giả Trần Quang Đức về thái độ ứng xử với văn hóa Hán và di sản Hán- Nôm của dân tộc. Bên cạnh đó chúng tôi thấy cần trao đổi lại những ý kiến ông mở rộng đi sâu nhưng thiếu chính xác và có thể gây hiểu lầm cho bạn đọc.

Đăng nhận xét