Đêm nay, tôi thức trắng sau bốn ngày bệnh. Hiện tình đất nước cứ quẩn quanh đầu tôi. Hình ảnh của một đất nước tang thương. Hình ảnh của một đất nước mà những người đứng lên bảo vệ sự thật và công lý bị cầm tù. Hình ảnh những người dân vô tội vào đồn công an đột nhiên ra về với cái chết lãng xẹt do thắt cổ tự tử bằng dây sạc điện thoại hay sợ thun quần trong tư thế ngồi cạnh của sổ và nhiều căn nguyên khác.
Đêm nay, đêm thức trắng, tôi mở mắt nhìn vào dòng tin của một facebooker kể rằng: một số người tham gia biểu tình ở Bình Thuận đã bị mời lên mời xuống ký cam kết tưởng êm chuyện. Ai dè, họ bị bắt khẩn cập và bị cạo trọc đầu nên khi chụp hình, quả thực trông họ giống như những con nghiện, như những kẻ gây rối với hình ảnh xấu xí theo suy luận của nhà báo Thu Uyên nào đó. Điều này làm tôi sự nhớ tới việc cánh nhà báo cũng từng quá nhiều lần đưa hình ảnh xấu của những người đấu tranh nhân quyền lên mặt báo không đúng với sự thực. Hiện tại giờ có khá hơn. Nhưng đây là điều bản thân không thể ngờ được khi chính ngành an ninh lại làm chuyện này. Dù có nhiều người dân ở Bình Thuận vào phản hồi và xác nhận nhưng tôi vẫn không muốn tin đó là sự thật.
Sự thật này tàn khốc quá vì nó cho thấy Chí Phèo xưa còn cảm được tình yêu của Thị Nở mà thay đổi. Dù không thể, nhưng Chí Phèo vẫn cất lên được tiếng nói: tôi muốn làm người - làm - người - lương - thiện. Vậy sao, chẳng lẽ Việt Nam không còn thị nở. Phải chăng Chí Phèo cũng chẳng có mà Thị Nở cũng không.
Không đâu, Chí Phèo vẫn có đó. Họ đã ăn vạ cuộc đời và ăn vạ nhân dân bằng nhiều cách khác nhau. Cũng có thể trong tâm thế đó mà nhiều kẻ muốn rạch mặt xã hội và con người Việt Nam cho thối nát để chửi đổng cả đất nước này. Có kẻ nào đó rạch mặt ăn vạ để cho ai đó sợ không dám động đến lỗ chân lông của mình hầu yên phận. Có kẻ không biết chửi ai nữa, chửi cha cả cái đất nước Việt Nam nơi hắn đang định cư, quê hương hắn, như Chí Phèo chửi cha đứa nào sinh ra hắn để thỏa mãn cho sự tan hoang xuống dốc của đất nước này.
Chí phèo xưa rạch mặt mình,
Chí Phèo nay rạch mặt người và mặt đất nước.
Chí Phèo nay rạch mặt người và mặt đất nước.
Chí Phèo xưa nát như tương bần không mảnh đất cắm dùi.
Chí Phèo ngày nay nhiều khi tiền đè chết người hoặc cũng có thể là kẻ ngửi theo mùi đống tiền.
Chí phèo xưa là thành phần bần cùng của xã hội bị gạt ra bên lề.
Chí phèo ngày nay lắm khi lại là kẻ bề ngoài đức cao vọng trọng, nhà lầu xe hơi.
Chí phèo xưa chỉ là một cá nhân yêu Nở trong Chuyện Làng Vũ Đại của Nam Cao.
Chí Phèo thời nay có khi lại là cả một tập thể, một tập đoàn.
Chí phèo xưa thân phận con sâu cái kiến không tiếng nói.
Chí phèo thời nay rất có thể oang oang giữa phố phường.
Nhưng!
Chí Phèo xưa nghe tiếng Thị Nở và được yêu,
Chí Phèo nay nghe tiếng Thị Nở nhưng chẳng dám yêu.
Chí Phèo xưa nghe tiếng Thị Nở và muốn làm người,
Chí phèo nay nghe tiếng thị nở nhưng muốn trở về tính con.
Chí phèo xưa đang ngủ trong giấc mộng trả thù nghe tiếng Thị bừng lên khát vọng thành người tốt,
Chí phèo thời nay đang say bả phù vân sợ tỉnh mình làm người tốt.
Chí phèo xưa thấy âm vọng tình yêu thì đôi tai và trái tim mở ra,
Chí phèo thời nay thấy thanh âm tình yêu vội bịt tai lại
Chí phèo xưa gieo mầm sự sống nơi Thị để mong có hậu duệ chí thiện lương,
Chí phèo ngày nay gieo mầm chết chóc cho chính quê hương, gia đình và bản thân mình.
Nhiều lắm, nhiều lắm những hình thức chí phèo ta có thể kể ra. Dường như họ chẳng ý thức được chính họ đang giết bản thân, gia đình và đất nước này. Chính họ, họ cũng đang tìm cách giết Thị Nở, vốn làn những kẻ đang yêu họ tha thiết và không ngừng thức tỉnh lương tâm họ. Song, với họ, tất cả thị nở đều xấu vì họ chưa biết yêu thực sự như Chí Phèo của Nam Cao.
Xã hội vẫn đầy Thị Nở đó. Biết bao dấn thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau để chữa những vết thương và hóa thịt những vết sẹo bị xơ hóa để chó khí huyết chạy qua. Biết bao người đang ngày đêm âm thầm sống tử tế như một lời chứng. Nhiều, nhiều lắm những còn người như thế trên đất nước này nhưng sao nó vẫn cứ tang thương.
Thực sự nó trở nên tang thương bởi ngay cả môi trường tôn giáo cũng bị lạc mất thị nở. Nhiều người tu sĩ đáng lý, họ phải là thị nở hơn ai hết để đánh thức thế giới này, nhưng lại cũng bị cuốn theo dòng đời để hóa ra chí phèo hiện đại để làm mất đi tính chân thực của tôn giáo. Thành ra, thị nở chẳng phải bị lạc ở đời thường, mà ngay trong nhiều tôn giáo. Bởi vậy, ta phải tỉnh dậy thôi, phải gọi Thị về và đánh thức Thị dậy.
Hôm nay, 4/8, giáo hội Công giáo mừng kính ông Gioan Vianney, một thị nở đích thực đó. Thị nở này học quá đỗi dốt nát, đến nỗi bị mắng như một con lừa. Ấy vậy, một tình yêu vĩ đại, Thị Nở Lừa này đã biết Chúa sẽ dùng cả con lừa để đánh thức chí phèo là vùng quê xứ Ars. Bất kẻ ai và thời nào cũng vậy, cần có thị nở, những kẻ dám sống, chết cho tình yêu và sự thật thì con người mới thiện lương. Đó mới là tiếng gọi của tình yêu để đánh thức thế giới.
Tiếng gọi có đó nhưng cũng cần sự nhạy bén và mở rộng trong tự do của con người thì chúng ta mới lắng nghe được. Tiếng nói có đó nhưng một khi dám nhìn vào sự thật và thay đổi thì chúng ta mới có thể nghe thực sự và hoàn thiện đời mình. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ lê lết bãi trong vũng lầy của tham tàn dưới góc cạnh khác nhau nhưng lại tưởng như an toàn. Bởi thế, đừng sợ thay đổi.
Khi không sợ thay đổi, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng Thị trong dáy sâu tâm hồn mình đầu tiên. Tiếng đó sẽ tạo ra rung động bắc nhịp cầu với giao động của Thị bên ngoài để ta được thức tỉnh. Đừng dập tắt thị nở. Hãy mở tai thật lòng. Hãy mở mắt thật tình. Hãy lên tiếng chân thành. Hãy hít thật từ ái. Hãy nếm thật khoan thao. Hãy chạm bằng khối tình. Hãy suy tưởng bằng chân tâm. Chính lúc đó, là lúc chúng ta đang đi tìm thị nở của đời mình. Thị nở đích thực của thời @ để ta được làm người.
Ước gì mỗi ngày, chúng ta biết thốt lên: Thị nở, em ở đâu! Một tiếng kêu, một hành trình lên đường tìm kiếm thật lòng chứ không phải là thứ để khoe mẽ với đời. Chỉ khi đó, con người, xã hội, đất nước Việt Nam này mới được cứu. Và như thế, không chỉ mỗi cá nhân mà ngay cả tập thể, đất nước cũng phải tìm kiếm Thị mỗi ngày. Tất cả đều phải tìm, không chỉ Thị Nở và còn phải THỊ NỞ!
Thị Nở, em ở đâu chưa đủ! Chúng ta còn phải tìm: THỊ NỞ! Ngài ở đâu!
Đó là một hành trình lên đường từ thể lý tới tâm linh. Đó là con đường sống trọn vẹn thiên tính mà tạo hóa ban tặng cho ta!
4h20 rồi.
May quá, bài dài, viết nữa đọc chán chết, huyên thuyên. Thôi, ta đi tìm THỊ của lòng ta! Tới giờ rồi!
Đăng nhận xét