Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

ĐỌC SÁCH

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015 | 08:47

Vt: Đọc bài viết này của tác giả Dương Đình Giao, nhớ thuở nào, khi còn ở quê, tôi mong muốn được đọc sách nhưng có tiền cũng chẳng có sách mà mua. Được chị gái gửi từ Sài Gòn về cho một cuốn sách thì đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại. Bước chân vào Sài Gòn thì cơ man là sách, không có sức mà đọc. Song, chọn được sách thì không dễ. Những cuốn sách, sau khi được chọn lựa, tôi có gửi về quê nhưng quê nhà dường như văn hóa đọc sách vẫn chưa xuất hiện. Thật buồn khi về quê mà hệ thống nhà sách chỉ toàn sách giáo khoa! Cứ cái đà này không biết khi nào đất nước mới tiến! Ai, ai dạy cho thế hệ trẻ cách đọc và truyền cho chúng văn hóa đọc sách! Câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta
-------------------------------------------------------------
Dương Đình Giao
Những năm đi dạy học, tôi đã có nhiều lần được nhờ kèm cho những học sinh kém môn Văn. Thường sau một thời gian theo các lớp học thêm, thấy học lực của con chẳng có chuyển biến gì, cha mẹ bắt đầu tìm thầy kèm cặp theo lối “một kèm một”, hy vọng việc học tập sẽ có kết quả. Thường các vị tìm thầy theo phương châm “thầy già, con hát trẻ”, hy vọng với kinh nghiệm và tuổi tác, các thầy có thể làm cho học trò “sợ” và chịu học. Tôi chưa từ chối bất cứ trường hợp nào với suy nghĩ, mình chẳng giúp gì được cho người khác, đây cũng là một cách làm việc thiện trong khi đồng tiền của mình chưa thể dư giả để có thể giúp cho biết bao người nghèo. Bao giờ tôi cũng giao hẹn, tôi sẽ dạy 5 buổi, nếu học được, (tức là theo được cách dạy của tôi) sẽ dạy tiếp, còn nếu thấy không có chuyển biến, thì để cha mẹ tìm thầy khác, dĩ nhiên đây là 5 buổi dạy thử, để thầy trò làm quen, miễn phí.

Phương pháp của tôi là trò học về nhà những buổi đều phải làm bài, lần sau tới học, tôi sẽ chấm tay đôi để chỉ ra những chỗ sai, đúng. Buổi đầu, thầy dạy lại một bài học sinh đã học ở lớp, dạy rất kỹ, thời gian quy định trên lớp một tiết, tôi dạy cả buổi, dù hết thời gian cũng học tiếp đến khi nào học sinh không còn thắc mắc gì mới thôi. Sau đó cho một bài tập về nhà, học sinh phải viết khoảng vài trang về một khía cạnh nào đó của cái bài vừa mới học lại (học lần thứ hai, sau khi đã học lần đầu ở lớp). Thường buổi học sau học sinh xin “khất nợ” vì nhiều lý do, chưa làm được bài. Tôi vui vẻ chấp nhận. Nhưng tới buổi thứ ba, thứ tư, học sinh hoặc vẫn chưa nộp được bài, hoặc nộp một vài trang viết mà không biết có nên gọi là văn hay không! Mặc dù thế, tôi vẫn kiên trì chữa, chữa từng câu một cùng với học sinh. Trong khi chữa, có vấn đề gì liên quan tới kiến thức cũ thì giảng lại. Sau khi chữa, yêu cầu về viết lại. Việc thứ hai là sau buổi học đầu tiên, tôi đưa một tác phẩm văn học, có liên quan tới những bài đã hoặc sẽ học trong chương trình (thí dụ truyện ngắn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, …), yêu cầu đọc khoảng 3 truyện (tùy chọn) để buổi học sau sẽ kể lại (tóm tắt nội dung). Có những học sinh đọc, nhưng không biết cách kể lại, và cũng không ít học sinh coi đây là gánh nặng không thể vượt qua. Phần lớn học sinh tới buổi thứ 4 thì “bỏ cuộc”. Cách kèm cặp này tôi chưa thành công với bất cứ một học sinh nào, kể cả những cháu đang theo học ở các trường ở trong “tốp đầu” của Hà Nội. Lý do rất đơn giản: các cháu không biết viết văn vì không có thói quen đọc sách. Mà đến tuổi học sinh trung học phổ thông (lớp 10 trở lên) mới dạy những điều này thì đã quá muộn, không thể dạy được chứ không phải là vì không có thời gian.

Nhiều cha mẹ học sinh, khi con học tiểu học, trung học cơ sở, thấy con đạt học sinh giỏi rất vừa lòng, có chú ý là chú ý đến những chuyện có tính chất thời thượng, để con mình không thua kém bè bạn (bè bạn của chúng và con cái của bè bạn mình), như đi học thêm viết chữ đẹp, học tiếng Anh, học đàn, …Tôi không phản đối việc học những điều này, nhưng rất tiếc, có một thói quen vô cùng quan trọng, vô cùng cần thiết (nhưng hình như khó khoe) mà các bậc cha mẹ ít quan tâm là thói quen đọc sách. (hoàn toàn không phải là truyện tranh đang phổ biến hiện nay. Thứ truyện tranh theo tôi cần thiết là các truyện thiếu nhi, có minh họa đẹp nhiều màu sắc phù hợp với các cháu đang tuổi học lớp 1, lớp 2 trở xuống, vì vốn sống các cháu còn hạn chế, óc tưởng tượng chưa có điều kiện phát triển).

Những học sinh không có thói quen đọc sách có thể học giỏi ở các lớp dưới nhờ “thông minh bẩm sinh”, nhưng lên các lớp phổ thông trung học, thiếu những tri thức phong phú của sách làm nền tảng, cái “thông minh bẩm sinh” không còn phát huy tác dụng nữa. Đó chính là lý do vì sao ở các lớp dưới, rất nhiều học sinh giỏi (dĩ nhiên cũng có nguyên nhân cho điểm tùy tiện), nhưng lên phổ thông trung học, những học sinh giỏi này học đuối dần. Chỉ những học sinh có thói quen đọc sách mới giữ được “phong độ”. Thậm chí có những học sinh chưa được chăm chỉ, nhưng nhờ có thói quen đọc sách, kết quả học tập của họ vẫn ở mức độ có thể tạm chấp nhận.

Học sinh trước đây hầu như chỉ có cách giải trí duy nhất là đọc sách. Những cuốn sách thường là những tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và thế giới truyền tay nhau nhiều khi rách tả tơi. Trên đường đi học hay đi học về, không ít cô cậu học trò vừa đi trên vỉa hè, vừa cắm cúi đọc những trang sách một cách say mê. Ở nhà, vừa thổi cơm vừa đọc sách, vừa trông em vừa đọc sách, thậm chí tranh thủ đọc sách ngay trong nhà vệ sinh (mà không khí trong những cái nơi được gọi bằng mỹ từ “nhà vệ sinh” khi ấy nào có trong lành gì!)…Trên tàu điện, ngoài bến xe, trong nhà ga, nơi xếp hàng mua dầu, đong gạo, …hình ảnh những thanh niên chăm chú đọc sách trong lúc chờ đợi không chỉ là cá biệt, nghĩa là đọc ở bất cứ trong hoàn cảnh nào có thể. Đọc sách hình như trở thành một tiêu chí không thể nhầm lẫn để phân biệt người có đôi chút chữ nghĩa với những người vì những lý do khác nhau mà thất học. Đó chính là một lý do vô cùng quan trọng để giải thích vì sao học sinh trước đây điều kiện học hành thiếu thốn, thậm chí cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, nhưng học hành khá hơn bây giờ. Đọc sách cũng rèn được khả năng tự học. Sự học hỏi không dừng lại sau khoảng hai mươi năm đầu của cuộc đời con người mà kéo dài tới tuổi già.

Đọc sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, phát triển trí tuệ của con người. Điều này đã có nhiều người nói, trong bài viết này, tôi chỉ xin dừng lại ở tác dụng của việc đọc sách với việc làm văn.

Trước hết, đọc sách làm cho vốn từ ngữ không ngừng được bổ sung. Càng lớn lên, đọc nhiều loại sách khác nhau, vốn từ ngữ nhiều loại không ngừng được bổ sung và ngày càng phong phú. Một trong những lý do để học sinh ngày nay thường sử dụng cái gọi là “ngôn ngữ tuổi teen” chính là do vốn ngôn ngữ nghèo nàn, không đủ để diễn đạt những sắc thái muôn màu muôn vẻ của tình cảm, tâm trạng trong những hoàn cảnh khác nhau. Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, thiếu ngôn ngữ, sao có thể tư duy, trong khi càng học lên cao càng đòi hỏi khả năng tư duy của mỗi người. Nhờ đọc sách, khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh không chỉ chính xác mà nhiều khi còn đạt tới mức tinh tế.

Đọc sách khiến học sinh rất ít mắc các lỗi chính tả vì thông qua các trang sách, cách viết những từ ngữ ấy đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong trí não.

Đọc sách khiến trẻ em làm quen với cách diễn đạt những suy nghĩ, những ý tưởng, những tình cảm cần thiết. Nhiều học sinh nay thường nói “không biết viết như thế nào” chính là do không biết cách diễn đạt những điều cần trình bày do không được làm quen thông qua sách.

Người viết văn chẳng có ai viết xong một câu lại “soi” lại các thành phần ngữ pháp xem đúng phép tắc hay chưa. Nhưng nếu đọc sách, bộ não đã ghi nhớ hàng nghìn hàng vạn câu văn khác nhau, được viết theo các cách khác nhau. Quy tắc ngữ phâp khô cứng, máy móc rất đáng sợ không phải chỉ với học sinh đã chuyển hóa vào trong tâm trí người đọc, khiến những câu văn họ viết ra hầu như rất ít khi mắc lỗi. Cho nên, muốn con em trở thành những con người có tư chất, có nhân cách trong tương lai, trở thành những học sinh giỏi thật sự khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trở thành người hiểu biết, có tư duy độc lập, vững vàng trong cuộc sống, không thể không rèn thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. 

Đăng nhận xét