Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Cảm nhận đầu tiên đến với Khí Công…

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015 | 21:06

Vt: Nhận được bài viết của bạn Hải chia sẻ về tập khí công. Điều hay nhất có lẽ, trong cảm nhận của bạn, chính là sự vô tư và vô tâm. Vô tâm đấy nhưng sẽ dẫn ta đến gặp được Đấng là KHÍ thật sự. Nhưng để đạt được khí ấy ta phải bỏ công tập luyện. Tập luyện để đạt được thứ KHÍ viên mãn trong đời ta! KHÍ của TÌNH YÊU!


                  Hinh: Thuận Nghĩa Blog

Cảm nhận đầu tiên đến với Khí Công…
 Hoàng Hải
Không hiểu sao tình cờ, mình lại có hứng tìm hiểu về khí công – một môn khá phổ biến hiện nay sau khi đọc qua một bài viết của Bác Sỹ Đỗ Hồng Ngọc. Bài viết nói về Cụ Ngô Gia Hy. Qua bài viết, tôi biết được một cuốn sách nổi tiếng của Cụ: “Khí công học và y học hiện đại”. 

Dù chỉ đọc phần đầu của quyển sách nhưng mình cảm nhận được sự hệ thống cũng như những khái niệm cơ bản như: khí tiên thiên, khí hậu thiên, tông khí hay là nguyên khí…được thể hiện khá rõ. Nhưng có một vấn đề đặt ra: học khí công để làm gì? Tại sao là khí công mà không phải là yoga, Thiền… Những câu hỏi khiến mình suy nghĩ về việc mình đang làm là gì? Liệu có thật sự tốt không? 

Ở đây không bàn đến việc chọn một môn để học, mà chỉ tìm hiểu mục đích của việc học. Hay đúng hơn, động lực nào khiến mỗi người dành thời gian để học? Lý do tại sao mình đề cao cái mục đích ấy? Chắc chắn các bạn sẽ thấy rõ trong quá trình tham khảo.

Khi học một môn gì, không riêng khí công, ai cũng mang cho mình một mục đích hay một mục tiêu. Đối với khí công đó là một cơ thể khỏe mạnh, một thân hình tráng kiện, hay là một nội lực vững mạnh để có thể làm được nhiều điều mà mình muốn. Thật tiếc, đó chỉ mới là phần ngọn. 

Nếu chỉ dừng phần ngọn, chúng ta như người dạo quanh khu phố. Phải tiến vào phần gốc. Phần gốc của khí công không chỉ là rèn luyện tinh, khí, thần theo Đạo Lão hay là Thiền Định theo Phật giáo…mà còn là sự soi xét bản thân hằng ngày và hoàn thiện chúng theo thời gian với một sự “vô tâm” cần thiết. 

“Vô tâm” ở đây không có nghĩa là không quan tâm hay để ý về những phản ứng của bản thân khi tập luyện. Chính xác hơn là quan tâm đấy nhưng cũng tự do đấy! Một cảm giác không áp lực, không mong cầu như nhiều người vẫn nghĩ ngay bước đầu tiên tham gia. Tham gia khóa học khí công đó là phải đạt được cấp bậc như người Thầy, hay được người khác ngưỡng mộ!? Họ biết chăng, Người Thầy đâu muốn mình hơn trò, chỉ mong trò nhận ra được chính trò như Thầy đã nhận ra! Học khí công hiểu một cách đơn giản là để tìm hiểu chính mình, tìm hiểu sự vận động của mình để rồi điều chỉnh nó phù hợp với sự dịch chuyển của vũ trụ. Đúng hơn là trở về với thực tại, trở về với chính mình hay là trở về với Chúa!

Vì vậy, nếu đến với khí công một cách tự nhiên, một sự tìm hiểu không áp lực hay mong cầu (nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng không khéo cũng có thể bị tẩu hỏa nhập ma!) là đã thành công trong bước đầu tập luyện. 

Một vấn đề khác, thường thì mọi người hay tách biệt những cái mình học với cuộc sống xung quanh mà chưa thấy sự tương tác lẫn nhau giữa chúng trong sự hoàn thiện hợp nhất. Ví dụ: những người thực tập thiền tông hay tìm những nơi yên tĩnh để rèn luyện. Tuy nhiên, nếu xét trên quan điểm của Đại thừa, cuộc sống hằng ngày vừa là mục đích vừa là nơi để biết mức độ Thiền Định người đến đâu. Nếu cấp độ Thiền Định đã cao mà vẫn do yếu tố bên ngoài chi phối thì chưa thể gọi là Thiền Định được! 

Trở lại với khí công, tập khí công không chỉ là những động tác được thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó, mà còn là hơi thở hằng ngày, còn là tâm thức của mỗi người trước, trong và sau khi tập. Xin được trích dẫn một phần trong quyển “khí công học và y học hiện đại”:

Giận quá làm nghịch khí lên
Bi ai làm khí tiêu tan
Sợ hãi làm khí không lưu hành được
Lo nghĩ làm khí kết lại

Mặc dù mình chưa biết đoạn viết trên có đúng không, nhưng nếu đã trải qua những cảm xúc trên ít nhiều cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mỗi người. Vậy nên, muốn học khí công tốt trước tiên mình phải thay đổi chính mình. Thay đổi để việc học không bị hoang phí (vì sẽ có trường hợp học ít nhưng dùng nhiều), và khi đã học tốt, ắt hẳn theo thời gian, mình sẽ biết được mình học vì điều gì và hãy để khí công đi vào trong suy nghĩ, lời nói và việc làm!


Này ngôn ngữ, xin dằn cho êm lại,
Nỗi bất bình, thu xếp gọn một bên,
Còn đôi mắt, ngăn đừng cho cuồng dại,
Thu bóng hình những ảo ảnh phù vân.
                (Thánh Thi kinh Sáng thứ năm tuần IV)



Đăng nhận xét