Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Aspirin và chứng thiếu máu

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015 | 22:30

Aspirin là thuốc kháng viêm, hạ sốt giảm đau phi steroit. Ngoài tác dụng này, Aspirin còn được dùng làm thuốc chống huyết khối, hay tắc mạch máu với liều lượng 81mg duy trì mỗi ngày. Đây là điểm rất thuận lợi và tốt với những ai có bệnh về tim mạch và chứng huyết khối.
Ảnh thuocbietduoc
Điều này bản thân đã được nghe ngày còn trên ghế nhà trường. Thầy giáo dạy môn dược còn khoe chiến tích kỳ diệu của thuốc này với những nghiên cứu mới nhất. Nếu sau 40 tuổi, uống duy trì thuốc này thì sẽ ngừa được chứng huyết khối và ung thư đại tràng. Thật là một kỳ tích và mơ ước của nhiều người.

Mơ ước ấy đôi khi cũng là một tai hại với nhiều người khi không chú ý tới tác dụng phụ của thuốc là gây viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa. Đặc biệt là với những ai trên 60 tuổi. Nguy hiểm của tình trạng này là gây mất máu từ từ do xuất huyết rỉ rả đường tiêu hóa mà ngay chính bệnh nhân không cảm được sự thay đổi. Thậm chí, nhiều thầy thuốc cũng bỏ qua việc này.

Một vị cao niên kia vì tin tưởng em trai của mình là bác sĩ tại Mỹ mà dùng thuốc Apisin 81mg để phòng chứng huyết khối bốn năm liền. Gần đây mắc chứng rối loạn tiền đình gây nôn ói liên tục và vã mồ hôi, chân tay lạnh toát. Tìm hoài chẳng ra nguyên nhân. Cuối cùng, nguyên nhân gốc vẫn là do dùng Aspirin gây xuất huyết tiêu hóa kéo dài. Chỉ có điều, lượng máu mất tương đối nhỏ và giảm theo ngày tháng mà chính người bệnh không nhận ra sự thay đổi, còn bản thân bác sĩ cũng không hỏi tới điều này. Thật nguy hiểm vì giờ bậc tiền bối đang trong tình trạng thiếu máu nặng.

Vậy đó, thiếu máu nhiều khi lại do những nguyên nhân lãng xẹt như thế mà chúng ta không để ý. Aspirin tốt là thế nhưng cũng có thể là lưỡi hái tử thần nếu ta không chịu lắng nghe thân thể mình và thành thật với thầy thuốc. Thầy thuốc nếu quan tâm sẽ sớm phát hiện và không để bệnh nhân lâm vào tình trạng quá nặng như vị tiền bối trên. 

Trong chuyện này, chính bản thân cũng lơ là và là người có lỗi khi chưa theo dõi sát sao được. Vậy, xin chia sẻ ra đây như một kinh nghiệm để chúng ta cùng lưu tâm và mong rằng, không ai sẽ gặp phải tình cảnh éo le trên! Nếu bất đắc dĩ phải dùng, hãy theo dõi và kiểm tra thường xuyên để phòng ngừa những tai biến không đáng có khi sử dụng.

Đăng nhận xét