Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Tông Thư Laudato Si - Phần Mở Đầu

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015 | 14:59



TÔNG THƯ
LAUDATO SI’
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ SỰ CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA

1. “LAUDATO SI’, mi’ Signore” – “Chúc Tụng Chúa, Lạy Thiên Chúa của con”. Trong những lời của bài ca tuyệt vời này, Thánh Phanxicô Assisi nhắc nhớ chúng ta rằng ngôi nhà chung của chúng ta giống như một người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống và một người mẹ tuyệt vời là người mở cánh tay mình ra để ôm lấy chúng ta. “Chúc tụng Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người duôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây”.[1]

2. Người chị này giờ đây đang kêu khóc lên cùng chúng ta bởi vì mối nguy mà chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị bằng cách sử dụng vô trách nhiệm và sự lạm dụng của chúng ta về những sự giàu có mà Thiên Chúa đã ban xuống ngang qua chị. Chúng ta đã đi đến chỗ tự nhìn nhận chúng ta là những người chủ và người thầy của chị, được phép bóc lột chị khi muốn. Tình trạng bạo lực hiện diện trong tâm hồn chúng ta, bị đả thương bởi tội lỗi, cũng được suy tư trong những triệu chứng của bệnh tật thấy rõ nơi đất đai, nơi nguồn nước, nơi không khí và nơi tất cả mọi dạng thức của sự sống. Đây là lý do vì sao mà chính trái đất, đã bị đè nặng và đặt để sự lãng phí, đang ở giữa sự bỏ rơi và đối xử tồi tệ của sự nghèo nàn của chúng ta; chị đang “rên siết và quằn quại” (Rm 8:22). Chúng ta đã quên rằng chính bản thân chúng ta là bụi đất (x. St 2:7); thân xác rất đáng quý của chúng ta được làm từ những yếu tố của chị, chúng ta thở bầu khí của chị và chúng ta lãnh nhận sự sống và sự trong lành từ nguồn nước của chị.

Không có gì trong thế giới này lại xa lạ với chúng ta

3. Hơn năm mươi năm trước, cùng với thế giới đang chao đảo trên bờ vực của cuộc khủng hoảng hạt nhân, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII viết một tông thư không chỉ khước từ chiến tranh mà còn đưa ra một đề xuất cho nền hoà bình. Ngài nói trong thông điệp Pacem in Terris – Hoà Bình Trên Thế Giới của Ngài cho toàn thể “thế giới Công Giáo” và thực ra “cho hết mọi người nam nữ thiện chí”. Giờ đây, khi chúng ta đang đối diện với một sự suy đồi về môi trường mang tính toàn cầu, tôi muốn nói với mọi người đang sống trên hành tinh này. Trong Tông Huấn của tôi,Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã viết cho tất cả các thành viên của Giáo Hội với mục đích khích lệ một sự canh tân về việc truyền giáo đang tiếp diễn. Trong Tông Thư này, tôi muốn đi vào một cuộc đối thoại với hết mọi dân tộc về ngôi nhà chung của chúng ta.

4. Vào năm 1971, tám năm sau thông điệp Pacem in Terris, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói đến mối bận tâm mang tính kinh tế sinh thái như là “một hậu quả bi đát” của hoạt động thiếu kiểm soát của con người: “Do một sự khai thác thiên nhiên thiếu suy xét kĩ lưỡng, mà nhân loại mang lấy mối nguy của việc huỷ diệt thiên nhiên và đang trở nên, thay vào đó, một nạn nhân của tình trạng xuống cấp này”.[2] Ngài đã nói cùng một ý với Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc về khả năng tiềm tàng đối với một “thảm hoạ sinh thái dưới sự bùng nổ có hiệu quả của nền văn minh công nghiệp”, và nhấn mạnh “sự khẩn thiết một sự thay đổi triệt để trong hành xử của con người”, bởi vì “những tiến bộ khoa học ngoại thường nhất, những khả năng kĩ thuật đáng kinh ngạc nhất, sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc nhất, trừ khi chúng được đi kèm với một sự tiến bộ xã hội và đạo đức đúng đắn, sẽ nhất định chống lại con người”.[3]

5. Thánh Gioan Phaolô II đã trở nên ngày càng quan tâm hơn nữa về vấn đề này. Trong Tông Thư đầu tiên của mình, Ngài đã cảnh báo rằng con người có vẻ như thường “không thấy một ý nghĩa nào khác ở nơi môi trường thiên nhiên của mình ngoài điều phục vụ cho việc sử dụng và tiêu thụ ngay”.[4] Sau đó, Ngài kêu gọi một sự hoán cải sinh thái.[5] Đồng thời, Ngài nhấn mạnh rằng nỗ lực nhỏ đã được thực hiện để “bảo vệ những điều kiện đạo đức cho mộtnền sinh thái nhân loại đúng đắn”.[6] Sự phá huỷ của môi trường nhân loại là cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ bởi vì Thiên Chúa đã uỷ thác thế giới cho chúng ta là những người nam và nữ, nhưng bởi vì sự sống con người chính nó là một quà tặng cần được bảo vệ khỏi mọi hình thức hạ giá khác nhau. Mọi nỗ lực để bảo về và thăng tiến thế giới của chúng ta sẽ đi kèm theo những thay đổi sâu sắc trong “các lối sống, các mô thức sản xuất và tiêu thụ, và những cấu trúc ổn định của quyền lực mà ngày nay đang điều hành các xã hội”.[7] Sự phát triển con người đúng đắn có một tính cách đạo đức. Nó mang lấy một sự tôn trọng trọn vẹn đối với con người nhân loại, nhưng nó cũng phải được quan tâm đến thế giới xung quanh chúng ta và “mang lấy bản chất của mỗi hữu thể và của sự kết nối của hữu thể ấy trong một hệ thống có trật tự”[8] Theo đó, khả năng con người của chúng ta để biến đổi thực tại phải tiến hành cùng với quà tặng nguyên thuỷ của Thiên Chúa về tất cả mọi điều vốn là.[9]

6. Vị tiền nhiệm của tôi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng cho rằng “việc loại bỏ những nguyên nhân có tính cấu trúc của những rối loạn chức năng của nền kinh tế thế giới và chỉnh đốn lại những mô thức của sự phát triển vốn cho thấy không có khả năng đảm bảo sự tôn trọng dành cho môi trường”.[10] Ngài nhận thấy rằng thế giới không thể được phân tích bằng việc tách biệt chỉ một trong những khía cạnh của nó, bởi vì “cuốn sách của thiên nhiên là một và bất khả phân ly”, và bao gồm cả môi trường, sự sống, tính dục, gia đình, các mối quan hệ xã hội, và tương tự. Điều đó kéo theo việc “suy đồi của thiên nhiên có gắn liền với nền văn hoá vốn hình thành nên sự sống chung của con người”.[11] Đức Giáo Hoàng Benedict đã mời gọi chúng ta nhận biết rằng môi trường thiên nhiên cũng đang chịu đau khổ vì hư hoại. Cả hai cuối cùng đều do bởi cùng một sự dữ: quan niệm rằng không có những sự thật không thể bàn cãi hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, và do đó sự tự do của con người là vô giới hạn. Chúng ta đã quên mất rằng “con người không chỉ là một sự tự do mà do chính con người tự tạo ra cho mình. Con người không tự tạo ra chính mình. Con người là thần trí và ý chí, nhưng cũng là tự nhiên”.[12] Với sự bận tâm phụ tử, Đức Benedict thôi thúc chúng ta nhận thức rằng công trình tạo dựng đang bị nguy hại “nơi mà chính bản thân chúng ta có tiếng nói chung cuộc, nơi mà mọi thứ đơn giản chỉ là tài sản của chúng ta và chúng ta sử dụng nó cho chính bản thân chúng ta mà thôi. Việc sử dụng lầm lạc công trình tạo dựng bắt đầu khi chúng ta không còn nhận biết bất kỳ một lề luật nào cao hơn chính bản thân chúng ta, khi chúng ta chẳng thấy gì khác ngoại trừ chính bản thân chúng ta”.[13]

Hiệp nhất bởi cùng một mối bận tâm

7. Những lời tuyên bố của các vị Giáo Hoàng vang vọng những suy tư của biết bao nhà khoa học, triết gia, thần học gia, và các nhóm nhân sự, tất cả những suy tư này làm phong phú suy tư của Giáo Hội về những vấn đề này. Bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, thì các Giáo Hội khác và các cộng đồng Kitô Giáo khác – cũng như các tôn giáo khác – đã thể hiện sự bận tâm sâu xa và đưa ra những suy tư có giá trị về những vấn đề mà tất cả chúng ta đều cảm thấy phiền toái. Xin đơn cử ở đây một ví dụ điển hình, tôi muốn đề cập đến những tuyên bố được thực hiện bởi Đức Thượng Phụ Đại Kết Patriarch Bartholomew đáng kính, mà chúng ta đang chia sẻ niềm hy vọng về một sự hiệp thông trọn vẹn về giáo hội với Ngài.

8. Đức Thượng Phụ Bartholomew đã nói cách đặc biệt về sự cần thiết đối với mỗi người chúng ta để sám hối về những cách thế mà chúng ta đã làm tổn hại đến hành tinh, vì “cùng một cách thế mà tất cả chúng ta đều tạo ra một sự nguy hại về mặt sinh thái”, chúng ta được mời gọi để nhận biết “sự đóng góp của chúng ta, dù lớn hay nhỏ hơn, đối với việc làm mất đi vẻ đẹp và huỷ diệt công trình tạo dựng”.[14] Ngài đã nhắc đi nhắc lại điều này một cách dứt khoát và đầy thuyết phục, thách đố chúng ta biết nhận ra tội lỗi của chúng ta đối với công trình tạo dựng: “Vì con người... huỷ diệt sự đa dạng về sinh thái của công trình tạo dựng của Thiên Chúa; vì con người nhân loại làm suy giảm tính nhất quán của trái đất bằng việc tạo ra những biến đổi về khí hậu, bằng việc tước khỏi trái đất những khu rừng thiên nhiên hoặc huỷ diệt những vùng đất ngập nước; vì con người làm ô nhiễm nguồn nước của trái đất, đất đai, không khí, và sự sống – những điều này đều là tội lỗi”.[15] Vì “thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa”.[16]

9. Đồng thời, Ngài Bartholomew đã cuốn hút sự chú ý đến những căn nguyên mang tính đạo đức và thiêng liêng của những vấn đề môi trường, là những điều đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những giải pháp không chỉ về mặt công nghệ mà còn về một sự thay đổi của nhân loại; bằng không chúng ta đang giải quyết thuần tuý về mặt biểu hiện. Ngài mời gọi chúng ta thay thế sự tiêu thụ bằng sự hy sinh, lòng tham và sự đại lượng, sự lãng phí bằng một tinh thần chia sẻ, một sự nhiệm nhặt vốn “đi kèm với việc học biết cho đi, và không chỉ đơn giản là đầu hàng. Đó là một cách yêu, chuyển động từ từ khỏi điều mà tôi muốn đến điều mà thế giới của Thiên Chúa cần. Đó là một sự giải thoát khỏi sự sợ hãi, lòng tham và sức mạnh”.[17] Là các Kitô Hữu, chúng ta cũng được mời gọi “để đón nhận thế giới như là một bí tích của sự hiệp thông, như là một cách chia sẻ cùng với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại của chúng ta về phương diện toàn cầu. Chính niềm xác tín khiêm tốn của chúng ta mà sự thánh thiêng và nhân loại gặp nhau trong chi tiết tinh tế nhất trong cùng một tấm vải dệt liền mạch của công trình tạo dựng của Thiên Chúa, trong vết bụi sau cùng của hành tinh của chúng ta”.[18]

Thánh Phanxicô Assisi

10. Tôi không muốn viết Tông Thư này mà không hướng đến nhân vật có sức hút và mời gọi ấy, người mà tôi đã chọn tên của Ngài như là sự hướng dẫn và động lực khi tôi được chọn làm Giám Mục Thành Rôma. Tôi tin rằng Thánh Phanxicô là mẫu gương hoàn hảo của việc chăm sóc sự tổn thương và của một nền sinh thái hỗ tương cần được vui hưởng cách đúng đắn. Ngài là thánh bảo trợ của tất cả những ai đang nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực sinh thái, và Ngài cũng được rất nhiều người không phải là Kitô Hữu yêu mến. Ngài đặc biệt quan tâm đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa và cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Ngài yêu mến, và đã được yêu mến cách sâu sắc vì niềm vui của Ngài, sự trao ban chính bản thân Ngài cách đại lượng, sự mở rộng tâm hồn của Ngài. Ngài là một nhà thần bí và là một người lữ khách sống trong sự đơn giản và trong sự hoà hợp tuyệt vời với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính bản thân Ngài. Ngài cho chúng ta thấy mối dây liên kết không thể tách rời thế nào giữa sự quan tâm dành cho thiên nhiên, công lý cho người nghèo, sự dấn thân xã hội, và sự bình an nội tâm.

11. Thánh Phanxicô sẽ giúp chúng ta thấy rằng một nền sinh thái hỗ tương mời gọi sự mở lòng ra cho các chủng loại vượt ra khỏi ngôn ngữ của toán học và sinh học, và đưa chúng ta đến với trọng tâm của điều vốn là con người. Cũng xảy ra như khi chúng ta yêu ai đó, thì bất cứ khi nào Ngài cũng có thể nhìn ngắm mặt trời, mặt trăng hoặc các loài động vật nhỏ bé nhất, Ngài đã phổ nhạc, đưa hết tất cả mọi loài thọ tạo khác vào trong bài ca tụng của Ngài. Ngài hiệp thông với hết toàn thể công trình tạo dựng, thậm chí là giảng cho những bông hoa, mời những bông hoa “ca tụng Thiên Chúa, như thể chúng đã được ban tặng bằng mùa màng”.[19] Sự đáp trả của Ngài với thế giới xung quanh Ngài thì hơn quá nhiều so với sự nhìn nhận mang tính tri thức hay những tính toán kinh tế, vì đối với Ngài thì mỗi và mọi loại thọ tạo đều là một người chị hiệp nhất với Ngài bằng những mối dây liên kết tình cảm. Đó là lý do vì sao mà Ngài cảm thấy được mời gọi để chăm sóc cho hế tất cả mọi loại đang tồn tại. Môn đệ của Ngài là Thánh Bonvaventure nói với chúng ta rằng, “từ một suy tư về nguồn chính yếu của tất cả mọi điều, được lấp đầy bằng lòng đạo đức thậm chí dồi dào hơn, Ngài có thể gọi các loài thọ tạo, bất kể nhỏ bé cỡ nào, bằng cái tên gọi là ‘anh’ hay ‘chị’”.[20] Niềm xác tín như thế không thể được viết ra như thể là một kiểu lãng mạn ngớ ngẩn, bởi vì nó ảnh hưởng đến những chọn lựa quyết định việc hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên và môi trường mà không có [một tinh thần] cởi mở đến sự kính sợ và kỳ diệu, nếu chúng ta không còn nói ngôn ngữ của tình huynh đệ và vẻ đẹp trong các mối quan hệ của chúng ta với thế giới nữa, thái độ của chúng ta sẽ là thái độ của những người chủ, những người tiêu thụ, những người khai thác không biết mỏi mệt, không thể đặt ra những giới hạn cho những nhu cầu tức thời của họ. Trái lại, nếu chúng ta cảm thấy hiệp nhất cách gần gũi với tất cả mọi sự đang hiện hữu, thì sự điều độ và sự chăm sóc sẽ phát triển đồng thời. Sự nghèo và sự không xa hoa của Thánh Phanxicô sẽ không chỉ thuần tuý là một nước sơn bóng bẩy của chủ thuyết khổ hạnh, nhưng là một điều gì đó dứt khoát hơn: một sự khước từ để biến thực tại thành một đối tượng chỉ đơn giản là để bị lợi dụng và kiểm soát.

12. Điều hơn nữa là, Thánh Phanxicô, trung thành với Kinh Thánh, mời gọi chúng ta nhìn thiên nhiên như là một cuốn sách tuyệt vời mà trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta và ban cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về vẻ đẹp và sự thiện hảo vô biên của Ngài. “Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Ðấng tạo thành” (Kn 13:5); thực ra, “quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ” (Rm 1:20). Vì lý do này, Thánh Phanxicô mời gọi rằng một phần của khu vườn thân tiên ấy phải luôn luôn ở trong tình trạng không được phép đụng đến, để những loại hoa và cây cỏ dại có thể phát triển ở đó, và những ai thấy chúng có thể hướng lòng trí của họ lên Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành một vẻ đẹp như thế.[21] Hơn cả một vấn đề cần được giải quyết, thế giới là một mầu nhiệm đầy vui tươi cần được chiêm ngắm bằng niềm hoan hỷ và lời ca tụng.

Lời mời gọi của tôi

13. Thách đố khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bao gồm một sự quan tâm để mang toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm một sự phát triển bền vững và hỗ tương, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi. Đấng Tạo Hoá không bỏ mặc chúng ta; Ngài không bao giờ bỏ mặc kế hoạch yêu thương của Ngài hoặc hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn có khả khăng để hợp tác với nhau trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta. Ở đây tôi muốn nhận biết, khích lệ và cám ơn tất cả những ai đang nỗ lực bằng muôn vàn cách thế để đảm bảo sự bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng chia sẻ. Một sự cảm kích đặc biệt của tôi dành cho những ai đang không mỏi mệt tìm kiếm để giải quyết những hậu quả bi đát của sự suy thoái môi trường về đời sống của những người nghèo nhất trên thế giới. Người trẻ đòi một sự thay đổi. Họ đang tự hỏi làm thế nào mà bất kỳ ai có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà lại không nghĩ đế sự khủng hoảng về môi trường và nỗi đau khổ của những người bị loại trừ.

14. Do đó, tôi khẩn thiết kêu gọi, một vài cuộc đối thoại về cách thế chúng ta hình thành nên tương lai của hành tinh chúng ta. Chúng ta cần một cuộc trao đổi có hết mọi người, bởi vì thách đố môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những cội rễ, mối bận tâm và hiệu quả mang tính con người của nó. Phong trào sinh thái thế giới đã thực hiện được sự tiến bộ đáng kể và dẫn đến việc thiết lập nên rất nhiều các tổ chức dấn thân cho việc nâng cao sự nhận thức về những thách đố này. Thật đáng tiếc thay, nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm những giải pháp cụ thể trước cuộc khủng hoảng môi trường đã cho thấy không hiệu quả, không chỉ bởi vì sự chống báng quyền thế nhưng còn là bởi vì một sự thiếu hứng thú mang tính phổ quát hơn. Những thái độ bế tắc, ngay cả về phía những người có niềm tin, có thể chuyển đổi từ việc chối từ vấn đề sang sự thờ ơ, sự từ nhiệm lãnh đạm hay niềm tin mù quáng vào các giải pháp kĩ thuật. Chúng tôi đòi hỏi một sự đoàn kết mới và mang tính hoàn vũ. Như các giám mục Nam Phi đã nói: “Tài năng và sự tham gia của mọi người là cần thiết để loại bỏ mối nguy hại được gây ra bởi sự lạm dụng của con người về công trình tạo dựng của Thiên Chúa”.[22] Tất cả chúng ta có thể hợp tác như là những khí cụ của Thiên Chúa vì sự chăm sóc công trình tạo dựng, mỗi người theo nền văn hoá, kinh nghiệm, sự tham gia và tài năng của mình.

15. Niềm hy vọng của tôi là Tông Thư này, là tông thư giờ đây được tháp nhập vào trong thân thể của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, có thể giúp chúng ta nhận biết được lời mời gọi, mức độ rộng lớn và sự khẩn thiết của thách đố mà chúng ta đang đối diện. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc vắn tắt ôn lại một số khía cạnh của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại, với mục đích đưa ra những kết quả của nghiên cứu khoa học tốt nhất đang có hiện nay, để cho chúng chạm vào chúng ta cách sâu sắc và mang lại một nền tảng vững vàng cho hành trình đạo đức và thiêng liêng cần theo. Rồi tôi sẽ suy xét một số nguyên tắc được lấy từ truyền thống Kitô Giáo – Do Thái là truyền thống có thể làm cho sự dấn thân của chúng ta đối với môi trường cách nhất quán hơn. Rồi tôi sẽ nỗ lực để đi đến các cội rễ của tình trạng hiện tại, vì thế suy xét không chỉ những triệu chứng của nó mà còn những căn nguyên sâu xa của nó. Điều này sẽ giúp mang lại một cách tiếp cận đối với sinh thái học là điều tôn trọng vị trí duy nhất của chúng ta trong tư cách là con người nhân loại trong thế giới và mối quan hệ của chúng ta với môi trường xung quanh. Dưới ánh sáng của suy tư này, tôi sẽ đưa ra một số đề xuất rộng hơn nữa cho công cuộc đối thoại và hành động là những điều sẽ có liên hệ đến mỗi người chúng ta trong tư cách cá nhân, và cũng ảnh hưởng đến chính sách quốc tế. Sau cùng, tôi tin rằng sự thay đổi là không khả thi nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục, tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn có tính gợi hứng cho sự phát triển nhân loại được tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm thiêng liêng Kitô Giáo.

16. Mặc dù mỗi chương sẽ có chủ đề riêng và cách tiếp cận riêng, nhưng nó cũng sẽ giúp mang lấy và tái xem xét lại những vấn đề quan trọng đã được bàn trước đó. Đây là một trường hợp đặc biệt đối với nhiều chủ đề sẽ tái xuất hiện mà Tông Thư này cổ võ. Ví dụ, tôi sẽ nói đến mối quan hệ gần gũi giữa người nghèo và sự mỏng manh của hành tinh, niềm xác tín rằng mọi thứ trong thế giới có liên hệ với nhau, sự phê bình các khuôn mẫu và dạng thức quyền lực mới xuất phát từ công nghệ, lời mời gọi để tìm kiếm những cách thế hiểu khác về nền kinh tế và sự phát triển, giá trị đúng đắn cho mỗi tạo vật, ý nghĩa nhân bản về sinh thái học, sự cần thiết phải có cuộc tranh luận thẳng thắn và trung thực, trách nhiệm nghiêm trọng của chính sách quốc tế và địa phương, nền văn hoá bỏ đi và đề xuất một lối sống mới. Những vấn đề này sẽ không được giải quyết một lần và cho tất cả, nhưng là được tái định hình lại và làm phong phú liên tục.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ)

Nguồn: MVAS




[1] Canticle of the Creatures, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1, New York-London-Manila, 1999, 113-114.
[2] Apostolic Letter Octogesima Adveniens (14 May 1971), 21: AAS 63 (1971), 416-417.
[3] Address to FAO on the 25th Anniversary of its Institution (16 November 1970), 4: AAS 62 (1970), 833.
[4] Encyclical Letter Redemptor Hominis (4 March 1979), 15: AAS 71 (1979), 287.
[5] Cf. Catechesis (17 January 2001), 4: Insegnamenti 41/1 (2001), 179.
[6] Encyclical Letter Centesimus Annus (1 May 1991), 38: AAS 83 (1991), 841.
[7] Ibid., 58: AAS 83 (1991), p. 863.
[8] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Sollicitudo Rei Socialis (30 December 1987), 34: AAS 80 (1988), 559.
[9] Cf. ID., Encyclical Letter Centesimus Annus (1 May 1991), 37: AAS 83 (1991), 840.
[10] Address to the Diplomatic Corps Accredited to the Holy See (8 January 2007): AAS 99 (2007), 73.
[11] Encyclical Letter Caritas in Veritate (29 June 2009), 51: AAS 101 (2009), 687.
[12] Address to the Bundestag, Berlin (22 September 2011): AAS 103 (2011), 664.
[13] Address to the Clergy of the Diocese of Bolzano-Bressanone (6 August 2008): AAS 100 (2008), 634.
[14] Message for the Day of Prayer for the Protection of Creation (1 September 2012).
[15] Address in Santa Barbara, California (8 November 1997); cf. JOHN CHRYSSAVGIS, On Earth as in Heaven: Ecological Vision and Initiatives of Ecumenical Patriarch Bartholomew, Bronx, New York, 2012.
[16] Ibid.
[17] Lecture at the Monastery of Utstein, Norway (23 June 2003).
[18] “Global Responsibility and Ecological Sustainability”, Closing Remarks, Halki Summit I, Istanbul (20 June 2012).
[19] THOMAS OF CELANO, The Life of Saint Francis, I, 29, 81: in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1, New York-London-Manila, 1999, 251.
[20] The Major Legend of Saint Francis, VIII, 6, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 590.
[21] Cf. THOMAS OF CELANO, The Remembrance of the Desire of a Soul, II, 124, 165, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 354.
[22] SOUTHERN AFRICAN CATHOLIC BISHOPS’ CONFERENCE, Pastoral Statement on the Environmental Crisis (5 September 1999).


Đăng nhận xét