Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

TÔNG THƯ LAUDATO SI’ - CHƯƠNG NĂM

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015 | 12:18

TÔNG THƯ
LAUDATO SI’
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ SỰ CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA

CHƯƠNG NĂM
CÁC PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VÀ HÀNH ĐỘNG

163. Cho đến giờ tôi đã nỗ lực để đề cập đến cả kho vấn đề hiện tại, nói đến những rạn nứt trong hành tinh mà chúng ta đang cư ngụ cũng như là nói đến những căn nguyên nhân loại sâu sắc của sự suy thoái môi trường. Mặc dù việc chiêm ngắm thực tại này trong tự thân nó đã cho thấy một sự cần thiết thay đổi đướng hướng và các cách hành động khác, giờ đây chúng ta sẽ nỗ lực để hoạch ra những con đường chính của việc đối thoại vốn có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự huỷ diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta.

I. ĐỐI THOẠI VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

164. Bắt đầu vào giữa thế kỷ trước và vượt qua được nhiều khó khăn, đã có một sự xác tín lớn mạnh là hành tinh của chúng ta là một quê hương và rằng nhân loại là một dân tộc sống trong một ngôi nhà chung. Một thế giới lệ thuộc vào nhau không chỉ làm cho chúng ta ý thức về những ảnh hưởng tiêu cực của những lối sống nhất định và những mô hình sản xuất và tiêu thụ vốn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta; mà quan trọng hơn, nó thôi thúc chúng ta biết đảm bảo rằng các giải pháp được đưa ra từ cách tiếp cận mang tính toàn cầu, chứ không chỉ là bảo vệ những lợi ích của một vài quốc gia. Sự lệ thuộc vào nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung. Tuy nhiên cùng một sự thông thái là điều đã mang lại sự tiến bộ công nghệ lớn lao đang có cho đến nay cũng phải cho thấy là có khả năng tìm kiếm những cách thức giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và xã hội trên khắp thế giới. Một sự đồng thuận toàn cầu là cần thiết cho việc đối diện với những vấn đề sâu hơn vốn không thể được giải quyết bằng những hành động đơn phương về phía các quốc gia riêng biệt. Một sự đồng thuận như thế có thể dẫn tới, chẳng hạn, việc lên kế hoạch cho một nền nông nghiệp bền vững và đa dạng, phát triển những hình thức năng lượng tái tạo lại được và ít gây ô nhiễm hơn, khích lệ một cách dùng năng lượng hiệu quả hơn, cổ võ một cách quản lý các nguồn tài nguyên biển và rừng tốt hơn, và đảm bảo việc dùng được nguồn nước uống.

165. Chúng ta biết rằng công nghệ dựa trên việc sự dụng các nguyên liệu hoá thạch có tính gây ô nhiễm cao – đặc biệt là than, nhưng cũng có cả dầu nữa, cho đến mức độ thấp hơn, là ga – cần phải được thay thế ngay mà không có sự trì hoãn. Cho đến khi chúng ta thực hiện được sự tiến bộ lớn hơn trong sự phát triển rộng khắp của các nguồn tài nguyên có thể sử dụng về năng lượng tái tạo được, thì thật hợp lý để chọn lựa giải pháp thay thế ít gây hại hơn hoặc tìm kiếm những giải pháp ngắn hạn. Nhưng cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt tới những thoả thuận đầy đủ về trách nhiệm về việc trả các khoản chi phí của sự chuyển đổi năng lượng này. Trong những thập kỷ gần đây, các vấn đề về môi trường đã làm dấy lên cuộc tranh cãi công khai rất đáng chú ý và đã gợi lên một loạt các đáp trả dân sự mang tính đại lượng và quyết tâm khác nhau. Các nền chính trị và kinh doanh cũng đã chậm chạp phản ứng theo một cách xứng hợp với sự khẩn thiết của những thách đố mà thế giới chúng ta đang đối diện. Mặc dù thời kỳ hậu công nghiệp có thể được nhớ đến rõ ràng như là một trong những thời kỳ vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, song có một lý do để hy vọng rằng nhân loại trong buổi bình sinh của thế kỷ 21 sẽ được nhớ đến vì đã đại lượng gánh vác hết những trọng trách của thời kỳ này.

166. Trên khắp thế giới, phong trào sinh thái đã thực hiện được những bước tiến đáng kể, cũng nhờ vào những nỗ lực của nhiều tổ chức xã hội dân sự. Thật không thể đề cập hết các tổ chức ấy ở đây, hoặc ôn lại lịch sử của những đóng góp của họ. Nhưng nhờ vào những nỗ lực của họ, mà các vấn đề về môi trường đã dần dần tìm được một vị trí trong các chương trình công và khích lệ những cách tiếp cần có tầm nhìn xa hơn nữa. Điều này, tuy nhiên, các Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới gần đây về môi trường đã không thoả mãn được những mong đợi bởi vì, do bởi thiếu ý chí chính trị, họ không thể đạt tới những thoả thuận toàn cầu đầy đủ ý nghĩa và hiệu quả về môi trường.

167. Thật cần thiết phải đề cập đến Hội Nghị Thượng Đỉnh Năm 1992 tại Rio de Janeiro. Hội Nghị này tuyên bố rằng “con người nhân loại đang là trọng tâm của các mối quan tâm dành cho sự phát triển bền vững”.[126] Nhắc lại Bản Tuyên Ngôn Stockholm năm 1972, nó lưu giữ một sự hợp tác quốc tế nhằm chăm sóc cho hệ sinh thái của toàn thể trái đất, nghĩa vụ của những người gây ô nhiễm phải mang lấy cái giá của nó, và nghĩa vụ đánh giá sự ảnh hưởng môi trường của các dự án và các công trình. Bản tuyên ngôn này đưa ra mục tiêu giới hạn khí thải nhà kính tập trung trong không khí, trong một nỗ lực để làm đảo ngược lại xu hướng nóng dần lên toàn cầu. Bản tuyên ngôn này cũng hoạch định ra một lịch trình với một kế hoạch hành động và một thoả thuận về sự đa dạng sinh học, và đưa ra các nguyên tắc có liên quan đến các khu rừng. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh là một bước tiến thực sự, và là một lời tiên báo cho thời đại, nhưng những việc làm kèm theo của nó thì dường như được thực hiện một cách nghèo nàn, do bởi thiếu các cơ chế thích hợp cho việc rà soát lại có tính giám sát và mang tính giai đoạn và những hình phạt trong những trường hợp không tuân thủ. Các nguyên tắc mà bản tuyên ngôn này công bố vẫn đợi chờ các phương thế áp dụng thực tế cách hiệu quả và linh hoạt.

168. Trong số những kinh nghiệm tích cực trong sự suy xét này, chúng ta có thể để ý, chẳng hạn, Cuộc Hội Thảo Basel về các chất thải độc hại, với hệ thống báo cáo của nó, các tiêu chuẩn và kiểm soát của nó. Cũng có Cuộc Hội Thảo bắt buộc về thương mại quốc tế đối với các loại động vật và thực vật đang trong nguy cơ, là buổi họp bao gồm cả những chuyến thăm thực tế để xác định việc tuân thủ hiệu quả. Nhờ vào chương trình Hội Thảo Vienne về việc bảo vệ tầng ô-zôn và việc áp dụng của nó thông qua Giao Thức Montreal và những điều chỉnh, vấn đề về việc mỏng dần của tầng ô-zôn đã đi vào một giai đoạn giải quyết.

169. Chừng nào việc bảo vệ sự đa dạng sinh học và các vấn đề có liên quan đến tình trạng sa mạc hoá còn liên hệ với nhau, thì sự tiến bộ đạt được cho đến nay sẽ kém quan trọng hơn. Khi xem xét đến sự biến đổi khí hậu, thì những tiến bộ đã đạt được thật đáng tiếc là rất ít. Việc giảm thiểu các loại khí thải nhà kính đòi hỏi sự trung thực, can đảm và trách nhiệm, trên hết tất cả là về phía các quốc gia mạnh thế hơn và gây ô nhiễm nhiều nhất. Cuộc Hội Thảo của Liên Hiệp Quốc về Sự Phát Triền Bền Vững”, “Rio+20” (Rio de Janeiro 2012), đã ban hành một văn kiện bao quát nhưng đầu ra không hiệu quả. Những cuộc thương thảo quốc tế sẽ không thể tạo ra một bước tiến quan trọng do bởi các vị thế mà các quốc gia nắm giữ vốn đặt lợi ích quốc gia của họ trên thiện ích chung toàn cầu. Những quốc gia này sẽ phải chịu những hậu quả của những điều mà chúng ta đang nỗ lực che giấu sẽ không quên sự thất bại về lương tâm và trách nhiệm này. Thậm chí ngay khi Tông Thư này đang được chuẩn bị, thì cuộc tranh luận vẫn đang gay gắt. Chúng ta là những người có niềm tin không thể không xin Thiên Chúa ban cho một kết quả tích cực trước các cuộc thảo luận hiện tại, để các thế hệ tương lai sẽ không phải chịu đựng những tác động của những trì hoãn rất thiếu khôn ngoan của chúng ta.

170. Một số chiến lược nhằm giảm thiểu những khí thải gây ô nhiễm kêu gọi việc quốc tế hoá các khoản chi phí môi trường, là việc làm vốn có nguy cơ áp đặt lên các nước có ít nguồn tài nguyên hơn những cam kết nặng nề đối với việc làm giảm thiểu các khí thải so với lượng khí thải của các nước công nghiệp hoá hơn. Việc áp đặt biện pháp như vậy sẽ phạt các quốc gia đang cần phát triển nhất. Một sự bất công xa hơn nữa đang được thực hiện dưới dáng vẻ của việc bảo vệ môi trường. Cũng thế ở đây, người nghèo sẽ mang kết cục trả giá đắt. Hơn thế nữa, bởi vì người ta cảm thấy các tác động của sự biến đổi khí hậu còn lâu mới xảy ra, ngay cả các biện pháp nghiêm ngặt nhất hiện nay đang áp dụng, nên một số quốc gia có các nguồn tài nguyên khan hiếm sẽ đòi hỏi một sự trợ giúp trong việc làm quen với những tác động hiện đã đang được tạo ra, là những thứ sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế của họ. Trong bối cảnh này, có một sự cần thiết đối với các trách nhiệm chung và khác biệt. Như Hội Đồng Giám Mục Bolivia đã nói, “các quốc gia kiếm lợi từ một mức độ cao hơn về việc công nghiệp hoá, với cái giá của rất nhiều khí thải nhà kính, phải có trách nhiệm lớn hơn đối với việc đưa ra một giải pháp cho các vấn đề mà họ đã tạo ra”.[127]

171. Chiến lược mua và bán “các khoản tín dụng khí các-bon” có thể dẫn đến một hình thức mới của sự đầu cơ vốn chẳng giúp gì được cho việc làm giảm thiểu các khí thải gây ô nhiễm toàn thế giới. Hệ thống này dường như mang lại một giải pháp nhanh chóng và dễ dãi dưới dáng vẻ của một sự dấn thân thực sự vì môi trường, nhưng nó không hề góp phần tạo ra một sự thay đổi triệt để mà các hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi. Hơn thế, nó chỉ trở thành một trò đùa cho phép duy trì một sự tiêu thụ thái quá ở một số quốc gia và khu vực.

172. Đối với các quốc gia nghèo, thì những ưu tiên phải là việc loại bỏ tình trạng cực nghèo và cổ võ sự phát triển xã hội của người dân của họ. Đồng thời, những quốc gia này cần nhận biết mức độ nguy hại của việc tiêu thụ ở một số khu vực đặc quyền của dân cư của họ và đấu tranh chống tham nhũng cách hiệu quả hơn. Họ cũng buộc phải phát triển những hình thức sản xuất năng lượng ít gây ô nhiễm hơn, nhưng để làm thế thì họ đòi hỏi sự trợ giúp của những quốc gia đã kinh qua được sự phát triển phải trả giá cho tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trên hành tinh này. Tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào sẽ đòi hỏi việc thiết lập những cơ chế và những khoản trợ cấp là những điều giúp cho các nước đang phát triển đi vào sự chuyển đổi công nghệ, sự trợ giúp kĩ thuật và những nguồn tài chính, nhưng theo một cách thế tôn trọng các hoàn cảnh cụ thể của họ, bởi vì “sự thích hợp của [hạ tầng cơ sở] với bối cảnh mà qua đó những hạ tầng này được thiết kế thì không phải luôn được đánh giá cách đầy đủ”.[128] Các khoản chi của việc này có thể thấp, so với những mối nguy về biến đổi khí hậu. Trong bất kì biến cố nào, những khoản chi phí này nhất định là những quyết định mang tính đạo đức, được bén rễ trong sự liên đới giữa hết mọi dân tộc.

173. Những thoả thuận quốc tế được thi hành đang rất khẩn thiết, bởi vì các nhà cầm quyền địa phương thì không phải luôn luôn có thể can thiệp hiệu quả. Các mối quan hệ giữa các nhà nước phải tôn trọng quyền tối thượng của nhau, nhưng cũng đặt ra những phương thế được đồng thuận song phương về việc ngăn ngừa những thảm hoạ khu vực mà cuối cùng có thể ảnh hưởng đến hết mọi người. Những định mức mang tính quy định toàn cầu cần thiết phải được áp đặt những điều buộc và ngăn chặn những hành động không chấp nhận được, chẳng hạn, khi các công ty hoặc các quốc gia mạnh thải ra chất thải nhiễm khuẩn hay những ngành công nghiệp gây ô nhiễm ngoài khơi ở các nước khác.

174. Chúng ta cũng hãy đề cập đến hệ thống điều hành các đại dương. Các buổi hội thảo quốc tế và khu vực thực sự hiện hữu, nhưng sự phân mảnh và sự thiếu các cơ chế nghiệm ngặt về luật lệ, sự kiểm soát và hình phạt lại mang lấy kết cục là coi thường những nỗ lực này. Vấn đề chất thải biển đang gia tăng và việc bảo vệ những vùng biển mở đang đưa ra những thách đố cụ thể. Trong thực tế, điều cần thiết là một sự thoả thuận về các hệ thống điều hành toàn bộ mọi thứ gọi là “các vấn đề chung toàn cầu”.

175. Cùng một não trạng đang ngáng trở trên con đường của việc tạo ra những quyết định dứt khoát nhằm làm đảo ngược lại khuynh hướng nóng dần toàn cầu cũng đang ngáng trở trên con đường của việc đạt được mục tiêu loại bỏ sự nghèo nàn. Một cách tiếp cận tổng thể có trách nhiệm hơn đang cần thiết để giải quyết cả hai vấn đề: giảm thiểu sự ô nhiễm và phát triển các nước và các khu vực nghèo hơn. Thế kỷ 21, trong khi đang duy trì các hệ thống điều hành được thừa hưởng từ quá khứ, lại đang chứng kiến một sự suy yếu về sức mạnh của các nhà nước quốc gia, chủ yếu là vì các thành phần kinh tế và tài chính, đang chuyển đổi, có xu hướng thắng thế cả chính trị. Trước tình hình này, thật chính đáng để tạo ra những tổ chức quốc tế có tổ chức hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn, với những người có nhiệm vụ được bổ nhiệm cách công bằng bởi sự thoả thuận giữa các chính phủ quốc gia, và được trao quyền được áp đặt những hình thức xử phạt. Như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã xác định trong sự tiếp nối với giáo huấn xã hội của Giáo Hội: “Để quản lý nền kinh tế toàn cầu; để làm sống lại các nền kinh tế đã bị quật ngã bởi khủng hoảng; để tránh bất kì một sự suy thoái nào của cuộc khủng hoảng hiện tại và những bất quân bình lớn lao hơn có thể tạo ra; để mang lại một sự giải trừ quân bị toàn diện và đúng lúc, sự an toàn lương thực và nền hoà bình; để đảm bảo sự bảo vệ môi trường và điều tiết việc di dân: vì tất cả điều này, có một sự khẩn thiết về một quyền lực chính trị thế giới thực sự, như vị tiền nhiệm của tôi Chân Phúc Gioan XXIII đã chỉ ra một vài năm trước đây”.[129] Chính sách ngoại giao cũng phải mang lấy một tầm quan trọng mới trong công việc phát triển những chiến lược quốc tế vốn có thể dự đoán trước được các vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

II. ĐỐI THOẠI VÌ NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI MANG TẦM QUỐC GIA VÀ ĐỊA PHƯƠNG

176. Không chỉ có kẻ thắng người thua giữa các quốc gia, mà còn trong chính bản thân các nước nghèo hơn nữa. Từ đó các trách nhiệm khác nhau cần phải được xác định. Những vấn đề có liên hệ đến sự phát triển môi trường và kinh tế không còn có thể được tiếp cận chỉ từ một quan điểm về những khác biệt giữa các quốc gia; chúng còn mời gọi một sự chú ý lớn lao hơn trước các chính sách cả ở cấp độ quốc gia và địa phương.

177. Đứng trước tiềm năng thực sự đối với việc sử dụng sai về các khả năng của con người, cá nhân các nhà nước không còn có thể phớt lờ đi trách nhiệm lên kế hoạch, điều phối, dự báo và thực thi bên trong lãnh thổ của họ được nữa. Làm thế nào mà một xã hội có thể lên kế hoạch và bảo vệ tương lại của xã hội ấy giữa những phát minh công nghệ đang phát triển liên tiếp? Một nguồn dự báo và điều phối có thẩm quyền là pháp luật, vốn đặt ra những quy định đối với việc hành xử có thể chấp nhận được dưới ánh sáng của thiện ích chung. Các giới hạn mà một xã hội có quyền tối thượng, trưởng thành và lành mạnh phải áp đặt là những giới hạn có liên quan đến việc dự báo, an ninh, và những định mức quy định, việc thực thi đúng lúc, việc loại trừ nạn tham nhũng, những đáp trả hữu hiệu trước những hiệu ứng phụ không mong muốn của các quy trình sản xuất, và sự can thiệp thích hợp vào nơi mà các nguy cơ tiềm năng hoặc không chắc chắn có liên quan. Có một hệ thống pháp lý đang phát triển có liên hệ đến việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm gây ra bởi các hoạt động kinh doanh. Các bộ khung chính trị và thể chế không chỉ tồn tại để tránh việc thực hiện tồi tệ, mà con để cổ võ cách thực hiện tốt nhất, để kích thích sự sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp mới và để kích lệ các sáng kiến mang tính cá nhân và tập thể.

178. Một nền chính trị quan tâm đến những kết quả tức thì, được hỗ trợ bởi các thành phần dân chúng tiêu thụ, đang bị lèo lái để tạo ra một sự tăng trưởng ngắn hạn. Nhằm đáp trả trước những lợi ích mang tính bầu cử, các chính phủ đang chần chừ việc gây phẫn nộ công chúng bằng những biện pháp vốn có thể ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ hoặc tạo ra những mối nguy đối với việc đầu tư nước ngoài. Sự thiển cận của các thế lực chính trị làm trì hoãn việc bao gồm một lộ trình về môi trường có tầm nhìn xa bên trong lộ trình tổng thể của các chính quyền. Do đó, chúng ta quên mất rằng “thời gian thì lớn hơn không gian”,[130] mà chúng ta luôn luôn hiệu quả hơn khi chúng ta tạo ra những tiến trình hơn là nắm giữ các vị thế quyền lực. Khả năng quản lý nhà nước thật sự được thể hiện khi, trong những thời kỳ gian khó, chúng ta vẫn duy trì những nguyên tắc cao và nghĩ về thiện ích chung dài hạn. Những quyền hạn chính trị không tìm kiếm sự dễ dãi để thực thi nghĩa vụ này trong công việc xây dựng quốc gia.

179. Ở một số nơi, các tổ chức đang được triển khai để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo được vốn sẽ đảm bảo việc tự túc của địa phương và thậm chí bán nguồn năng lượng thặng dư. Điển hình đơn giản này cho thấy rằng, trong khi trật tự thế giới đang tồn tại cho thấy bất lực trước việc mang lấy trách nhiệm của mình, thì các cá nhân và nhóm địa phương có thể tạo ra được một sự khác biệt thực sự. Họ có thể tiêm nhiễm vào một cảm thức lớn lao hơn về trách nhiệm, một cảm thức mạnh mẽ về cộng đồng, một sự sẵn sàng để bảo vệ người khác, một tinh thần sáng tạo và một tình yêu sâu thẳm dành cho đất đai. Họ cũng quan tâm về điều mà cuối cùng họ sẽ để lại cho con cái con cái và cháu chắt họ. Những giá trị này được bén rễ sâu sắc ở nơi những dân tộc bản địa. Bởi vì việc thi hành luật pháp thì đôi khi không đủ vì sự tham nhũng, áp lực công chúng phải có tác dụng để mang lại hành động chính trị mang tính quyết định. Xã hội, ngang qua những tổ chức phi chính phủ và các nhóm trung gian, phải đặt áp lực lên các chính quyền để phát triển những quy định, thủ tục và kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Bằng không thì công dân sẽ kiểm soát quyền lực chính trị - tầm quốc gia, khu vực và thành thị - sẽ không thể kiểm soát được sự nguy hại đến môi trường. Luật pháp địa phương cũng có thể hiệu quả hơn, nếu các thoả thuận đang tồn tại giữa các cộng đồng lân cận hỗ trợ cùng các chính sách môi trường như nhau.

180. Không có những công thức kiểu đồng phục, bởi vì mỗi quốc gia hay khu vực có những vấn đề và giới hạn riêng của mình. Cũng thật đúng là thực tại chính trị có thể kêu gọi những biện pháp và công nghệ mang tính chuyển đổi, cho tới khi những việc này được kèm theo bởi tạo nên bộ khung và sự chấp nhận về các cam kết bắt buộc. Đồng thời, ở cấp độ quốc gia và địa phương, vẫn còn nhiều việc cần phải thực hiện, như là việc xúc tiến những cách bảo tồn nguồn năng lượng. Những việc này cần bao gồm những hình thức ưu tiên về việc sản xuất công nghiệp với sự tối đa hoá nguồn năng lượng và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn nguyên liệu thô, loại bỏ khỏi thị trường các sản phẩm kém hiệu quả về năng lượng hơn hay ô nhiễm hơn, cải tiến hệ thống giao thông, và khích lệ việc xây dựng và tu sửa lại những toà nhà nhằm làm giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng và mức độ ô nhiễm của những toà nhà này. Hoạt động chính trị ở cấp độ địa phương cũng cần phải được định hướng đối với việc điều chỉnh việc tiêu dùng, việc phát triển một nền kinh tế về rác thải và tái chế, việc bảo vệ những chủng loại nhất định và việc lập kế hoạch cho một nền nông nghiệp đa dạng và việc xoay chuyển mùa màng. Nông nghiệp ở những khu vực nghèo hơn có thể được cải thiện thông qua sự đầu tư vào các hạ tầng nông thôn, một sự tổ chức tốt hơn các thị trường địa phương và quốc gia, các hệ thống thuỷ lợi, và sự phát triển các kĩ thuật của một nền nông nghiệp bền vững. Những hình thức hợp tác mới và tổ chức cộng đồng mới có thể được khích lệ để bảo vệ những lợi ích uca3 các nhà sản xuất nhỏ và bảo vệ hệ sinh thái địa phương khỏi sự huỷ diệt. Thực sự, còn nhiều điều cần phải được thực hiện.

181. Ở đây, sự tiếp nối là thiết yếu, bởi vì các chính sách có liên hệ đến sự biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường không thể bị hạ thấp với mọi sự thay đổi về chính quyền. Các kết quả cần thời gian và đòi hỏi những khoản chi tiêu là những điều không tạo ra những hiệu quả hữu hình bên trong bất kỳ một chế độ chính quyền nào. Đó là lý do vì sao, trong sự vắng bóng của áp lực từ phía công chúng và các tổ chức dân sự, các nhà cầm quyền chính trị sẽ luôn luôn ngần ngại can thiệp, trên tất cả là khi những nhu cầu khẩn thiết cần được đáp ứng. Mang lấy những trách nhiệm và cái giá đi kèm, các nhà chính trị sẽ không thể tránh khỏi những xung đột với não trạng lợi ích ngắn hạn và các kết quả vốn đang thống lĩnh các nền kinh tế và chính trị ngày nay. Nhưng nếu họ can đảm, họ sẽ làm chứng cho phẩm giá Thiên Chúa ban tặng của họ và để lại phía sau một chứng từ về trách nhiệm quên mình. Một nền chính trị lành mạnh là rất cần thiết, có khả năng cải cách và điều phối các tổ chức, cổ võ những cách thực hiện tốt nhất và vượt thắng áp lực trái khuấy và tính ù lì quan liêu. Tuy nhiên, cũng cần phải thêm, rằng ngay cả những cơ chế tốt nhất cũng có thể sụp đổ khi không có những mục tiêu và những giá trị xứng đáng, hoặc một nền nhân loại đúng đắn và sâu sắc để phục vụ như là nền tảng của một xã hội cao quý và đại lượng.

III. ĐỐI THOẠI VÀ TÍNH MINH BẠCH TRONG VIỆC RA QUYẾT ĐỊNH

182. Một sự đánh giá về tác động môi trường lên các doanh nghiệp và dự án kinh doanh đòi hỏi những tiến trình chính trị minh mạch có liên hệ đến một sự tự do trao đổi quan điểm. Mặt khác, các hình thức của sự tham nhũng vốn bao bọc sự tác động môi trường của một dự án được đưa ra, trong sự trao đổi các ưu tiên, thường tạo ra những thoả thuận giả dối là những thoả thuận không thông tin đầy đủ và tạo điều kiện cho sự tranh luận đầy đủ.

183. Việc đánh giá tác động môi trường phải không được đến sau việc hoạch định ra một bản kế hoạch kinh doanh hay một bản đề xuất một chính sách, kế hoạch hay chương trình cụ thể nào. Việc đánh gía ấy cần phải là một phần của tiến trình ngay từ đầu, và được thực hiện theo một cách thế có tính liên ngành, minh bạch và thoát khỏi mọi áp lực kinh tế hay chính trị. Việc đánh giá này cần phải gắn liền với một cuộc nghiên cứu về các điều kiện làm việc và những tác động có thể trên sức khoẻ thể lý và tinh thần của người dân, trên nền kinh tế địa phương và trên sự an toàn công cộng. Do đó, lợi ích kinh tế có thể dự báo một cách thực tế hơn, đưa vào suy xét các tình huống tiềm năng và nhu cầu cuối cùng cho việc đầu tư xa hơn để chỉnh sửa những tác động không mong muốn có thể. Một sự thoả thuận cần phải luôn luôn đạt được giữa các bên liên quan khác nhau, là những người có thể đưa ra nhiều cách tiếp cận, giải pháp, và khả năng khác nhau. Dân cư địa phương cần phải có một chỗ đặc biệt trong bàn thảo thuận; họ bận tâm về tương lai của riêng họ và tương lai của con em họ, và có thể xem xét các mục tiêu vượt ra khỏi lời ích kinh tế tức thời. Chúng ta cần phải dừng suy nghĩ lại theo nghĩa là “những can thiệp” để cứu lấy môi trường được thay thế bởi các chính sách được phát triển và tranh luận bởi tất cả các bên có lợi ích. Việc tham gia của cư dân địa phương sẽ kéo theo việc được thông báo đầy đủ về những dự án như thế và các rui ro và các khả năng khác nhau của những dự án này; điều này bao gồm không chỉ là những quyết định đã trù bị trước mà còn nhiều hoạt động theo dõi sau đó và việc giám sát liên tục. Sự trung thực và sự thật là cần thiết trong các quyết định khoa học và chính trị; những điều này phải không bị giới hạn vào vấn đề của việc một dự án có được pháp luật cho phép hay không.

184. Trong khi đối diện với những nguy cơ khả thể đối với môi trường là điều có thể ảnh hưởng đến thiện ích chung bây giờ và trong tương lai, thì các quyết định cần phải được thực hiện “dựa trên sự so sánh về những rủi ro và lợi ích dự báo được về các khả năng khác nhau có thể”.[131] Đây đặc biệt là một trường hợp khi mà một dự án có thể dẫn đến việc sử dụng lớn hơn về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mức độ cao hơn về khí thải hay chất thải, một sự gia tăng về rác thải, hay những thay đổi quan trọng về phong cảnh, những nơi cư trú của các chủng loại đang được bảo vệ hay những không gian chung. Một số dự án, nếu không nghiên cứu đầy đủ, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của một khu vực do bởi nhiều nhân tố khác nhau như là sự ô nhiễm tiếng ồn không dự báo được, sự thu hẹp các chân trời tầm nhìn, sự mất mát các giá trị văn hoá, hay những tác động của việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Nền văn hoá tiêu thụ, vốn ưu tiên cho khoản thu ngắn hạn và tư lợi, có thể làm cho nó dễ dàng đạt được những uỷ quyền đóng dấu hoặc bưng bít thông tin.

185. Trong bất kì một quyết định nào về một dự án kinh doanh được đề xuất, thì cần phải đặt ra thật nhiều câu hỏi để biện phân để xem liệu dự án này có góp phần tạo nền sự phát triển toàn diện hay không. Khi nào thì đạt được? Tại sao? Ở đâu? Khi nào? Bằng cách nào? Cho ai? Đâu là những rủi ro? Đâu là các khoản chi phí? Ai sẽ trả những khoản chi phí này và bằng cách nào? Trong sự biện phân này, một số câu hỏi cần phải ưu tiên cao hơn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng nước là một nguồn tài nguyên hiếm và không thể thiếu và là quyền căn bản là quền tạo nên điều kiện để thi hành những quyền con người khác. Sự thật không thể vãn hồi này vượt qua khỏi bất kì một sự đánh giá nào về tác động của môi trường trên một khu vực.

186. Tuyên Bố Rio năm 1992 chỉ ra rằng “nơi nào có những mối đe doạ về sự nguy hại nghiêm trọng hoặc không thể vãn hồi, thì người ta không được sử dụng sự thiếu chắc chắn mang tính khoa học đầy đủ như là một cái cớ cho việc trì hoãn những biện pháp có hiệu quả chi phí”[132] vốn ngăn chặn sự suy thoái môi trường. Nguyên tắc phòng bị này làm cho người ta có thể bảo vệ những người mỏng manh nhất và những người mà khả năng bảo vệ những lợi ích của họ và tập hợp chứng cứ không thể chối cãi được bị giới hạn. Nếu thông tin khách quan cho rằng sự nguy hại không thể vãn hồi được có thể xuất hiện, thì một dự án cần phải được dừng lại hay chỉnh sửa, ngay cả khi thiếu chứng cứ không thể chỗi cãi được. Ở đây gánh nặng của chứng cứ được đảo ngược một cách hiệu quả, bởi vì trong những trường hợp như thế thì những luận chứng khách quan và có tính kết luận sẽ phải được đưa ra để cho thấy rằng hoạt động được đề xuất sẽ không tạo ra sự nguy hiểm nghiêm trọng cho môi trường hay cho những người đang sống trong môi trường ấy.

187. Điều này không có nghĩa là chống lại bất kì những phát minh công nghệ nào vốn có thể mang lại một sự cải thiện trong chất lượng sống. Nhưng nó có nghĩa là lợi nhuận không thể là một tiêu chí duy nhất cần được đưa vào suy xét, và rằng, khi thông tin mới quan trọng xuất hiện, thì một sự tái đánh giá lại cần phải được thực hiện, với sự tham gia của tất cả các bên có lợi ích. Kết quả có thể là một quyết định không xúc tiến nữa với dự án đã đề ra, điều chỉnh dự án hay xem xét những đề xuất thay thế khác.

188. Có những vấn đề môi trường nhất định mà nơi đó thật không dễ dàng gì để đạt được một sự đồng thuận ở diện rộng. Ở đây tôi muốn nói một lần nữa rằng Giáo Hội không giả vờ để đưa ra những câu hỏi mang tính khoa học hay thay thế chính trị. Nhưng tôi quan tâm đến việc khích lệ một cuộc tranh luận trung thực và mở để những lợi ích hay những ý thức hệ cụ thể sẽ không tạo thành kiến với thiện ích chung.

IV. CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ TRONG VIỆC ĐỐI THOẠI CHO SỰ HOÀN THIỆN CON NGƯỜI

189. Chính trị phải không được lệ thuộc vào kinh tế, cũng như kinh tế phải không lệ thuộc vào những mệnh lệnh của một thứ mô thứ kĩ trị chạy theo tính hiệu quả. Ngày nay, dưới quan điểm về thiện ích chung, có một sự khẩn thiết đối với các thể chế chính trị và nền kinh tế để bước vào một cuộc đối thoại thẳng thắn trong việc phục vụ sự sống, đặc biệt là sự sống con người. Cứu lấy các ngân hàng bằng bất cứ giá nào, làm cho công chúng trả giá, làm suy giảm một sự cam kết vững vàng trước việc rà soát lại và cải tổ toàn bộ hệ thống, chỉ tái khẳng định lại sức mạnh tuyệt đối của hệ thống tài chính, một sức mạnh không có tương lai hoặc sẽ chỉ làm gia tăng các cuộc khủng hoảng mới sau một cuộc khôi phục rõ ràng là chậm chạp và tốn kém. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-08 mang lại một cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới, tập trung hơn cho các nguyên tắc đạo đức, và những cách mới để chi phối những việc thực hiện đầu cơ tài chính và sự thịnh vượng ảo. Nhưng việc đáp trả lại cuộc khủng hoảng không bao gồm việc suy nghĩ lại những tiêu chí lạc hậu đang tiếp tục chi phối thế giới. Điều này thường dẫn đến một việc sản xuất thái quá một số mặt hàng, với những tác động không cần thiết lên môi trường và với những kết quả tiêu cực trên các nền kinh tế khu vực.[133] Bong bóng tài chính cũng có xu hướng trở thành một thứ bong bóng sản xuất. Vấn đề về nền kinh tế thực không được đối diện bằng sức mạnh, tuy đó là một nền kinh tế thực sự vốn làm cho sự đa dạng và sự tiến bộ trong việc sản xuất thành có thể, giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt, và làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển và tạo nên công ăn việc làm.

190. Ở đây cũng thế, cần phải luôn nhớ rằng “việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo chỉ dựa trên nền tảng của những tính toán tài chính về các khoản chi phí và lợi nhuận. Môi trường là một trong những tài sản không thể được bảo vệ cách đầy đủ hoặc được xúc tiến bởi các thế lực thị trường”.[134] Một lần nữa, chúng ta cần phải khước từ một khái niệm có tính ma thuật về thị trường, là điều cho rằng các vấn đề có thể được giải quyết chỉ bằng một sự gia tăng về lợi nhuận của các công ty hay các cá nhân. Có thực tế để hy vọng rằng những người đang bị ám ảnh bởi việc tối đa hoá lợi nhuận sẽ dừng lại để suy tư về sự nguy hại môi trường mà họ sẽ để lại cho các thế hệ tương lai không? Nơi nào mà chỉ lợi nhuận mới có ý nghĩa, thì sẽ chẳng có việc suy nghĩ về những nhịp đập của thiên nhiên, những giai đoạn hư hoại và tái tạo, hoặc tính phức tạp của các hệ sinh thái vốn có thể trở nên giận dữ mạnh mẽ bởi sự can thiệp của con người. Hơn thế nữa, sự đa dạng sinh học được coi không gì hơn là các nguồn kinh tế có sẵn cho việc khai thác, mà không có một suy tư nghiêm túc nào đối với giá trị thực của mọi sự, tầm quan trọng của nó đối với con người và các nền văn hoá, hoặc những mối bận tâm và sự cần thiết của người nghèo.

191. Bất cứ khi nào những vấn đề này được nêu lên, thì một số người sẽ phản ứng bằng cách tố cáo người khác về việc nỗ lực cách phi lý để ngáng đường của sự tiến bộ và sự phát triển của con người. Nhưng chúng ta cần phát triển trong niềm xác tín rằng sẽ có một sự giảm sút trong nhịp độ sản xuất và tiêu thụ mà đôi khi có thể làm xuất hiện một hình thức tiến bộ và phát triển khác. Những nỗ lực để cổ võ việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là một sự lãng phí tiền, nhưng hơn thế là một sự đầu tư có thể mang lại những lợi ích kinh tế khác trong trung hạn. Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh lớn hơn, chúng ta có thể thấy rằng những hình thức đa dạng và sáng tạo hơn của việc sản xuất vốn tác động ít hơn đến môi trường có thể cho thấy rất có lợi nhuận. Đó là một vấn đề của việc mở ra những khả năng khác nhau vốn không liên quan đến việc bóp nghẹt sự sáng tạo của con người và những lý tưởng của sự mở ra ấy về sự tiến bộ, nhưng hơn thế là việc định hướng nguồn năng lượng ấy đi theo những kênh mới.

192. Chẳng hạn, một con đường của sự phát triển sản xuất, vốn có tính sáng tạo hơn và được định hướng tốt hơn, có thể chỉnh sửa lại sự khác biệt hiện tại giữa sự đầu tư thái quá về công nghệ vào việc tiêu thụ và một sự đầu tư không đầy đủ vào việc giải quyết các vấn đề khẩn thiết mà gia đình nhân loại đang đối diện. Con đường này có thể tạo ra những khác thế thông minh và sinh lợi về việc tái sử dụng, cải tạo và tái tạo, và nó cũng có thể cải tiến tính hiệu quả về năng lượng của các thành phố. Sự đa dạng sản xuất mang lại những khả năng đầy đủ nhất trước sự ngây ngô của con người để tạo nên và sáng tạo, trong khi đồng thời bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều nguồn việc làm hơn. Sự sáng tạo như thế sẽ là một sự thể hiện xứng đáng về các phẩm chất con người cao quý của chúng ta, vì chúng ta có thể đấu tranh cách thông minh, can đảm và có trách nhiệm để cổ võ một sự phát triển bền vững và công bằng ngay bên trong bối cảnh của một khái niệm rộng hơn về chất lượng cuộc sống. Mặt khác, việc tìm kiếm những cách thế cướp bóc thiên nhiên mới hơn bao giờ hết, thuần tuý vì những món hàng tiêu thụ mới và lợi nhuận nhanh chóng, sẽ có thể, xét về mặt con người, kém giá trị và sáng tạo hơn, và nông cạn hơn.

193. Trong bất kỳ biến cố nào, nếu như trong một số trường hợp sự phát triển ổn định có liên hệ đến những hình thức tăng trưởng mới, thì ở trong một số trường hợp khác, trước sự tăng trưởng vô độ và vô trách nhiệm được tạo ra trong nhiều thập niên, chúng ta cũng cần suy nghĩ về sự tăng trưởng có kiểm soát bằng việc đặt ra một số giới hạn hợp lý và thậm chí truy ngược lại những bước đi của chúng ta trước khi quá trễ. Chúng ta biết hành vi của những người tiêu thụ và phá huỷ liên tục là không ổn định biết bao, trong khi những người khác lại chưa thể sống theo một cách thế xứng hợp với phẩm giá con người của họ. Đó là lý do vì sao đã đến lúc phải chấp nhận một sự tăng trưởng giảm sút ở một số nơi trên thế giới, để mang lại những nguồn lực cho những nơi khác để kinh nghiệm được sự tăng trưởng lành mạnh. Đức Benedict XVI đã nói rằng “những xã hội tiến bộ về công nghệ phải được chuẩn bị để khích lệ những lối sống điều độ hơn, trong khi giảm thiểu việc tiêu thụ nguồn năng lượng của các xã hội này và cải tiến sự hiệu quả của nó”.[135]

194. Vì những mô hình mới của sự tiến bộ xuất hiện, nên có một sự cần thiết phải thay đổi “các mô hình phát triển toàn cầu”;[136] điều này sẽ đi kèm theo một sự suy tư có trách nhiệm về “ý nghĩa của nền kinh tế và mục tiêu của nó bằng một nhãn quan đối với việc điều chỉnh là những rối loạn chức năng và những áp dụng sai của nó”.[137] Vẫn chưa đủ để cân bằng, trong trung hạn, việc bảo vệ thiên nhiên với việc thu lợi tài chính, hoặc việc bảo tồn môi trường với sự tiến bộ. Những biện pháp nửa vời chỉ làm trì hoãn tai hoạ hiển nhiên. Đơn giản, đó là vấn đề của việc tái định nghĩa lại khái niệm tiến bộ của chúng ta. Một sự phát triển mang tính công nghệ và kinh tế sẽ không để lại trong tương lai của nó một thế giới tốt đẹp hơn và một chất lượng sống cao hơn cách toàn diện không được coi là sự tiến bộ. Thực ra, thông thường, chất lượng sống của người dân sẽ thực sự làm giảm – bằng việc làm hư hỏng môi trường, chất lượng thấp kém của thực phẩm hoặc sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên – ngay trong sự tăng trưởng kinh tế. Trong ngữ cảnh này, việc nói về sự phát triển bền vững thường trở thành một cách gây phân tán sự chú ý và đưa ra những lời biện minh. Nó sẽ hấp thụ ngôn ngữ và các giá trị của sinh thái vào trong các loại tài chính và kĩ trị, và trách nhiệm môi trường và xã hội của các doanh nghiệp thường được giảm xuống thành một loại các biện pháp tiếp thị và gia tăng hình ảnh.

195. Nguyên tắc tối đa hoá lợi nhuận, thường được cô lập ra khỏi những suy xét khác, phản ánh một sự hiểu sai về mọi khái niệm về kinh tế. Chừng nào việc sản xuất được gia tăng, thì chừng ấy sẽ có rất ít sự bận tâm tới việc liệu nó có xứng đáng với các nguồn tài nguyên tương lai hay sự lành mạnh của môi trường hay không; chừng nào việc làm sạch một khu rừng làm gia tăng việc sản xuất, thì chừng ấy sẽ không ai tính toán các khoản mất mát đi kèm trong việc làm sa mạc hoá đất đai, suy nguy hại được thực hiện đối với sự đa dạng sinh học hoặc tình trạng ô nhiễm gia tăng. Tắt một lời, các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận bằng việc tính toán và chỉ trả một phần rất ít của các khoản chi phí liên quan. Nhưng chỉ khi nào “các khoản chí phí kinh tế và xã hội của việc sử dụng các nguồn tài nguyên chung được nhìn nhận bằng một sự minh bạch và được những người làm thiệt hại các nguồn lực này mang lấy trách nhiệm đầy đủ, chứ không phải người khác hay các thế hệ tương lai phải chịu”,[138] thì những hành động ấy mới được coi là đạo đức. Một lối lý luận trung gian, vốn mang lại một sự phân tích trạng thái tĩnh thuần tuý của các thực tại nhằm phục vụ cho những nhu cầu hiện tại, đang hoạt động bất luận là các nguồn tài nguyên được phân bổ bởi thị trường hay bởi nhà nước trung ương hoạch định.

196. Điều gì đang xảy ra với các nền chính trị? Chúng ta hãy nhớ nguyên tắc bổ trợ là nguyên tắc đảm bảo sự tự do để phát triển các khả năng có ở trong mọi cấp độ của xã hội, trong khi cũng đòi hỏi một cảm thức lớn lao hơn về trách nhiệm vì thiện ích chung từ những người đang nắm giữ quyền lực lớn hơn. Ngày nay, xảy ra trường hợp là một số thành phần kinh tế thực thi nhiều quyền lực hơn là chính bản thân các nhà nước. Nhưng kinh tế mà không có chính trị thì không thể được coi là hợp lý, bởi vì điều này sẽ làm cho việc ưu tiên các cách giải quyết các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện tại trở nên không thể. Não trạng không có chỗ cho sự quan tâm chân thành đối với môi trường là cùng một não trạng thiếu sự quan tâm dành cho sự đón nhận hết mọi thành viên mỏng giòn nhất của xã hội. Vì “mô hình hiện tại, với sự nhấn mạnh của nó về sự thành công và tự lực, dường như không thích việc đầu tư vào những nỗ lực để giúp những người chậm chạp, người yếu thế hay người kém tài năng tìm kiếm những cơ hội trong cuộc sống”.[139]

197. Điều cần thiết là một nền chính trị có tầm nhìn xa và có một cách tiếp cận mới mẻ, toàn diện và liên ngành để giải quyết các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng. Thường thì, tự bản thân chính trị chịu trách nhiệm về điều tiếng xấu trong những điều mà nền chính trị ấy nắm giữ, về phương diện tham nhũng và sự thất bại để đưa ra những chính sách công có ý nghĩa. Nếu trong một khu vực cụ thể mà nhà nước không thực thi các trách nhiệm của mình, thì một số nhóm kinh doanh có thể tiến bước dưới dáng vẻ của những người thụ hưởng, thực thi quyền lực thật sự, và tự coi chính họ được ngoại trừ khỏi những điều luật nhất định, đến mức dung túng các hình thức tội phạm có tổ chức khác nhau, nạn buôn người, buôn bán thuốc phiện và tình trạng bạo lực, tất cả điều này sẽ trở nên rất khó để tiêu diệt. Nếu nền chính trị cho thấy chính nó không có khả năng phá vỡ một kiểu luận lý hư hỏng như thế, và vẫn bị mắc kẹt trong những cuộc thảo luận vô nghĩa, thì chúng ta sẽ tiếp tục né tránh đối diện những vấn đề chính của nhân loại. Một chiến lược cho một thay đổi thực sự mời gọi tái suy nghĩ về toàn bộ tiến trình của nó, bởi vì sẽ không đủ để bao gồm một vài suy xét sinh thái mang tính hời hợt trong khi lại không đặt vấn đề về luận lý đang tàng ẩn bên dưới nền văn hoá thời nay. Một nền chính trị lành mạnh cần phải biết nhận lấy thách đố này.

198. Chính trị và kinh tế có xu hướng đổ lỗi cho nhau khi nó đối diện với tình trạng nghèo nàn và sự suy thoái môi trường. Điều đó có nghĩa là cần hy vọng rằng họ có thể nhận ra được những sai lầm của họ và tìm kiếm những hình thức hỗ tương hướng đến thiện ích chung. Trong khi một số người đang bận tâm chỉ với sự thu hoạch về tài chính, còn những người khác thì đang nắm giữ hay làm gia tăng quyền lực của họ, điều mà chúng ta được để lại là những mâu thuẫn và những thoả thuận giả dối mà ở những mâu thuẫn và thoả thuận này điều cuối cùng cả hai bên đều không quan tâm là việc chăm sóc môi trường và bảo vệ những người mỏng giòn nhất. Ở đây cũng thế, chúng ta thấy thật đúng đắn biết bao là việc “sự hiệp nhất thì lớn lao hơn là mâu thuẫn”.[140]

V. CÁC TÔN GIÁO TRONG VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI KHOA HỌC

199. Người ta không thể cứ nhất nhất rằng ngành khoa học thực nghiệm mang lại một sự giải thích toàn vẹn về sự sống, sự tương tác của mọi loại thọ tạo và toàn bộ thực tại. Điều này sẽ cần phải phá vỡ những giới hạn bị áp đặt bởi chính phương pháp của nó. Nếu chúng ta lý luận chỉ trong những ranh giới của khoa học, thì sẽ có ít chỗ dành cho sự nhạy bén thẩm mỹ, thơ phú, hay thậm chí cả khả năng của lý luận để nắm bắt ý nghĩa và mục đích tối hậu của mọi sự.[141] Tôi muốn thêm rằng “các trường phái tôn giáo cổ điển đều có thể cho thấy là có ý nghĩa trong mọi thời đại; các trường phái này có một sức mạnh bền bỉ để mở ra những chân trời mới... Có hợp lý và sáng suốt khi loại bỏ một số tác phẩm chỉ vì chúng xuất phát trong bối cảnh niềm tin tôn giáo không?”[142] Thật khá đơn giản để nghĩ rằng các nguyên tắc đạo đức tự thể hiện chúng cách thuần tuý trong sự trừu tượng, thoát khỏi bất kì bối cảnh nào. Cũng không vì sự thật là việc những nguyên tắc này được diễn đạt theo ngôn ngữ tôn giáo lại làm suy giảm đi giá trị của chúng trong cuộc tranh luận chung. Các nguyên tắc đạo đức có thể hiểu được bởi lý luận có thể luôn luôn tái xuất hiện trong nhiều dáng vẻ khác nhau và có được sự diễn tả trong một sự đa dạng về ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ tôn giáo.

200. Bất kì một giải pháp kĩ thuật nào mà khoa học tuyên bố mang lại sẽ trở nên bất lực trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của thế giới chúng ta nếu như nhân loại đánh mất sự định hướng của mình, nếu chúng ta đánh mất tầm nhìn về những động lực lớn lao làm cho việc chúng ta sống trong sự hoà hợp, việc thực thi những hy sinh và việc đối xử tốt với người khác trở nên khả thể. Tự bản thân người có nhiềm tin phải luôn cảm thấy bị thách đố để sống theo một cách thế xứng hợp với niềm tin của họ và không làm trái ngược với niềm tin ấy bằng những việc làm của họ. Họ cần được khích lệ để mở lòng ra hơn nữa với ân sủng của Thiên Chúa và được cuốn hút liên lỉ từ những xác tín của họ về tình yêu, công lý và hoà bình. Nếu một sự hiểu lầm lạc về những nguyên tắc của chúng ta đôi khi dẫn chúng ta đến chỗ biện minh cho việc đối xử tệ với thiên nhiên, thực thi sự tàn nhẫn đối với công trình tạo dựng, tham gia vào chiến tranh, sự bất công và các hành vi bạo lực, thì chúng ta là những người tin cần nhận biết rằng bằng việc làm như thế chúng ta không còn trung tín với các kho tàng của sự khôn ngoan mà chúng ta được mời gọi để bảo vệ và bảo tồn. Những giới hạn văn hoá trong những kỷ nguyên khác nhau thường tác động lên sự nhận thức về các kho tàng đạo đức và tinh thần này, nhưng bằng việc trở về với các cội nguồn của nó, các tôn giáo sẽ được trang bị tốt hơn để đáp trả lại những nhu cầu của thời đại hôm nay.

201. Đa số những người đang sống trên hành tinh của chúng ta đều tuyên nhận là những người có niềm tin. Điều này thúc đẩy các tôn giáo đến việc đối thoại với nhau nhân danh việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ người nghèo, và xây dựng những mạng lưới của sự tôn trọng và tình huynh đệ. Việc đối thoại giữa các ngành khoa học khác nhau cũng cần thiết, bởi vì mỗi ngành có thể có khuynh hướng khép kín lại trong chính ngôn ngữ của nó, trong khi việc chuyên môn hoá lại dẫn đến một sự cô lập nhất định và việc tuyệt đối hoá về chính lãnh vực tri thức của nó. Điều này ngăn cản chúng ta khỏi việc đối diện với những vấn đề môi trường cách hiệu quả. Một cuộc đối thoại mở và tôn trọng cũng cần thiết giữa các phong trào sinh thái khác nhau, mà những mâu thuẫn ý thức hệ trong đó thường không được giải quyết. Sức nặng của cuộc khủng hoảng sinh thái đòi buộc rằng tất cả chúng ta đều phải tìm kiếm thiện ích chung, khởi xướng một con đường của đối thoại vốn đòi hỏi sự nhẫn nại, kỷ luật và lòng quảng đại, luôn luôn ghi nhớ rằng “các thực tại thì lớn lao hơn những ý tưởng”.[143]

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ)


[127] BOLIVIAN BISHOPS’ CONFERENCE, Pastoral Letter on the Environment and Human Development in Bolivia El universo, don de Dios para la vida (March 2012), 86.
[128] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Energy, Justice and Peace, IV, 1, Vatican City (2014), 53.
[129] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate (29 June 2009), 67: AAS 101 (2009).
[130] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 222: AAS 105 (2013), 1111.
[131] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 469.
[132] Rio Declaration on the Environment and Development (14 June 1992), Principle 15.
[133] Cf. MEXICAN BISHOPS’ CONFERENCE, EPISCOPAL COMMISSION FOR PASTORAL AND SOCIAL CONCERNS, Jesucristo, vida y esperanza de los indígenas e campesinos (14 January 2008).
[134] PONTIFICAL COUNCIL FOR JUSTICE AND PEACE, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 470.
[135] Message for the 2010 World Day of Peace, 9: AAS 102 (2010), 46.
[136] Ibid.
[137] Ibid., 5: p. 43.
[138] BENEDICT XVI, Encyclical Letter Caritas in Veritate (29 June 2009), 50: AAS 101 (2009), 686.
[139] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 209: AAS 105 (2013), 1107.
[140] Ibid., 228: AAS 105 (2013), 1113.
[141] Cf. Encyclical Letter Lumen Fidei (29 June 2013), 34: AAS 105 (2013), 577: “Nor is the light of faith, joined to the truth of love, extraneous to the material world, for love is always lived out in body and spirit; the light of faith is an incarnate light radiating from the luminous life of Jesus. It also illumines the material world, trusts its inherent order, and knows that it calls us to an ever widening path of harmony and understanding. The gaze of science thus benefits from faith: faith encourages the scientist to remain constantly open to reality in all its inexhaustible richness. Faith awakens the critical sense by preventing research from being satisfied with its own formulae and helps it to realize that nature is always greater. By stimulating wonder before the profound mystery of creation, faith broadens the horizons of reason to shed greater light on the world which discloses itself to scientific investigation”.
[142] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium (24 November 2013), 256: AAS 105 (2013), 1123.
[143] Ibid., 231: p. 1114.

Đăng nhận xét