IV. TỪ HUẤN LINH TỚI BÁC VẤN
Để được xứng danh một nền giáo dục phải có hai phần là huấn
linh và vấn bác. Huấn linh chỉ sự đào luyện (formation). Muốn đào luyện phải có
một cơ sở tinh thần để y cứ và để tài bồi vun tưới trở lại rồi trở đi mãi mãi,
có thế mới là huấn mới là luyện. Chữ luyện nói lên sự đi lại nhiều lần mãi mãi cho tới độ đạt thuần thục và tinh
ba, nên cũng có thể gọi là thần là linh. Gọi tắt là huấn linh. Song song với huấn linh như hồn
thì cần phải có bác vấn như xác: bác học quảng (vấn information) đây là chiều rộng đối với
huấn linh là chiều sâu. Chiều rộng lớn có thể giúp cho chiều sâu đi vào sâu
nữa, điều này thì khỏi cần nhấn mạnh, vì hiện nay hầu hết các nền giáo dục đều rộng, quá rộng đến độ
để cho bác vấn lấn át huấn linh, khiến cho giáo dục đốc ra một mớ bách khoa tồi
tệ vì thiếu hẳn mối quán nhất nội tại. Tồi tệ đến nỗi các nhà giáo dục tài ba dầu đã dốc hết tinh
anh để sáng chế ra những phương thế kỳ lạ, lại được khoa học trợ tay để đẩy thật xa,
nhưng vẫn không sao lưu được khách tức không làm cho người học quyến luyến yêu chuộng văn
hóa. Đấy là điều ta thường thấy các nhà sư phạm phàn nàn (incapable
d'intéresser les élèves).
Một sự kiện khác giúp vào việc đem bác vấn lấn át huấn linh
là thiếu sách kinh điển đã làm cho nhà giáo dục không biết phân biệt giáo dục
khác với văn hóa hậu trường, nên đem văn hóa hậu trường (éducation
postscolaire) vào chính chương trình giáo dục, thế là lẫn lộn hết (sẽ xin trở
lại) và làm cho chương trình giáo dục vừa nặng nề vừa rơm rác cách tồi tệ. Đến
nỗi khi bàn về văn hóa Nietzsche đã phải thốt lên một câu búa tạ rằng:
"nền giáo dục hiện nay có vất cho chó ăn nó cũng không thỏa". Bởi vì
đó chỉ là "một nền giáo dục không bản chất, không đích cùng",
"une éducation sans substance, sans but". (Ecce homo tr.95) Tại sao thiếu bản chất, thiếu đích cùng? Thưa vì thiếu con người
muôn thủa làm trọng tâm, cho nên cò bơ cò bất lang thang suốt từ thần thoại cổ điển, rồi
từ cổ điển đến trục vật, hết mọi vật trừ có con người, nói khác thiếu sách kinh điển. Các nhà
giáo dục không nhận ra sự thiếu sót đó, hay một đôi người họa hiếm ý thức được nhưng
không biết lấy chi trám vào lỗ hỏng nọ, nên tất cả chỉ còn biết cố gắng bù đắp
bằng bác vấn mà bác vấn xét theo lý tưởng quý phái người trưởng giả xưa
(honnête homme) phải là người biết đủ mặt, cái gì cũng bàn được cách thông thạo
(mà không cần làm. Người quý phái xưa đâu có thèm làm...).
Thực ra sự biết rộng đó là một điều hay, dành cho một số nhỏ
có khả năng bách khoa mà không hợp cho phần đông chỉ cần một tầm học vấn thông
thường với một cùng lắm là hai ngành chuyên môn mà thôi. Điều đó phải có óc thiết thực mới
dám làm cách mạng như Nga, Anh, Mỹ. Ta là thuộc địa cũ của Pháp nên chưa đủ can
đảm làm cuộc cách mạng gạt bỏ sự thông thái rởm kia ra khỏi chương trình.
Ở đây cũng nên nêu ra một sự phân biệt cần lưu ý khi thiết
lập chương trình giáo dục, đó là hai loại thích thú: thích thú cho con người,
xét là người và thích thú của nhà chuyên môn.
Nhà chuyên môn có những cái thích thú riêng của họ mà người
ngoài không sao san sẻ được. Tôi tưởng đó là một phân biệt cần đặt ra trước mắt hết
mọi người chuyên môn, bất kể môn gì: toán, lý, hóa, sử, địa, vạn vật, tiểu thuyết. Tất
cả đều cần, nhưng không thể biến chuyên môn thành sự bó buộc cho tất cả mọi người: không
thể đem cái cần xét theo quan điểm chuyên môn mà trùm lên chương trình giáo dục, biến
thường thức trở thành bách khoa cách nặng nề vô ích cũng như vô tích. Chính vì thế
ta có thể nói kiểu Chamberlain rằng "việc giáo dục quá quan trọng không
thể để vào tay các giáo sự", vì hầu hết họ đã có óc chuyên môn theo nghĩa
bị "nghề nghiệp bóp méo", nghĩa là ngoài môn họ dạy ra thì thiếu hẳn
cái nhìn toàn thể. Như trên đã nói cái toàn thể này chỉ có kinh điển mới bù đắp được, vậy mà nay đã không được học kinh điển, thì
lòng họ trở nên trống rỗng, bị món chuyên môn choán hết chỗ, không còn cho phép nhận ra hai
thứ thích thú. Nên lúc thiết lập chương trình ông nào cũng tranh cho môn mình thật
nhiều giờ mà không xét toàn diện. Không biết chi đến tính chất thời gian nay đã
khác xưa lắm. "Chương trình người xưa có đặc tính là bách khoa. Chính bởi
lòng trung thành với trung cổ mà ta vẫn quan niệm văn hóa như một sự học hỏi khắp lượt trên bình diện lý trí.
Nhưng bách khoa ngày xưa có thể qua niệm và thực hiện được bởi lúc đó tri thức chưa có tích
luỹ lại nhiều như nay." (Histoire de l'Education P.U.F. p.60)
Ta đem câu đó áp dụng vào bất cứ môn nào cũng thấy ngay: sử
ngày nay đối với thế kỷ X thí dụ năng hơn 9 thế kỷ, sử văn hóa cũng thế, cái gì cũng
trở nên dài gấp ba, bốn, mười lúc xưa... Dài quá, tích luỹ quá, đến nỗi cần phải trở thành
khoa chuyên môn nên biến giáo dục trở thành cái khổ dịch. Bàn về nền giáo dục hiện nay ông
Payot có viết:
"Chương trình giáo dục trung học hiện nay hình như có
một mục đích biến tất cả học trò trở nên một người có tính tản mát. Nó bắt buộc
những người thiếu niên khốn nạn đó phải chạy lướt qua hết thảy mọi môn khác
nhau mà cấm không cho ai đi sâu vào môn nào.
"Đạn ngày nay bắn mạnh gấp 10 lần lúc trước là tại có
bộ phần khoét vào trong sự vật trước khi nổ. Giáo dục hiện nay thiếu cái khoan đó. Người ta
không để giờ cho các kiến thức sở đắc có cơ hội thấu nhập vào sâu.
Mày muốn ngừng lại ư? Không được, phải đi, phải đi.
Nhưng tôi chưa hiểu được đoạn văn nọ và cái cảm tình nó vừa
mới phác họa ra trong tôi chưa thành hình.
Hãy đi, hãy đi. Hỡi người lữ thứ lạc đường, mày phải đi,
không được nghỉ. Mày phải chạy rảo qua toán, lý, hóa, động vật học, thảo cầm học, địa chất
học, lịch sử của hết mọi dân nước, địa dư của ngũ châu, hai sinh ngữ, rất nhiều văn
chương, tâm lý, luận lý, siêu hình, lịch sử, cách hệ thống Hãy đi, hãy đi đến chỗ tầm thường,
hãy học với nhà trường tập quán học hết mọi cái cách hời hợt bì phu, học cách
phán đoán theo những cái ngoài mặt.
"Marche, marche vers la médiocrité, emporte du lycée ou
du collège l'habitude de tout étudier superficiellement, de juger sur les
apparences". (Payot, Education de la Volonté, P.U.F.1941 p.10-11) Chương
trình giáo dục bì phu bỏ gốc, ôm ngọn như thế thì làm sao gây nên nổi được những cán bộ văn hóa, tạo được niềm tin
tưởng để gắn bó người trong nước thành một mặt trận tinh thần. Người học cố
nhồi nhét để thi cho xong, khi bỏ có khỏi oán nền giáo dục là nhiều rồi, chứ làm sao mà lưu luyến cho
được?
Đăng nhận xét