Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Nick Vujicic - Nguyễn Thảo Vân - và Việt Nam

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015 | 23:17

Hôm nay, thứ năm Tuần Thánh, chúng ta đang cùng nhau cử hành và kể cho nhân loại câu chuyện tình yêu. Tình yêu kỳ cùng. Tình yêu làm cho người ta sống lại cách thật sự. Sống với nhau, cùng nhau, cho nhau và vì nhau. Đáng lý chúng ta chỉ kể cho nhau những câu chuyện về tình yêu! Nhưng thôi, đành kể câu chuyện buồn về Việt Nam.

Chuyện rằng anh Nick Vujicic đã tới Việt Nam lần thứ ba. Anh tới đây để khơi lên nghị lực sống cho tất cả chúng ta, đặc biệt những người mang trong mình khiếm khuyết về mặt thể lý. Điều đó thật tuyệt vời và cũng thật kỳ diệu. Song, điều kỳ diệu ngay bên cạnh mình, người Việt Nam đã lãng quên.

Cô Nguyễn Thảo Vân là người khuyết tật nhưng đã vượt lên chính mình để có thể điều hành một doanh nghiệp xã hội hầu nâng người khuyết tật lên. Song, chớ trêu, chính cô đã bị hạ cái bịch trong chính cộng đồng người Việt. Cô đã bị từ chối không cho làm thủ tục để quay trở về Hà Nội trong khi cô mua vé khứ hồi. Cô đã bị bỏ rơi tại sân bay Đà Nẵng và đang cầu cứu trong sự thờ ơ và đùn đẩy trách nhiệm của nhân viên sân bay, cụ thể là hãng Vietjetair. Cuối cùng, cô phải mua vé của Vietnamairlines.

Hai câu chuyện, hai con người cùng xảy ra tại Việt Nam. Nick Vujicic được đón nhận như ông hoàng còn Thảo Vân thì được xem như một gánh nặng của xã hội. Điều đó cho thấy thái độ sính ngoại của người Việt. Điều đó cũng cho thấy câu nói cửa miệng của người Việt quá thực: bụt nhà không thiêng. Thiêng thế nào được vì nó ở ngay cạnh mình, nó là người khuyết tật kia mà. Tôn trọng và tạo mọi điều kiện cho người khuyết tật dường như mới chỉ trên môi miệng mà chưa tràn xuống đôi tay.

Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy câu chuyện này không dừng ở thái độ phân biệt kỳ thị người khuyết tật. Nó là chuyện khác, chuyện khủng hoảng niềm tin và giá trị.

Đã lâu, lâu lắm rồi, đất nước này với chủ thuyết vô thần đã chối bỏ niềm tin tôn giáo. Đó là cơ sự gây ra khủng hoảng trong xã hội. Khủng hoảng lên đến cực điểm thì họ thần thánh hóa một con người để làm tiêu chuẩn và thước đo cho mọi hành động của xã hội. Họ vô tình đã biến nó thành một tôn giáo nhưng cũng chẳng xong. Xong thế nào vì con người với đầy khiếm khuyết đang bị phanh phui. Thần tượng cũng dần sụp đổ và xã hội đã rớt vào cơn bĩ cực dưới mọi góc độ. Vì vậy, họ cần một thần tượng nào đó để thế vào.

Thần tượng thế vào ấy như bên Trung Hoa là học thuyết Khổng Tử, thứ mà trước đây bị coi là hủ hóa và phải dẹp bỏ thì nay mọc lên như nấm khắp nơi. Việt Nam chọn học thuyết nào đây? Chả biết! Vậy nên chọn một con người như Nick Vujicic cũng thật hợp lý. Nhưng thần tượng ấy chưa kịp thay thế đã bị ngã gục bởi thái độ kỳ thị người khuyết tật trong trường hợp chỉ Thảo Vân và nhiều người khác. Họ vẫn ở đó lầm lũi với cuộc đời bên cạnh những chính sách hoạch định rất hay. Thậm chí có nhiều mái ấm được mọc lên nhằm lợi dụng tình trạng khiếm khuyết của họ để kiếm lời.

Tất cả cho thấy sự khủng hoảng cho tới tột cùng. Lãnh đạo trở nên vô cảm. Người dân đang từng ngày biến thành động vật kinh tế. Kinh tế và đời sống khá giả lên nhưng người ta cũng ngày một quay quắt với cuộc sống và dần rớt vào cơn khủng hoảng trầm kha của xã hội. Một cuộc khủng hoảng giá trị khiến người ta đảo điên. Nick Vujicic muốn đem cho người ta giá trị đấy nhưng họ chẳng muốn.

Nick Vujicic nói với họ rằng, sức mạnh của tôi chính là Thiên Chúa. Chính niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa đã cho anh nghị lực để Vượt qua. Tình yêu ấy được thể hiện cách rõ ràng qua cha mẹ và những người thân yêu cùng với Giáo hội mà anh thuộc về, cũng như xã hội mà anh là thành phần. Song, họ đâu muốn tiếp nhận. Họ vẫn cần anh đá, đá một vài câu ca ngợi thần tượng mà họ dựng nên. Nhưng dù anh có đá tới cả trăm ngàn câu cũng thế bởi đó không phải là tình yêu và không có sự tự nguyện. Dù anh đá thế nào thì đó cũng đơn giản là một màn trình diễn của nhà hùng biện.

Và còn hơn cả hùng biện mà không cần trình diễn. Hôm nay, câu chuyện Tình Yêu Cứu Độ đã cúi mình xuống rửa chân cho môn sinh và dạy các ông phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các ông. Tình yêu ấy yêu đến kỳ cùng và muốn ở lại với cả nhân loại. Không chỉ ở lại mà còn chấp nhận tan biến đi và thấm vào từng thớ thịt, hơi thở của con người để trao ban sức sống thần thiêng. Câu chuyện thật đó tại sao không học. Đâu cần tìm thần tượng nơi đâu trong khi sự thật sờ sờ trước mắt. Phải chăng con người sợ cúi xuống!


Sợ cúi xuống thì chẳng bao giờ có được tình yêu thật và tự nguyện. Sợ cúi xuống thì chẳng bao giờ Việt Nam có những người lãnh đạo xứng tầm. Sợ cúi xuống thì biết đến bao giờ con người mới làm chủ được phần con và nâng lên thành người. Sợ cúi xuống thì sẽ chẳng bao giờ có được sự tự nhiên mà chỉ có trình diễn, diễn kịch mà thôi.
 
Sài Gòn, đêm thứ 5 Tuần Thánh, 2/4/2015
  

Đăng nhận xét