Vt: Kính thưa quý bạn đọc. Trong bối cảnh Việt Nam đang rối ren về giáo dục. Đặc biệt, một nền giáo dục suy đồi trầm trọng như ngày nay. TC xin đăng tải lại dần dần toàn bộ cuốn Hiến Chương Giáo Dục của tác giả Lương Kim Định để chúng ta cùng suy gẫm:
----------------------------
----------------------------
Nền giáo dục trên toàn cầu hiện đại có hai khuyết điểm và cả hai đều ở mức độ trầm trọng
có thể gây xáo trộn trong đời sống: một là chương trình quá nặng về bách khoa, mà quá nhẹ về chuyên môn, hai là thiếu một chủ đạo hướng dẫn đời sống tinh thần. Điểm thứ nhất tương đối dễ sửa vì nó thuộc thành công, hiện hình ngay ra trong hậu quả có thể đo đếm kiểm chứng, vì thế nhiều nước đã sửa được rồi, thí dụ: Nga, Mỹ, Anh, Đức; còn chưa cải tổ thì như Pháp và sau đây là thí dụ hậu quả: trong 170 phát minh từ thế chiến đến nay thì Mỹ chiếm 62%, Anh 17%, Đức 14% còn Pháp 2% (Nhân đọc báo dịp Pháp bị khủng hoảng tháng 5/1968 nay không nhớ hẳn. Nhưng nếu có sai ít chút thì là về Anh và Đức).
Điểm thứ hai trầm trọng hơn nhiều vì thuộc thành nhân hay nghệ thuật sống thì chưa đâu tìm ra đầu mối để cải tổ. Quyển giáo dục của Henri Adam một sách uy tín vào bậc nhất trong vấn đề giáo dục bình luận về nền giáo dục Mỹ như sau: "hết chín phần mười chương trình là vô ích, còn một phần thì có hại. Tất cả đều không dẫn người học đi vào sự chín chắn nào cả mà chỉ làm cho trượt ngã trong mọi địa hạt vì không một mối ràng buộc cấu kết nào, nhưng chỉ là một đống những mảnh đổ vỡ". Vì thế con người thời đại đang cảm thấy xao xuyến, khắc khoải, lo âu cám cảnh như kẻ không nhà không cửa, không quê nước.
Quyển này nhằm đóng góp vào việc cải tổ chương trình giáo dục, nhất là ở điểm hai bằng cách đề nghị một cơ sở tinh thần cho nền giáo dục và văn hóa. Cho tới nay thường các sách viết về giáo dục chỉ bàn rộng ở hai đợt đầu là phươg pháp (dạy cách nào cho học sinh dễ hiểu dễ nhớ) và hành chánh (về các giải pháp, tổ chức¼) còn về triết thì bàn rất ít. Lên tới cấp hiến chương thì hầu chưa. Bởi vì muốn nói tới hiến chương là phải đưa ra một cơ sở tinh thần làm nền móng cho giáo dục mà hiện cái đó còn chưa đặt xong. Quyển này muốn bàn đến chuyện đó, nên xin độc giả đừng coi đây như một vận động cải tổ chương trình suông, nhưng nó là, nó phải là một sách trong bộ triết nhân sinh bàn về những vấn đề quan trọng liên hệ tới giáo dục. Chính vì muốn nó là như thế nên chúng tôi đã vượt qua ngần ngại để gọi nó bằng một tên có phần to tát là "HIẾN CHƯƠNG GIÁO DỤC". Xin độc giả hiểu cho đó chỉ là một lối neo chú ý.
Đăng nhận xét