Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

ĐÁI BẬY!

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015 | 13:27

Trên quãng đường đi quanh Sài Gòn, tôi thấy rất nhiều bảng cấm đái bậy. Xin lỗi để được dùng nguyên văn từ ngữ này vì hơi thô thiển. Nhưng điều lạ là: nơi nào có biển cấm đái bậy, nơi đó đái bậy càng nhiều.

Một nơi mà ngày nào đi qua tôi cũng nhìn thấy một vài người đàn ông đang bắc vòi chĩa thẳng vào tường mà ngay trên có biển cấm đái bậy. Các vị đứng thản nhiên như chốn không người mặc dù đó là đối diện cổng trường cấp III và có nhiều người đi lại. Đặc biệt, công viên Lê Văn Tám, nơi đây những hàng rào bị mục nát vì làn nước nóng từ châu thân các anh-ông chàng tuôn ra. Có nhiều người nói rằng: đây, công viên ấy lấy tên của một con người giả dối được tạo nên bởi những con người giả dối thì họ đang đi vào mặt sự giả dối.

Nói như thế thì hơi quá vì Việt Nam đâu có nhà vệ sinh công cộng, nếu có chăng thì cũng quá thưa thớt nên phải tìm chỗ xả thôi. Vậy nên, khi bình xăng đầy thì nhu cầu xả xăng là lẽ đương nhiên. Nhu cầu này thật cấp thiết với con người vì nếu nhịn thì sẽ sinh bệnh, thậm chí vỡ bàng quang với chị em phụ nữ. Song, muốn xả xăng, mọi người cũng tìm một nơi kín đáo chứ đâu như mấy anh đứng tô hô giữa chốn đông người.

Ảnh FB Baron Trịnh

Mấy anh tô hô ấy thì đã sao nào? Nhiều người nói thế và tôi cũng đã nghe như vậy. Sánh sao với trường hợp cán bộ đi xe hơi mang biển xanh đứng trên thành cầu xả nước cứu thân xuống dòng sông. Các vị đứng thản nhiên trên thành cầu mở cửa sổ cho con chim tung bay và vòi rồng thực hiện chức năng của mình. Các vị ai cũng ăn mặc chỉnh tề, thậm chí còn rất thời trang: quần áo body, giầy tây. Trông thật đẹp và hợp gu khi mọi sự diễn ra một cách tự nhiên và hết sức thản nhiên.

Vẫn biết là Việt Nam mình thiếu nhà vệ sinh công cộng nhưng, đến người bình dân đang đứng xả xăng còn thấy ngượng ngùng và dòng xăng ngừng chảy khi có người đi qua huống hồ đây các vị! Các vị là những nhà mô phạm, xét một cách nào đó, để chỉ dạy cho dân sống và hành xử cho có văn hóa. Vậy, với tính tự nhiên trên cầu ấy, liệu còn ai có thể nghe và uy tín các vị sẽ dừng lại ở đâu. Mà uy tín các vị chẳng quan trọng bằng người ta nhìn vào, và nhất là sự xuống cấp của con trẻ nêu chúng thấy mà bắt trước. Cứ như thế, có cả trăm ngàn nghị định cũng không xử lý được vấn đề xuống cấp văn hóa và đạo đức với cái gốc đã bị cuốn phăng.

Thôi thì cái gốc cuốn phăng trong lòng Việt Nam còn đỡ. Đàng này, thời đại công nghệ thông tin, hình ảnh quý vị đã được lưu lại trên in-tẹc-nét mất rồi. Thế giới nhìn vào và đánh giá cả quê hương đất nước chúng ta ra sao? Những người ở trong cơ quan công quyền còn làm thế thì dân sẽ thế nào? Vẫn biết, chỉ một vài hình ảnh ấy không nói lên được tính cách dân Việt. Nhưng, đang này các vị là cán bộ, theo như cách các vị và cơ quan nhà nước vẫn xưng, thì các vị là đại diện, là bộ mặt của dân của nước. Như vậy, có lý lắm, khi nhìn vào hình ảnh trên, người ta bảo rằng: dân Việt bấy đại.

Tới đây, tôi nhớ câu chuyện Cầm Dái Bay. Khi du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, họ thắc mắc sao Vịnh Cầm Dái của Việt Nam ở đâu mà nhiều thế. Từ thôn quê đến thành thị đều có quảng cáo nhưng nhờ ai chở đi hay hỏi cái vịnh ấy ở chỗ nào cũng không biết. Tại sao một cái vịnh phổ biến như thế mà người dân lại không biết. Xin thưa, làm sao mà biết được. Có biết cũng chả dám nói vì đó là Vịnh Đái Bậy - hay nói chính xác hơn là Cấm Đái Bậy. Không biết các vị cán bộ trên có biết tiếng Việt và có biết đọc tên cái vịnh đấy không!? Không biết trên cầu có biển quảng cáo cái vịnh đấy không mà quý vị say xưa tham quan và mở cửa xổ hóng gió tự nhiên đến thế.

Mong sao, cái vịnh ấy gió nhè nhẹ để con chim của quý vị có thể bay được và vòi nước không bị thổi ngược lại. Mong sao gió ở đấy nhè nhẹ để các vị cảm thấy không đủ xướng  chứ gió quá mạnh thì sẽ phóng trung - trúng phong. Mà trúng phong thì tội lắm. Các vị trúng phong còn đỡ chứ dân nước Việt trúng phong hết thì biết làm sao!?

SG 2/2/2015

Đăng nhận xét