Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

CHÚNG SINH KHÔNG MUỐN HẾT BỆNH!

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015 | 18:21

Hôm nay, 11/2, ngày quốc tế bệnh nhân. Ngày kỷ niệm Đức Maria hiện ra tại Lộ Đức. Trải qua năm tháng, biết bao người đã tới đây và được lành bệnh, ngay cả những bệnh mà y học hiện đại phải bó tay. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu Mẹ đến chỉ để chữa lành bệnh tật mà chúng ta đang nhìn thấy hay Mẹ đến còn vì điều gì khác!?
Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức - Ảnh web tgpsaigon

Đặt câu hỏi này, chúng ta cùng nhìn lại tất cả các nơi và các biến cố Mẹ hiện ra. Thông điệp tất cả những lần ấy đều giống nhau và chỉ có một: Hãy ăn năn sám hối; siêng năng cầu nguyện và vững tin vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tất cả các thông điệp khác chỉ là thứ được thêm vào song cũng quy hướng về thông điệp chính yếu này. Như vậy, điều chính yếu, Mẹ đến không phải chỉ để chữa lành bệnh tật thể xác nơi con người nhưng muốn đưa tới sự chữa lành toàn diện.

Viết tới đây, tôi nhớ lại sự kiện lạ xảy ra đây đó với tin đồn Mẹ hiện ra hay Mẹ khóc, Mẹ bay,... Nhiều sự kiện diễn ra khiến người người lũ lượt kéo đến thăm viếng. Kẻ thì tò mò, người thì tìm cách phá rối. Kẻ thì muốn mục kích việc Mẹ hiện ra, người thì muốn được ơn lành nào đó. Tựu chung, ngoài người muốn tìm chứng cớ để đả phá thì hầu hết đều muốn nhận được một ơn lạ nào đó như ơn chữa lành bệnh tật, ơn hoán cải cho người thân, ơn bình an cho đất nước... Có muôn vàn lý do để người ta tới đó. Song, điều chớ trêu là ai ai cũng muốn được gặp Mẹ để xin Mẹ thực hiện điều mình xin.

Thành thật mà nói, nếu chúng ta thực sự yêu mến Mẹ thì chả cần hành hương. (Người viết không muốn đả phá hay phủ nhận giá trị của những cuộc hành hương vì đã có nhiều người phân tích. Ở đây, chỉ xin được trình bày theo một góc cạnh khác.) Hành hương nào có ích chi nếu như người ta chỉ đưa thân xác mình tới đó với câu kinh lời nguyện nhưng trở về với đời sống thì không có chi thay đổi. Cuộc hành hương trở thành phong trào và vô nghĩa khi sứ điệp của Mẹ không được thực thi. Sứ điệp ấy, dù đặt dưới bất kể tên gọi nào khác luôn là : "Người bảo gì, các anh cứ làm theo." (Ga 2,4)

Sẽ là vô bổ nếu ta không làm theo lời Con Yêu của Mẹ. Làm sao để có thể thực thi lời con yêu của Mẹ nếu như không gặp được Người. Như vậy, chung cuộc vấn đề vẫn là gặp Giêsu - Con của Mẹ. Đây là mục đích chính yếu của những lần và những biến cố Mẹ hiện ra và can thiệp đây đó. Gặp Giêsu chính là gặp được vị Đại Y Vương hầu được chữa lành thật sự.

Vị Đại Y Vương này đến trần gian và mãi về sau này không chỉ nhằm mục đích chữa trị bệnh tật nơi thể xác nhưng là chữa trị những căn bệnh tâm linh. Căn bệnh chính yếu làm phát sinh các căn bệnh khác. Căn bệnh ấy được truyền di từ nguyên tổ khi con người cắt đứt đi mối tương quan rộng mở với Thiên Chúa - với nhau cùng với vạn vật. Căn bệnh ấy đã có thuốc chữa. Điều kỳ diệu là thứ thuốc ấy cũng đồng thời là chính vị Lương Y Trọn Hảo mà Mẹ muốn dẫn chúng ta tới. Song thật ra, con người vẫn chưa thực tâm muốn lành bệnh nên vẫn chuốc lấy khổ đau. 

Sẽ mãi còn khổ đau khi nhân loại, nơi con người muốn làm Chúa của mình mà mời Giêsu đi ra khỏi nhân loại. Trớ trêu thay, khi chuyện xảy ra con người lại than trách Ông Trời nhẫn tâm, Ông Trời không có mắt. Một hình thức trốn tránh trách nhiệm khi nguyên do tại mình. Đây chẳng phải là hình ảnh nguyên tổ đổ lỗi cho nhau sao!?

Đổ lỗi cho nhau chưa đủ. Trần gian này, nơi người ta muốn đùn đẩy nỗi khổ đau sang cho nhau và cho người khác gánh chịu. Điều chẳng lạ gì khi các nước giàu biến các nước nghèo thành bãi rác trần gian khi chuyển các nhà máy cổ hủ lạc hậu và ô nhiễm môi trường sang các nước nghèo. Trớ trêu thay, nước nghèo hân hoan mừng rỡ và đón nhận như một ân huệ. Đây có thể gọi là phát súng ân huệ theo kiểu vua ban cho cái chết mà vẫn dập đầu tạ ơn. Như vậy, chẳng phải sẽ còn mãi khổ đau sao? Chẳng phải con người vẫn đang cắt đứt mối tương quan thật sự trên bình diện quốc tế đó sao?

Tương quan quốc tế bị cắt đứt. Nước lớn nuốt nước nhỏ và biến nước nhỏ thành con cờ chính trị. Nhưng, chính người dân cũng biến mình trở thành những kẻ vô tâm khi sẵn sàng bằng mọi cách để có được của cải vật chất mà quên đi tình người. Việt Nam và Trung Quốc là điển hình của hình thức này. Một thứ làm ăn chộp giựt và tôn vật chất lên đầu gạt phăng tình người. Đây là hai đất nước điển hình cho chủ nghĩa duy vật chất. Chỉ là điển hình thôi vì hầu hết các nước cũng đang rơi vào hình thái này khi người ta coi vật chất là thước đo giá trị. Đây là căn nguyên của những cuộc khủng hoảng thừa trong thời gian gần đây khiến con người xoắn đít chạy mà quên đi cuộc khủng hoảng đích thực. Con người khủng hoảng trong chính sự thừa thãi nhưng vô cùng thiếu thốn của mình.

Người với người đã vậy. Ngay chính mỗi cá nhân cũng rớt vào cạm bẫy này khi muốn lệ thuộc hoàn toàn vào người khác trong khi muốn coi mình là cái rốn của vũ trụ. Một thế giới tưởng rằng đang đề cao cái chúng ta thì vô tình đang đề cái ta mà quên cái chúng ta. Ngay cả cái ta cũng được đề cao cách vô duyên và thiếu quân bình. Điều đó thể hiện trong việc đơn giản mà chúng ta thấy ngày nay: các bệnh nhân muốn lệ thuộc vào bác sĩ mà quên đi chính mình là vị bác sĩ đầu tiên của mình. Bệnh nhân và thầy thuốc đề cao khoa học trong khi bỏ ngoài tai vấn đề tâm linh. 

Đến đây, tôi nhớ trong một đoạn trên facebook, Phạm Lê Quốc Việt có nói: Theo thống kê của thư viện y khoa Mỹ: những người có niềm tin tôn giáo và thường xuyên thực hành các nghi lễ tôn giáo thường có tuổi thọ cao hơn và có sức đề kháng mạnh hơn những người không có niềm tin hoặc ít thực hành nghi lễ tôn giáo. Thống kê từ năm 1992-2015 và vẫn còn tiếp tục.

Vậy đó, con người tự bản chất có tính tôn giáo. Tôn giáo là gì nếu không phải là đưa con người trở về với nguồn cội của chính mình để gặp chính mình và biết mình thực là ai. Lạ thay, con người đang chạy chốn và không muốn biết mình nghĩa là đang muốn cắt đứt tương quan với mình trong những mảnh vụn chân lý nhưng tưởng là CHÂN LÝ. Con người đang dần xa lạ với chính mình khi chăm lo cho thân xác ngày thêm phì nhiêu mà quên mất mình là ai và mình sinh ra - hiện hữu trên cõi đời này để làm gì - đâu là ý nghĩa và giá trị đích thực của đời người. Con người ngày nay đang đánh giá sự hào nhoáng bên ngoài thay vì thực chất bên trong. Một thế giới với hệ quy chiếu đảo lộn khiến khổ đau vẫn cứ tiếp tục.

Khổ đau vẫn cứ tiếp tục vì con người vẫn chưa thực sự muốn hết bệnh. Con người ấy vẫn muốn thứ râu ria thay vì tìm và chữa tận căn chứng bệnh của mình. Hành động ấy chẳng khác gì giới Pharisêu và thông luật Dothái, họ chú trọng tới rửa chân tay - bình bát hơn là rửa nội tâm nên lề luật trở nên gánh nặng và án phạt cho nhau. Và như thế, khổ đau vẫn cứ tiếp tục và đầy ra đấy.

Khổ đau vẫn cứ tiếp tục và vẫn đầy ra đấy. Trần gian là thế thế đấy: ô trọc, nhuốc nhơ, xú uế. 

Ô trọc là thế nhưng Giêsu vẫn ôm lấy và chữa lành nó. 

Nhuốc nhơ là vậy nhưng vẫn có con người chấp nhận cho nó dính vào mình để nó trở nên tinh trắng và thiện hơn theo gương lành Giêsu. 

Xú uế là vậy nhưng vẫn có những con người dám ngược dòng để hôn nụ hôn Giêsu cho trần gian thêm thơm tho và đáng sống. 

Những con người ngược dòng đời theo Giêsu ấy đã và đang làm cho cuộc đời này đáng để sống và sống tròn đầy khi trao Giêsu cho trần gian. Những con người ấy vẫn là số nhỏ, số rất nhỏ trong biển trần gian để như nấm men vùi vào đấu bột ngõ hầu men nồng Giêsu biến đấu bột trần gian nên rượu nồng trong tiệc cưới Nước Trời. Số nhỏ của niềm hy vọng và tình mến với đức tin mãnh liệt. Số nhỏ ấy mãi là lời chứng rằng: việc chữa lành thật sự là gặp được Giêsu - Đại Y Vương mà chúng ta cần tới. Vị đại Y Vương này sẽ chữa lành tất cả nếu chúng ta thực sự muốn. Số nhỏ ấy thực sự đã gặp Mẹ và Mãi gặp Mẹ. Mẹ vẫn mãi hiện ra và hiện diện trong cuộc đời của họ vì họ có Giêsu. Họ cùng Mẹ cưu mang và sinh ra bé Giêsu - vị thuốc đắng nhưng chữa được căn bệnh NAN Y đích thực của con người.

Vậy, đến lượt bạn và tôi. Chúng ta có muốn được uống THUỐC ĐẮNG của vị ĐẠI Y VƯƠNG mà Mẹ giới thiệu! Bạn có thực sự muốn hết bệnh! Câu hỏi để ngỏ hầu bạn và tôi cùng cả trần gian này trả lời. Câu trả lời không phải ngày một ngày hai nhưng là bằng cả cuộc đời của chúng ta.

SG 11/2/2015

Đăng nhận xét