Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

ICON-MUỐN HIỂU, PHẢI HỌC 3- Icon Nga qua hai tác phẩm nổi tiếng nhất

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018 | 09:59


Đối với người trong làng mỹ thuật, nói đến icon, hầu hết, đều nói đến icon Nga.

Khi nói đến icon Nga, cũng gần như hầu hết, đều nhắc đến "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir" (Tên tiếng Anh: Our Lady of Vladimir hoặc Virgin of Vladimir ) có từ thế kỷ XII, và "Ba Ngôi Thiên Chúa-theo Cựu Ước" (Tên tiếng Anh: The Holy Trinity hay The Old Testament Trinity) của Andrei Rublev ở thế kỷ XIV.

Trước khi tìm hiểu hai tác phẩm danh giá này, có lẽ, cũng nên có cái nhìn khái lược về icon Nga.

Tuy chịu ảnh hưởng truyển thống icon Byzantium từ thế kỷ thứ IV, nhưng icon Nga chỉ thực sự phát triển với sắc thái riêng bắt đầu khi Giáo hội Chính Thống Nga tách ra khỏi ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Constantiople (tên cũ là Byzantium) từ đầu thế kỷ XI.

Phát triển muộn, và mang màu sắc Chính Thống giáo, icon Nga không còn chịu sự trói buộc bởi quá nhiều qui phạm chặt chẻ như ở icon Byzantium. Xin nhớ lại, icon Byzantium ra đời từ thế kỷ thứ 3, và trong suốt thời gian dài trải qua nhiều thế kỷ đã phát triển trong tư thế đối đầu với khuynh hướng bài hình Thánh (Iconoclasm)-cấm thể hiện và thờ hình ảnh Chúa Cứu Thế hoặc các vị Thánh vì coi đó là sùng bái ngẫu tượng-do Hoàng đế La Mã Đông phương Leo III (685 – 741) chủ trương, và kéo dài cho đến sau thời Leo V (813-820) (chỉ đến thế kỷ XI mới chấm dứt hẳn). Để tồn tại cân bằng trong tư thế đối đầu dai dẳng này, icon Byzantium phải tuân thủ các qui phạm thần học hết sức nghiêm ngặt và được kiểm soát chặt chẽ. Một họa sĩ icon Byzantium, chỉ cần có một chút sai lạc là có thể bị kết tội lạc giáo, tà giáo và có thể bị đưa lên giàn hoả thiêu... Phát triển từ thế kỷ 11, icon Nga, không còn chịu sức ép của cuộc đối đầu như vậy nữa. Các qui phạm thần học, do đó, cũng được thả lỏng hơn. Dấu ấn của các nhà thần học trên icon dần dần phải nhường bước trước đức tin và cá tính của người nghệ sĩ.

Với lợi thế hoàn cảnh như vậy, icon Nga đã thuận lợi phát triển với các đặc điểm (không thể có ở icon Byzantium):

Một, dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ trên tác phẩm icon ngày càng trở nên rõ nét. (Nếu ở icon Byzantium hiếm khi chúng ta biết tên tác giả, thì ở icon Nga, ít nhất từ thế kỷ XIII, gắn liền với mỗi tác phẩm đều có một tên tuổi nghệ sĩ rõ ràng)...

Hai, ở icon Nga, phần lớn, đã không còn quay lưng lại với tự nhiên, với những tình cảm mang tính thế tục như ở icon Byzantium nữa. Trước icon Nga, người ta đã có thể bàn về các sắc thái tình cảm (nằm trong kinh nghiệm con người) biểu hiện qua dáng dấp và chân dung nhân vật...

Ba, khi dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ trên tác phẩm icon ngày càng trở nên rõ nét, thì vấn đề bút pháp và phong cách cá nhân cũng có thể được bàn đến...

Trước những đặc điểm này, sự nhìn nhận và đánh giá icon Nga, cũng sẽ phải khác. Chúng ta sẽ phải đối diện với tính chủ quan nơi tác phẩm, mà hệ quả thường, là sự tương đối trong các nhận định, có khi còn cả mơ hồ!...


Bây giờ, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu hai tác phẩm icon đã được đề cập.


I. Về "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir".
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Tác phẩm này, thực ra, có nguồn gốc Hy Lạp. Nó được đưa đến Nga bằng một con đường dài gắn liền với nhiều sự kiện ly kỳ. Trước tiên, từ năm 1131, nó được đưa đến Ukraine, như một món quà Thượng phụ Hy Lạp Luke Chrysoberges của Constantinople gởi tặng Đại công tước Yury Dolgoruky của Kiev. Sau thời gian lưu giữ tại Tu viện Mezhyhirskyi, Kiev, năm 1155, tác phẩm được chuyển về Vladimir. Theo truyền thuyết, ban đầu, con trai đại công tước Yury Dolgoruky-Andrey Bogolyubskiy-không có ý định đưa tác phẩm đến Vladimir, nhưng trên đường vận chuyển, khi đến Vladimir, con ngựa của ông đã kiên quyết không chịu đi nữa. Mọi người giải thích điều này như một dấu hiệu cho thấy "Thánh tượng" muốn ở Vladimir. Andrey Bogolyubskiy cũng tin như vậy. Ông dừng lại, và xây dựng ở đây một ngôi nhà thờ lớn dành riêng cho "Thánh tượng". Bắt đầu từ đó, tác phẩm có tên "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir". Năm 1395, trong cơn hoảng loạn trước cuộc tàn phá của quân Mông Cổ xâm lược, tác phẩm đã được chuyển đến Moscow. Lúc tác phẩm được chuyển đến Moscow, cũng là lúc quân Mông Cổ rút lui ra khỏi đây. Điều này, đã khiến cho người dân Nga tin tưởng mãnh liệt hơn vào quyền uy linh thiêng của "Thánh tượng". Trong một khoảng thời gian ngắn, tác phẩm đã được nhân bản (với vô số biến thể) và được thờ kính ở khắp nơi trên đất nước Nga...

Câu chuyện lịch sử gắn bó với người Nga ở trên chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn, điều khiến người ta xem tác phẩm này như một "đại diện" của icon Nga, bởi thực tế, cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, nó gần với truyền thống icon Nga hơn là truyền thống icon Byzantium.

Như đã nói ở trên, icon Byzantium vốn nghiêng nặng phần duy lý. Tác phẩm icon, thực sự chỉ là một văn bản thần học kinh điển bằng hình ảnh. Trong mỗi icon Byzantium, dấu ấn của các nhà thần học che khuất bóng dáng của người nghệ sĩ. Tác phẩm "Chúa Thánh Thần hiện xuống" và "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp" tôi giới thiệu trong hai bài trước là hai ví dụ điển hình: tất cả, đều chỉ là những tượng trưng, và, "cái đẹp" được hiểu là sự sáng tỏ của chân lý "Thánh thiêng" được thể hiện qua hình thức tinh lọc của hình ảnh-phi cá tính hoá(1). Icon Nga khác. Khác, trước hết, bởi nó nghiêng về tự nhiên, thể hiện Thiên Chúa bằng các hình ảnh mang tình cảm con người. Và khác, tiếp theo, là để cho các tình cảm cá nhân của người nghệ sĩ được thể hiện qua những khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình. "Cái đẹp" ở đây, bên cạnh tính chuẩn mực tương đối trong cách lý giải chủ đề, còn hướng đến những tình cảm rung động và dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ...

Hãy nhìn kỹ tác phẩm "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir": Tuy vẫn là sự cách điệu hoá với ngôn ngữ biểu trưng của "Thánh tượng", nhưng nổi bật ở đây là tình cảm mẹ con. Đức Mẹ Đồng Trinh đang biểu lộ sự đau thương, sầu muộn trước viễn cảnh Khổ Nạn của con mình. Còn Chúa Hài Đồng, thì như mọi em bé khác, hồn nhiên áp má âu yếm mẹ mình.

Tình cảm biểu hiện trong tranh đã làm xúc động lòng người. Nó làm cho "Thiên Chúa" trở nên gần gũi hơn với mọi người. Theo nhiều học giả, không phải ngẫu nhiên "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir" lại đi sâu vào lòng người Nga đến vậy. "Thánh tượng" hiện diện, như một nguồn an ủi, trong giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử của họ... Họ xem "Đức Mẹ Đồng Trinh (của) Vladimir" là "Mẹ của mình"!


II. Về "Ba Ngôi Thiên Chúa-theo Cựu Ước", 1410-20, của Andrei Rublev.
Trong hình ảnh có thể có: 3 người
Tác phẩm này được Andrei Rublev (1370-1430) sáng tác trong giai đoạn từ 1410 đến 1420, để phục vụ việc thờ kính ở Nhà thờ Ba Ngôi của Ðan viện Thánh Serge.

Theo nhiều học giả, đây là icon xuất sắc nhất của Nga. Mà theo họ, trước hết, là bởi sự độc đáo trong cách đánh giá chủ đề của tác giả.

Trong Cựu Ước, thông điệp Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện qua câu chuyện ba người khách lạ đến với Abraham.

Trong nhiều icon khác, cùng chủ đề, hình ảnh trong tranh, thường, là sự trần thuật mạch lạc, không bỏ qua chi tiết nào của câu chuyện. Hình ảnh icon có gam màu nâu sẫm tôi đặt dưới cùng ở đây là một ví dụ:

Ở giữa tranh là ba người khách lạ có cánh-hiện thân của Thiên Chúa-ngồi thành ba góc quanh một chiếc bàn tròn. Đứng hai bên ba người khách lạ là Abraham và Sara. Ở tiền cảnh, là hình ảnh Abraham cùng người giúp việc đang cắt tiết chú bê non để đãi khách. Và hậu cảnh, một bên, là căn lều của Abraham được thể hiện như một ngôi đền-nhấn mạnh vị thế của Abraham trong cộng đồng Dân Chúa, và bên kia, là cây sồi Mamrê mang ý nghĩa của "Cây sự sống " được giảng truyền trong Kinh Thánh...

Trong tác phẩm của Andrei Rublev, điều đầu tiên dễ thấy, là câu chuyện trong Kinh Thánh đã được giản lược: không còn hình ảnh Abraham và Sara, cũng như hình ảnh cắt tiết bê nữa. Ngoại trừ hậu cảnh vẫn giữ nguyên hình ảnh "ngôi đền" của Abraham và "Cây sự sống", chủ đề chính, đã được tập trung vào "ba người khách lạ".

Sự giản lược này, là không thể có trong truyền thống Byzantium. Và, chính sự giản lược này, đã khiến cho tác phẩm của Andrei Rublev có cấu trúc hình họa gần với tự nhiên hơn. Và khi, chính các nhân vật cũng được thể hiện gần hơn với hình ảnh con người trong tự nhiên, câu chuyện trong tác phẩm đã hoàn toàn mang một dáng vẻ hiện thực.

Cách lý giải chủ đề trong tranh của Andrei Rublev, do đó, cũng đã mang một tính cách khác, và dường như ông hoàn toàn tự chủ trong việc này.

Nếu như ở tác phẩm được đưa ra so sánh ở trên, sự lý giải chủ đề căn bản vẫn phải dựa vào các biểu tượng thuần lý thuộc truyền thống Byzantium (Tương quan của các biểu tượng hình học trong tác phẩm là các yếu tố để nhận biết Thiên Chúa, và sự hợp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa: Hình tròn của mặt bàn đó là biểu tượng của Thiên Chúa; còn ba người ngồi ba góc, hợp lại thành một tam giác-một mặt bằng cơ bản-là biểu tượng của sự hợp nhất...) thì ở tác phẩm của Andrei Rublev, ông đã dựa chủ yếu vào sắc thái biểu cảm của hình, của màu.

Ngôn ngữ biểu tượng của các ký hiệu hình học vẫn có đó nhưng trở thành tiềm ẩn. Nổi bật trong tranh chính là dáng vẻ thanh cao hiếm có nơi hình ảnh các nhân vật cùng sự hài hòa siêu thoát của bố cục. Theo các nhà nghiên cứu, chính sự hài hòa với dáng vẻ thanh cao này, đã khiến cho tác phẩm có sức lay động tức thì và sâu xa mà không cần đến bất cứ sự diễn giải có lý nào.

Thực tế thì cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi với cố gắng "giải mã" trong ba nhân vật trong tranh, ai là Chúa Cha, ai là Chúa Con và ai là Chúa Thánh Thần v.v... nhưng rốt cuộc, gần như hầu hết đều thừa nhận, những cố gắng đó của lý trí vẫn là cái gì hết sức khập khiễng trước trữ lượng cảm xúc cùng sức mạnh siêu hình vô biên nơi tác phẩm...

Henri Nouwen-một chuyên gia về icon-đã viết về tác phẩm: "Andrew Rublev vẽ bức tranh này không chỉ để chia sẻ thành quả những suy ngẫm trong thiền định của mình về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mà còn mang lại cho mọi người một tình cảm trong sáng và nồng nhiệt hướng về Thiên Chúa. Sự thánh thiện cùng sự hài hòa tuyệt hảo nơi tác phẩm đã nuôi dưỡng đức tin nơi chúng ta. Sẽ rất khó khăn để tìm giải thích hữu ích cho chủ đề Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng những gì có thể cảm nhận nơi tác phẩm của Andrew Rublev thì dường như đã mang mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi vào đôi mắt bên trong của chúng ta. Khi tôi đặt mình ở phía trước tác phẩm và cầu nguyện, tôi luôn có cảm tưởng như được tham gia vào cuộc trò chuyện thân mật của Thiên Chúa. Tôi có cảm giác mình được nâng lên trong tình yêu thương chan chứa và diệu hiền..."

*

Thực tế, rất khó có cảm nhận đúng về các tuyệt tác nghệ thuật, nhất là khi chúng ta không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm. Thường, chúng ta chỉ có thể bàn được về những chuyện bên lề, bên ngoài tác phẩm. Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Những bài viết này của tôi, bởi vậy, thực chất cũng chỉ là những giới thiệu để có ý niệm, "làm quen", và để khơi gợi cho sự suy tưởng và suy nghiệm mà thôi...


NGUYÊN HƯNG
(Trích slide bài giảng về icon)



Đăng nhận xét