Thật lạ kỳ, đúng ngày cầu nguyện cho ơn gọi, một vị tu sĩ, chẳng biết trẻ hay già thắc mắc: tại sao càng tu lâu càng dữ vậy?
Hay nhỉ, khi đi tu, ai cũng nói em hiền như ma xơ kia mà. Vậy tại sao càng tu càng dữ. Tu lâu phải hiền chứ?
Thật ra, đây là chuyện chúng ta gặp phải thường xuyên trong xã hội Việt Nam, theo kiểu sống lâu lên lão làng, ma cũ bắt nạt ma mới hoặc, xưa ta sao giờ giới trẻ vào sau chúng phải như vậy. Tất cả có lẽ xuất phát từ quan niệm sống và một nền giáo dục đóng.
Quan niệm sống của xã hội Việt Nam từ thuở nhỏ, các em được dạy rằng phải chăm, phải ngoan, phải xây dựng hình ảnh hoàn thiện trong ánh mắt của người khác. Rốt cục, nhiều em như những ông bà cụ non. Thật buồn khi cha mẹ thấy thế làm hạnh phúc bởi hãnh diện vì con mình già trước tuổi. Cuối cùng, con trẻ mất đi ánh mắt trẻ thơ với sự hồn nhiên để khám phá thế giới mới mẻ xung quanh. Các em không được là chính mình nhưng là một hình ảnh bị ép buộc do cha mẹ vô tình dựng nên hơn là hướng dẫn các em hoàn thiện nhân cách và cuộc đời mình. Những dấu ấn trẻ thơ này sẽ theo từng cá nhân khi họ dấn thân vào đời sống tu trì. Đâu dễ gì qua đi. Bởi vậy, gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tu trì.
Đời sống tu trì khiến người ta lên hương. Lên hương vì một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Một số anh chị em phật tử cho rằng: phải có căn lắm mới tu được; phúc đức tổ tiên bao đời nhà mới có một người đi tu. Người Công giáo thì cũng hãnh diện không kém khi kẻ đi tu được tiếng là Chúa gọi. Bởi vậy, gia đình có con đi tu thì thêm hãnh diện với đời vì được gọi là ông bà cố. Cứ thế, ra đường vẻ mặt vênh vang. Rốt cuộc, đi tu không phải vì tu mà vì được tiếng cho mình hoặc cho gia đình. Đó cũng là một áp lực khiến cho những người tu trở thành những kẻ sống giả tạo dưới nhiều hình thức khác nhau.
Lối sống giả tạo ấy một phần cũng do người tín hữu Việt Nam quá coi trọng những người đi tu. Chính họ tôn những người đi tu lên bậc thần thánh và đòi hỏi khắt khe đến lạnh lùng. Người đi tu luôn phải tỏ ra đạo mạo và trí thức thay vì một hình ảnh hồn nhiên và gần gũi. Đó cũng là lý do khiến cho tầng lớp tu sĩ hư đi vì hư danh hơn là để cho mình trở nên dễ mến, dễ gần và đáng yêu. Không được sống thật, người tu sĩ đôi khi chỉ là đối tượng để người ta ngưỡng vọng, kính nhi viễn chi!
Bởi vậy, người tu sỹ xem ra phải gồng mình mà sống. Không tu được cũng phải tu. Nếu xuất thì cha mẹ sao có thể ngẩng mặt lên nhìn đời. Xấu hổ lắm, chỉ có nước bán xới đi nơi khác mà sống. Kẻ xuất tu thì cũng lận đận chẳng kém. Thành thử ra, có nhiều người đi tu mà chẳng phải đi tu mà là một cuộc chạy chốn khỏi dư luận hơn là sống thật với chính mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tìm kiếm hoạt động, danh lợi, tiếng tăm hay một thứ gì để khỏa lấp đi sự trống vắng thực sự trong lòng mình. Đời tu như thế thật khổ vì chẳng được sống thật với chính mình, chẳng được trải lòng mình ra, chẳng dám thay đổi vì ngổn ngang những thách thức của dư luận. Xem ra tu là thánh rồi! Là không được phép mắc lỗi.
Lối sống giả hình do chính họ tạo ra hoặc do xã hội và gia đình tác động vào đã khiến cho đời sống của người tu sỹ chất chứa đầy tổn thương mà đôi khi họ không ý thức. Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân một ngày nào đó nó xì ra khi ta không còn dùng lý trí, ý chí để kiếm xoát hoặc khi đã có quyền hành trong tay dưới một danh nghĩa nào đó. Tất cả xì ra như một cách trả thù đời, như một cách để thể hiện quyền lực.
Nhiều nhiều thứ ảnh hưởng đã tạo nên một người tu sỹ càng tu lâu càng trở nên khó tính. Song, có lẽ điều cốt lõi nhất cõ lẽ do họ chưa xác định rõ Tu là gì? Tôi đi tu để làm gì? Tu rồi tôi thuộc về ai? Điều chính yếu ấy khi nào chưa trả lời được thì chúng ta vẫn sẽ còn đầy dẫy những người khó tính bởi đơn giản, họ chỉ đi làm việc của nhà tu. Bao lâu, chưa thoát ra khỏi vỏ bọc này, có thể, nhà tu sẽ trở nên dữ dằn với người thuộc quyền mình hoặc với chính mình mà không hay!
Ước mong sao người tu sỹ khi càng tu thì càng trở nên dễ thương hơn. Chúng ta sẽ cùng chia sẻ về vấn đề đó trong một dịp khác.
Đăng nhận xét