Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

ĐẠO QUẸT

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015 | 21:19

Tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, tôi gặp các bạn trẻ rủ nhau đi lễ vui vẻ. Vui vẻ tung tăng từ khi đi cho đến khi vào dự thánh lễ và tận khi rời khỏi thánh đường. Thật là một điều lý thú vì các bạn trẻ tham dự thánh lễ tích cực!?
Tuổi trẻ hăng say lướt điện thoại

Quả là tích cực khi ngồi trên xe, hai bạn yêu nhau chẳng vội để ý đến nhau. Kẻ ngồi sau chăm chú ipad hoặc điện thoại quẹt quẹt mỉm cười thích thú.

Quả là tích cực khi vào thánh đường, cả hai có thời gian dành riêng cho nhau. Tại đó, thay vì tham dự thánh lễ, họ trò chuyện và ra sức thể hiện tài năng quẹt của mình lướt qua những hình ảnh và dòng tin tức.

Quả là tích cực khi về chàng vội lấy xe còn nàng mải mê quẹt cho đến khi chàng gọi em ơi mới giật mình.

Quả là tích cực khi linh mục giảng lễ hay lúc rước lễ, nhiều bạn trẻ không còn gì để nghĩ suy nên lôi điện thoại ra quẹt.

Quẹt hay lướt tay trên các thiết bị công nghệ hiện đại tràn lan từ trẻ tới già. Nơi đó, trong thánh đường, nhiều người thấp thỏm lo lắng cho công chuyện chốc chốc lôi điện thoại ra quẹt. Chốc chốc, em thơ hay các chàng và cô nàng bảnh trai xinh gái lướt game hoặc choọc choọc bàn phím nhắn tin cho người yêu khi có tiếng tinh tinh xuất hiện. Nói chung quẹt mọi nơi mọi chỗ.

Quẹt trên đường đi, vào nhà thờ, nhà chùa cũng như nơi hội họp hoặc nơi phố xá. Quẹt cả khi đã về đến nhà. Quẹt tạo không gian riêng để không ai phiền đến ai. Dường như thế giới đang thịnh hành thứ đạo mới: đạo quẹt.

Với đạo quẹt, người ta tới với nhau chỉ là thoáng qua và mọi sự đều là tương đối trong ích lợi dành cho mình. Đó là lý do của những đổ vỡ tương quan trong gia đình khi vợ chồng con cái xoay các hướng khác nhau và chỉ quẹt qua đời nhau rồi hướng vào màn hình và lướt, quẹt.
Mỗi người một hướng, ta cùng quẹt

Với đạo quẹt, ranh giới trở nên nhỏ hẹp và cả thế giới trong lòng bàn tay. Có lẽ vì thế, người ta trở nên to lớn mà coi tất cả là nhỏ nhặt không cần lưu tâm. Thần linh, đấng mà mình tôn thờ giờ đây cũng chỉ  nằm trong lòng bàn tay. Quan trọng chi và ta tìm thần linh đó trong cái quẹt của mình.

Nhưng, cái quẹt đến khổ. Cái quẹt trở nên mong manh khi một cú va đập mạnh hoặc cú trượt tay vô ý. Khi đó, cái quẹt vỡ tan. Vỡ tan và vỡ vụn không thể quẹt trong sự tiếc nuối của chủ nhân. Cái quẹt cũng trở nên tai họa cho những anh chàng và cô nàng sành điệu khi chính họ trở thành nạn nhân của những vụ cướp. Cái quẹt cũng trở thành miếng mồi ngon nhử ai đó đi vào con đường tội lỗi vì muốn bằng bạn bằng bè. Tới đây, tôi nhớ lại câu chuyện em bé mê điện thoại cảm ứng:

Số là em mất mẹ và sống cùng bố chạy thận nhân tạo trong bệnh viện. Em chín tuổi. Em trai bán vé số để kiếm tiền nuôi bản thân và phụ bố. Tuy nhiên, khi thấy ai dùng điện thoại lướt game, em bỏ quên không đi bán và chấp nhận bị bố đánh đòn. Em mơ ước mình trúng vé số 1,5 tỷ để có tiền mua điện thoại và quẹt như ai. Mơ ước của em là thế, mơ ướt quẹt.

Có lẽ, câu chuyện của em cũng nói lên sự thực của xã hội công nghệ ngày nay. Với công nghệ thông minh, truy tìm thông tin trở nên nhanh chóng và ranh giới dường như bị xóa nhòa. Tuy nhiên, nó cũng là thứ mà nhiều người dùng để đánh giá nhau hơn là những gì thực chất bên trong. Chính tôi cũng đã từng bị như thế khi anh bạn trẻ nói tôi cổ lỗ sĩ nên mới dùng điện thoại hai chức năng nhe và nói. Con người đánh giá nhau với những gì tùy thuộc và chính mình tùy thuộc các mặt hàng công nghệ hơn chính mình là.

Không chỉ đánh giá nhau bởi những thứ tùy thuộc, con người còn ngại tiếp xúc trò chuyện cùng nhau. Đã có chuyện, anh đứng dưới bếp gọi điện hoặc nhắn tin lên nhà mời em xuống thay vì xải vài bước chân tới nơi thể hiện sự quan tâm.

Quan tâm làm chi những hình thức cổ hủ ấy khi chỉ vài hàng tin nhắn có thể chúc mừng và điều khiển ai đó tặng quà dùm mình. Điều này có lẽ chúng ta cần học lại câu nói của tiền nhân: một mặt người mười mặt của. Điều quan trọng là chúng ta hiện diện tại đó và trong cuộc đời nhau chứ không phải là hình bóng hay điều gì lướt qua như quẹt điện thoại.

Kitô giáo là thế. Kitô giáo là tôn giáo với nền thần học hiện diện. Thiên Chúa ở ngay đây và bên tôi lúc này, mọi lúc mọi nơi và mọi biến cố đời tôi. Đó là hệ quả tình Chúa yêu tôi. Đáp lại tình Người, chính tôi cũng sống nền thần học hiện diện ấy. Khi tới nhà thờ, tôi hiện diện ngay đây và lúc này trò chuyện thân tình với Chúa. Khi gặp nhân vật vị vọng, chúng ta đã phải tắt nguồn điện thoại để hiện diện cách tích cực không dám rời mắt khỏi đối tượng. Nói theo công nghệ, trong thánh đường, chính tôi online với Chúa và hồi đáp lại người trong câu chuyện tình yêu giữa hai người yêu nhau, trong buổi hò hẹn. Vậy cớ sao tôi online nhưng để chế độ bận. Chúng ta đang muốn quẹt qua đời nhau và cũng muốn như vậy với Thiên Chúa. Chúng ta đang gạt đi nhân vật vị vọng đem lại bình an và hạnh phúc cho đời mình để đổi lấy mảnh vụn mong manh dễ vỡ chỉ một cú xảy tay. Rạn nứt và đổ vỡ  tương quan giữa người với người trong xã hội nảy sinh khi con người quên đi nền thần học hiện diện.

Nền thần học hiện diện mời gọi ta hiện diện thực sự trong cuộc đời nhau vì chúng ta thấu hiểu Chúa yêu thương, hiện diện trong đời mình thế nào. Hiện diện chính là tập chú và dành trọn mối tình cho người mình yêu. Vì thế, khi tham dự thánh lễ, chúng ta tham dự tích cực để rồi từ đó, chúng ta có động lực và sức mạnh để thực thi nền thần học hiện diện. Hiện diện với đời và với người. Hiện diện cách tích cực trong Đức Ái vì chỉ khi hiện diện và yêu người cách trọn hảo, chúng ta mới sống tình yêu đích thực với Thiên Chúa. Vậy, lẽ nào, chúng ta không tự nhắc nhở nhau: hãy hiện diện với Chúa cách tích cực khi tham gia phụng vụ và xin Chúa hãy mãi hiện diện trong đời để ta có thể yêu người ta yêu và yêu hết thảy mọi người. Chính khi mời gọi tham phụng vụ tích cực là lúc chúng ta đang chia sẻ cho nhau nền thần học hiện diện Kitô giáo. Một thần học yêu thương, chia sẻ và quan tâm thật sự. Thần học hiện diện chứ không phải đạo quẹt.

Sài Gòn 28/12/2015

---------
Ảnh sưu tầm trên internet

Đăng nhận xét