Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Cái chết của Đỗ Đăng Dư và những câu hỏi

Written By Thanhcao's Blog on Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015 | 12:18

Theo dõi tin Đỗ Đăng Dư chết và cách xử lý của cơ quan công quyền cũng như truyền thông, lòng tôi se thắt lại. Em chỉ lấy trộm có hai triệu đồng, đó là theo báo chí nhà nước, nhưng có sự thay đổi từ 1,5 lên đến 2 triệu sau khi em chết. Dù bao nhiêu đi nữa, em đã phải trả giá bằng những ngày giam cầm và cả tính mạng.
Con đau một mẹ đau ngàn lần! Dư và mẹ Dư khi nhận tin em mất


Em ra đi để lại nỗi đau tột cùng cho người mẹ. Em ra đi, mẹ em đau như thanh gươm đâm thấu tim gan. Dáng mẹ hao gày đang khóc em. 
Nỗi đau tột cùng của người mẹ và người thân em Dư

Em ra đi, thân xác kia không còn đau đớn nhưng mẹ và những người thương em đau. Em không đau khi phẫu thuật pháp y nhưng cõi lòng mẹ em nát tan. Em ra đi, hận thù danh lợi chẳng còn ý nghĩa nhưng rất có thể, đây sẽ là nỗi đau và sự thù hằn sâu trong tâm hồn mẹ và những người thân của em. Em biết không, em là dấu hỏi lớn để cho bao người thức tỉnh:
Nỗi đau mất con của người mẹ quê

Em là dấu hỏi lớn cho các nhà làm luật và thực thi pháp luật ở Việt Nam. Luật phải làm sao để bảo vệ con người chứ không phải là công cụ để hiếp đáp dân chúng. Những người thi hành pháp luật phải là những người thượng tôn pháp luật và bảo vệ dân. Sự ra đi của em là câu hỏi cho chính những con người này nếu thực sự họ còn chút lương tâm!

Em là câu hỏi cho giới y tế. Ngành y là để cứu người chứ không phải là nghành để cộng tác với bất cứ một thứ sức mạnh nào để trục lợi và hủy hoại mạng sống, dù đó có là cường quyền, chính trị, kinh tế hay bất cứ tổ chức nào. Đến lúc cần đặt lại, nếu không muốn nói là cần thay thế quan niệm y đức như tôi từng được học, đạo đức của người cán bộ y tế xã hội chủ nghĩa. Y đức là y đức chứ không có cái đuôi xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa gì hết. Y đức mà gắn vào mấy cái đuôi chính trị thì trở thành công cụ cho cường quyền.

Em là câu hỏi cho biết bao người dửng dưng trước những bất công bạo tàn của xã hội. Chính sự vô cảm của họ đã giúp thần chết hỏi thăm con em chúng ta nhanh hơn. Trớ trêu thay, thần chết lại không đến theo đúng hạn định mà lại bởi bàn tay của con người, điều hoàn toàn có thể ngăn chặn. Em là câu hỏi lớn cho sự vô cảm trong cả một hệ thống xã hội từ trên xuống dưới. Sự vô cảm đưa tới cái chết từ thể lý đến tâm thần và tâm linh.

Em là câu hỏi cho các bạn trẻ Việt Nam. Đâu là mục đích và lý tưởng sống của các bạn? Tiền tài có phải là tất cả? Học vấn phải chăng là tất cả? Nhìn em đi: mạng người chỉ đáng hai triệu thôi sao? Nhìn em đi: tương lai bị cướp mất với hai triệu đồng? Nhìn em đi: quyền con người bị tước đoạt bởi hai triệu đồng? Nhìn em đi: hạnh phúc khép lại khi em chưa thành niên và đường học vấn cũng chưa tới nơi? Nhìn em đi: đâu là công lý và sự thật? Nhìn em đi: đâu là lòng nhân? Nhìn em đi: đâu là tương quan giữa con người với nhau?... Muôn vàn câu hỏi dành cho các bạn trẻ. Các bạn đang và sẽ làm gì để cho mình và những người thân cũng như những người dân Việt khác được sống xứng như một con người. Tương lai đang nằm trong tay các bạn. Các bạn có muốn như Dư chăng!

Em Dư đã ra đi với giá hai triệu đồng và nỗi đau chồng chất của người thân. Mạng em giá hai triệu thôi sao? Bạn có muốn mạng của bạn giá hai triệu? Hẳn bạn không muốn như thế. Mạng người là vô giá nhưng phải chăng vô giá nên không định lượng được mà có những người dửng dưng vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Tôi nhớ câu nói của của Karl Marx đại ý như sau: chỉ có súc vật mới ăn thịt đồng loại của mình. Câu nói của Marx cùng với bao nhiêu cái chết trong đồn công an và những cái chết lãng xẹ khác, tôi tự hỏi: chẳng lẽ, con người đang ngày càng súc vật hóa? Có thế chúng ta là những người đang súc vật hóa khi sẵn sàng chà đạp tất cả vì miếng cơm manh áo, địa vị và quyền lực. Khi hành xử như thế, chúng ta khẳng định thế giới này thuộc về kẻ mạnh và mạng người chẳng đáng giá một trinh! 

Không, tôi và bạn hẳng không thể chấp nhận đánh đổi mạng sóng mình vì những thứ mau qua ấy. Tôi tin như thế vì có nhiều người đang ngày đêm không ngừng nghỉ hầu có thế sống xứng đáng là một con người. Có nhiều người không ngơi nghỉ để người khác được sống như một con người có nhân phẩm. Ngay cả cái chết của Dư cũng là một lời cảnh tỉnh về chính bản thân chúng ta và đồng loại. Chúng ta phải làm gì để sống và sống cho ra một con người - một người tử tế.

Sài Gòn 15/10/2015

* Hình ành sưu tầm trên internet

Đăng nhận xét