Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

CÙNG TRỜI TÔI KHÓC !

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015 | 20:53

Sau chuyến rong ruổi nơi đất Bắc, cùng đoàn, tôi đến với xã Phụng Hiệp- Hậu Giang.

Nơi đây, bà con chủ yếu làm ruộng. Khi tới nơi, đồng ruộng đã trống trơn vì lúa đã gặt và bà con đã mang lúa về. Nhìn chung, lúa năm nay được mùa. Song nghịch lý vẫn cứ đeo đuổi: được mùa mất giá - được giá mất mùa. Cái vòng kim cô cứ đeo cổ bà con nơi đây và nhà nông Việt Nam nói chung.

Như vòng luân chuyển, lúa được mùa nhưng giá rớt thảm hại. Bán lúa tươi ngoài ruộng thì chẳng được là bao, thậm chí lỗ nặng. Vì thế, bà con quyết định mang lúa về phơi với hy vọng mình sẽ hòa vốn nếu sau này giá lúa tăng.

Hy vọng tất cả dồn vào những hạt lúa phải chắt chiu chăm sóc tháng ngày đang phơi ngoài sân kia. Những hạt thóc ấy phải đem ra nhà thờ phơi vì ở đó mới có sân chứ nhà đâu có. Ấy vậy, đùng cái trời đau bụng và khóc lớn. Thế là cả sân lúa ngập tràn trong nước.

Thế là xong. Trời khóc to nên nước nổi trên thóc. Những con người cần mẫn chạy thóc chẳng kịp. Không kịp đồng nghĩa với hạt gạo gãy làm đôi làm ba. 

Hẳn ai làm nông cũng hiểu quy luật này. Lúa khi mang về nhà phải phơi cho ráo vỏ ngay nếu không thể phơi săn rồi cất đi. Lúa không được khô vỏ hoặc đã khô mà phải nước mưa thì hạt gạo trở nên đục và vỡ vụn khi xay xát sau này. Đó là thứ gạo tấm. Gạo tấm chẳng thể nấu cơm tấm như loại cơm giá cao mà thị thành vẫn tấm tắc khen ngon. Gạo tấm này chỉ cho lợn, gà, vịt ăn mà thôi. Cùng lắm thì những con người ở đây dùng những hạt gạo này trong nước mắt. Nước mắt tuôn rơi vì hy vọng huề vốn nay chẳng còn.


Hy vọng ấy còn được sát thêm lớp muối bởi ánh mắt và nụ cười trẻ thơ. Cha mẹ và anh chị chúng đang thộc thính giành giật với nước trời hầu được vài bao lúa khô. Giành giật nhưng đâu có kịp. Vậy là nước nổi lên tạo thành những cái ao nho nhỏ cho đàn trẻ nô đùa.


Đàn trẻ nô đùa ngay bên cạnh đống lúa với ao nước mưa cỏn con chứa đầy thóc. Chúng té nước. Chúng bò lăn bò choài với tiếng cười khanh khách. Chúng hồn nhiên giành giật nhưng cái trang, cái cào để cùng cha mẹ chúng gom lúa. Chúng đâu biết là đang làm bận chân người lớn. Trẻ thơ đâu có nghĩ gần nghĩ xa. Chúng chỉ biết hưởng thụ làn nước mát từ trời giữa buổi chiều oi bức. Chúng cười bao nhiêu thì những giọt nước của cha mẹ chúng sa xuống cùng với những giọt nước trời thêm nhiều bấy nhiêu. Chúng đâu biết, đống thóc này quyết định tương lai chúng đến hay không đến trường.

Càng nghĩ về tương lai càng khiến tôi thêm đau và không dám ghi lại hình ảnh những đứa trẻ nô đùa bên vũng nước. Không ghi lại trên máy ảnh nhưng nó cứ hiện mãi lên trong đầu tôi. Hẳn năm xưa tôi cũng đã như thế khi cha mẹ chạy chọt những bao thóc ngoài sân và trên mái nhà. Hẳn cha mẹ cũng cảm thấy như sát muối khi nhìn thấy chúng tôi cười đùa cách hồn nhiên... Tất cả cứ hiện lên trong tôi và làm sống lại ký ức tuổi thơ hồn nhiên nơi quê nhà. Nơi đó, cha mẹ tôi, anh chị em tôi và cả bà con chòm xóm cũng là nông dân.

Càng nghĩ về họ, tôi càng tự hỏi: Tới khi nao người nông dân Việt Nam mới bớt khổ? Tới khi nào, người nông dân Việt Nam làm mới đủ sống bằng sản phẩm của họ? Tới khi nào người nông dân thoát khỏi câu nói: lấy công làm lời? Tới khi nào người nông dân thôi khóc cùng trời? Tới khi nào và tới khi nào? Còn rất nhiều câu hỏi cần đặt ra? Ai mới là người trả lời rốt ráo cho câu hỏi này của người nông dân!?

ảnh: NLinh Vũ

Đăng nhận xét