Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Học để thành công hay để hạnh phúc?

Written By Thanhcao's Blog on Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015 | 22:38

Vt: Một bài viết hay về giáo dục và việc học hành. Chúng ta cần thoát ra khỏi não trạng vốn có xưa nay của người Việt: học để hơn người và thành công để thay bằng học để được hạnh phúc. Thật ra, dù mục đích tốt hay xấu, thì cái đích đến phải là hạnh phúc, cho dù quan niệm đó còn khiếm khuyết. Vì thế, ngay cả việc dạy con học để được hạnh phúc cũng cần hướng cho con biết chọn cho mình tới hạnh phúc đích thực bao gồm ba chiều kích: thể lý-tâm thần-tâm linh.
-------------------- 
Học để thành công hay để hạnh phúc?
Nguyễn Thị Thu Huyền 
(giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Truyền thống coi trọng sự học của người Việt khiến rất nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng lớn lao với con mình. Điều đáng nói ở đây là mục tiêu của việc học là trở thành người thành công hơn là người hạnh phúc.

Đương nhiên, thành công là một mục tiêu tốt nhưng thành công lại không đồng nhất với hạnh phúc. Có một câu hỏi nổi tiếng thế này “Thành công không phải chìa khoá của hạnh phúc. Hạnh phúc mới là chìa khoá của thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, bạn sẽ thành công” (Albert Schweitzer). Như vậy, tìm được tình yêu của mình ở một thứ gì đó là khởi đầu cho thành công. Những đứa trẻ Việt Nam liệu có tìm thấy tình yêu với việc học?

Thỉnh thoảng, tôi dành thời gian đi tư vấn học tập cho học sinh cấp 2, 3. Tôi thường hỏi các em: Em thích tìm hiểu lĩnh vực nào nhất? Kế tiếp mới là câu: Em thích môn học nào nhất? Rất nhiều lần, tôi nhận được những câu trả lời: “Em chả thích thứ gì cả” hoặc “Em không biết em thích cái gì”. Đằng sau những câu trả lời ấy luôn là những câu chuyện dài nhưng có một số điểm chung là: từ lúc còn bé xíu, những điều làm các em thích thú đều bị triệt tiêu bởi bố mẹ và người lớn xung quanh; người lớn ép buộc các em phải học những thứ các em không muốn hoặc học quá nhiều khiến các em khó chịu, phản kháng và tất yếu mất dần sự yêu thích việc học. Vậy thì tại sao ba mẹ, thầy cô không giúp con trẻ khám phá sức hấp dẫn và giá trị của việc học?

Đứa trẻ một tuổi đã bộc lộ nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh. Đó là biểu hiện của nhu cầu học tập rất rõ ràng và cha mẹ cần nuôi dưỡng nhu cầu đó lớn dần lên. Chẳng hạn, cha mẹ có thể cho con nghe, nhìn, đụng chạm, ngửi, nếm những đồ vật, con vật an toàn rồi gọi tên, giải thích đơn giản về chúng. Qua phản ứng của trẻ, cha mẹ cũng có thể phát hiện con hứng thú với điều gì nhất. Lưu ý, mỗi trẻ sẽ bộc lộ hứng thú khác nhau, nếu cha mẹ đã nỗ lực khơi gợi con hứng thú với một điều mà mình cho rằng sẽ tốt cho trẻ nhưng trẻ vẫn từ chối thì nên tôn trọng lựa chọn này của trẻ.

Cách thức này vẫn áp dụng khi trẻ lớn lên. Trẻ được tiếp xúc với các môn học khác nhau ở trường nhưng không phải môn nào trẻ cũng hứng thú, chúng ta phải chấp nhận sự thật này. Cha mẹ lẫn thầy cô cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến trẻ không hứng thú trước khi đưa ra giải pháp hỗ trợ trẻ. Chẳng hạn trẻ không hứng thú vì nội dung môn học quá nặng nề, hàn lâm thì thầy cô và cha mẹ hãy tìm cách giải thích đơn giản, dễ hiểu nhất có thể; trẻ không hứng thú vì phương pháp dạy của thầy cô nhàm chán thì thầy cô phải thay đổi cách dạy, tạo ra các hoạt động sôi nổi, phong phú…

Điều cốt lõi trong các giải pháp này vẫn là làm sao để trẻ thấy vui vẻ, thoải mái khi học tập thì tự thân trẻ sẽ chủ động tìm hiểu, rèn luyện các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực ấy. Lưu ý, nội dung học tập trong nhà trường không phải là tất cả kiến thức trong một lĩnh vực nhất định, hãy khuyến khích trẻ tìm đến thế giới tri thức bao la của con người bằng cách đọc sách, tham gia các câu lạc bộ học thuật, trải nghiệm các hoạt động khác ngoài nhà trường. Tôi từng gặp nhiều học sinh rất chán ghét môn vật lý, hoá học trong nhà trường nhưng lại say mê đọc sách vật lý vui, hoá học kỳ diệu, tìm tòi thực hiện các thí nghiệm. Đây đều là sự yêu thích cần trân trọng và cổ vũ. Thêm nữa, trẻ chỉ hứng thú với điều gì đó khi thấy nó có ích. Vì thế, cha mẹ, thầy cô cần chỉ ra và tạo điều kiện cho trẻ ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống của chính trẻ.

Tình yêu với việc học sẽ giúp trẻ duy trì các hoạt động học mà không cần đến sự hối thúc, ép buộc của cha mẹ và thầy cô. Vì vậy, thay vì hướng trẻ đến các mục tiêu điểm số, thứ hạng trong học tập, thầy cô và cha mẹ hãy hướng dẫn con tìm thấy tình yêu với việc học.

Đăng nhận xét